Bi kịch bỏ rơi con: Do định kiến khắt khe của xã hội hay những lỗ hổng nhân cách?

Chắc  chưa mẹ nào quên đôi mắt tròn xoe và khuôn mặt đáng yêu như thiên thần của một em  bé bị bỏ rơi ở cổng chùa làm xôn xao cộng đồng mạng cách đây không lâu. Em bé mới 5 tháng tuổi, khuôn mặt hồn nhiên và vô cùng dễ thương nhưng lại gợi cho bất cứ ai nhìn thấy em một cảm giác xót xa, nặng lòng. Bởi lẽ ra, nụ cười ấy phải được vây quanh bằng niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ của những người thân, ông bà, cha mẹ…. Vậy mà…

Trước đó, vào khoảng tháng 1 ở Thái Nguyên, 1 em bé cũng đáng yêu không kém bị mẹ bỏ rơi trong tình trạng không quần áo, không bỉm tã. Bé chỉ được quấn trong chiếc chăn với 1 bình sữa pha sẵn. Sinh linh ấy, nếu không được phát hiện ra, chẳng biết sẽ có những hiểm nguy, bất trắc nào xảy đến… Và, còn biết bao em bé vô tội, đáng thương bị cha mẹ từ chối như thế…

Điều đáng nói là, có rất nhiều, rất nhiều người đã loan tin tìm mẹ cho các em, cũng không ít người tìm đến với mong muốn nhận nuôi các bé. Thế nhưng, chính người dứt ruột sinh ra em lại bỏ rơi con mình một cách “nhẹ tênh” như vậy. Câu chuyện nghịch lý này cứ xảy ra vì đâu?

Hoàn cảnh không cho phép

Từ bao đời nay, chuyện “không chồng mà chửa”, thậm chí quan hệ tình dục trước hôn nhân đã điều khó chấp nhận trong nền văn hóa phương Đông nói chung, và Việt Nam nói riêng. Dẫu ngày nay, quan niệm có phần “thoáng hơn”, phụ nữ “chửa hoang” không còn bị cạo đầu bôi vôi, bị bêu riếu như trước, nhưng việc mang thai một đứa con mà không có chồng vẫn là điều rất khó chấp nhận.

Bởi vậy, những cô gái trẻ đang là học sinh, sinh viên, công nhân,… nếu chẳng may “vượt rào” sớm mà lỡ dính bầu, câu chuyện giải quyết sẽ thật rối ren; nhất là với những cô gái sinh ra trong gia đình nền nếp, gia giáo. Đó là một phần lý do mà nhiều đứa trẻ bị mẹ ruột vứt bỏ, để “giữ thể diện” cho gia đình, để không khiến cha mẹ đau lòng, thất vọng rồi phải “muối mặt” với thiên hạ,…

Có những ý kiến bênh vực cho các bà mẹ này cho rằng, nếu như xã hội rộng mở hơn, “thoáng” hơn, thì họ đã không phải ngậm ngùi, đau đớn, cào xé để vứt bỏ con mình như thế. Mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, có ai mà không xót, có chăng chỉ là tại “hoàn cảnh” mà thôi.

Một khía cạnh khác, có những người mẹ chấp nhận tất cả để nuôi con, nhưng vì quá nghèo khó, không đủ tiền để lo cho bé nên muốn “gửi gắm” con cho người khác, để bé được chăm lo đủ đầy hơn,… Như thế, âu cũng là tốt cho con.

Phải, nếu cứ ngồi mà “kể lể” lý do vì sao người mẹ nhẫn tâm bỏ con, thì có thể “mò” ra trăm ngàn nguyên cớ khác nhau. Ai lên án cứ lên án, ai bênh vực cứ bênh vực, nhưng có một sự thật là, dẫu có trách móc, phê phán đến đâu đi chăng nữa, thì chỉ khiến những em bé vô tội kia tổn thương hơn mà thôi. Chúng không đáng bị như vậy, còn người mẹ, ai biết họ đang ở phương trời nào???

Những lỗ hổng nhân cách

Ta thường có thói quen đổ lỗi cho người khác mà đôi khi quên đi một điều, lỗi lớn nhất là ở chính bản thân ta – ta đã quên đi trách nhiệm của mình với những gì đã làm. “Xã hội” có lỗi gì trong chuyện người mẹ nhẫn tâm vứt bỏ con? Các chuẩn mực của xã hội cũng một phần bắt nguồn từ những mong muốn cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Chẳng phải con cái sinh ra có gia đình đầy đủ, được chăm sóc bởi cả cha lẫn mẹ thì sẽ tốt hơn sao? Chẳng phải những cô gái còn trẻ, đang tuổi học hành thì nên chú tâm chăm lo cho sự nghiệp trong tương lai, thay vì một thân một mình bồng bế đứa trẻ đỏ hỏn, lóng ngóng vụng về chăm sóc nó mà trong đầu vẫn hoang mang: “Sẽ nuôi con bằng gì?” sao? Chẳng lẽ phải cổ súy cho những hành động “lầm lỡ” đó mới là xã hội văn minh?

Không! Đừng đổ lỗi cho xã hội, cho dư luận, dẫu vẫn biết rằng, là con người ai cũng có thể mắc sai lầm. Nhưng quan trọng là cách chúng ta nhìn nhận và khắc phục sai lầm đó như thế nào. Và, khi “dám” sinh ra một đứa con, ta chẳng có quyền gì mà vứt bỏ nó cả. Vẫn biết, để vượt qua dư luận, tai tiếng, kì thị,… là một cuộc đấu tranh gian nan, nhưng không phải là không làm được. Quy tắc xã hội là do con người đặt ra, và chỉ con người mới có thể thay đổi cách nhìn nhận về nó. Quan trọng là biết mình sai ở đâu, “sửa chữa” như thế nào để chứng minh rằng mình đang làm những điều tích cực, và sẽ sống một cuộc sống tốt đẹp. Như thế, chắc chắn sẽ chẳng ai nỡ mà quay lưng mãi…

Vậy thì, câu chuyện vứt bỏ con chỉ bắt nguồn từ nguyên nhân chính, đó là những lỗ hổng trong nhân cách,  từ những thiếu sót trong kiến thức và nhận thức mà thôi. Tại sao không tìm hiểu các biện pháp tránh thai an toàn trước khi có ý định quan hệ tình dục? Giáo dục chỉ là 1 phần, bản thân mỗi người đều phải có ý thức tự trau dồi kiến thức cho bản thân mình. Chúng ta không còn là trẻ con để người lớn chạy theo chỉ bảo từng bước, từng bước. Còn khi đã “lỡ” mang thai, chúng ta vẫn có những cách giải quyết khác nhân văn hơn thay vì vứt bỏ con ngoài đường, ngoài chợ. Và nếu thực sự thương yêu, mong muốn được chăm sóc cho con, ta hoàn toàn có thể làm được điều đó. Trong xã hội hiện tại, không quá khó để tìm được một công việc đủ trang trải cuộc sống, và không quá khó để tìm được sự giúp đỡ từ người khác trong lúc khó khăn nhất, vậy tại sao phải để con cho người khác nuôi? Dẫu biết nhiều người mẹ sẽ mất đi tương lai sáng lạng, sẽ mất đi cơ hội học tập cao lên để có một cuộc sống đủ đầy, giàu có, nhưng chúng ta cần phải chịu trách nhiệm cho những gì mình làm. Hơn nữa, dẫu sau này mọi thứ có như ý muốn, liệu ai đó có cảm thấy hạnh phúc khi luôn canh cánh trong lòng câu hỏi: “Con mình giờ ra sao, đang ở nơi nào, con còn sống trên đời này nữa?”

Những người trẻ, cuộc sống sẽ tốt đẹp biết mấy nếu bi kịch không xảy ra…

Chúng ta đang sống trong xã hội phát triển, được học hành, được tiếp thu những gì tiên tiến, hiện đại nhất; được mở rộng cái nhìn vượt qua giới hạn của nền văn hóa phương Đông – được tiếp xúc với phong cách phương Tây. Vì thế, ta có cái nhìn “thoáng” hơn, rộng hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta cứ sống ồ ạt, sống “hết mình” đến mức không suy nghĩ trước sau. Cuộc đời là một chặng đường dài, đừng để những nông nổi, bồng bột của tuổi trẻ phá hỏng tương lai. Và, cũng đừng bao giờ vô trách nhiệm với bản thân mình, bởi sẽ không thể hạnh phúc được nếu lầm lỗi trong quá khứ cứ ám ảnh suốt quãng đời sau này.

Việt Anh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.