9 mẹo chụp ảnh để “chộp” được những khoảnh khắc đáng yêu nhất của bé

Chụp ảnh cho người lớn đã khó, chụp ảnh cho trẻ nhỏ còn khó hơn bởi các bé thường hay hiếu động hoặc quá nhút nhát. Mặc dù vậy, bạn hoàn toàn có thể ghi lại sự hồn nhiên, vô tư của bé mà chỉ cần có một chiếc máy ảnh trong tay và một số kỹ thuật chụp hình cơ bản. Dưới đây là 9 mẹo chụp ảnh hữu ích để các ông bố bà mẹ “chộp” lấy những khoảnh khắc đáng yêu của bé.
1. Định hình chụp ảnh ngang hay dọc
Trước tiên, cha mẹ nên ngắm góc chụp và tư thế của bé để có định hình chụp một bức ảnh ngang hay dọc. Ảnh ngang thường thích hợp để chụp bao quát cả cơ thể người, cảnh vật, trong khi đó, ảnh dọc thường thích hợp để chụp chân dung bé, tập trung vào khuôn mặt hay một phần cơ thể bé. Bạn cũng đừng quên chỉnh điểm trọng tâm (focus) để chỉnh nét vào đối tượng chính của bức ảnh. Ví dụ, bạn chụp ảnh bé và ông bà, hãy đặt focus vào mặt trẻ khi trẻ cười và bạn sẽ có một bức ảnh với điểm nhấn là nụ cười tự nhiên và sắc nét của bé.
2. Tìm góc chụp tốt
Luôn nhớ đặt ống kính vào mắt để tìm một góc chụp tốt bởi hình ảnh nhìn bằng mắt thường khác với hình ảnh khi bạn nhìn vào trong ống kính. Hãy thử nhiều góc chụp và chỉ chụp khi tìm được góc ngắm tốt.

 
3. Chụp chế độ zoom
Các máy ảnh kỹ thuật số đều có chế độ zoom ảnh và để có một bức ảnh chụp bé yêu thật hoàn hảo, bạn nên thử sử dụng chế độ này xem sao!
Ví dụ như trong trường hợp bé đang chơi ở xa tự nhiên, nếu bạn tiến lại gần, có thể bé sẽ thay đổi hành động và khoảnh khắc “vàng” có thể bị vụt qua. Thay vì tiến lại gần, bạn nên đặt ống ngắm từ xa, zoom ống kính lên và chụp. Tuy nhiên, tùy thuộc vào độ phân giải của từng loại máy ảnh, bạn nên chú ý khi sử dụng chế độ zoom. Nếu độ phân giải của máy ảnh của bạn không cao, bạn nên zoom hạn chế để giữ độ sắc nét của ảnh và ngược lại.
4. “Chộp” lấy khoảnh khắc “vàng”
Cái khác biệt lớn nhất giữa một bức ảnh được dàn dựng và bức ảnh chụp không dàn dựng là tính tự nhiên của chủ thể bức ảnh. Để “chộp” được khoảnh khắc “vàng” của bé, bạn nên học cách trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, đó là luôn mang theo máy ảnh, đặt ống ngắm vào mắt và nhanh chóng nhận dạng tình huống để “nháy” được những khoảnh khắc ấn tượng. Cụ thể trong việc chụp ảnh trẻ nhỏ, khoảnh khắc “vàng” này có thể là khi bé cười thật tươi, hay có những hành động ngộ nghĩnh đáng yêu nào đó. Và tất nhiên, khi gọi là khoảng khắc, điều này sẽ xảy ra rất nhanh nên việc các mẹ nên làm để có được những bức hình đẹp của bé là phải “theo dõi” bé và “chộp” ngay tức khắc.

 
5. Chụp ảnh ở những nơi mới mẻ
Nhiều cha mẹ thường hay có thói quen chụp ảnh cho bé ở phòng khách, ở công viên hay nhà hàng. Thực ra, nơi chốn chụp ảnh không phải là thứ làm bức ảnh trở nên tẻ nhạt hay không hấp dẫn, nếu cha mẹ biết cách tạo điểm nhấn vào chủ thể của bức ảnh. Tuy nhiên, với một chiếc máy ảnh luôn ở bên mình bạn có thể lưu giữ được nhiều hình ảnh của bé ở các nơi khác nhau như phòng ngủ, phòng tắm hay nhà bạn bè. Và có thể sau này, bé nhà bạn sẽ cảm ơn bạn rất nhiều vì đã giúp bạn có được những bức ảnh tuổi ấu thơ.
6. Tạo album ảnh cho bé
Bạn nghĩ sao về ý tưởng một bộ ảnh “đi cùng năm tháng” của con? Hãy thực hiện điều này ngay hôm nay bằng một kế hoạch cụ thể. Ví dụ, bạn có thể chụp những bức ảnh sinh nhật của bé hàng năm và tập hợp chúng thành một album ảnh sinh nhật, lưu giữ quá trình trưởng thành của bé. Hẳn là khi bạn về già, bức ảnh sẽ là tài sản quý giá mà bạn luôn giữ gìn cẩn thận.
7. Không lạm dụng Photoshop
Những khiếm khuyết trong bức ảnh bạn chụp bé như ánh sáng quá chói hay quá tối, mắt bé bị nhắm nghiền hay chụp bị rung tay có thể làm bạn không hài lòng. Photoshop hay Airbrush là những cách gọi chung cho các phần mềm xử lý ảnh để khắc phục những nhược điểm của bức ảnh đó. Nếu bạn thích, hãy Photoshop hay Airbrush một ít. Tuy nhiên, đừng quá lạm dụng những kỹ thuật trên bởi chúng có thể làm bé nhà bạn biến thành “con nhà người khác”.
8. Xử lý màu sắc
Màu sắc cũng là một trong những thủ thuật chính trong nhiếp ảnh. Hãy học một chút về màu sắc để bé nhà bạn có những bức ảnh mang ký ức thời gian. Chẳng hạn, bạn có thể để chế độ chụp đen trắng hay chế độ chụp sặc sỡ. 

 
9. Điều chỉnh ánh sáng
Cũng giống như màu sắc của ảnh, ánh sáng rất quan trọng trong chụp ảnh. Bạn nên học cách điều chỉnh ánh sáng ở ống kính để có được những bức ảnh hoàn hảo. Chế độ điều chỉnh ánh sáng tự động không phải bao giờ cũng phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên phụ thuộc vào chế độ đèn flash. 
Nguyễn Mai Nguồn: DPS

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.