Basmati – “bạn” của bệnh nhân tiểu đường

Cách đây không lâu, nhiều tờ báo đưa tin có một loại gạo “lạ” xuất hiện tại TP HCM khiến thiên hạ đồn rằng đó là gạo giả. Sau khi kiểm nghiệm, cơ quan chức năng kết luận đây là một loại gạo thật chứ không phải làm bằng… ni-lông như tin đồn thổi.

Không chứa cholesterol…

Nhiều người Việt sống ở nước ngoài cùng một đầu bếp Ấn Độ tại TP HCM kết luận đây là loại gạo basmati được bán nhiều ở châu Âu, châu Úc và Bắc Mỹ. Vậy gạo basmati là gì và có lợi ích cho sức khỏe ra sao?

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), basmati là một loại gạo hạt dài được trồng chủ yếu ở Ấn Độ và Pakistan, gồm 2 dạng: gạo trắng và gạo nâu. Do có chứa ít carbohydrate nên gạo basmati không dẻo và không dính như những loại gạo thông thường khác.

Các loại gạo basmati – Ảnh: internet

Cũng theo USDA, một chén cơm nhỏ nấu từ gạo basmati trắng có 205 calo và 0,44 g chất béo. Trong khí đó, gạo basmati nâu, với lượng tương đương, có 216 calo và 1,75 g chất béo.

Gạo basmati trắng lẫn nâu đều không chứa cholesterol và không phải là nguồn chứa vitamin dồi dào. Những dữ liệu về dinh dưỡng của USDA cho biết chỉ có một hàm lượng vô cùng nhỏ không đáng kể vitamin trong gạo basmati trắng. Riêng một chén cơm nhỏ nấu từ gạo basmati nâu có 2,9 mg niacin (vitamin B3) và 8 mcg  folate.

Về protein và carbohydrate, một chén cơm nhỏ nấu từ gạo basmati nâu có chứa 5,03 g protein và 44,77 g carbohydrate, trong khi cơm nấu từ gạo basmati trắng chỉ có 4,5 g protein và 44,51 g carbohydrate.

Về hàm lượng kali và phốt pho, một chén cơm nhỏ basmati nâu chỉ có 162 mg phốt pho và 84 mg kali, gạo basmati trắng càng ít hơn với chỉ 68 mg phốt pho và 55 mg kali. Do chứa ít kali và phốt pho nên gạo basmati cả trắng lẫn nâu đều là “ứng cử viên” hàng đầu cho những bệnh nhân gặp các vấn đề về thận hoặc những người cần hạn chế hàm lượng kali và phốt pho.

… Và có chỉ số đường huyết thấp

Điểm “ăn tiền” nhất của gạo basmati chính là chỉ số đường huyết thấp hay còn gọi là thực phẩm có GI thấp. GI là chữ viết tắt của 2 từ glycemic index, có nghĩa là chỉ số đường huyết. GI sẽ đánh giá một loại thực phẩm làm gia tăng mức đường huyết trong cơ thể và những loại thực phẩm này có chứa carbohydrate. Có nhiều người lầm tưởng rằng chỉ có đường mới làm tăng đường huyết, trong khi tất cả những loại thực phẩm có chứa phức carbohydrate như gạo, khoai tây, lúa mì… đều có thể làm gia tăng nồng độ đường huyết, thậm chí tới một nồng độ vô cùng nguy hiểm! Tất cả những thực phẩm giàu carbohydrate được phân loại GI theo 3 cấp: thực phẩm có GI thấp, thực phẩm có GI trung bình và thực phẩm có GI cao.

Thực phẩm có GI cao là những loại thực phẩm bị cơ thể phân hóa và phóng thích đường vào máu một cách nhanh chóng. Thực phẩm có GI thấp là những loại thực phẩm đòi hỏi nhiều thời gian để phân hóa cho nên phóng thích đường vào máu một cách chậm chạp. Đối với thực phẩm có GI trung bình, thời gian phóng thích đường vào máu nằm ở khoảng giữa thực phẩm GI thấp và thực phẩm có GI cao.

Những người bị tiểu đường hoặc những người đang giảm cân cần ăn những thực phẩm có GI thấp hoặc trung bình. Thực phẩm có GI thấp sẽ giúp bệnh nhân điều chỉnh nồng độ đường huyết. Nếu dùng một loại thực phẩm có GI cao, cơ thể sẽ nhanh chóng nạp năng lượng khi đường huyết tăng nhưng sau đó nồng độ đường huyết sẽ hạ làm cho cơ thể cảm thấy đói bụng và càng muốn ăn, dẫn tới tình trạng ăn quá độ.

Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường

Nguồn: Theo NLĐ

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.