Bão tan, nguy cơ lũ quét

Tối 12-7, bão số 4 (Soudelor) đã đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc, từ Quảng Ninh tới Nam Định. Thông tin cuối cùng về cơn bão số 4 từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương phát lúc 21g30 hôm qua cho biết sau khi vào đất liền bão suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp.

Áp thấp nhiệt đới mới

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết trên vùng biển ngoài khơi phía đông bắc đảo Luzon (Philippines), một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động. Hồi 19g ngày 12-7, áp thấp nhiệt đới có vị trí khoảng 20,1 độ vĩ Bắc; 125,6 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15-20km/giờ. Cần chú ý theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới này.

Bão số 4 đã gây ra gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 trên vùng biển vịnh Bắc bộ; cấp 6, cấp 7, giật cấp 9 trên vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến TP Hải Phòng. Ở các tỉnh phía đông Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, một số nơi mưa rất to. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ). 

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển về phía tây, suy yếu và tan dần. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh vùng núi đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Tình hình mưa lũ sau bão còn diễn biến phức tạp, cần chú ý theo dõi các bản tin mưa lũ tiếp theo.

Do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4, từ 13g ngày 12-7, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra mưa lớn từng cơn, tuy nhiên gió không thổi mạnh. Tại huyện đảo Cô Tô, lúc 17g đã có mưa lớn kèm theo gió giật cấp 6, biển động dữ dội. Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại lúc 21g, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Đức Đam cho biết do khi đổ bộ đã suy yếu nên cơn bão chưa gây nhiều thiệt hại tại địa phương. 

Đường đi của bão số 4 lúc 21g30 ngày 12-7 
Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư

21g ngày 12-7, bão số 4 đã đổ bộ vào Hải Phòng, tuy nhiên sức gió thực tế đã suy yếu nhiều so với dự báo ban đầu. Trời chỉ hơi mưa to, gió lớn, đường phố xe cộ đi lại như bình thường. Tại các khu vực đường 353 đi quận Đồ Sơn, Dương Kinh và khu vực đảo Đình Vũ, gió khá lớn tuy nhiên không gây hiện tượng cây đổ, tốc mái tôn như những trận bão lớn đổ vào Hải Phòng những năm trước đây. Tại khu vực biển Đồ Sơn, biển động nhẹ, các khu quán xá vẫn mở cửa bình thường. 

Nhiều tuyến đường chính ở Nam Định bị ngập chiều 12-7 
(Ảnh: TTXVN)

Tại khu vực bến phà Đình Vũ khoảng 17g, chuyến phà cuối cùng chở khách du lịch tại Cát Bà cũng đã về đất liền. Từng đoàn du khách đội mưa, dựa vào nhau tránh gió lớn từ phà chạy vào khu nhà chờ. Một số du khách cho biết thời tiết ngoài đảo Cát Bà bắt đầu có mưa, gió lớn từ trưa cùng ngày, mặc dù biển chưa động mạnh nhưng họ phải bỏ dở chuyến du lịch để vào đất liền tránh bão. Trước đó, ban quản lý bến phà Đình Vũ (Hải Phòng) cho biết đã dừng hẳn các chuyến phà chở khách từ đất liền ra đảo từ 16g cùng ngày, sớm hơn so với ngày thường hai giờ. 

Khách du lịch Cát Bà chạy bão trên chuyến phà cuối cùng từ huyện đảo Cát Hải về bến phà Đình Vũ – (Ảnh: Trọng Phú)

Giám đốc hai sở NN&PTNT kiêm phó Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Thái Bình và Nam Định cho biết bão số 4 chỉ gây mưa to và gió lớn vào tối 12-7 tại đây, chưa ghi nhận thiệt hại nào về người. Các tuyến đê biển và thông tin liên lạc, giao thông trên địa bàn vẫn thông suốt. 

Chi 71 tỉ đồng cho các địa phương bị thiên tai

Trong ngày 11 và 12-7, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã thăm hỏi, động viên gia đình các thân nhân bị thiệt hại trong đợt lũ quét ngày 4-7 tại hai bản Khên Lền (xã Công Bằng) và Nà Bả (xã Nhạn Môn) thuộc huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Phó thủ tướng yêu cầu địa phương phải nhanh chóng cứu trợ cho dân, không để đồng bào thiếu ăn, thiếu mặc, ổn định chỗ ở mới cho đồng bào.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Bắc Kạn khẩn trương chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất khi bão số 4 đổ bộ vào miền Bắc nước ta, gây mưa lớn trên diện rộng, có thể xuất hiện lũ ống, lũ quét.

Phó thủ tướng thông báo Chính phủ quyết định trích 71 tỉ đồng hỗ trợ các địa phương bị thiên tai, lụt bão. Đợt lũ quét vừa qua tại huyện Pác Nặm đã làm 13 người chết, hai người bị thương, tàn phá nặng nề hai bản Khên Lền và Nà Bả… ước thiệt hại lên đến trên 100 tỉ đồng.

 

Theo Tuổi trẻ online