10 mẹo trang trí nhà ít tốn kém thời “bão giá”

>> Mẹo chăm sóc nhà cửa – nhỏ nhưng “có võ”
Khi bạn đang sở hữu một ngôi nhà, dù với diện tích như thế nào, nhỏ hay lớn, bạn vẫn nên làm đẹp, tô điểm cho chốn đi về của mình. Từng góc nhỏ sẽ trở nên bừng sáng, và phần nào mang dấu ấn phong cách của riêng bạn, sẽ khiến bạn và người thân tìm được cảm giác thân quen, gần gũi, ấm áp pha chút tự hào khi sống ở đây. Dù với ngân sách hạn hẹp thế nào dành cho việc trang trí, bạn vẫn nên bắt tay vào việc decor nhà, để không gian sống của bạn không thể lẫn với bất kỳ không gian nào.
1. “Chơi” với màu sắc
Hãy tận dụng tối đa sức mạnh của màu sắc để làm đẹp cho không gian sống nhà bạn. Thay vì mua đồ nội thất mới đắt tiền, bạn nên “đặt cược” với chính những thử nghiệm của mình, khi mang những gam màu yêu thích, những họa tiết mà bạn cảm thấy bắt mắt để trang trí cho tổ ấm. Có thể là bọc ghế bành, có thể là ga trải giường, có thể là mảnh vải với họa tiết hoa lá tươi tắn thay cho rèm cửa đã cũ kỹ, có thể là thảm trải sàn hay lọ hoa tươi vừa cắm buổi sáng… Tất cả những gam màu hiện diện trong căn phòng một cách khéo léo, sẽ mang đến nét đẹp cá tính đầy tinh tế cho ngôi nhà của bạn.
>> Xem thêm: Tự sơn đồ đạc để làm mới không gian sống
2. Đầu tư vào nội thất chính
Khi ngân sách chỉ dành ra một khoản hạn hẹp, nho nhỏ cho việc sắm sửa, trang trí lại nhà cửa, bạn không nên để mình bị cám dỗ bởi những vật dụng trang trí, bởi chúng vừa khiến bạn tốn chi phí khá nhiều và hiệu quả sử dụng không cao. Hãy để ý tới những đồ nội thất chính như bàn, ghế. Những đồ dùng có kiểu dáng lạ mắt, đáng yêu, với chất liệu bền đẹp để chúng có thể trở thành vật dụng hữu ích cho nhà bạn trong khoảng thời gian dài. 
Nếu trót yêu thích một bộ nội thất đắt tiền, nhưng nếu chúng phù hợp và làm cho không gian trở nên đáng yêu và sang trọng hơn, đừng ngần ngại “tậu” chúng về. Bởi những nội thất này vừa giúp bạn cảm thấy hào hứng hơn khi sử dụng, và chúng sẽ bền đẹp trong nhiều thập kỷ.
3. Trang trí nhà theo phong cách tối giản
Nếu như bạn có một căn hộ hay ngôi nhà mới, việc bỏ ra chi phí lớn để trang trí cầu kỳ và tươm tất sẽ dễ khiến bạn nản lòng nhụt chí. Hãy nghĩ đến phong cách tối giản, từ màu sắc đến cách lựa chọn nội thất. Với phong cách tối giản, sẽ hạn chế đi rất nhiều việc sắm sửa đồ trang trí và bày biện quá nhiều nội thất như các phong cách khác. Điều này sẽ là đáp án tuyệt vời cho những ai yêu phong cách tối giản và vẻ đẹp hiện đại, ít tốn kém chi phí.
4. Không nên vội vã sắm tất cả cùng một lúc
Với việc sắm sửa một lúc tất cả đồ nội thất cho một căn phòng mới, thì chi phí sẽ khá cao, nhất là khi bạn mới trả tiền mua nhà, hay mới đóng tiền thuê phòng theo quý, hay đơn giản là mới bỏ ra khá nhiều tiền cho việc sửa chữa nơi ở. Hãy ưu tiên những đồ đạc, vật dụng chính, cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Và sắm sửa dần dần, những đồ đạc, vật dụng làm đẹp cho không gian.
>> Có thể bạn quan tâm: Bí quyết tân trang nhà đi thuê
5. Đầu tư thời gian, công sức tự tay làm đẹp nhà
Bạn có thể bỏ ra thời gian rảnh rỗi cuối tuần, tìm hiểu và tham khảo những cách tự làm đẹp nhà, và cùng các thành viên trong gia đình bắt tay vào trang trí từng góc nhỏ. Tận dụng đồ cũ cùng những cách sáng tạo thông minh, sẽ không chỉ mang đến cho bạn không gian đẹp ấn tượng mà còn giúp mọi người thêm yêu ngôi nhà của mình.
6. Làm mới đồ cũ
Mọi vật dụng, đồ đạc trong nhà đã đủ cho nhu cầu sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, khi sử dụng chúng trong thời gian dài, mọi thứ vẫn vẹn nguyên khiến bạn cảm thấy nhàm chán, tẻ nhạt khi bước vào không gian. Cách đơn giản, tiết kiệm chi phí đó là phục hồi, làm mới lại đồ cũ. Với sàn gỗ hay bàn ghế gỗ, bạn có thể đánh vecni, với bếp hay khung cửa sổ, bạn có thể sơn lại chúng… Những đồ đạc cũ như được thay bộ quần áo mới, giúp bạn thêm hứng khởi hơn khi sử dụng.
>> Xem thêm chuyên đề: Đồ cũ không phải đồ bỏ
7. Không nên bỏ qua chợ trời
Hãy dành chút thời gian, lang thang ở những khu chợ trời hay những cửa hàng đồ cũ, chắc chắn bạn sẽ “kiếm” được những đồ trang trí độc đáo, tạo nên vẻ đẹp đầy tinh tế và lạ mắt cho không gian, ví dụ như thảm với họa tiết thổ cẩm, bức tranh nhuốm màu thời gian, hay một bức tượng lạ mắt…
8. Thực hiện theo đúng kế hoạch
Trước khi bắt tay vào việc sửa chữa lại không gian, bạn cần có một bản kế hoạch dự toán chi tiết. Điều này sẽ giúp bạn lường trước được các khoản chi phí, để “lo liệu” và hạch toán cho phù hợp với điều kiện tài chính, tránh bị động khi mua sắm hay phát sinh quá nhiều trong quá trình sửa chữa. Dựa vào số ngân sách quy định sẵn, bạn có thể lựa mua những đồ trang trí hay nội thất hợp túi tiền.
9. Nhờ các sinh viên tham gia thiết kế
Hãy nhờ sự hỗ trợ của những sinh viên khoa kiến trúc hay chuyên ngành thiết kế nội thất, họ sẽ đưa ra những phương án hợp lý cho không gian cần sữa chữa hay bố trí lại nội thất cho bạn. Những ý tưởng mới mẻ, thú vị của các bạn sinh viên, sẽ giúp ngôi nhà của bạn đẹp tươi trẻ và tràn đầy sức sống. Và chắc chắn rằng, chi phí để chi trả cho những ý tưởng tuyệt vời ấy, sẽ không đáng kể so với việc nhờ các công ty thiết kế.
10. Chọn đồ nội thất mà không cần sơn hay đánh vecni
Nếu bạn lên kế hoạch thay thế đồ cũ trong nhà, bạn có thể nhờ thợ đóng nội thất theo mẫu mà bạn đã phác thảo. Những đồ đạc như tủ, kệ, chụp đèn, bàn, ghế, giường với màu của gỗ mộc, không sơn hay đánh vecni sẽ có vẻ đẹp thô mộc riêng. Bớt đi một công đoạn, có thể sẽ bớt đi một khoản chi phí và công sức không nhỏ, không gian của gia đình bạn vẫn đẹp một cách bình dị và ấm áp với sắc màu tự nhiên.
 
Lục Bảo
Nguồn ảnh: 51hejia, Pinterest, BHG
(Theo Congluan.vn)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.