Bán hàng đa kênh: Công nghệ quan trọng nhưng hãy để người khác lo

Bán hàng đa kênh: Công nghệ quan trọng nhưng hãy để người khác lo

Thương mại điện tử Việt Nam đã đi qua giai đoạn người bán đặt câu hỏi “Bán trên kênh nào?”, thay vào đó họ thắc mắc “Tối ưu các kênh bán như thế nào?”. Đây là những chia sẻ từ anh Trần Trọng Tuyến – CEO DKT, đơn vị cung cấp nền tảng bán hàng online Bizweb trong buổi hội thảo “Đại hội bán hàng online 2016”.

Bán hàng đa kênh: Công nghệ quan trọng nhưng hãy để người khác lo
CEO Công ty DKT Trần Trọng Tuyến chia sẻ trong Đại hội bán hàng 2016
Với mục tiêu tận dụng những cơ hội và tiềm năng lớn trên thị trường trực tuyến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, “Đại hội bán hàng Online 2016” đã được tổ chức giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp kết nối với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thương mại điện tử vào ngày 02/04/2016 vừa qua.

Tại buổi hội thảo, anh Trần Trọng Tuyến – Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ DKT (đơn vị cung cấp nền tảng bán hàng online Bizweb.vn) đã có bài chia sẻ về “Mô hình bán hàng đa kênh”, một xu hướng mới trong thương mại điện tử.

Anh Tuyến đưa ra những số liệu khảo sát từ hơn 2000 chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ về hiệu quả của các kênh bán hàng. Có đến 40%  trong số doanh nghiệp dùng gần như tất cả các kênh bán được liệt kê trong danh sách. Tuy nhiên chỉ có Website và Facebook là hai kênh được đánh giá là hiệu quả nhất trong TMĐT (55% và 51%), các kênh bán hàng còn lại hầu như chưa được đánh giá cao. Điều này cho thấy các doanh nghiệp, cửa hàng online đang rất cố gắng tận dụng tất cả những kênh bán hàng có thể nhưng lại chưa biết làm thế nào để tận dụng những kênh đó. Với những khó khăn trên, phần chia sẻ tập trung tìm giải pháp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đồng thời mở ra một khái niệm khá mới mẻ: “Mô hình bán hàng đa kênh” – Bán hàng đồng thời trên nhiều kênh online và offline.

Ở thời điểm này, để đẩy hàng hóa đến các kênh bán, một doanh nghiệp có 5 con đường chính: POS  – cửa hàng truyền thống; Website – cửa hàng online, kênh thương hiệu của doanh nghiệp; Mạng xã hội – kênh bán hàng và phát triển cộng đồng; Sàn TMĐT (có thể coi là chợ, siêu thị online), Mobile app (bán hàng qua ứng dụng), Affiliate (sử dụng mạng lưới công tác viên hoặc website khác). Rất nhiều doanh nghiệp đã có website, đã có Facebook, đã dùng sàn TMĐT, phát hành riêng mobile app, xây dựng mạng lưới CTV nhưng kết quả kinh doanh chưa có dấu hiệu khởi sắc, thậm chí còn “công cốc” khi tiêu tốn tiền bạc mà không mang lại hiệu quả.

Bán hàng đa kênh: Công nghệ quan trọng nhưng hãy để người khác lo
Mô hình bán hàng đa kênh đang là xu hướng trong nền TMĐT
Giải thích vấn đề này, anh Tuyến nhận định: “Các doanh nghiệp đã hướng tới xu thế bán hàng trên nhiều kênh nhưng chưa thực sự gọi là bán hàng đa kênh. Mỗi kênh sử dụng nền tảng riêng, hệ thống quản lý riêng nên cần quy trình riêng, cần nhân sự riêng để phụ trách. Với nguồn lực hạn chế, làm một kênh còn chưa tốt thì làm nhiều kênh chắc chắn hỏng. Chính vì vậy DN cần một hệ thống tích hợp tất cả các kênh bán về một nền tảng thống nhất, quản lý tập trung, nơi đó, các DN chỉ cần thực hiện một quy trình duy nhất nhưng lại có thể bán hàng trên nhiều kênh. Đây là cách tiết kiệm nhân lực cũng như nguồn lực nhưng vẫn phát triển đa kênh hiệu quả.”

Hiện tại trên thế giới, nơi các quốc gia phát triển TMĐT như Mỹ hay châu Âu, mô hình bán hàng đa kênh đã phát triển từ vài năm nay. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại những nền kinh tế này đầu tư một nền tảng bán hàng đa kênh ngay khi mới bắt đầu kinh doanh, điều này ở Việt Nam gần như rất hiếm.

Trong buổi hội thảo, đa số các doanh nghiệp đều công nhận xây dựng một nền tảng bán hàng đa kênh là giải pháp khá hoàn hảo khi họ muốn đẩy mạnh hàng hóa đến người dùng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn, với một hệ thống như vậy, nếu đơn giản thì đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện rồi, vậy rào cản của mô hình này là gì?

Trao đổi thẳng thắn, anh Tuyến chia sẻ: “Để tự khởi tạo một hệ thống bán hàng đa kênh, một doanh nghiệp cần trung bình khoảng 1000 – 2000 USD . Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là khoản đầu tư khá lớn khi bắt đầu kinh doanh. Rất ít doanh nghiệp dám chi tiêu như vậy. Sở dĩ ở các nước khác họ không gặp phải vấn đề này vì hầu như không một doanh nghiệp nào tự đầu tư nền tảng bán hàng đa kênh.”

Tại các nước có nền TMĐT tốt như Mỹ hoặc Canada, doanh nghiệp vừa và nhỏ có các đối tác lớn như Shopify, Bigcommerce… cung cấp nền tảng để áp dụng mô hình bán hàng đa kênh. Với số lượng khách hàng lớn, chi phi giảm theo quy mô, những thương hiệu này ngay lập tức có thể tạo ra hệ thống bán hàng đa kênh đơn giản và tiết kiệm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp. 

Ở Việt Nam, lời giải này cho các DN Việt còn khá mới mẻ. Khái niệm mô hình bán hàng đa kênh bắt đầu được biết đến nhiều hơn khi Bizweb nâng cấp hệ thống thành nền tảng bán hàng online đa kênh. Chi phí để có được mô hình bán hàng đa kênh nếu sử dụng giải pháp của các đơn vị chuyên nghiệp trung bình khoảng vài trăm ngìn đồng mỗi tháng, quan trọng là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải quyết tâm thực hiện chiến lược này.

Những chia sẻ về chiến lược bán hàng đa kênh đã đưa ra một lời giải hợp lý cho bài toán tối ưu nhiều kênh bán hàng trở thành một quy trình thống nhất. “Với thương mại điện tử, kỹ thuật là điều kiện cần, chiến lược mới là điều kiện đủ. Công nghệ đặc biệt quan trọng nhưng nên để người khác lo” – anh Tuyến nhấn mạnh.

Nguồn: Theo VOV

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.