Bệnh hôi miệng nguy hiểm hơn bạn tưởng

Bệnh hôi miệng nguy hiểm hơn bạn tưởng

Các bác sĩ khẳng định, ngoài nguyên nhân do vệ sinh răng miệng kém, hôi miệng còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nội tạng nguy hiểm.

  • 1
    Chồng lạnh nhạt vì miệng vợ hôi
     
    Suốt mấy tháng nay, thấy chồng hững hờ chuyện chăn gối, thậm chí né tránh vợ, chị Thúy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nghi ngờ chồng có bồ nhí. Hậm hực nhưng chưa có chứng cứ để “vạch mặt”, chị âm thầm chịu đựng.

    Một hôm, tình cờ chị nghe chồng tâm sự với ông bạn thân rằng anh không thể gần gũi hay đối diện với vợ bởi vì thời gian gần đây hơi thở của chị có mùi hôi rất khó chịu.

     
    Nghe thấy những tâm sự của chồng, chị Thúy bất ngờ và thấy khó tin vì hàng ngày chị vẫn vệ sinh răng miệng rất chu đáo, còn sử dụng nước súc miệng. Tự kiểm nghiệm và chị phải thừa nhận đúng là hơi thở mình có vấn đề thật.
     
    Cẩn thận chị Thúy đến bệnh viện Răng – Hàm – Mặt tìm hiểu nguyên nhân. Bác sĩ xác nhận răng lợi của chị vẫn bình thường và khẳng định không phải nguyên nhân gây hôi miệng. Bác sĩ còn cảnh báo chứng hôi miệng của chị có thể do mắc các bệnh nội tạng.

    Chị đi khám sức khỏe tổng thể, bác sĩ kết luận chị bị viêm xoang rất nặng, cần điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm khác.

     
    Ngoài chị Thúy, còn rất nhiều người bất ngờ bị hôi miệng mà nguyên nhân lại xuất phát từ viêm amidan, viêm xoang, viêm phổi, phế quản hoặc do các bệnh lý toàn thân như bệnh tiểu đường, bệnh suy thận, bệnh gan…

    Bệnh hôi miệng nguy hiểm hơn bạn tưởng
    Bác sĩ còn cảnh báo chứng hôi miệng của chị có thể do mắc các bệnh nội tạng.

  • 2
    Coi chừng bệnh nguy hiểm
     
    Hôi miệng là bệnh khá phổ biến của người Việt. Ngoài nguyên nhân do các bệnh về răng miệng như vệ sinh răng miệng kém, lưỡi bẩn, bệnh nha chu, khô miệng, chân răng nhiễm trùng… thì hôi miệng còn là biểu hiện của nhiều bệnh nguy hiểm khác.
     
    Nếu như trước đây, ngoài các vấn đề về răng miệng, chứng hôi miệng còn được cho là do hở van tâm vị thực quản thì ngày nay, nguyên nhân hôi miệng phức tạp hơn nhiều. Triệu chứng này còn là biểu hiện khi cơ thể bị viêm nhiễm ở một số bộ phận như viêm dạ dày, viêm thực quản, hẹp môn vị, loét dạ tràng… Ngoài các bệnh dạ dày, các nguyên nhân khác như viêm amidan, viêm mũi, viêm họng… cũng có thể gây hôi miệng.
     
    Các bác sĩ cho biết, ngoài các triệu chứng để nhận biết cơ thể bị nhiễm trùng như sốt, môi khô, lưỡi bẩn, bạch cầu tăng… thì cũng phải kể đến dấu hiệu hôi miệng. Vì vậy mà những bệnh nhân bị loét hoặc có khối u thì miệng có mùi hôi là điều rất dễ hiểu. Đó là biểu hiện các chất hoại tử trong cơ thể đang chuyển sang giai đoạn lên men nên gây hôi.
     
    Điều đáng nói là đa phần người bị hôi miệng không tự phát hiện ra bệnh của mình. Hầu hết họ chủ quan nghĩ rằng chỉ cần vệ sinh răng miệng sạch là khỏi chứ không nghĩ đến nguy cơ các bệnh nguy hiểm khác.
     
    Điển hình như trường hợp của chị Thúy, dù hơi thở có mùi hôi từ nhiều ngày nhưng chị không hề hay biết. Cũng may chị là người cẩn thận nên khi phát hiện sự thật này chị đã đi khám thật kỹ để tìm hiểu rõ nguyên nhân nên điều trị kịp thời.
     
    Bác sĩ Bùi Thị Thu Huyền, Khoa Răng – Hàm – Mặt, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: Ngoài nguyên nhân phổ biến là các bệnh về răng miệng, bệnh hôi miệng còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra. Nhiều người dù đã giữ gìn vệ sinh răng miệng rất tốt nhưng vẫn bị chứng hôi miệng thì càng cần phải cẩn thận vì có thể đó là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng khác.
     
    Khi đột ngột bị hôi miệng nặng, tốt nhất bạn nên đi khám xác định rõ nguyên nhân, chữa trị tận gốc, tránh những tai biến đáng tiếc. Không nên tìm đến các loại nước thơm để xử lý vì đó chỉ là giải pháp khắc phục tạm thời, sau đó mùi hôi sẽ tăng lên.
     
    Vì vậy, trước mắt, những gì bạn có thể làm để hạn chế mùi hôi từ miệng hiệu quả nhất là thực hiện vệ sinh răng miệng một cách đầy đủ và hiệu quả như đánh răng thường xuyên (ngày 2 lần sau bữa ăn), cạo sạch bẩn ở lưỡi, dùng dung dịch sát trùng miệng, thay đổi thói quen ăn uống (giảm bớt tỏi, hành, các chất gia vị, rượu), không nên hút thuốc lá, đi khám răng miệng tại các cơ sở y tế chuyên khoa, chăm sóc các răng sâu, thay răng giả bị hỏng, điều trị bệnh nha chu…