Ăn dặm kiểu Nhật – các bước tuần tự cho mẹ mới bắt đầu

Ăn dặm kiểu Nhật - các bước tuần tự cho mẹ mới bắt đầu

1. Thời điểm cho trẻ ăn dặm kiểu Nhật

Thường bắt đầu khi con tròn 5 tháng tuổi, tức là ngày đầu tiên bước sang tháng thứ 6. Tuy nhiên, cần phải căn cứ vào thời điểm sinh con, nếu đẻ non từ 4 tuần trở lên thì thời điểm ăn dặm cộng thêm tháng. Bên cạnh đó, nếu trẻ chưa thực sự cứng cổ, vẫn gật gù và chưa tạm thời ngồi dựa vào ghế ăn được thì tuyệt đối không cho con ăn dặm vì bé dễ sặc, nghẹn… Nhìn chung, thời điểm phải căn cứ vào khả năng của con. Và tiêu chí chính xác nhất cần xác định là việc con tự giữ thẳng được cổ của mình, không bị “gật gù”.

2. Tuần tự các bước cho bé ăn dặm kiểu Nhật

Tháng đầu: 1 bữa/ ngày

– 1 tuần đầu tiên:

+ 2 ngày đầu: mẹ nấu cháo trắng sau đó rây qua lưới lọc, theo lý thuyết là tỉ lệ 1 gạo : 10 nước, tuy nhiên tỷ lệ này không cần chính xác do nồi nấu khác nhau, giống gạo khác nhau. Chỉ cần xác định sau khi rây, thành phẩm mềm như sữa chua loãng là được.

+ Sau 2 ngày đầu: cháo bánh mì/bí đỏ/ bí xanh luộc/quả bơ/ chuối/ đậu phụ non… rây qua lưới cho nhuyễn…

Ăn dặm kiểu Nhật - các bước tuần tự cho mẹ mới bắt đầu
Khi bắt đầu cho bé ăn dặm kiểu Nhật, mẹ hãy nghiễn nhuyễn cháo trắng rồi lọc qua rây để cháo thật mịn, con sẽ dễ nuốt mà không bị ọe do thức ăn “lợn cợn”. (Ảnh minh họa)

Tất cả đều phải rây qua lưới, không nêm nếm gia vị gì (cho đến khi bé được 9 tháng tuổi). Ăn liên tục 2-3 ngày/ 1 món để kiếm tra phản ứng của cơ thể trẻ, xem trẻ có dị ứng không. Lượng ăn tăng dần từ 1 thìa (5ml) đến 6 thìa (30ml). Giai đoạn này sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính nên thức ăn ngoài chỉ mang tính chất cho bé làm quen với hương vị mới mà thôi.

Nhìn chung, thực phẩm để bắt đầu ăn dặm kiểu Nhật là cháo trắng, cháo bánh mì, rau củ lành: bí đỏ, bí xanh, cà rốt, chuối… 1 tuần đầu nên “đảo qua” tất cả các loại, mỗi loại 1 vài thìa trong vòng 2-3 ngày.

– Từ tuần 2  đến tuần 3, 4 có thể kết hợp cháo trắng + rau củ (vẫn nghiền qua lưới)

Ở giai đoạn này, các mẹ cần lưu ý nguyên tắc quan trọng: không nêm gia vị, không tuỳ tiện trộn lẫn các thức ăn mà nên để riêng để bé có thể cảm nhận được vị “nguyên thủy” của thức ăn.

Tiến độ ăn cháo ngọt (tức là cháo trắng với rau củ chứ không phải cháo nấu cho đường) có thể kéo dài hết tháng thứ 5 hoặc kết thúc sớm hơn tùy vào khả năng ăn của bé mà mẹ nhận thấy.

* Tháng thứ 2: (6 tháng tuổi với trẻ sinh đủ tháng): 1 bữa/ ngày

Mẹ bắt đầu tăng độ thô của cháo lên một chút. Cháo chuyển từ rây nhuyễn sang rây rối, rồi trộn lẫn cả phần trên lưới với phần dưới lưới. Sau đó là cháo gạo vỡ. Tiến độ thông thường là 6.5 tháng ăn cháo gạo vỡ.

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.