Home Cưới hỏi Kinh nghiệm cưới tất tần tật dành cho người lần đầu cưới

Kinh nghiệm cưới tất tần tật dành cho người lần đầu cưới

Cưới mà thong thả? Mơ hay thực?

[PHẦN 1] ĐỂ CƯỚI MÀ VẪN THONG THẢ?

… là tìm Wedding Planner đi cho rồi!

Đó là lời khuyên vô cùng chân thành từ một cô dâu đã bù đầu tự chuẩn bị đám cưới của mình. Vậy wedding planner là ai mà thần kỳ thế? Đó là người sẽ lo dùm bạn tất cả mọi thứ. Bạn chỉ cần lo làm sao có đủ tiền trả cho wedding planner mà thôi. Quá xá khỏe.

Cưới mà thong thả? Mơ hay thực?

Wedding Planner thường bị nhầm với Wedding Decor – vốn chỉ lo trang trí và 1 vài thứ nhỏ khác trong đám cưới. Thế nên để làm một Wedding Planner thực thụ, họ phải xử lý khối công việc “khổng lồ” mà nói chính xác hơn là toàn bộ khâu chuẩn bị cho đám cưới.

Wedding Planner chuyên nghiệp bạn có thể tìm thấy dễ dàng qua facebook, google.

Wedding Planner nghiệp dư là người quen, bạn bè, bố mẹ, cô chú… Ưu điểm của “dịch vụ” này là miễn phí nhưng rủi ro cao như: khá rập khuôn, bạn sẽ hay bị nghe càm ràm, khó được tự làm theo ý thích, đôi khi bể show vì WP thiếu kinh nghiệm.Phân vân tổ chức đám cưới

Và vì “chùn chân” trước các rủi ro như thế nên tớ đã chọn con đường chông gai hơn rất nhiều đó là tự làm Wedding Planner của chính mình. Vâng! Một quyết định gian khổ và rất mạo hiểm với bất kỳ ai sắp làm cô dâu (hoặc chú rể). Đó cũng là cách nhanh nhất để bạn giết chết giấc mơ về một đám cưới thảnh thơi, nhàn hạ. Nhưng có niềm vui nào không tốn công sức? Càng nhiều tâm sức bỏ ra, bạn gặt hái được bấy nhiêu hạnh phúc và niềm vui.

3 lựa chọn, 3 con đường. Hãy đọc để xem bạn thích và phù hợp với “con đường” nào nhất nhé!

 

Thuê Wedding Planner Chuyên Nghiệp

Phù hợp nếu:

  • Bạn muốn thong thả và nhàn nhã.
  • Tài chính tự quyết, không phụ thuộc vào ba mẹ, anh chị hay… ngân hàng. Bạn không cần là tỷ phú nhưng cần rủng rỉnh một xíu vì phí dịch vụ của Wedding Planner thường không rẻ.
  • Bạn muốn một tiệc cưới mới lạ, độc đáo
  • Bạn khá cầu toàn, yêu sự hoàn mỹ và tin rằng đám cưới phải là ngày hoàn hảo nhất cuộc đời. Nếu vậy thì bạn rất nên thuê Wedding Planner chuyên nghiệp. Nếu không bạn sẽ gặp áp lực rất lớn trước, trong và ngay cả sau đám cưới.
  • Bạn bận rộn, thời gian rảnh cạn kiệt. Bạn bè, người thân cũng vướng thời gian biểu y như bạn. Nhưng bạn lại không thích một đám cưới quá đơn giản, quá truyền thống. Thế thì bạn cũng nên tìm một Wedding Planner phù hợp!

Bạn có cần Wedding Planner?

Thật tình tìm được một Wedding Planner hợp gu, lo chu toàn tất cả mọi việc trong ngày cưới giúp bạn là một điều may mắn. Vì nó đảm bảo an toàn cho ngày vui của bạn và bạn có thể thảnh thơi nghỉ ngơi, chăm sóc cho sức khỏe của mình để biến nó thành ngày hoàn hảo nhất. Tuy nhiên khó khăn thường gặp nhất là vấn đề kinh phí, thứ hai là thời gian và thứ ba là không tìm được người phù hợp. Cũng vì một trong những lý do trên mà tớ phải từ bỏ sự thong thả của mình mà dấn thân vào cuộc phiêu lưu chưa biết kết quả. Dĩ nhiên tớ có được rất nhiều niềm vui chứ nhưng bể show cũng nhìu hì hì. Thế nên tớ vẫn nghĩ nếu bạn có điều kiện, tìm WP chuyên nghiệp là tốt nhất. Tùy vào phong cách, cá tính của bạn mà có thể chọn những WP khác nhau vì từng WP cũng có phong cách decor, làm việc riêng. Điểm một vòng có thể thấy các wedding planner ở Tp.HCM như Lynh Thùy Wedding PlannerKiss Wedding PlannerBliss Wedding Planner

Tuy nhiên “thượng vàng hạ cám” cũng khá nhiều nên hãy tỉnh táo và cân nhắc khi lựa chọn. Không phải ai cũng là WP đúng nghĩa để bạn trao gửi nên đừng “tiền mất tật mang” vào mấy chỗ nửa mùa.

Tìm Wedding Planner “người nhà”

WP này có thể là bất cứ ai từ bố mẹ, anh chị em hay bạn bè, họ hàng… Nhưng vì là nghiệp dư nên  rủi ro cũng tăng lên. Đọc list này để biết xem bạn có phù hợp hay không nhé!

  • Bạn thích tiệc cưới như truyền thống. Làm thật nhanh để xong rồi rong ruổi đi honey moon cho vui. Thế thì nhờ bố mẹ, gia đình làm WP giúp là lựa chọn tuyệt vời.
  • Bạn thích tiệc cưới lạ hơn một xíu nhưng lại bận rộn. Thế thì nên chia việc giúp cho WP là anh chị em hay bạn bè (nếu họ không quá bận bịu)
  • Bạn chấp nhận rủi ro, không quá trách móc chính mình khi bị bể chương trình cũng như hiểu là mọi việc sẽ lủng củng chứ không trơn tru hoàn hảo như mơ mộng.
  • Bạn nghe càm ràm được và giỏi kìm nén cảm xúc. Vì thật ra khi đã nhờ bố mẹ, cỡ nào bạn cũng sẽ bị càm ràm đôi chút vì người lớn bận rộn, lo lắng, stress nên cần tìm chỗ “trút” cho thoải mái xíu ấy mà hì hì
  • Bạn có vài người bạn bè đủ tin tưởng để nhờ vả. Đó là những người sẽ cùng bạn chia bớt việc để tổ chức wedding. Nếu bạn không có bất kỳ ai mà vẫn muốn tổ chức tiệc lạ và cộp mác của chính mình thì sẽ rất… mệt đó 😦 khuyên bạn không nên chơi dại!
  • Người bạn nhờ vả làm WP phải cực kỳ tin tưởng, ăn ý và hợp style. Có chung mong ước với bạn và nhất là không bỏ rơi bạn 1 mình trên con đường chuẩn bị lễ cưới.
  • Bạn bè của bạn từng có kinh nghiệm tổ chức wedding hoặc từng chạy event cho công ty chẳng hạn. Họ sẽ quen với cách xử lý tình huống trong ngày trọng đại mà điều đó rất cần thiết. Các hạng mục khác bạn luôn có thời gian chỉnh sửa nhưng trong chính ngày đó, bạn sẽ trở thành “cây kẹo kéo” và bị “kéo” bởi tất cả các bên.
  • Tài chính của bạn vừa đủ, không rủng rỉnh quá cũng không quá thiếu thốn.

Nhờ bạn bè làm Wedding Planner

Được cùng bạn bè, gia đình lo tổ chức tuy có nguy hiểm, rủi ro nhưng là một may mắn rất lớn vì bạn vừa có thể trải qua những ngày đẹp nhất của wedding với họ mà vừa có thể chia sẻ nỗi lòng, lo lắng với những người mình tin yêu nhất. Thế nên nếu bạn có bạn bè đủ tinh tưởng thì đừng ngại ngần nhé. Chắc chắn đó là những ngày mà cả bạn và bạn bè, người thân sẽ nhớ mãi, nhớ mãi… Không chỉ để ăn 1 bữa cho xong mà sẽ cần cả 1 đời để nhớ!

Tự làm Wedding Planner

Vâng, đây là phương án chông gai và đau khổ nhất trong tất tần tật mọi thứ. Mình cực kỳ đảm bảo! Bạn sẽ rối tinh như con heo trong ngày trọng đại, người phụ giúp chính duy nhất là chú rể (mà đôi khi đó cũng là người sẽ làm bạn bực mình nhất =]] ). Bạn sẽ dễ cãi nhau với chú rể hơn, dễ buồn hơn nếu có sự cố nhưng nếu bạn làm đúng cách, wedding đó chắc chắn sẽ in đậm dấu ấn của bạn. Và nếu đọc đến đây bạn vẫn muốn làm thì để cho chắc ăn, đọc tiếp một số điều dưới này để test lại cho chắc ăn nha!

  • Bạn có vừa đủ tiền, không quá rủng rỉnh cũng không quá thiếu thốn nhưng lại nhiễm tính màu mè, thích làm tiệc là lạ, đẹp đẹp như WP chuyên nghiệp làm.
  • Bạn từng có kinh nghiệm chạy event hoặc ít nhất đã tham gia phụ event dù là wedding hay chỉ là event nhỏ trên công ty, nhà thờ, gia đình…
  • Bạn thích đám cưới. Từ trước giờ vẫn luôn thích xem ảnh wedding, tưởng tượng lung tung và khoái những điều bất ngờ, mới lạ.
  • Bạn cực kỳ linh động, yêu bất ngờ dù cho nó không phải là bất ngờ như bạn mong muốn. Có thể nó tốt, có thể nó xấu và bạn đủ bình tĩnh để xử lý nó. (Hoặc ít ra là chú rể)
  • Bạn có bạn bè, người thân nhưng hầu hết đều bận. Đứa nào cũng chỉ có thể giúp 1 ít. Vậy thì bạn nên tự làm WP để liên kết tất cả sự hỗ trợ đó với nhau.
  • Bạn có ý tưởng lạ lạ, hay hay và ý nghĩa. Tự nghĩ được idea nào đó liên kết cả câu chuyện tình của bạn (câu nói, hình ảnh…) và cực kỳ muốn biến nó thành sự thật mà không ngại cực.
  • Bạn rảnh. Hoặc ít nhất là không quá bận trong khoảng 1 tuần trước khi cưới.
  • Bạn chấp nhận bất kỳ sự tranh cãi, mích lòng, sự cố… từ các bên tham gia đám cưới của bạn đổ cùng 1 lúc lên đầu (vì có thể xảy ra). Bình tĩnh, tự tin và từ từ giải quyết.
  • Bể show, sự cố cũng không hoảng. Về nhà cũng không dằn vặt. Đặt niềm vui của khách lên trên hết và cười xuề xòa cho những điều chưa tốt trong ngày hôm đó. Điều này rất QUAN TRỌNG! Vì nếu không có, bạn sẽ dễ dàng biến ngày vui thành ngày thảm họa vì tự trách chính mình mà đa phần đám cưới tự xử nào cũng đầy sự cố.
  • Đôi khi bạn stress cực kỳ, ăn ngủ không được vì lo lắng cũng như tủi thân vì không ai giúp.
  • Bạn chấp nhận chia thời gian để enjoy bữa tiệc trở thành thời gian để lo cho chương trình, decor, chụp hình… tất tần tật mọi thứ. Cô dâu (hoặc chú rể) không chỉ phải đẹp mà còn phải như con thoi, chạy hết bên này đến bên kia để xử lý mọi thứ bất ngờ xảy ra.
  • Nếu bạn làm việc rất nguyên tắc, bạn nên có 1 người phụ chạy chương trình mà bạn đã viết sẵn. Nếu bạn rất ngẫu hứng, hãy tìm người đủ tin tưởng và cũng y như bạn để giao phó từng phần chương trình mà bạn mới nghĩ ra.

Đám cưới trong mơ do tớ tự làm WP

Nếu bạn tự làm WP, phụ tá sẽ là chú rể hoặc cô dâu của bạn. Chông gai, bực mình, bận rộn, stress hay ngàn thứ khác không nói thành lời nữa là điều bạn sẽ gặp phải. Nhưng không vì vậy mà nó cản được việc bạn có một đám cưới mà mình luôn ao ước.

P/s: Đọc cả list kể trên, bạn sẽ dễ nhận ra mình nên làm gì đầu tiên với đám cưới của mình. Tự làm, thuê người hay nhờ bạn bè? Nhưng trong mọi trường hợp, mình khuyên bạn rất nên hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Dù là anh chị, bạn bè hay trên 4rum. Đây là điều sát nút mình mới nhận ra mà vậy thì quá muộn rồi. Có những bài học bạn không cần phải trả giá. Có những lời tư vấn không cần chuyên gia. Có những điều chỉ có người từng trải qua mới biết. Không cần ngại ngùng đâu vì mọi người từng tự tổ chức đám cưới của mình đều rất khao khát chia sẻ lại kinh nghiệm mà. Thiệt đó! Mình hơi tiếc vì đến cuối cùng mới nhận ra.

[PHẦN 2] WEDDING TO DO LIST

Dù bạn thuê WP chuyên nghiệp hay tự xử thì đều cần phải vạch ra Wedding To Do List   trước khi làm. Chưa cần quá chi tiết, list chỉ bao gồm những mục bạn muốn và cần cho wedding của mình.   Thường thì bạn sẽ là chung với chú rể hoặc cô dâu trước, sau đó tham khảo thêm ý kiến bố mẹ, gia đình hai bên và nếu bạn có WP, họ sẽ hòa hợp mong muốn của 2 thế hệ thì thích hợp hơn. Còn nếu như không có WP thì… he he chính bạn sẽ phải đứng ra hòa giải để vừa có đáp ứng mong muốn của bố mẹ mà cái dream wedding của bạn không thành ác mộng.

Cùng làm Wedding To Do List

Điều đầu tiên cần làm của Wedding To Do List luôn là xem lại ví tiền của 2 đứa. Bạn dự định chi bao nhiêu? Bạn có thể huy động được bao nhiêu tiền? Số tiền phải chi cho wedding liệu có ảnh hưởng đến sự an toàn tài chính của bạn sau đám cưới không? Bạn có thể nhờ bố mẹ giúp bao nhiêu hoặc mượn từ người khác bao nhiêu…

Có vô vàn những câu hỏi bạn có thể đặt ra để tìm được mức chi phí hợp lý cho đám cưới của mình. Thực tế thì tùy vào bạn muốn làm gì thì số tiền sẽ tăng giảm theo đó. Không cần phải quá giàu có, chi hết cả mấy trăm triệu cho đám cười và chỉ khoảng chục triệu bạn cũng có thể lo cho wedding ấm cúng của mình. Dĩ nhiên nó sẽ không thể lung linh, hoành tráng nhưng nó không thể ngăn cản bạn được làm những điều mà mình mong muốn. Lời khuyên nhỏ trong việc lên số tiền chi cho đám cưới là KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC VUNG TAY QUÁ TRÁN! Đám cưới có thể vui nhưng hãy đảm bảo nó không trở thành gánh nặng suốt cả chục năm vì trả nợ. Bạn có thể xin ba mẹ nhưng hãy nhớ là nếu ba mẹ giúp bạn, quyền quyết định cho tiệc cưới của bạn cũng sẽ bị chia ra và (có thể) bạn không thực hiện được những điều mình mong muốn. Vay ngân hàng hay ai khác ngoài gia đình là một điều tối tối kỵ vì nó thể hiện bạn đang không thể chịu nổi khoản tiền chi cho đám cưới đó và nếu vậy thì thật không nên chút nào cả. Có sao, lo vậy. Luôn có giải pháp cho những vấn đề của bạn.

Sau khi đã tìm ra mức chi phí hợp lý cho đám cười thì việc tiếp theo bạn cần làm là lên danh sách những thứ cần phải chi cho hôn lễ của mình. Mỗi nhà mỗi cảnh nên sẽ không có một quy tắc chung nào cả. Tuy nhiên các mục thông thường sẽ được chia ra như sau:

Trước ngày cưới

  • Album cưới, rửa ảnh lớn, photobook…
  • Clip cưới (nếu có)
  • Váy cưới cho cô dâu và vest cho chú rể (thuê hoặc may)
  • Lên danh sách mời và in thiệp mời đám cưới
  • Sơn sửa lại nhà trước ngày cưới (nếu cần)
  • Nhẫn cưới
  • Tìm người bưng quả (hoặc thuê)
  • Đặt tiệc nhà hàng và thống nhất ngày giờ
  • Mời họ hàng, bạn bè tham dự đám cưới
  • Tìm người trang điểm, chụp hình, quay phim trong lễ
  • …..

Lễ gia tiên

  • Bộ mâm quả
  • Trang trí nhà
  • Tìm người chủ hôn cho mỗi bên gia đình
  • Thuê bàn ghế ngồi (nếu cần)
  • Hoa cưới
  • Chuẩn bị phong bao lì xì để chi cho các thứ cần trong ngày
  • Thuê xe để di chuyển
  • Chuẩn bị tiệc trưa cho những người tham gia lễ (nếu có)
  • Lên list chương trình cũng như lời thoại 2 bên gia đình trong buổi lễ
  • Thống nhất giờ cho buổi lễ
  • May áo dài cho cô dâu và áo vest cho chú rể
  • Chuẩn bị trang phục cho bố mẹ hai bên
  • Hẹn giờ với trang điểm, quay phim, chụp hình…
  • …..

Tiệc nhà hàng của gia đình

  • Lên list khách mời và mời thiệp (thường tính bằng trăm người)
  • Vẽ sơ đồ bàn tiệc để đảm bảo không bị sót khu vực nào
  • Nhờ người dẫn khách vào bàn
  • Chuẩn bị trang phục cho cô dâu, chú rể, gia đình 2 bên
  • Hoa cưới, trang điểm, quay phim, chụp hình… được chuẩn bị đầy đủ. Đến ngày đó chỉ cần lấy
  • Đưa clip hoặc slideshow cho nhà hàng test trước ít nhất là 2 tiếng trước lễ. An toàn là 5 ngày trước khi cưới
  • Nếu có yêu cầu về nhạc thì phải có người hướng dẫn bộ phận âm thanh, ánh sáng
  • Duyệt món ăn và chương trình lễ
  • Liên hệ decor tiệc (nếu thích)
  • …..

Tiệc riêng (nếu có)

  • Design hoặc mua thiệp mẫu sẵn
  • Lên danh sách khách mời
  • Tìm nơi đãi tiệc theo ý thích
  • Plan chương trình buổi tiệc
  • Liên hệ người decor cho tiệc (thường là cần)
  • Nghĩ ra những điều fun fun, crazy và tìm cách biến nó thành sự thật
  • Tìm MC mở đầu, MC game…
  • Lên danh sách món ăn, nước uống…
  • Trang điểm, chụp ảnh, quay phim…
  • Liên hệ bạn bè để chia nhỏ những việc cần làm trong ngày đó để bạn bớt lo lắng hơn
  • Hoa cưới
  • Dự phòng phương án
  • …..

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tùy bạn mà To Do List sẽ dài ngắn khác nhau nhưng chung quy cũng sẽ xoay quanh những điều như vậy. Để nói rõ chi tiết hơn về các phần mình sẽ có bài viết riêng nhưng nhìn một cách bao quát như vậy bạn cũng có thể mường tượng được khối lượng công việc phải lo sẽ khá lớn. Vậy nên nếu bạn cần có thời gian rảnh một, có người phụ giúp và đủ bản lĩnh đảm đương thì mọi thứ mới chạy êm xuôi được. Cái gì cũng có cái giá của nó. Càng nhiều tâm sức bạn dành, càng nhiều niềm vui mà bạn có.

[PHẦN 3] CHỤP ẢNH CƯỚI – NHỚ MÃI HAY NHỚ ĐỜI?

Thường khi biết tin bạn sắp cưới, mọi người sẽ hay hỏi “Hình cưới đâu?” một cách đầy mong chờ. Vì không như lúc bình thường, chụp ảnh cưới sẽ biến bạn từ 1 cô lọ lem xó bếp trở nên long lanh và đầy rực rỡ nên dường như ai cũng ngóng chờ album cưới của bạn. Đó là lý do tớ chọn “Chụp ảnh cưới” là bài mở đầu cho loạt bài viết chi tiết về các kinh nghiệm trong “Cưới Phải Làm Gì?”

Đa phần cô dâu thường rất thích chụp ảnh cưới. Còn chú rể phần đông chỉ chiều ý cô dâu thôi chứ không ham hố nhiều như thế. Và chẳng hẹn mà gặp, khi bạn hỏi kinh nghiệm sơ sơ thì hầu như ai cũng nói về chụp ảnh cưới với các ý như sau: mệt lắm, cười mỏi cả miệng, đứng mỏi cả lưng, trời nóng mà nó cứ bắt mình tạo dáng, ôi làm nhanh cho xong thủ tục thôi, sáng sớm bị lôi đầu dậy, mệt!… Những lời “than trời” đó cũng không hẳn là sai. Vì để chụp ảnh cưới đẹp thì bạn phải dậy từ sớm, make up này nọ kia và trên hết là sẽ phải hôn, cười, làm dáng tùm la tùm lum… Nhưng đến tận bây giờ, khi ai đó hỏi tớ về kinh nghiệm chụp ảnh cưới thế nào tớ lại chỉ nhớ là rất vui. Hình như cũng có mệt khi chụp hình nhưng tại vui quá nên cũng chẳng nhớ rõ mệt thế nào nữa. Vì thế “nhớ mãi” và “nhớ đờ” thực sự chỉ cách nhau trong gang tấc. Tất cả tùy thuộc vào bạn.

Chụp ảnh cưới có thể tạm chia ra các  loại tiêu biểu là: chụp truyền thống, chụp style hàn quốc, chụp phóng sự, chụp theo ý tưởng và chụp dạng cao cấp. Tùy lựa chọn của bạn mà chuyến đi chụp ảnh cưới sẽ “nhớ đời” hay “nhớ mãi”. Mình sẽ nói sơ về các style chụp hình trước khi chia sẻ kinh nghiệm của bản thân để mọi người có cái nhìn tổng quát nhé.

Chụp hình cưới truyền thống

Giá từ 3-5 triệu tùy studio. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều các studio chụp loại ảnh này ở khắp nơi trên đường Phạm Văn Hai, 3/2 hay Hồ Văn Huê (Tp.HCM). Đặc điểm dễ nhận thấy nhất là các studio này rất “chung thủy” – “trước sau như một”. Chụp 10 bộ ảnh sẽ giống nhau hết 9 bộ, bộ còn lại có thể khác do hôm đó trời mưa.

Style phần đông là nhìn sến sến, quê quê, lấp la lấp lánh, góc máy không sáng tạo, chỉnh màu nhìn cứ giả giả. Make up theo style hơn chục năm trước và hầu như chẳng ai đầu tư thay đổi cái gì. Thường phụ huynh thích! Tuy nhiên nếu bạn chịu lùng 1 xíu thì cũng có studio chụp loại ảnh này mà trông được được. Không đến mức quá tệ. Nhưng bạn cần kiểm tra kỹ style chụp của họ trước khi quyết định chứ đừng nên ham giá rẻ. Thường thì bạn sẽ bị 1 người gọi là stylist bắt quay bên này, nghiêng bên kia. Tạo có mỗi 1 một kiểu mà cười mún khùng luôn mới chịu chụp xong. Nói là chụp trong studio không mất sức như ngoài trời chứ tớ thấy cái này mới là mất sức đó. Riêng tớ thì không khuyến khích cái dạng này vì tính ra tiền bạn bỏ ra không đáng với giá trị thật của album. Nếu chỉ cần ảnh cưới để chưng nhà hàng thôi có 1 số nơi đặt tiệc có thể khuyến mãi cho bạn gói chụp ảnh trưng nhà hàng mà.

Chụp ảnh cưới truyền thống

Chụp style Hàn Quốc

Giá đắt hơn chụp truyền thống. Có thể rơi vào giá tầm 7-10tr tùy nơi. Các album của những studio này chụp vẫn có nét giống nhau nhưng có thể xem là đẹp, dễ thương, công chúa và chấp nhận được hơn rất nhiều so với dạng ảnh trên.

Các phần kèm theo dịch vụ thì thường nơi nào cũng giống nhau như cho mượn vest chú rể, thuê 2 bộ váy cô dâu, in ảnh… gì gì đó. Nếu di chuyển xa sẽ tính thêm phí. List danh sách những thứ kèm theo nhìn nhiều thôi chứ thực tế nếu bạn từng đi dò giá thì thấy nó không bao nhiêu đâu. Mấy studio hay gộp lại tính tổng khiến bạn cảm thấy mình hời thôi ấy mà. Cơ bản là bạn phải thích dạng style đó! Các ảnh này thường chụp trong studio hơn là ngoài trời. Nghe tưởng khỏe chớ chen chúc đông lắm nhé và mệt hơn ngoài trời nữa (do chờ hoài để tới lượt). Nhưng ảnh ra sẽ rất lung linh, công chúa này nọ. So giữa cái này với chụp truyền thống thì tớ vẫn thích cái này hơn rất nhiều.

Chụp ảnh cưới hàn quốc

Chụp theo ý tưởng

Cái này bạn cần có ý tưởng trước khi chụp. Có thể bạn sẽ bàn với WP hoặc photographer. Hình cưới sẽ mang vẻ “siêu thực” chút để hiện những idea của bạn. Thường thì idea này sẽ liên kết với cả bữa tiệc cưới của bạn để trở thành 1 thể đồng nhất. Khó có thể nói kiểu chụp nào hay hơn kiểu chụp nào mà phải hỏi là bạn sẽ thích kiểu chụp nào hơn. Có cặp đôi thích lưu lại khoảnh khắc tự nhiên thì cũng có bạn muốn tạo nên khác biệt và khiến bộ ảnh của mình có 1 thông điệp ý nghĩa trong đó.

Chụp ảnh cưới theo idea

Studio dạng chụp này cũng khá kén. Bạn nên chọn kỹ vì không phải ai cũng có thể làm do nó không chỉ phụ thuộc vào tay nghề chụp ảnh mà còn cả kỹ năng dựng kịch bản, sắp xếp khung hình này nọ. Với ý tưởng thông thường thì chỉ cần chụp ngoại cảnh thôi là đủ. Ý tưởng “siu thực” như bạn muốn là siêu nhân chẳng hạn thì phải dùng đế đồ họa máy tính nhiều hơn rồi.

Chụp ảnh theo ý tưởng

Chụp ảnh cưới cao cấp

Đây là những dạng ảnh siêu mắc, siêu đẹp, siêu long lanh… Nói chung thì nếu bạn chọn đúng người, đúng studio thì cái gì của nó cũng siêu hết đặc biệt là giá tiền. Thường theo style nghệ thuật hơn là style nhí nhảnh. Là một dạng chụp vừa công chúa như Hàn Quốc nhưng lại rất kiêu sa như nữ hoàng mà góc máy lại sáng tạo. Nói chung dạng này từ người lớn cho đến người trẻ nhìn vào đều mê (trừ người trả tiền thì không mê chút nào).

Tuy nhiên không phải ai cũng chụp ra được. Bạn cần coi kỹ tay nghề photographer. Đôi khi cũng có kẻ giả danh. Vì là gói dạng luxury rồi nên yên tâm về make up, váy áo này nọ cho tới chỗ chụp. Giá khá cao nhé! Có nơi chụp 1 bộ ảnh 8 tiếng trong studio nhưng có thể lên hơn 15 triệu là bình thường. Nhưng nếu đầu tư đúng chỗ, tiền nào của đó. Bạn không mệt như chụp mấy cái kia đâu vì không đến mức phải đứng 1 chỗ hoài, bạn cười tự nhiên hơn. Photographer vừa bắt khoảnh khắc lại vừa có stylist tạo dạng cho bạn khiến hình vừa có góc đẹp lại cười tự nhiên.

Chụp ảnh cưới cao cấp

Chụp ảnh cưới phóng sự

Đây chính là dạng mà tớ đã chọn. Xuất phát từ những mong ước và quan niệm của bản thân về 1 album ảnh cưới là:

  • Album cưới là chụp khoảnh khắc hơn là chỉ chụp góc đẹp này nọ
  • Đi chụp ảnh là đi enjoy ngày hôm đó chứ không phải là đi trả tiền rồi đày đọa lẫn nhau
  • Chấp nhận chịu cực xíu để lo riêng các phần in ấn, make up này nọ (nghe hoành tráng chứ cũng chẳng cực gì lắm)
  • Không tốn quá nhiều tiền như dạng album luxury nhưng vẫn có ảnh đẹp, đậm chất riêng. Không phải dạng 10 cuốn như 1

Và vì thế tớ đã chọn kiểu chụp này nhưng là dạng freelancer chứ không phải dạng studio. Thực tế thì cũng có nhiều studio chụp dạng ảnh phóng sự này lắm. Cũng khá đẹp nhưng tùy style chụp của bạn mà chọn thôi hà vì kiểu ảnh này quan trọng nhất là người chụp. Mỗi người đều có phong cách riêng, cách làm màu ảnh riêng. Thế nên đôi khi ảnh trong studio đưa bạn xem lại có style khác hình bạn chụp là bình thường. Không ai bắt chước được style ảnh của nhau.

Chụp ảnh cưới phóng sự

Kinh nghiệm của bản thân chụp loại ảnh cưới này là bạn sẽ lo nhất về quần áo, nơi chụp (nếu bạn có yêu cầu đặc biệt). Còn lại cứ để photographer lo =]] bạn cứ việc nhoj đi chơi vòng vòng, chụp ảnh là chuyện của anh photographer chứ không cần tạo dáng này nọ. Hãy xem buổi chụp ảnh là một ngày hẹn hò thôi và khi nhận ảnh, bạn sẽ bất ngờ. Và bởi vì photographer chiếm vai trò chính trong bộ ảnh cưới nên bạn chọn sai thì sẽ hỏng hết tất cả. Vậy thế nào là chọn đúng? Là tất cả hình của người đó trước giờ chụp phải khiến bạn cảm thấy đẹp, vui, thoải mái và “thấy” được cảm xúc trong bức hình và nhất là kiểm tra kỹ để biết liệu họ có ăn trộm hình trên google về hay không. Tìm những photographer này không khó. Bạn có thể bắt đầu tìm từ những bộ hình cưới mình ưng ý và truy ra người đã chụp nó qua facebook, google. Hầu hết các photographer đều có web, blog hoặc các trang web đăng tải các bộ hình họ đã từng chụp. Bộ ảnh của tớ thì chụp bởi 2 người đó là anh Chuột https://www.facebook.com/kidmouse và bạn Bánh Ngọt https://www.facebook.com/pika.nguyen

Giá cũng giao động khác nhau tùy người. Thông thường chênh lệch từ 3-10 triệu cho 1 bộ hình. Giá chưa tính chi phí in ấn, thuê áo váy này nọ kia. Thật sự thì chi phí này cũng không có bao nhiêu đâu vì in ấn là đem đến tận xưởng in. Áo váy dạng thuê chỉ để chụp hình thôi thì 300K là bạn thuê được rồi. Thuê đến 500K là dạng váy đẹp rồi đó. Còn không thì bạn có thể may một váy cưới tầm trung (cỡ 2-3 triệu) để dùng cho cả chụp ảnh và tiệc cưới. Áo vest chú rể thì nên may vì còn dùng lại sau này chứ không như váy cô dâu.

K3__9834 - chosenedt

Giá make up cũng sẽ tính riêng nhưng cũng không đắt lắm vì chỉ khoảng 500K là bạn có make up đẹp rồi. Bạn cũng có thể thuê các anh make up trong những studio luxury để đảm bảo ảnh của mình lung linh hơn nữa. Giá của mấy anh pro đó là khoảng 2tr5 trở lên. Tùy điều kiện mà bạn chi thôi. Một lưu ý nhỏ là các album ảnh cưới này nên chụp ngoài trời vì có thể dễ thay đổi góc máy, ảnh tự nhiên và ánh sáng đẹp hơn nhiều. Tuy nhiên vì chụp ảnh ngoài trời nên bạn sẽ dậy sớm để đón ánh nắng sớm (lúc đẹp nhất) nên chắc hơi buồn ngủ. Mấy chú rể nào mà dạng ngại ống kính, sợ tạo dáng thì rất ăn ý với kiểu chụp này bởi họ chẳng cần phải làm gì cả. Chỉ cần enjoy buổi “hẹn hò” thôi là được.

K3__4070-edt-edt

Mỗi photographer lại có style riêng nên bạn nhớ lưu ý nhé. Ngoài ra những yêu cầu riêng về địa điểm, phụ kiện, mong muốn của bạn trong bộ ảnh nên nói trước với phographer trong buổi tư vấn. Nên hẹn ngày nào đó bàn chuyện trước khi chụp ảnh 1 tuần để thư thả mua quần áo, phụ kiện này kia. Tớ hẹn trước có 1 ngày nên chạy hơn phê! Hê hê nhưng kết quả vẫn ưng ý hì hì

K3__4485-edt

Nói chung chụp cũng có mệt mà vui. Nhớ lại chỉ nhớ vui thế nào chứ quên hẳn việc mệt ra sao. Thế nên về quan điểm riêng của tớ, tớ khuyến khích các bạn nhoj nhoj giống tớ chụp dạng ảnh này. Tuy tốn công 1 xíu nhưng vừa đẹp, chi phí hợp lý, hình lại không đụng hàng và thích nhất là mình được thỏa thích vui đùa trong hôm đó, không phải nghe lời ai “ra lệnh” tạo dáng.

IMGP9738 - chosenedt

K3__0261 - chosenedt

P/s: Một lưu ý cuối quan trọng là dù cho bạn có chụp kiểu album nào đi chăng nữa thì nên liên hệ trước tầm 6 tháng để biết lịch rảnh và mức giá của studio. Các photographer thường rất bận vào cuối năm nhưng lại thong thả vào thời điểm giữa năm. Nên nếu được, bạn nên chụp vào thời điểm hè vì nắng đẹp, photographer rảnh hơn và vì thế cũng có nhiều khuyến mãi hơn. Studio có tiếng cũng sẽ có nhiều bạn photographer nên đôi khi cùng 1 nơi nhưng hình lại khác nhau. Nếu bạn muốn chuẩn bị hoàn hảo, hãy liên hệ sớm nhé!

[PHẦN 4] BÍ KÍP CHỤP ẢNH CƯỚI ĐẸP

Đa phần cô dâu đều thích chụp ảnh cưới. Nhưng nó không chỉ đơn giản là đứng rồi chụp cái là xong. Có khá nhiều thứ phải lo cũng như những chuyện “trời ơi”, “í ẹ”, “giá như”, “ước gì”… mà nếu không kể chắc chắn sẽ không biết . Nhất là với ai lần đầu chụp ảnh cưới (mà hầu như ai cũng vậy) thì thể nào cũng va vấp lung tung.

Bí kíp chụp ảnh cưới

Đây là bài viết chia sẻ những kinh nghiệm mà Chi đã gom nhặt được trong quá trình chụp ảnh cưới của mình. Bộ ảnh cưới của bọn mình chụp theo dạng ảnh phóng sự, tự… xử chứ không nhờ qua studio nên có nhiều phần để lo hơn. Nếu bạn chụp ảnh cưới dạng phim trường hay studio này nọ thì sẽ khỏe hơn ấy 😀 nhưng cứ đọc nhé! Biết đâu lại có điều gì cần thiết với bạn đấy ^^

Lập kế hoạch chụp ảnh

Đứng đầu danh sách các thứ cần lo là việc lập 1 plan cụ thể cho việc chụp ảnh của bạn. Với các bạn thuê studio thì plan này sẽ ngắn gọn hơn. Mình sẽ viết chi tiết cả plan để mọi người tùy điều kiện riêng mà thêm bớt cho phù hợp sử dụng nhé! Dĩ nhiên plan này lập ra sau khi bạn đã tìm được studio hoặc photographer rồi.

  • Thời gian cụ thể như mấy giờ trang điểm, ngày mấy chụp hình, chụp hết bao nhiêu tiếng trong ngày… để còn viết đơn xin nghỉ phép nữa chứ 😀 Nên chụp ảnh trước ngày cưới tầm ít nhất 3 tháng để lỡ hư hại gì đó còn làm lại được. Photographer cũng có nhiều thời gian làm hậu kỳ cho bức ảnh thêm đẹp.
  • Địa điểm chụp tại đâu? Mấy chỗ? Có tính phí hay không và bao nhiêu tiền? Nếu chỗ phải xin phép thì nên làm trước 2 tuần nhé (ví dụ như trường học, khu chung cư…)
  • Di chuyển thế nào? Có phải thuê xe không? Có sẵn trong danh mục dịch vụ chưa?
  • Cần mặc bao nhiêu bộ đồ? Thường là 1 bộ váy cưới dài, 1 bộ áo dưới ngắn hoặc áo dài và 1 bộ đồ bình thường. Chú rể thì thường mặc 1 bộ vest và 1 bộ đồ thường. Nếu tự chuẩn bị váy cưới, cô dâu nên lưu ý việc chuẩn bị phụ kiện luôn nhé (đồ trang sức cho tóc, dây chuyền, bông tai…)
  • Thợ make up là ai? Đã kiểm duyệt trước tay nghề chưa? [Phần này khá quan trọng nên tớ sẽ viết bài review riêng cho nó]
  • Có concept riêng cho hình không? Có kiểu tạo dáng hoặc vị trí đặc biệt nào bạn muốn lưu giữ không? Nhớ bàn bạc trước với photographer nhé!
  • Chừng nào sẽ đi khảo sát địa điểm chụp trước (thường là 1 tuần). Nếu bạn đã quen địa điểm đó thì cũng không cần đâu.
  • Nên lên kế hoạch mang theo dù, nón cùng kem chống nắng vì tất cả các photographer đều rất mê nắng. Nắng chỗ nào là bạn đứng chỗ đó! Đừng mong có chuyện được ngồi trong bóng râm chơi. Và vì thế khăn giấy, lược… để lau mồ hôi và chải lại tóc là hết sức cần thiết!
  • Có thể kéo theo bạn bè (nếu thích). Họ sẽ giúp bạn chuẩn bị đồ đạc, xem có bị hớ hàng chỗ nào không và làm bạn cười tự nhiên hơn.
  • [Dành riêng cho các bạn nữ] Hơi tế nhị nhưng không nhắc, không được  vì có thể sẽ lơ là, quên mất. Đó là bạn nên mua bra không dây, màu da cũng như cần quần mặc chung với váy ngắn. Dặn là vậy vì các trang phục chụp hình cưới cho nữ thường là váy ngắn hoặc áo sát nách, không thì cũng hở lưng này nọ. Các dạng này rất dễ bị hố hàng khi tạo dáng chuyển động chụp ảnh. Để đảm bảo an toàn cho người lỡ ngắm phải cũng như tiết kiệm thời gian photoshop cho photographer, mình rất nhiệt liệt đề nghị bạn chuẩn bị kỹ phần này.
  • Dự phòng phương án cho kế hoạch bị bể (trời mưa, chỗ đóng cửa, đông người, thợ trang điểm quá xấu, váy bị dơ, rách…)

Lập kế hoạch chụp ảnh

Xác định tổng chi phí

Phần này khá đau lòng nhưng buộc bạn phải làm. Các chi phí này sẽ bao gồm các phần tiền cho

  • Photographer (hoặc studio). Tính theo album hoặc theo ngày
  • Tiền cho thợ make up (nếu thuê studio thì khỏi cần quan tâm)
  • Tiền thuê hoặc may váy cưới cùng các bộ đồ khác trong album cưới
  • Tiền xe di chuyển (nếu có thuê)
  • Tiền ăn uống cho tất cả mọi người trong đoàn ngày hôm đó (thường các studio sẽ không plan ra và có thể bạn sẽ quên mất. Nhưng nhớ note phần này nhé ^^)
  • Tiền phụ kiện chụp ảnh cưới (hoa cưới, đồ trang trí để chụp ảnh…)
  • Phụ thu cho chỗ chụp ảnh như phim trường, studio, cafe…
  • Nên mang thêm ít nhất 10% số tiền đã định để phòng cho các phi phí phát sinh

Chi phí chụp ảnh cưới

Hoạch định bí kíp chụp ảnh tự nhiên

Sau khi đã plan thành công 2 mục lớn ở trên cũng như đảm bảo mọi thứ chuẩn bị chu toàn thì đây là phần bạn cần quan tâm nhất đó. Bởi vì những thứ ở trên chỉ là bước chuẩn bị cho bạn “tỏa sáng” ở bước này mà thôi.

Để chụp ảnh tự nhiên bạn phải quen với máy ảnh. Hay nói đúng hơn là bạn cảm thấy quen thuộc, dễ chịu và tự nhiên với photographer. Vì khi bạn nhìn vào ống kính, bạn không chỉ nhìn vào cái vật “tròn tròn, đen thui, trông có vẻ mắc tiền” đó mà bạn đang “đối mặt” với 1 người đứng sau nó. Càng cảm thấy thoải mái với photographer ra sao, bạn càng có thể cười tự nhiên trước ống kính của người đó. Vì vậy mọi người hay nhờ bạn bè thân chụp ảnh cưới cho mình vì khi đó bạn sẽ thoải mái, tự nhiên và cười đẹp nhất. Trong trường hợp thuê photographer riêng, “người ấy” sẽ dành thời gian cà phê, cà pháo với bạn một ngày để cả 2 tìm hiểu, nói chuyện, tâm tình với nhau. Chụp với studio thì không có cơ hội cà kê dạng này nhưng photographer cũng sẽ tám với bạn một xíu để mọi người quen dần nhau hơn, không cảm thấy ngượng nghịu khi chụp ảnh nữa.

Cô dâu thường quen tạo dáng trước ống kính hơn chú rể vì hay chụp hình, tự sướng… Thế nên đề phòng trường hợp có 1 “dáng đứng bến tre” xuyên suốt album cưới của bạn thì cô dâu nên tạo điều kiện cho chú rể quen với máy ảnh. Có thể là chụp nháp trước với 1 người bạn mê chụp ảnh hay chỉ cần mang máy ảnh chụp lẫn nhau chẳng hạn. Đỉnh điểm của việc luyện tập chú rể thành công là anh ấy sẽ xem máy ảnh như 1 thứ quá bình thường. Giỡn với bạn cứ như thế giới này chỉ có 2 đứa mà thôi. Để làm được việc đó bạn cần luyện tập chú rể nhiều với máy ảnh đó ^^

Lời khuyên thứ 3 là hãy dẫn bạn bè theo cùng chụp ảnh cưới với bạn. Họ có thể đứng sau hậu trường hoặc cùng tham gia vào bộ ảnh như phù dâu, phù rể. Đi cùng bạn bè, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn, vui vẻ hơn. Cứ như là ngày hẹn hò nhóm đi chơi vậy ^^ Hình chụp ra cũng rất dễ thương. Tuy nhiên bạn cần bàn bạc kỹ với photographer. Thông thường các studio truyền thống và chụp phim trường sẽ từ chối kiểu ảnh này vì tay nghề phải cứng một xíu mới chụp nổi dạng ảnh khoảnh khắc. Những dạng ảnh sắp xếp, đứng yên 1 chỗ tạo dáng chụp sẽ dễ hơn cho photographer và khó hơn cho stylist sắp xếp bố cục.

Chụp ảnh cùng bạn bè

Ngoài ra bạn có chụp ảnh với thú cưng, ngôi nhà hay địa điểm kỷ niệm của cả 2 người. Khi gần gũi với những điều quen thuộc với mình, con người thường cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Xem lại hình cưới, bạn cũng cảm thấy đong đầy hơn khi những vùng đất quen thuộc, những điều kỷ niệm riêng tư nay được lưu giữ lại qua hình ảnh.

pet-in-wedding-7

Lời khuyên cuối cùng khi bạn đã hoàn tất hầu như các bước trên thì hãy relax đi. Trong đầu cứ xem như hôm nay là buổi hẹn hò riêng của hai bạn, chẳng cần phải lo lắng gì nữa. Thế giới cứ để photographer lo. Có gì bạn bắt đền photographer thôi (ha ha). Trông thế nhưng suy nghĩ này rất quan trọng đó vì nó giúp bạn giải tỏa hết mọi áp lực của “lần đầu tiên” mà bạn đang phải gánh. Chụp ảnh cưới là một trải nghiệm đặc biệt dành riêng cho cô dâu, chú rể chứ không phải là một cực hình mà ai cũng phải chịu đựng! Vì thế, hãy biến buổi chụp hình thành kỷ niệm dễ thương, đáng nhớ chứ không phải là ngày mà một bà cô khó tính, mặt chù ụ đứng tạo dáng nha!

[PHẦN 5] TÌM MAKEUP – SỐNG CHẾT GANG TẤC!

Makeup artist hay còn gọi là chuyên gia trang điểm chính là người nguy hiểm nhất với đám cưới của bạn. Họ có thể biến wedding của bạn trở nên lung linh tuyệt vời nhưng cũng hoàn toàn có sức mạnh dìm chết nó ngay cả khi chưa bắt đầu.

Tìm thợ make up cưới

Khi đọc qua bạn sẽ tự hỏi tại sao tớ lại nghiêm trọng hóa mọi việc như vậy? Đó là vì  qua những lần đám hỏi, đám cưới và chụp ảnh cưới, tớ đã trải qua đủ cả 3 tầng cảm xúc khi qua tay 3 thợ trang điểm khác nhau:

  • Cảm thấy mặt lạ lạ, xinh hơn bình thường.
  • Cảm thấy mình đẹp như chưa từng đẹp như vậy. Cứ như ngôi sao, ai gặp cũng khen vì con nhỏ mặt bư bỗng hóa thành thiên nga.
  • Cảm giác tuyệt vọng, ước gì người trong gương không phải là mình…

Ngày vui của bạn thường bắt đầu khi bạn trang điểm và có thể sẽ kết thúc ngay lúc đó nếu bạn gặp nhầm ông nhảm nhí nào đó. Quả thật trang điểm có một sức mạnh vô cùng khủng khiếp có thể biến một con lọ lem trở thành công chúa. Chưa kể ngày cưới phải là ngày bạn đẹp nhất, lung linh nhất và hạnh phúc nhất. Thế nên nếu chỉ vì 1 người trang điểm đã khiến bạn xấu hơn mức bình thường thì quả thật không nên chút nào cả. Tớ đã chịu cảm giác rất shock khi nhìn thấy chính mình trong gương và ước gì đó không phải là mình sau khi trang điểm. Tin tớ đi, bạn không hề muốn vậy đâu!

Tuy rằng post dạng hình này thật là bôi bác khổ chủ (hu hu) nhưng để giúp mọi người hình dung dễ hơn thì đây là 4 hình của tớ trong 4 “tình trạng” khác nhau: mặt mộc, mặt trang điểm dạo phố, trang điểm đám hỏi và thảm họa trang điểm ở Đà Lạt

Trang điểm

Như có thể dễ dàng nhận ra thì sau khi trang điểm, bộ mặt bư của tớ đã thay đổi khác biệt. Vì các nét không nổi bật nên qua tay từng người, khuôn mặt tớ lại ra một nét khác nhau. Riêng bức ảnh cuối cùng đã làm bật lên tất cả các khuyết điểm trên khuôn mặt (đã tròn nay còn tròn thêm, mắt nhỏ lại càng mi nhon và lông mày trông rất sắc và già cùng với kiểu tóc “thần thánh” thập niên 70). Nhờ photographer cứu lại thì độ xấu của hình cuối cùng đã giảm bớt cỡ 50%.

Thông thường mọi người sẽ không có cơ hội “được” qua tay nhiều người trang điểm như thế mà chỉ qua khoảng 2 lần (chụp ảnh cưới và làm đám cưới). Vì vậy sẽ khá rủi ro cho bạn do chưa từng trang điểm thợ bao giờ nên cũng không biết xấu đẹp ra sao. Chỉ cần khác bình thường là đã thấy tạm được rồi… Cho đến khi nhận ra, xem lại hình đám cưới thì bỗng nhiên thấy hối hận. Khách mời trông còn đẹp hơn cả mình hay tệ hơn là thà không trang điểm nhìn còn xinh hơn. Đầu tư cho photographer, clip, váy cưới, decor này nọ làm chi khi mà nhìn lại hình, mình còn không muốn nhìn mình chứ?

Vậy để giải quyết cho câu hỏi làm thế nào để chọn được thợ trang điểm như ý, mình đưa ra vài tip cho bạn như sau

  1. Tham khảo rất nhiều thợ makeup trước khi quyết định. Mỗi lần tham khảo nên xem những hình ảnh cô dâu mà họ đã trang điểm (Hình trước và sau trang điểm). Nếu không có hình, chỉ nhờ người quen gợi ý thì nghe lời tớ, nên bye bye càng nhanh càng tốt. Bạn bỏ nhiều tiền để làm đám cưới, không đáng để hối hận chỉ vì một thứ nhỏ nhặt đến vậy. Một điểm lưu ý nữa là khi xem hình để tham khảo là ngoài kiểu cách trang điểm thì những thứ cơ bản như: màu da mặt đồng màu với da cổ, mặt có bị trắng quá không, các khuyết điểm của mặt được che đi hay làm quá lên… là những điều bạn cần để ý. Photoshop chỉnh không hết nổi đâu!
  2. Nếu bạn đã vừa ý với thợ trang điểm khi chụp hình cưới thì nên book họ luôn hoặc ít nhất là xin lại thông tin liên lạc để sau khi tham khảo các nơi, bạn chưa vừa ý thì có thể nhờ người ta.
  3. Hỏi người quen từng làm đám cưới là một cách rất hiệu quả. Yêu cầu là bạn phải thấy mặt mộc và mặt trang điểm trong ngày làm đám cưới. Vì có khi mặt trang điểm xấu nhưng lên hình cưới lại nhìn khác lắm do photoshop mà.
  4. Webtretho đặc biệt hữu dụng trong chuyện này nhưng lưu ý là bạn hãy chọn phần chia sẻ kinh nghiệm của các chị em nhé. Vì quảng cáo với kinh nghiệm thực tế nó khác nhau nhiều nhiều.
  5.  Còn nếu bạn là một cô gái như mình, thường không quan tâm lắm đến việc làm đẹp nên cũng chẳng hiểu rõ lắm về makeup, style này nọ. Chủ yếu nhìn hình chỉ biết cái nào đẹp, cái nào xấu thôi thì nên chọn thợ makeup lâu năm. Đây là những người có tiếng trong giới makeup (ví dụ như Minh Lộc, hay trang điểm cho các ngôi sao) hoặc những thợ makeup chuyên cho những studio hàng đầu (có thể dễ dàng tìm được trong facebook của studio hoặc các photographer). Anh trang điểm cho đám hỏi của tớ (hình thứ 3) cũng đã được tớ mò ra theo cách này https://www.facebook.com/khiemv1?fref=ts. Ngoài ra cũng có khá nhiều anh, chị make up được review khá tốt trên các 4rum, báo chí… mà bạn có thể tham khảo.

Sơ qua về giá tiền

Nói nhanh qua về mức giá để các cô dâu có thể dự trù kinh phí được tốt hơn. Đối với riêng khu vực Tp.HCM, mức giá trang điểm sẽ bắt đầu từ khoảng 500K cho đến tầm 3tr. Một số có thể lên đến 5tr nếu bạn yêu cầu make up “hạng sang” chuyên cho ngôi sao đến tận nhà của bạn.

Mức giá này bạn sẽ trả cho khả năng của thợ makeup (như bạn đang tìm họa sĩ lành nghề) cũng như các loại mỹ phẩm mà họ sử dụng lên khuôn mặt bạn. Thế nên với các anh chị makeup giá 1 triệu trở xuống thì mỹ phẩm sử dụng chủ yếu là các dòng như maybeline, l’oreal, một số dòng mang hơi hướng made in china một xíu (nhất là những bạn giá trang điểm rất rẻ). Các anh chị make up giá tầm 2 triệu trở lên thì xài những hãng như Mac, Nyx, Urban… Nói chung hầu hết thuộc về đồ của Mỹ. Nói sơ qua thì một số bạn sẽ nghĩ: Liệu có cần sử dụng đồ tốt vậy không? Phấn nào chả như nhau. Thì tớ sẽ trả lời là khác biệt hoàn toàn. Theo hình minh họa phía trên thì trang điểm dạo phố (hình số 2) và thảm họa đà lạt (hình cuối cùng) có cùng mức giá là 700K cho trang điểm. Nhưng do thợ ở khác nơi (TP.HCM và Đà Lạt) nên tay nghề cũng chênh nhau nhiều. Hình đẹp nhất có giá 2tr/lần. Giá thật sự khá cao so với mặt bằng chung nhưng xài qua rồi mới hiểu vì sao… (hix)

Ví dụ dễ hình dung là với kem nền, dùng để đánh lên để làm đều, đẹp phần da mặt thì với các thợ trang điểm giá 1 triệu trở xuống, họ luôn dùng duy nhất 1 màu cùng tông với da mặt bạn (có vài trường hợp hên xui, tay nghề chưa tới thì tông màu mặt lại đậm hay sáng hơn da thật). Còn thợ makeup chuyên nghiệm sẽ dòm xem ánh sáng khu vực làm lễ (ngoài trời, tiệc tối…) mà tăng giảm tông trang điểm 1 xíu. Chi làm tổng cộng 3 tiệc cưới với 3 style khác nhau thì make up của 3 tiệc theo 3 style riêng luôn! (Gái hơi gà vụ làm đẹp nên sau khi biết vụ này thì hết hồn lắm! Trước giờ cứ tưởng trang điểm cưới tiệc nào nhìn cũng sẽ như một)

Nếu chị khó mò mẫm trên các trang như webtretho, bạn cũng có thể tìm thấy thợ trang điểm tầm giá 1tr~1tr5 mà chất lượng khá tốt. Một số cô dâu chọn thợ trang điểm giá rẻ cho tiệc sáng hoặc lễ buổi sáng và thợ trang điểm tốt vào buổi tối. Lý do vì trang điểm cho tiệc đêm cần đầu tư hơn vì giờ đây khách mời tham dự đẹp như cô dâu vậy! Nên cô dâu phải đầu tư thêm thì mới nổi bật được (ha ha). Buổi sáng thì đơn giản, nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên cẩn thận nhé! Không phải ai cũng làm nhẹ nhàng, tự nhiên mà đẹp được đâu. Bạn chớ nên giao trứng cho ác.

32-edt

Thời gian trang điểm

Lưu ý nhỏ cho các cô dâu là nên hỏi thợ trang điểm về thời gian bắt đầu trang điểm cũng như nói rõ mong muốn của mình (kiểu tóc, kiểu trang điểm…). Vì mỗi anh chị lại có một khoảng thời gian cần khác nhau. Có người chỉ cần 45ph, có anh lại tốn 3 tiếng mới xong nên đừng tự quyết định mà hãy hỏi anh thợ trước nhé! Nếu muốn trang điểm xong sớm trước tiệc bao nhiêu phút thì nói rõ luôn. Trang điểm cho cô dâu luôn lâu và công phu hơn so với trang điểm cho các phù dâu cũng như các bà mẹ.

Một số lưu ý ngoài lề

  • Nếu muốn có phụ kiện gắn thêm lên đầu (lúp, vương miệng, băng đô, mấn…) thì nhớ đưa trước nhé. Các makeup sẽ canh chỉnh style phù hợp với phụ kiện của bạn.
  • Nên mặc váy hoặc áo hở cổ rộng và có dây kéo sau lưng khi trang điểm để không làm dính phấn khi bạn tháo ra. Ngoài ra chiếc váy đó cũng cần phải đẹp xíu vì với chụp ảnh phóng sự, giai đoạn này là đã bắt đầu chụp rồi.
  • Sau khi trang điểm nên mang theo khăn giấy khô và son dưỡng môi theo người vì trời sài gòn thường khá nóng, mồ hôi nhễ nhại và môi tô son hay bị khô, tróc. Nhìn thương lắm!

Có tỉ tỉ thứ xảy ra khi trang điểm như làm mặt già quá, mặt không cùng màu da với cổ, biến tướng thành một lão bà bà, trang điểm lên hình bị nhợt nhạt… Vì phức tạp và mang tính chuyên môn cao như vậy nên đây quả thực không phải là thứ bạn can thiệp sâu vào nổi mà nên tìm người có thực tài và giao phó cho họ. Hãy luôn nhớ kỹ sai một ly, đi ngàn dặm lận nên hãy cẩn thận nhen!

P/s: Dành cho bạn nào tính chụp ảnh cưới ở Đà Lạt thì tớ khuyên bạn nên mang theo thợ makeup hoặc học makeup luôn cho rồi. Còn không thì hãy chỉ đạo thợ trang điểm thật kỹ càng nhé. Đà Lạt thợ trang điểm giỏi sao lên Sài Gòn hành nghề hết trơn rồi ấy hu hu

PHẦN 6] CHỤP PHÓNG SỰ VS CHỤP TRUYỀN THỐNG – AI HƠN AI?

Ngày xửa ngày xưa, chụp hình trong đám cưới chỉ có 1 lựa chọn duy nhất. Ngày nảy ngày nay, có đến 2 loại dịch vụ chụp trong đám cưới mà bạn có thể chọn. Đó là chụp phóng sự và chụp truyền thống. Vậy chúng nó là gì? Cùng là chụp hình vậy khác gì nhau? Có cần thiết phải chi thêm tiền không? Cái nào thì đẹp hơn và cái nào thì phù hợp với bạn?460-edtTrước khi bàn sâu xa, mình sẽ nói sơ qua về 2 định nghĩa trên để giúp các bạn dễ hình dung nhé!

  • Chụp cưới truyền thống: Là dạng hình thường thấy trong tất cả đám cưới từ xưa tới giờ. Hình hay được chụp theo đội hình chính giữa, mang phong cách vô cùng nghiêm túc và trật tự. Đặc điểm chính của hình là photographer chỉ bắt đầu chụp khi mọi người đã dàn hàng và đang cười rất tươi. Hình sẽ luôn luôn thấy đủ người, ít khi nào chỉ chụp 1 phần cơ thể (trừ mặt và bán thân). Ngoài mâm quả, nữ trang cưới, hoa cô dâu, xe hoa thì ít có đồ vật khác lọt vào ống nhòm do “không trang trọng”. Thường dùng để ghi lại trình tự những gì đã xảy ra và được người lớn rất yêu thích. Giá chụp truyền thống tầm 1,5 triệu trở xuống.
  • Chụp phóng sự: Tên tiếng anh của loại hình này là Documentary Wedding Photography. Nôm na là nó sẽ chụp lại toàn bộ buổi lễ (chuẩn bị, vào lễ, sau lễ). Thường ít chụp theo kiểu điểm danh mà đa phần là chụp lén. Khi xem hình sẽ cảm nhận được cảm xúc của nhân vật trong ảnh hơn là mang tính chất điểm danh lại các hoạt động trong ngày hôm đó. Hình có thể chụp cả người, chụp cảnh, chụp đồ vật… Và vì tính chất chính của loại ảnh này là bắt khoảnh khắc nên đôi khi góc chụp sẽ bị mất đôi chút tay chân này nọ. Giá chụp phóng sự từ 3 triệu trở lên.Người lớn xem dạng hình này thường ý kiến: “Sao bị mất cái tay?”, “Sao không thấy rõ cảnh?”, “Chụp khách mời chi mà nhìu vậy, chụp cô dâu chú rể nhìu nhìu lên chớ“… Sau đó kết luận thường là “Để bà chụp cho con!”

554-edt

Theo quan điểm cá nhân của tớ thì hình phóng sự luôn đẹp hơn hình truyền thống. Bạn vẫn có thể yên tâm là loại hình này vừa đẹp, vừa lưu giữ đầy đủ trình tự sự kiện trong ngày lễ. Tuy nhiên giá của chụp hình phóng sự luôn đắt hơn chụp truyền thống và người lớn thường hơi khó tính với loại hình này. Thế nên để biết mình phù hợp với loại hình nào, bạn cần cân nhắc những chi tiết sau nhé.

Cần chụp hình truyền thống khi

  • Ngân sách chụp hình của bạn từ 1,5 triệu trở xuống
  • Bạn chỉ muốn chụp các điểm chính của sự kiện hay chụp “điểm danh”
  • Chủ yếu quan tâm đến bố cục hình rõ ràng, hình ảnh sắc nét, màu đẹp tự nhiên. Không có yêu cầu về góc chụp nghệ thuật, màu sắc vintage hay đại loại thế.
  • Các phụ huynh yêu cầu loại hình này
  • Tiệc từ 200 người trở lên
  • Bạn không có yêu cầu hay mong muốn in thành album ảnh photobook mà chỉ cần rửa ra theo tấm như bình thường

Cần chụp hình phóng sự khi

  • Ngân sách của bạn từ 3 triệu trở lên. Cũng có một vài freelancer chụp với giá tầm 1 triệu. Điều đó là phụ thuộc vào khả năng trả giá của bạn. Tuy nhiên nếu book vào studio thì giá thường sẽ là 7 triệu trở lên.
  • Bạn mong muốn “xem” được cảm xúc trong tấm ảnh hơn là chỉ điểm mặt các nhân vật trong ảnh
  • Bạn yêu cầu cao hơn về bố cục ảnh, màu sắc…
  • Bạn muốn in ảnh thành dạng album photobook để lưu giữ
  • Photographer chấp nhận chụp một ít ảnh truyền thống
  • Không gặp sự phản đối của phụ huynh
  • Tiệc tầm 100-150 người trở xuống là tốt nhất! Với tiệc đông hơn thì bạn nên thêm 1 thợ chụp truyền thống nữa

Nên chọn cả 2 khi

  • Kinh phí có từ 5 triệu trở lên
  • Bạn vừa muốn đáp ứng yêu cầu của phụ huynh, vừa muốn lưu lại những khoảnh khắc đẹp dạng ảnh nghệ thuật cho mình
  • Tiệc của bạn từ 200 khách trở lên (Vì những tiệc dạng lớn thường cần chụp ảnh “điểm danh”. Nếu bạn nhờ photographer chụp phóng sự chụp giúp cũng được nhưng hơi uổng. Giống thuê ông giám đốc đi làm thư ký vậy.)

424-edt

Những rủi ro “rình rập” 

Vì đám cưới, đám hỏi đã qua thì không thể tổ chức lại nên hình ảnh khi đã hư, không vừa ý… cũng không thể chụp lại được. Có thể nói dù bạn chọn gói chụp cao cấp đến thế nào thì loại hình nào cũng có một số rủi ro nhất định mà bạn cần phải hạn chế tối thiểu mức độ xảy ra. Mình sẽ liệt kê một vài rủi ro đúc kết được để giúp bạn biết trước mà phòng tránh.

  • Người lớn đặc biệt là người già thường không thích ảnh phóng sự. Thế nên bạn đừng thất vọng khi khoe bức ảnh của mình mà lại bị chê. Yêu cầu ảnh cưới đẹp với người già thường như sau: thấy rõ mặt, đứng ở chính giữa càng tốt, không chụp đồ vật, ít chụp khách mời, chỉ chụp nhân vật chính, tất cả hậu cảnh đều phải rõ nét… Đây là điều mà chụp phóng sự đi ngược lại hoàn toàn. Vì vậy, nếu bạn đem ảnh cho người lớn tuổi xem, nên đưa hình truyền thống ra trước rồi mới đưa hình phóng sự (nếu có) để… mua vui là chính.
  • Có thể chính bạn sẽ không thích ảnh phóng sự! Điều này phụ thuộc vào photographer bạn chọn. Mỗi người chụp, mỗi studio lại có phong cách chụp khác nhau. Và vì nó mang đậm tính cá nhân như vậy nên sẽ có nhiều trường hợp bạn thích mà không hiểu tại sao và ghét vì ngàn lý do. Đắt tiền chưa hẳn sẽ vừa lòng bạn. Cần kiểm tra thật kỹ trước khi book chỗ.
  • Ảnh chụp truyền thống bị sến tơi bời. Sự sến này được đem đến bởi tài năng chỉnh màu quá mức của photographer cũng như khả năng sáng tạo, thêm trái tim, lấp lánh, rồng phượng… mà bạn không thể nào kiểm soát nổi. Đừng giao trứng cho ác! Hãy chọn lựa sáng suốt.

DSC_0034-copy

Một trong những điển hình của sự cố thêm hình sến súa vào ảnh chụp và chỉnh màu da bị sai (ám hồng)

truongphuong_3

Cùng là dạng hình chụp truyền thống, điểm danh nhưng khá hơn hẳn!

  • Thất vọng vì ảnh không chỉnh sửa nhiều! Đối với photographer chụp ảnh phóng sự, chỉnh sửa ảnh có nghĩa là thay đổi màu ảnh, crop ảnh… Đối với người được chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh lại mang ý nghĩa là xóa mụn, làm đẹp da mặt, tăng chiều cao… Thông thường ảnh phóng sự không chỉnh sửa như ý người chụp ảnh mà thường để tự nhiên, chân thật nhất. Chỉ có trường hợp quá lắm mới phải cà mụn này nọ chứ không như chụp album pre-wedding khi hầu hết các hình đều được chỉnh vì đều in ra. Chính vì sự khác biệt này mà nhiều cô dâu cảm thấy hụt hẫng, trách photographer chẳng chỉnh sửa hình gì cả trong khi photographer bù đầu bù cổ chỉnh màu cả mấy đêm liền.
  • Người nhà sẽ hơi bị shock trong những lúc đầu vì có cảm giác đang bị theo dõi. Cứ có đứa cứ tẻn tò theo đuôi, mình nhìn thì nó quay đi trong khi mình quay nơi khác thì nó bấm lia lịa. Có thể nói nhỏ trước với người nhà, khách mời (đặc biệt là người lớn) để mọi người “bình tĩnh” hơn.
  • Có nhiều photographer phóng sự sẽ bực mình với khách mời khi bị bắt chụp ảnh truyền thống. Chụp ít thì chắc cũng không sao đâu nhưng có nhiều trường hợp bị bắt chụp đi chụp lại đến khi nào mẫu vừa ý mới thả photographer ra thì người ta sẽ khá bực đó. Nói chung photographer phóng sự thì bạn cứ “thả” để anh/chị bay nhảy lung tung chứ đứng bắt chụp chính giữa, điểm danh hoài. Họ buồn vì không được chụp ảnh góc đẹp còn mình thì nhận hình tuy nó trông rất bình thường nhưng lại phải trả tiền hậu hĩnh thì cũng buồn lắm á…
  • Book photographer chụp ảnh phóng sự nhưng khi nhận hình thì cảm thấy nó cứ nửa nửa. Không hẳn là ảnh truyền thống nhưng cũng chẳng ra hình phóng sự. Nguyên nhân là vì có một số thợ truyền thống chuyển hướng sang chụp phóng sự nhưng chụp chưa tới nên nó cứ nửa nửa. Vậy mà bạn vẫn phải trả tiền như một photographer phóng sự thứ thiệt! Rõ ràng là không đáng nhưng nếu dại dột ham rẻ thì đành chịu thôi. Thế nên luôn nhớ phải cẩn thận nha!

484-edt

Photographer anh ở nơi mô?

Có khá nhiều cách tìm photographer chụp ảnh phóng sự và chụp ảnh truyền thống. Cách dễ nhất là bạn liên hệ với các studio có chụp dạng ảnh phóng sự. Họ thường giới thiệu luôn cả gói chụp truyền thống. Tuy nhiên các studio chụp truyền thống thì thường không giới thiệu chụp phóng sự (mà có giới thiệu thì cũng hơi nghi ngờ…) Một số studio và freelancer chụp phóng sự khá tốt mà tớ gom nhặt được là

Còn riêng tớ thì vẫn book anh Chuột chụp hình (phóng sự + Album cưới) suốt từ đám hỏi đến đám cưới luôn 😀 Chụp hình truyền thống cũng book qua bạn anh Chuột ấy. Bạn nào cần tìm thêm thông tin về giá và book lịch thì liên hệ qua đây nhé https://www.facebook.com/kidmouse

[PHẦN 7] QUAY PHÓNG SỰ CƯỚI – NÊN HAY KHÔNG?!

Quay phim cưới là một trong những vấn đề đau đầu của cô dâu, chú rể và tớ cũng không thoát khỏi viễn cảnh đó. Quay truyền thống hay quay phóng sự? Nên hay không nên? Có phí tiền quá không?… Bất kỳ ai tự xắn tay tổ chức đám cưới cũng sẽ đau đầu với mớ câu hỏi này. Và đây là những điều tớ đã tự nghiệm ra. Hy vọng giúp ích cho mọi người.

Quay phóng sự cưới

Quay phóng sự cưới là gì? – Là dạng phim được quay trong ngày cưới, đính hôn. Nó ghi lại toàn bộ các sự kiện chính, cảm xúc, khoảnh khắc đẹp trong buổi lễ. Khác với dạng phim truyền thống dài lê thê, clip phóng sự chỉ dài từ 5-10 phút. Clip khá cầu kỳ trong cảnh quay, góc máy thay đổi liên tục và thường chỉ chèn nhạc chứ không phát tiếng.

Mức phí phải trả cho dịch vụ quay phóng sự cưới khá cao. Gấp 3 đến 15 lần so với với chi phí phải trả cho một clip quay truyền thống. Chưa kể clip nhận được chỉ dài từ 5-10ph so với clip từ 40ph-1 tiếng hơn của cách quay thông thường. Nếu đem đi hỏi ý kiến phụ huynh, chắc chắn câu trả lời sẽ là phí tiền (Thà lấy tiền mua vàng để dành còn hơn). Thế nhưng bài viết này sẽ nói về hướng nhìn của nhân vật chính (cô dâu, chú rể) và bọn tớ tin có những thứ vàng cũng không mua được.

pink-and-purple-wedding2

CÂN NHẮC GIỮA QUAY TRUYỀN THỐNG VÀ QUAY PHÓNG SỰ
Quay phim trong lễ cưới là điều ai cũng sẽ làm nhưng chọn dịch vụ nào là một sự đắn đo khá lớn. Không chỉ khác biệt về mức phí, độ dài của clip mà còn là sở thích của mỗi cá nhân. Thường người lớn, phụ huynh sẽ đặc biệt yêu thích clip quay truyền thống vì

  • Rẻ (thường tầm 1 triệu hơn)
  • Giống mọi người, không sợ lạc loài. Bà con dòng họ đều chung 1 kiểu quay
  • Clip dài, từ từ. Phù hợp để nhâm nhi coi cả buổi chiều như luyện phim truyền hình Hàn Quốc
  • Dễ dàng điểm mặt tất cả khách mời và xem kỹ các chi tiết diễn ra trong buổi lễ

Nghe thì có vẻ lợi nhưng liệu có thật thế không? Ở một góc nhìn khác, đây là những lý do tớ đã quyết định không đặt quay clip truyền thống mà phân bố lại chi phí đám cưới để có thể quay clip phóng sự vì

  • Giá cao nhưng đáng. Có thể lâu lâu xem lại còn dạng clip truyền thống thì quá dài, quá chán để có thể làm thế. Thường clip truyền thống sẽ bị xếp xó sau đám cưới (dù ai cũng nói là giữ cả đời). Clip phóng sự ngắn, súc tích và hấp dẫn hơn nhiều nên bạn sẽ tha hồ xem lại hoài hoài mà không ngán.
  • Clip ngắn đầu tư nhiều công sức, chất xám hơn. Thường phải có từ 2 máy quay trở lên cùng có khá nhiều dụng cụ chuyên dụng mới có thể quay clip phóng sự. Trong khi đó quay truyền thống chỉ có 1 máy và ít khi đổi góc máy quay. Chưa kể đến kỹ thuật dựng phim cũng khác biệt. Một bên thường sến súa, dài dòng, một bên lại cô đọng và thu hút người xem từng giây.
  • Điều gì quan trọng với bạn? Là điểm mặt toàn bộ gương mặt khách mời hay cần ghi lại những cảm xúc, nụ cười, nước mắt mọi người? Là ngồi xem nguyên buổi lễ từ A đến Z hay chỉ cần giữ lại những khoảnh khắc đáng giá nhất, xúc động nhất? Cân nhắc những điều trên và bạn sẽ hiểu điều gì cần với mình.

Dĩ nhiên kinh phí cũng là một mối quan tâm lớn khi cân nhắc giữa 2 loại dịch vụ. Nhưng có lễ cưới nào rồi cũng sẽ qua, ngày vui nào rồi cũng sẽ tàn. Những khoảnh khắc đó sẽ không thể lấy lại nên nếu kinh phí không quá eo hẹp, tớ vẫn khuyên bạn nên chọn quay clip phóng sự hơn là clip truyền thống.

wedding-photographer-bride-camera

QUAY Ở ĐÂU?
Có khá nhiều dịch vụ quay phóng sự cưới mà bạn có thể dễ dàng tìm được trên Google, Facebook. Mức giá đa dạng và phong cách làm phim cũng khác nhau rất nhiều nên nhớ xem kỹ các clip studio đã từng rồi hãy quyết định nhé. Tuy có rất nhiều nhưng tớ chỉ làm việc với 2 studio mà thôi. Thế nên trong bài viết này tớ chỉ giới thiệu riêng các studio này. Hy vọng sẽ giúp mọi người đôi phần 🙂

Cody Studio

Bạn lead chính của studio này tên là Cody và đây là người sẽ trao đổi trực tiếp với bạn khi đặt lịch quay, thảo luận về giá cả, khuyến mãi… Hình như bạn này cũng là edit clip chính của studio luôn và theo nhận xét cá nhân thì bạn Cody có mắt chọn góc quay tốt nhất trong cả team. Các bạn khác trong team quay cũng được nhưng không đẹp long lanh bằng.

Style của Cody Studio mang vẻ mộc mạc, dễ thương, trẻ trung. Có thể nói là xinh như các phim Hàn Quốc vậy. Xem clip thì luôn cảm thấy không khí sôi nổi, vui vẻ. Giá của studio này là từ 3 triệu trở lên (giá năm 2014, giờ chắc có thay đổi). Đây là gói thấp nhất của studio: chỉ 1 máy quay, không có dụng cụ chuyên dụng kèm theo. Và vì vậy nên thật tình sẽ không đẹp lung linh lắm đâu.

Đây là 2 clip mà Cody Studio đã làm cho tớ vào đám hỏi và đám cưới. Tất cả đều có bạn Cody quay và xem rất vui và dễ thương. Còn 1 clip khác nữa mà tớ cũng quay ở studio này mà chưa up lên. Tuy nhiên clip đó thì không có Cody quay mà 2 bạn khác trong team quay nên thấy không dễ thương bằng 2 clip kia (ý kiến cá nhân thôi hè hè)

Mốc Nguyễn Productions

Tớ không quay clip phóng sự cưới với bạn này nhưng có quay clip love story (mà sẽ viết review trong một bài khác). Thế nên cũng đã có cơ hội gặp gỡ, làm việc với team của Mốc. Viết review lại để nếu mọi người có đang băn khoăn thì sẽ có thông tin để tìm hiểu nhé! Team của Mốc có 5 bạn (bao gồm cả quay phim và chụp hình). Hình như nhân sự mảng quay phim là 3 bạn thì phải (nếu nhớ không lầm). Lead chính của team là bạn Mốc – khá tròn trĩnh, nhìn không ai nhận ra tuổi thật. Team có duy nhất một bạn nữ, bạn lead to con bao nhiêu, bạn nữ mi nhon bấy nhiêu (ha ha). Nói chung cả team đều rất dễ thương và làm việc chuyên nghiệp lắm. Khi gặp mặt lần đầu cũng như suốt quá trình làm việc đều cảm thấy rất tin tưởng và an tâm.

Giá dịch vụ của Mốc khá cao, từ 15 triệu trở lên (hình như thế… không nhớ chính xác lắm. Mọi người liên hệ để có báo giá đúng nha). Tuy cao như vậy nhưng chất lượng đảm bảo đi đôi với giá tiền. Có thể nói điểm mạnh nhất của Mốc Nguyễn Productions là khả năng dựng phim và set up các góc quay. Từ nhạc nền, góc quay, cho đến story xuyên suốt clip mang phong cách sang trọng, chuyên nghiệp. Để làm được điều này thì các thiết bị hỗ trợ quay phim rất pro, máy quay cũng xịn. Trên hết thì người quay phim và dựng phim phải rất giỏi. Vậy nên giá cũng cao he he

Bạn có thể coi các clip mà Mốc Productions đã làm trên facebook hoặc website. Còn ở đây tớ sẽ khoe trailer của clip love story của mình (dù không liên quan lắm he he. Nhưng cùng một nhân vật, bạn sẽ dễ nhận ra style khác nhau của 2 studio)

https://youtu.be/-4phWDbYkzw

MỘT SỐ LƯU Ý
Giá quay phóng sự cưới sẽ khác nhau tùy studio, freelancer. Mức giá thay đổi vì kỹ năng nghề nghiệp, số lượng máy quay, các dụng cụ chuyên dụng dành cho quay phim…

  • Vẫn có những studio chấp nhận mức giá khá thấp (chỉ 1 máy, không sử dụng dụng cụ chuyên dụng…). Trong trường hợp bạn không thích quay truyền thống nhưng lại eo hẹp về tài chính thì có thể sử dụng cách này. Tuy nhiên, clip của bạn chắc chắn sẽ không thể lung linh như các gói bình thường. Nhưng với quan điểm cá nhân, tớ vẫn thấy nó tốt hơn clip truyền thống rất nhiều lần.
  • Một số thợ truyền thống bỗng nhiên nhảy sang mảng quay phóng sự tạo nên một dạng clip “nửa mùa” mà giá vẫn khá cao. Bạn phải xem kỹ các clip của studio định thuê rồi hãy quyết định nhé. Hình ảnh và quay phim luôn phải cẩn thận vì chúng không thể làm lại được.
  • Tất cả các studio quay phóng sự cưới đều cần book lịch trước ít nhất 2 tháng (ngoài mùa cưới) và 6 tháng (trong mùa cưới) do lượng khách đông mà nhân sự có hạn. Các studio quay dạng truyền thống thì đơn giản hơn, không kén người quay nên gần ngày book cũng được. Chị bạn của tớ book trước đó 3 ngày (hú hồn). Nói vậy thôi chứ không nên làm thế nhé kẻo hỏng việc đấy.

[PHẦN 8] QUAY CLIP PRE-WEDDING – CẤT GIỮ NHỮNG KỶ NIỆM

Chụp hình cưới rất phổ biến, quay phim cưới lại khá hiếm. Vì kinh phí, vì tiếc tiền, vì tốn công, và cả trăm thứ “vì” khác nữa mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Nhưng đây sẽ là câu chuyện khác một tí. Câu chuyện của người có cả trăm cái “vì” nhưng lại chọn chữ “nếu” và hồi hộp, hy vọng vào chữ “sẽ” đến với mình ra sao…

Quay clip pre-wedding

Trăm ngàn chữ  “vì”

Là người từng bị mê hoặc bởi những đoạn phim cưới lãng mạn, dĩ nhiên sẽ luôn ấp ủ giấc mơ của riêng mình. Tin rằng cô gái nào cũng thế. Nhưng đời luôn không như là mơ! Nhất là khi bạn tự chủ về đám cưới, những quyết định luôn được cân nhắc kỹ càng.

Đầu tiên kể đến phải là về kinh phí. Giá thành của 1 clip pre-wedding cao bằng (hoặc hơn) một bộ ảnh cưới. Nhưng nếu khi chụp ảnh xong, bạn có thể thích thú cả tháng trời với mấy trăm tấm hình đẹp, nặng trịch cả tay với cuốn album cưới, nhà luôn có (ít nhất) 1 tấm hình siêu to để kỷ niệm thì quay clip, bạn sẽ chỉ có 5ph (hoặc ít hơn) để vui vẻ và… hết. Kể ra thì khá hụt hẫng nhưng đúng là vậy.

Phân vân thứ hai là về thời gian. Tuy tớ không bị gò bó về lịch làm việc 8 tiếng nhưng để có thể xếp lịch giữa công việc, quay phim cùng trăm việc không tên khác khi làm đám cưới cũng chẳng dễ dàng gì. Thời gian quay clip ít là 1 ngày, thường là 3 ngày. Nếu ai chọn quay clip ngày chụp ảnh cưới thì sẽ đơn giản hơn. Tất cả xong chỉ trong 1 ngày! Thế nhưng hầu hết mọi người lại mong clip pre-wedding ghi lại những kỷ niệm tình yêu, những lời cảm ơn đặc biệt đến khách mời hay cầu kỳ hơn, là một bí mật bất ngờ đến người bạn đời của mình trong hôm đó. Vậy nên không chỉ tính thời gian quay, thời gian nêu ý tưởng, soạn kịch bản…. chắc chắn là đã tốn kha khá rồi.

Cuối cùng và là nỗi lo lớn nhất, đó là chất lượng. Dành nhiều thời gian, tốn không ít tiền bạc nhưng liệu có đáng giá??? Đó là cảm giác chung của bất kỳ ai chọn làm clip pre-wedding. Bạn phải bỏ ra một cục tiền, tốn không ít công sức nhưng có chắc thứ bạn hình dung trong đầu là thứ mà “người ta” sẽ làm ra? Không ai hiểu ý mình bằng chính mình cả. Vậy nên rất nhiều trường hợp nghĩ 1 đằng, người làm ra một nẻo mà không kiện được vì khả năng của họ chỉ có thế mà thôi. Ví tiền đau, đầu thì bực tức mà tiếc cho những kỷ niệm, những mong muốn ban đầu còn gấp bội phần. Lúc ấy hẳn sẽ nghĩ biết thế thà không làm còn hơn!

Search google vài giây là có ngay địa chỉ hơn chục studio nhận quay clip pre-wedding. Giá tham khảo từ khoảng 5 triệu trở lên tùy độ khó và chất lượng. Muốn tiết kiệm thời gian bạn có thể quay clip tâm sự đôi lời của 2 đứa. Muốn nhanh gọn có thể sử dụng gói làm clip hoạt hình, clip quay ngày chụp hình cưới… Riêng tớ lại muốn quay những clip kể lại câu chuyện tình yêu của 2 đứa để kỷ niệm. Theo quan điểm cá nhân thì đây là yêu cầu khó nhất trong tất cả các dạng clip! Không chỉ quay cho đẹp, kể cho hay mà vẫn giữ được nguyên vẹn cảm xúc, kỷ niệm của CD, CR. Trừ khi bạn có câu chuyện rất gay cấn, hấn dẫn như Hollywood thì thôi, còn những câu chuyện tình yêu đời thường đều gây đau đầu cho bạn edit clip cũng như viết kịch bản. Biến những thứ bình thường trở nên hấp dẫn là chuyện không phải ai cũng làm được. Vậy nên lời khuyên cho bạn nào muốn làm clip pre-wedding giống mình thì hãy lựa chọn cẩn thận studio bạn định quay. Đừng “giao trứng cho ác” nhé!

118

Và vài chữ “nếu”…

Tham khảo thông tin hơn 1 năm trước khi cưới. Mở youtube xem chắc cũng vài chục clip pre-wedding và hơn nửa trong số đó khiến tớ… vô cùng buồn ngủ. Ngán ngẩm với phần đông clip pre-wedding siêu chán nản và hàng ngàn lý do khác nên thực tế tớ không định làm. Nói thẳng ra là khi cân nhắc về rủi ro, tính kinh tế của clip thì việc cắt nó đi là việc làm quá đúng đắn. Khỏi nói cũng biết! Thế nhưng…

Khi bạn bắt đầu tổ chức đám cưới, bạn nhận ra nó không chỉ như “lời người ta nói”: Cưới mệt lắm, cố làm cho xong; Quan trọng sống với nhau ra sao còn cưới cho nhanh là được; Số sao khổ thế, cứ để bố mẹ lo hết rồi ngồi đó “bỗng dưng” cưới xong, khỏe không?… Bạn sẽ cảm thấy nó là những ngày tuy mệt nhưng rất vui. Cảm giác như cưới không phải là “một ngày làm nhanh cho xong” mà là ngày để kỷ niệm cả quãng đường hai đứa bên nhau. Thế nên bạn sẽ muốn ghi lại kỷ niệm những ngày yêu nhau của mình.

Khi bạn cưới, bạn cảm thấy rất biết ơn gia đình và những  bạn bè thân thiết. Mẹ lựa cùng bạn từng mét vải áo dài. Ba bàn bạc với bạn từng chi tiết tiệc cưới. Và nhất là đám bạn thân của cô dâu, chọn giày cưới, tư vấn áo váy và giúp một đống việc đi ấy chứ. Dĩ nhiên là bạn sẽ muốn cảm ơn mọi người. Cơ mà trong tiệc cưới truyền thống, phụ huynh luôn là người phát biểu và dám chắc CD, CR chẳng dám hó hé gì đâu. Thế nên trừ khi bạn đầy dũng khí cùng nói lời cảm ơn trước sân khấu thì clip cảm ơn cũng là lựa chọn không tồi nhỉ?

Những câu chuyện tình yêu luôn là những thứ rất dễ thương, nhưng để đến được tới đám cưới thì nó sẽ là một câu chuyện đặc biệt. Vậy nên với một điều quan trọng đến vậy, dĩ nhiên là bạn sẽ muốn chia sẻ nó với người thân của mình rồi. Còn chưa kể đến là bạn còn có thể giữ hoài những kỷ niệm trong cuốn phim ấy chứ.

Tớ không gặp khó khăn lắm với tài chính vì kiểm soát khá chặt chẽ cũng như đã để dành từ trước. Thế nên điều cuối cùng khiến tớ băn khoăn là sau đám cưới, dù dư dả hơn thì tớ có làm clip pre-wedding không. Và hiển nhiên là không! Dù bạn thành tỷ phú, dù bạn vẫn rất muốn nhưng chắc chắn bạn sẽ không làm. Lý do thì chắc liệt kê cũng cả ngày trời. Vậy nên sau khi đắn đo suy nghĩ, bọn tớ quyết định làm. Tuy không gặp khó khăn lắm nhưng vẫn phải cân đối lại tài chính và cũng có chút nhức đầu. Vì vậy lời khuyên chân thành là nếu bạn không dư dả lắm thì không nên làm đâu. Đám cưới có rất nhiều thứ phải chi tiền. Lo những điều quan trọng trước, nếu thấy ổn thì sau đó hãy tự do thực hiện những giấc mơ của mình. Suy cho cùng, đám cưới là để mơ mộng mà he he

120

Xắn tay, lăn vào… máy quay

Mò studio hơn cả năm trời, email qua lại cũng gần nửa năm. Đến khi quyết định, đặt cọc mất tầm 2 tiếng là hơn. Thực sự ra khỏi studio xong lòng có nhiều lo lắng… Lo nhất là có khi nào giữa những cái clip sến súa trên youtube mà mình chê bai, mình lại đăng quang thành chúa sến không. Chắc chắn là bạn nào quay clip pre-wedding cũng đều có cảm xúc tương tự.

Lựa ra được vài ba cái studio ưng ý nhưng cuối cùng vẫn chọn Mốc Nguyễn Production. Thực tế thì mấy bạn lọt vào “mắt xanh” đều quay siêu lung linh, edit clip hay và không có bất kỳ điều gì để chê cả. Nhưng chọn Mốc vì đây là cái studio duy nhất làm tớ cảm nhận được tình yêu trong từng thước phim. Nó nhẹ nhàng, tự nhiên và ấm áp lắm. Nếu bạn cũng đang đau đầu chọn studio quay clip thì lời khuyên là hãy chọn nơi bạn cảm nhận được cảm xúc trong clip đó. Thêm nữa là cần chọn style của studio. Sang trọng hay mộc mạc, kỹ xảo hoành tráng hay dễ thương xinh xinh… bạn có thể có rất nhiều ý tưởng nhưng cần xem xét cẩn thận xem studio có làm được hay không để “chọn mặt gửi vàng” nhen.

Khi quay clip, bạn sẽ chẳng cần lo gì nhiều ngoài ba cái quần áo, tóc tai, trang điểm. Một số địa điểm quay đặc biệt cần bạn liên hệ trước để xin phép (trường học, sân bay, plaza…) trong trường hợp khó quá thì… thôi quay lén đi ha ha. Bị bắt thì chạy thôi.

Tùy câu chuyện tình yêu của 2 người thì bạn sẽ nhận một cái kịch bản khác nhau. Sau khi nhận kịch bản thì cứ thế mà đi theo và diễn. Team của Mốc đi quay pre-wedding thường có 2 bạn, một bạn bự ơi là bự sẽ quay chính cũng như edit clip này nọ kia. Bạn còn lại sẽ theo phụ Mốc, thường là một bạn nữ nhỏ con xinh xinh. Nói chung ai cũng dễ thương cả và nhìn rất giống số 10 he he. Chắc chắn hầu hết mọi người đều có cảm tình với studio này khi liên hệ qua email, facebook… vì trả lời vô cùng nhiệt tình, nhanh gọn và dễ thương. Đó là điểm cộng khá lớn vì tớ liên hệ hơn chục cái studio để nhận báo giá nhưng Mốc là studio duy nhất liên lạc với tớ thường xuyên, ngay cả trước khi là khách hàng. Nhờ vậy nên chưa biết mặt mũi studio ra sao, đưa nguyên cọc tiền, tuy hơi lo nhưng lòng không bối rối hi hi. Vẫn thấy an tâm rất nhiều.

Gọi là diễn để quay phim chứ thực tế cũng không làm gì nhiều vì bạn đang đóng chính mình mà. Quay clip pre-wedding mất khoảng 3 ngày. Có nắng, có mệt, có lu xu bu và bể kế hoạch nhiều chỗ nhưng vẫn thấy rất vui. Cứ giống như được lên máy thời gian của Doremon, về lại những ngày xưa thân thương mà cười, mà vui, mà cứ mải yêu, chẳng lo gì đến chuyện tương lai. Clip pre-wedding thường dài tầm 5ph nhưng với tớ, thứ bạn có được không chỉ là 5ph ngắn ngủi đó đâu. Nó sẽ là hơn gần 3 ngày được du hành ngược thời gian, về lại những nơi vô cùng đặc biệt với bạn.

Sau khi quay clip bạn sẽ có một trailer để nhắc mọi người ngày đám cưới nhớ đi dự, xem clip he he

Và trong buổi lễ thì có clip full để chiếu. Ngày cưới cũng là lần đầu tiên tớ xem clip. Lòng lo chết đi được, sợ hư, sợ bể show… nhưng lúc chiếu clip lên test thì quên hết sạch. Nó dễ thương quá. Ngay cả khi đi quay phim cũng không tưởng tượng được là clip xinh đến như thế.

Clip lúc đầu chỉ định chiếu trong tiệc của bố mẹ nhưng vì nó quá dễ thương, cộng với sự đón nhận nhiệt tình của đám bạn thì tiệc riêng cũng chiếu luôn. Và nó là quyết định đúng đắn hi hi. Tiệc bạn bè xem vui hơn rất nhiều. Nhớ lưu ý test kỹ với nhà hàng về máy chiếu để đảm bảo chất lượng clip tốt nhất nhé. Nếu bạn thuê máy chiếu ở ngoài thì nhớ thuê máy chiếu có thể chiếu được phim HD nhen. Tuy đắt hơn một chút nhưng rất đáng đó! Kinh nghiệm rút ra sau khi quay clip pre-wedding là bạn nên quay trước tầm 6 tháng thì tốt hơn. Tớ quay clip rất gần ngày, hôm đám cưới cũng là lúc xem clip lần đầu tiên nên khá lu bu. Chuẩn bị quần áo, trang điểm này nọ cũng phải mua gấp. Thư thả, có thời gian chuẩn bị vẫn tốt hơn.

Phần kết cuối cùng tớ sẽ dành cho hình ảnh. Đây là những khoảnh khắc mà bạn bè, người thân xem và chia sẻ những điều ý nghĩa trong clip và quả thật nó đáng giá vô cùng. Nếu mở đầu đám cưới là những điệu nhảy sến sến, là khúc giới thiệu cho xong thì chắc chắn sẽ không thể có được những giây phút này 🙂

439

[PHẦN 9] CHỌN VÁY CƯỚI – GIAN NAN LẮM CON ĐƯỜNG

Con gái thì ai cũng từng một lần mơ mộng về chiếc váy cưới của mình. Thế nên chẳng lạ gì khi đây là “tiết mục” được mong chờ nhất khi chuẩn bị đám cưới. Nhưng nhiều khi ước mơ chỉ là mơ ước! Những chiếc váy cưới lung linh trên mạng đôi khi lại khiến bạn í ẹ khi trông thấy nó ngoài đời.

IMG_2102

Tìm được mẫu váy cưới yêu thích trên mạng là điều vô cùng dễ dàng. Nhưng để biến nó thành sự thật thì lại là một vấn đề khác. Không như mộng tưởng, thực tế luôn gắn liền với ví tiền và đây chắc chắn là điều bạn cần quan tâm đầu tiên khi chọn váy cưới. Thuê, mua, may hay… mượn váy cưới? Tất cả đều phù thuộc vào điều kiện tài chính cùng sở thích của bạn. Cô dâu có quyền được đẹp nhất trong đám cưới. Đó là điều không cần phải bàn cãi. Nhưng vừa đẹp mà lại vừa túi thì lại có lắm thứ phải phân vân.

Thuê váy cưới

Hầu hết mọi người chọn cách này vì vừa tiết kiệm lại giúp bạn có nhiều lựa chọn hơn. Nhưng tùy tình hình, có thể thuê váy cưới lại tốn nhiều tiền hơn bạn tưởng đó. Tuy tớ đã chọn phương án may váy cưới nhưng cũng có vài lần dạo qua những chỗ cho thuê váy để thăm dò trước khi quyết định nên tớ cũng có vài kinh nghiệm chia sẻ đến mọi người 😀 Cùng đọc nhé!

10577156-690899874318172-4082905665095920191-n

Nên thuê vì…
– Bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn. Các tiệm cho thuê áo cưới ở khắp nơi từ trung tâm thành phố cho đến vùng ngoại ô, từ bình dân đến sang trọng.

– Mức giá thuê váy cưới giao động từ 1 triệu đến hơn 10 triệu đồng. Điều này phụ thuộc vào mẫu mã, thương hiệu, kiểu dáng, chất liệu vải… Có thể cùng 1 kiểu áo nhưng lại có 2 giá tiền rất chênh lệch. Do mẫu vải, cách may… mà bạn chỉ có thể xác định rõ nếu mặc thử lên người. Nhìn bên ngoài thì gần như không khác biệt mấy.

– Thuê áo, bạn sẽ được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Không còn phải băn khoăn váy có hợp với mình hay vì bạn đã được ướm thử trên người mà 😀

– Nếu bạn chỉ đãi 1 tiệc thì mức kinh phí có thể phân ra làm 2, 3 áo. Mà con gái thì lại ham có nhiều váy áo đẹp. Lúc đó có thể mặc nhiều áo trong 1 tiệc thay vì chỉ 1-2 váy nếu đi may.

– Ngoài ra cũng chẳng tốn tiền giặt hấp, tốn chỗ cất áo cưới sau này cũng như được mượn kèm các phụ kiện cưới của cửa hàng nữa…

– Một số tiệm thuê áo cưới dạng cao cấp có gói dịch vụ giữ chỗ áo cưới. Khi bạn đặt cọc, họ sẽ giữ riêng váy cho bạn. Đảm bảo bạn là người đầu tiên mặc. Dĩ nhiên mức giá sẽ cao hơn. Bạn có thể hỏi các tiệm thuê váy cưới để biết rõ nhé vì tớ không có nhu cầu nên cũng không hỏi han về nó.

– Có rất nhiều dòng váy nhập từ Mỹ, Nhật, Sing… Mỗi đất nước lại có một style khác nhau tha hồ cho bạn lựa chọn. Đây là điều hiếm có nếu may váy. Nếu bạn để ý kỹ, các style máy được may đều theo nét đẹp của Việt Nam. Muốn có được style khác lạ như các váy nhập này phải hội tụ đủ các yêu cầu về chất liệu, kiểu dáng, thiết kế và tay nghề thợ may.

– Dạo này các tiệm cũng sáng tạo nên nhiều loại váy, đáp ứng nhu cầu muốn mặc nhiều bộ mà giá rẻ của cô dâu. Đó là 1 váy nhưng thay phụ kiện sẽ thành dáng váy khác ngay 😀 thấy khá hay mà lại tiết kiệm. Thường may váy ít khi bọn mình nghĩ đến điều này.

Nhưng…
– Các váy cưới cho thuê hầu hết đều có mẫu cầu kỳ. Nếu bạn chỉ mê những mẫu cực kỳ đơn giản thì rất khó kiếm, hầu như không có chỗ cho thuê vì họ sợ đơn giản quá, khách sẽ không thích nên ít làm. Những mẫu cầu kỳ, kết pha lê nhiều cũng như xòe bồng bềnh, may nhiều lớp… thường thông dụng hơn.

– Bạn rất dễ bị lóa mắt bởi sự sang trọng của các tiệm váy cưới, nhất là các tiệm lớn. Tuy nhiên vào rồi mới thấy các váy giá thuê được thường đã ngả vàng, lỗi mốt còn đám áo đẹp long lanh bên ngoài giá rất cao. Tớ từng vào tiệm Milan 3 năm trước với chị họ để thuê váy. Nói chung nhìn thất vọng lắm 😦  Mặt tiền đẹp long lanh, sang trọng cũng đồng nghĩa giá cũng khiến mình lóa mắt luôn. Các loại váy giá tầm 3tr nhìn rất cũ và lỗi mốt. Cô dâu nào khó tính sẽ khó lòng chấp nhận những chiếc váy với mức giá thuê này đâu. Tuy nhiên các váy giá khoảng 10tr thì lại rất đẹp.

– Nếu bạn không vừa ý về một số chi tiết nhỏ trên váy (ví dụ muốn may dài hơn, may thêm tay…) thì chỉ có nước kiếm váy mới mà thôi. Váy thuê chỉ nới ra, bóp vào chứ không thay đổi kết cấu váy.

– Các bạn sale rất dễ tung hỏa mù về độ xịn của chất liệu. Tuy nhiên hàng xịn, hàng nhập cũng có vài loại khác nhau, không dễ để phân biệt nếu bạn không phải là dân chuyên. Một số tiệm có mức giá không xác định. Nó phụ thuộc vào sale cũng như kỹ năng trả giá của bạn!!?!? (Đáng lẽ đây là thứ không trả giá!). Search kỹ trên mạng về tiệm bạn sắp đến. Coi chừng bị lừa về giá cũng như gặp phải những thứ không mong muốn. Có lần tớ search google được 1 tiệm thấy cũng lung linh lắm. May sao thử tra xem review trước mới biết nơi đó toàn xã hội đen, ép người lấy váy khiến ai cũng sợ.

– Thượng vàng hạ cám đủ loại cả. Các bạn bán hàng hay dùng từ “hàng nhập” khi tư vấn váy cưới để bạn yên tâm nhưng hầu hết là nhập từ Trung Quốc với giá rất rẻ chứ không như tưởng tượng của bạn đâu. Chính vì vậy nếu bạn có chỗ thuê áo cưới tin tưởng thì không sao, còn lại nên nghiên cứu vài ba chỗ. Phần để yên tâm, phần cũng là cơ hội thử nhiều váy áo hơn ^^ đặc quyền của cô dâu mà.

– Với những bạn chỉ mặc áo cưới cho 1 tiệc thì đây là lựa chọn rất ok. Nhưng có bạn sẽ làm tiệc cưới 2 lần trở lên, đôi khi cũng có vài cô dâu dùng váy để chụp hình cưới như tớ luôn thì mức giá thuê nhiều lần lại rất mắc. Thông thường cùng 1 loại váy cưới, tiền thuê khoảng 2 lần là có thể mua được nó rồi. Và cũng vì lý do đó mà tớ chọn may váy thay cho thuê.

– Những hình ảnh trên mạng luôn lung linh, khiến bạn phải chạy ngay lập tức đến chỗ thuê váy. Nhưng hình ảnh và đời thực thường khác nhau rất nhiều. Chưa kể các người mẫu mặc váy cưới luôn có số đo chuẩn nên họ mặc gì dường như cũng đẹp. Hình ảnh có thể tác động đến bạn nhưng điều gì mắt thấy, tai nghe vẫn đáng tin hơn mà.

Vivian-Luk-Atelier-Wedding-Dre-7876-8864-1404599593

May váy cưới
Cô dâu chọn may váy cưới vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Có bạn vì mê chiếc váy nào đó quá nên may, có bạn lại giống tớ, vì tiếc tiền thuê nên may (hì hì), cũng có bạn tin rằng váy cưới đẹp nhất khi vừa vặn với mình nên móc hầu bao và đầu tư vào phần này nhiều hơn. Nói chung có vô vàn lý do trên đời nhưng cũng chỉ có cùng một mục đích, làm cho mình đẹp nhất ngày trọng đại mà thôi.

Không như thuê, may váy cưới có thể đem đến bạn nhiều rủi ro hơn. Nhất là khi mẫu bạn đặt may, tiệm chưa từng có. Phần đông cô dâu may váy thường có mẫu chọn trên mạng hay đâu đó hơn là may mẫu sẵn có tại tiệm. Việc này rất hên xui vì chỉ cần sai loại vải, đường may… thì chiếc váy vốn tưởng trong mơ hóa ra lại là ác mộng. Phương án an toàn hơn là đặt may theo mẫu mà tiệm đã có sẵn hoặc chỉ may những mẫu giống giống dáng của những mẫu sẵn có thôi. Đừng mạo hiểm quá nếu chưa biết tay nghề của thợ may!

Theo giá tiền khảo sát, tớ tự chia váy cưới hiện có trên thị trường làm 3 loại khác nhau. Tùy sở thích, điều kiện tài chính mà bạn lựa chọn loại váy phù hợp với mình nhé.

1. Váy cưới giá rẻ
Mức giá những bộ váy này giao động từ 1tr5 cho đến tầm 4tr tùy độ cầu kỳ, chất liệu, form dáng. Những chiếc váy này thường được thấy hàng loạt ở các tiệm áo cưới bình dân. Chúng được kết hạt khá nhiều, có nhiều bộ được phối màu sặc sỡ do người may tùy hứng mà làm nên nhìn hơi quê quê. Tuy nhiên nếu bạn không cầu kỳ quá ở váy áo, chọn mẫu đơn giản và giám sát chặt chẽ váy thì áo cũng không tệ đâu. Chất lượng vẫn được với mức giá khá rẻ.

Các loại váy này theo nhận định cá nhân thì màu trắng là an toàn nhất. Các màu khác rất hên xui. Và cũng theo như tớ mò mẫm được thì mức giá rẻ đến vậy bởi 2 yếu tố chính: form dáng và chất vải. Hầu hết được may bằng vải giá rẻ nên tiền cũng nhờ thế giảm xuống theo. Form dáng cũng tương tự. Những chiếc váy dáng đẹp, tôn lên đường cong của cơ thể mà không bị phùng phình, dư chỗ này chỗ nọ có giá mắc hơn tầm 700K so với áo bình thường.

04_1Váy cưới chợ Tân Bình

Có bạn sẽ hỏi làm sao biết vải rẻ và mắc tiền khác nhau thế nào? Cái này thì phải dành cho các bạn giỏi về thời trang rồi 😀 Tuy nhiên nếu chịu khó lượn qua vài vòng chợ vải, bạn cũng có thể nhận ra vài mặt hàng vải thông dụng. Theo kinh nghiệm của tớ, những loại vải mắc tiền được dệt rất tỉ mỉ và giấu vết chỉ khéo hơn loại vải bình thường nhiều. Một điều nữa là các loại vải ở đây thường rất dễ kiếm ở bất kỳ chợ nào bán vải ren. Nó là hàng giá rẻ nên vải cũng thuộc dạng thông dụng dễ kiếm. Kết hạt pha lê cũng là một trong những yếu tố quyết định giá tiền của váy. Pha lê Trung Quốc sẽ rẻ hơn pha lê cao cấp khoảng 8 lần. Tuy nhiên theo kinh nghiệm cá nhân thì nếu bạn may váy cưới ngắn, nên hỏi kỹ các tiệm này và tiệm váy cưới ở mục dưới để so sánh giá trước nhé. Tớ từng đi hỏi và bị báo giá cao hơn mà chất lượng may cũng như chất liệu vải không bằng ở tiệm may quen. Dĩ nhiên là về váy cưới ngắn thôi, váy cưới dài vẫn ổn.

Nơi tập kết nhiều loại váy này nhất ở Tp.HCM là chợ Tân Bình. Lưu ý là ngay bên trong chợ nhé. Lúc đầu tìm hiểu, tớ cứ nghĩ váy cưới ở đây phải được bán ở ngoài mặt tiền đường cơ nhưng sau đó người quen chỉ mới biết váy nơi đây được bán trong từng sạp chợ cứ như mua quần áo bình thường. Các tiệm ở ngoài mặt tiền, đối diện chợ có giá cũng khá ổn, lại có chỗ thử áo. Họ nhận cho thuê và may đồ đó 😀 Bạn có thể ghé qua xem thử! Trong chợ Tân Bình là cơ man các loại váy và phụ kiện. Từ lúp cô dâu, vương miện, bao tay, hoa giả, phụ kiện chụp hình, áo vest chú rể đến những đồ lót dành cho cô dâu. Tấn tần tật cái gì cũng có cả khiến cho mỗi lần vào tớ rất hoa mắt. Nếu bạn đang cần những phụ kiện làm đẹp cho cô dâu cũng có thể ghé qua đây nhé. Các mặt hàng giá rẻ, rất đa dạng chỉ có điều phải trả giá thôi. Vì giá bình dân, các sạp cũng có diện tích rất nhỏ nên 1 sạp phải tận dụng không gian tối đa. Ai cần thử đồ, họ sẽ kéo vải che để thử tại sạp. Váy áo thì rất nhiều, mỗi tiệm lại có thế mạnh riêng nên tốt nhất bạn đi dạo vài vòng để xem thử trước nhen. Ai cũng ý thức là váy cưới sẽ phải suy nghĩ nhiều lần trước khi mua nên vào thử, họ không làm khó bạn đâu mà ngược lại rất nhiệt tình.

Một địa điểm nữa mà tớ có ghé qua, tiệm này có phân phối váy cưới sỉ đến các studio bình dân nên có khá nhiều mẫu. Giá của bạn này có thể nhỉnh hơn 1 xíu so với trong chợ nhưng bạn sẽ được tư vấn rất tận tình. Nếu họ nhắm may sẽ không đẹp như hình, họ sẽ từ chối ngay khiến mình cảm thấy an tâm vì họ có trách nhiệm. Có nhiều loại áo được may sẵn nên bạn cũng sẽ hình dung rõ hơn chất lượng váy. Có điều quan điểm cá nhân thì style của chị ấy hơi… quê quê một chút. Nhưng chỉ cần bạn giám sát kỹ mẫu theo mong muốn, bỏ bớt những thứ làm quá trên váy (pha lê, hoa vải…) thì váy của tiệm cũng được lắm. Tiệm này ở khá xa, bạn nhớ hẹn giờ trước khi đến nhé https://www.facebook.com/aocuoicongchua

2. Váy cưới thông dụng
Các loại váy này có giá may từ 4tr đến hơn 10tr, tùy chất vải, độ cầu kỳ của mẫu. Khác với quy trình may các mẫu váy cưới giá rẻ, các tiệm may loại váy cưới này thường có 1 anh/chị thiết kế sẽ tư vấn rất cặn kẽ về mẫu bạn chọn có phù hợp để may hay không? Các tiệm giá rẻ hầu như chỉ có người bán hàng tiếp bạn thôi. Họ sẽ tư vấn từ loại vải đến mẫu áo… Giá thành cao hơn, các tiệm may váy cưới dạng này cũng long lanh hơn nhiều.

wedding-dresses-pencil-sketch-6
Các mẫu đều sẽ được vẽ mẫu trước, cho bạn xem rồi mới gửi đến xưởng may. Lưu ý rằng có khi bạn vẽ mẫu cũng không hiểu trọn ý của mình đâu nên nếu thay đổi gì thì bạn cần làm lúc này nhé 😀 vì chỉ sai 1 ly trên bản vẽ, váy bạn sẽ đi 1 dặm đấy. Cứ tha hồ hỏi kỹ trên bản vẽ để chắc chắn nha. Sau khi mẫu hoàn thành, hầu như chỉ chỉnh các chi tiết nhỏ thôi chứ không sai lệch quá so với bản vẽ đâu.

Loại vải cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu khi may ở những tiệm váy cưới này. Mức giá này không đắt nhưng cũng không phải rẻ, tiệm có rất nhiều mẫu vải khác nhau cho bạn chọn lựa. Khi chọn vải, ngoài chọn hoa văn vải cần phải chọn kỹ chất vải mềm rũ hay cứng cáp nhé. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến thiết kế. Ví dụ những vị trí cổ áo đứng thì nên chọn vải cứng trong khi đó phần tùng xòe lại cần độ mềm mại của vải rũ hơn. Bạn nên hỏi kỹ bạn thiết kế trong tiệm nhé, đừng ngại ngùng. Bạn ấy sẽ tư vấn tốt hơn vì đã quen với các chất liệu vải rồi mà.

Các yêu cầu phụ thêm như kết cườm, pha lê, đính ren… sẽ được tính thêm phí tùy độ khó của nó. Thông thường các thay đổi như vậy sẽ được tính từ 1tr trở lên. Riêng giá pha lê có thể sẽ mắc hơn nếu bạn yêu cầu dùng pha lê xịn và kết dày.

Một kinh nghiệm nữa dành cho các cô gái khi may váy là bạn phải cẩn thận số đo hạ eo và hỏi kỹ về độ phồng của váy. Điều này càng đặc biệt quan trọng nếu bạn có tạng người mũm mĩm (như tớ đây) và chọn loại vải hơi cứng dáng. Vì chỉ sai một vài cm thôi, cùng với loại vải đó bạn sẽ dễ bị nhìn nhầm như có em bé ấy T^T Dù váy vẫn rất đẹp, tớ vẫn rất thích nhưng mà…. Hu hu. Nếu có thể, bạn nên thử những loại váy cưới dáng tương tự trước, nhắm khoảng vùng hạ eo ở mức nào sẽ phù hợp rồi nói với người ta. Kinh nghiệm đau thương của tớ đấy. Nhớ nhé! Đừng lập lại sai lầm của tớ.

468Váy của tớ nhìn hơi phồng phồng phần eo nè

Một số nơi tớ biết là:
– Váy tớ may toàn bộ ở Litte Paris 😀 Chị này may đầm ngắn đẹp lắm. Đầm dài thì dạng đầm ôm với hơi xòe tốt hơn còn đầm công chúa xòe hoành tráng thì không chuyên lắm.
– Cee’s Bridal: Bạn này có cho thuê và may váy luôn. Là một startup nên bạn không có mặt bằng to bự như các hãng lớn và cũng vì thế, giá của bạn đẹp hơn rất nhiều mà chất lượng hoàn toàn tương xứng. Thứ tớ thích nhất ở đây là form áo 😀 Đẹp mượt mà luôn đó chứ không giống các váy áo ngoài chợ đâu. Gần đây khi giúp bạn bè làm đám cưới mới ghé qua hơi thấy tiếc tiếc… Xem mẫu váy và form áo của bạn xong muốn mặc váy cưới lại quá hu hu

3. Váy cưới cao cấp
Nếu 2 dạng váy trước thường được may theo mẫu trên mạng, chất liệu từ trung bình tới giá rẻ và bạn có thể chịu nhiều rủi ro khi may thì tất cả mọi thứ sẽ dễ dàng hơn với dạng váy này.

Mức giá thông thường của các dòng váy này từ tầm 18 triệu trở lên. Có một số nơi lên tới hơn 30 triệu. Mức giá cao không chỉ vì chất lượng vải, độ cầu kỳ, dáng may hoàn hảo mà còn bởi đó là các mẫu thiết kế riêng, độc quyền của tiệm. Cô dâu cũng ít khi đòi các tiệm này may theo mẫu có sẵn vì họ tin và mê tay nghề của nhà thiết kế riêng hơn. Các váy được đẹp từ kiểu dáng đến chất liệu. Một số mẫu vải còn được thêu tay tinh xảo khiến bạn ưng ý từ trong ra ngoài. Các tiệm đều may sẵn 1 cái làm mẫu để bạn dễ hình dung và có thể ướm thử trên người nhé. Tớ gọi đây là những mẫu váy cưới trong mơ của các cô nàng.

10542722_660538010716838_736668409700977300_o

Bước vào các tiệm này sẽ như vào một thế giới khác. Đẹp hoa lệ, tinh tế mà lại rất yên tĩnh nữa. Khác xa không gian chen chúc, ngột ngạt ngoài đường lớn. Các bạn tư vấn vì thế cũng nhẹ nhàng hơn thì phải (hay chỉ có mình mới nghĩ thế), không săn đón vồ vập như các tiệm khác. Bạn sẽ được tiếp đón chu đáo và có người tư vấn rất cặn kẽ về việc bạn có hợp với dáng váy hay không. Nói chung chỉ trừ mức giá cao, hầu như ai cũng ưng ý về dịch vụ và sản phẩm. Các mẫu được may đo cẩn thận dành riêng cho bạn nên có thể nói là vừa một cách hoàn hảo. Mỗi tiệm lại có các style áo khác nhau. Có nơi chuyên về style thanh lịch, tôn lên vẻ đẹp của hoa văn vải chứ không kết cườm nhiều. Nơi là lại thích style công chúa, phần lớn là các mẫu bồng bềnh cầu kỳ thôi. Dịch vụ tốt, chất lượng sản phẩm đẹp, showroom thì long lanh. Bước vào cứ như vào thế giới khác. Nhưng thường bộ sưu tập qua rồi sẽ không làm lại. Thế nên ngày xưa, lúc chưa định cưới tớ có dịp ghé qua, thích 1 mẫu váy lắm lắm cơ. Nhưng trải qua hơn 2 năm họ cũng không làm lại. Lúc đầu cầm chiếc váy cứ mong sau này cưới sẽ mặc. Lúc cưới mới biết không làm lại được tiếc hùi hụi mà thôi…. Hu hu

Một số địa chỉ của dạng váy cưới này mà tớ biết là
– Áo cưới Trương Thanh Hải
– Áo cưới Joli Poli
– Áo cưới Jolie’s House (bạn này nổi trên mạng nhiều hơn là ngoài đời nhưng cũng không kém 2 bạn kia lắm 😀 )
– Áo cưới lekchi (tiệm này có cho thuê nữa nhé)

Mua váy cưới
Giảm thiểu rủi ro khi may váy vì không biết trước mẫu sẽ ra sao nhưng vẫn đảo bảo tiết kiệm tiền với các bạn xài 2, 3 lần trở lên là mua chiếc váy cưới mà cửa hàng cho thuê. Thường giá mua sẽ mắc hơn gần gấp đôi giá thuê.

10355877_1118204441539818_2616903788151910277_n

Với những mẫu nước đầu, chưa có ai mặc thì giá có thể cao hơn nữa. Giá của những chiếc váy đã qua tay vài người nhưng dĩ nhiên vẫn còn mới sẽ rẻ hơn. Với các áo có vẻ hơi ngả màu (xíu xiu) thì thường tiệm không bán trực tiếp cho bạn đâu mà họ sẽ thanh lý áo. Giá thanh lý sẽ tầm hạ từ 50-70% và hay bán vào đợt gần cuối năm khi mùa cưới sắp tới.

Tâm trạng chung của cô dâu khi nghe về giá là sẽ tự hỏi có nên may luôn hay không khi giá mua cao thế này? Lời khuyên của tớ là nếu bạn chấp nhận sự mạo hiểm thì có thể thử nha. Dù gì thứ đang ở trước mắt vẫn đáng tin hơn 1 lời hứa của thợ may mà. Nhưng nếu tài chính của bạn không dư dả lắm và chấp nhận rủi ro thì đành vậy 😀 nhớ những lời tư vấn và kinh nghiệm của tớ phía trên nhé! Tuy không chắc sẽ giúp bạn an toàn tuyệt đối nhưng cũng giảm được kha khá rủi ro.

Mượn váy cưới
Đây là lựa chọn thường không ai để ý đến do không kiếm, không biết hoặc chưa hề nghĩ tới. Đó là mượn váy cưới! Bạn hoàn toàn có thể tiết kiệm tiền wedding, dồn vào những thứ quan trọng hơn mà vẫn có váy áo lung linh để mặc.

1386735337_ac123_50

Ai cũng nghĩ váy cưới chỉ có thể mượn người quen. Nhưng giờ đây bạn có cả 1 cộng đồng các cô dâu cũ chia sẻ váy cưới của mình. Bạn chỉ cần trả tiền giặt hấp trước khi đem trả để các cô dâu khác mượn tiếp. Các loại áo cho mượn thường thuộc nhóm giá rẻ hoặc nhóm thông dụng. Có dây chéo lưng để đổi size nếu không cũng thuộc loại dễ chỉnh sửa. Các áo cao cấp thường không được mượn đâu he he. Mà chính ra mượn mình cũng run tay lắm, không dám chỉnh sửa gì nó cả.

Lựa chọn này phù hợp với các cô dâu có size người nhỏ đến trung bình vì dễ tìm được áo như ý. Các áo mượn khá long lanh, một số mẫu được may kỹ và rất đẹp vì may cho chính cô dâu mà chứ không phải may hàng loạt ở tiệm áo cưới. Đôi khi còn mới hơn áo ở showroom nữa, tùy hên mà gặp thôi. Cách mượn này không bị giới hạn về thời gian mượn, chỉ cần nói với cô dâu cho mượn áo. Bạn có thể lê la đi chụp hình cưới hoặc diện trong tiệc tùy thích.

Chất lượng áo có thể xem là ổn (vì may cho chính CD mặc chứ ko phải dạng may cho có), hoàn toàn miễn phí (tốn mỗi tiền giặt ủi), kiểu váy đa dạng tùy bạn chọn, hơi tốn công chỉnh sửa một xíu. Tất cả nghe cứ như mơ phải ko? Nhưng nó cần thời gian đầu tư  Trừ khi bạn rất may mắn mới tìm được ngay 1 cái y hệt như mong muốn nhé. Còn không sẽ phải xem qua nhiều mẫu, thử rồi mới lấy được. Không có showroom hoành tráng, các mẫu ở rải rác mỗi nhà, bạn cũng sẽ tốn thời gian đi thử hơn. Nhưng bù lại mỗi lần đi gặp là lại có vài người bạn tư vấn đám cưới cho bạn đấy. Thế nên không như đi thử áo ở tiệm, đi mượn áo giống như đi kết bạn hơn 😀

Tớ chỉ biết duy nhất hội của webtretho http://www.webtretho.com/forum/f630/sg-cho-muon-do-cuoi-hanh-phuc-dai-lau-tang-7-a-1939484/ Không chỉ váy cưới mà phụ kiện cưới, đồ bưng quả, áo chú rể… đều cho mượn 😀

Các hội này thỉnh thoảng cũng các bạn vào bán thanh lý váy cưới của chính mình với giá còn 1/3, ¼ so với ban đầu ^^ Bạn có thể nghiên cứu nhé
https://www.facebook.com/groups/231016857051492/?fref=ts
https://www.facebook.com/groups/324310187779745/?fref=ts

10922856_403926899772870_461340875813791933_nMột trong những chiếc váy đang được bán thanh lý

Mọi thứ sẽ rất dễ dàng nếu bạn có một bóp tiền dày cộm để lo đám cưới. Thế nhưng không phải ai cũng có may mắn như vậy. Mơ ước thì rất nhiều nhưng thực tế lại eo hẹp lắm thay. Cân nhắc kỹ mức chi phí bạn có thể chi ra cho váy cưới, sau đó chọn loại dịch vụ phù hợp mà tớ liệt kê ở trên nhé. Dĩ nhiên là không quên kết hợp với mong muốn của bạn nữa. Cô dâu nào chả có ước mơ váy áo :p và quan trọng là hỏi tư vấn của mọi người nha. Trên này là kinh nghiệm lăn lê bò lết của tớ thôi. Mỗi cô dâu lại có một nùi kinh nghiệm khác nhau nữa mà ^^ Quan trọng là DÁM hỏi, đừng ngại ngùng. Ai cũng thích được tư vấn giúp người khác cả.

P/s: Dẫn chú rể theo thử váy cưới cũng ko sao nhưng có thêm 1 bạn gái nữa thì tốt hơn @_@ kinh nghiệm đấy! Mấy cậu con trai luôn không nói “sao cũng đẹp”, “em mặc gì cũng đẹp” nếu không thì cũng có những góp ý sâu xa gì.  Con gái đi cùng tốt hơn nhiều. Con trai ít để ý váy áo lắm. Dĩ nhiên nếu bạn có 1 anh chàng rành về thời trang thì phải dẫn đi rồi. Là nhất đấy! 😀 hàng hiếm đó!