Bữa sáng có thực sự quan trọng như bạn nghĩ?

Bữa sáng từ lâu được coi là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, có vai trò sống còn trong việc duy trì hoạt động của cơ thể và ngăn chặn tình trạng “ăn bù” vô độ trong các bữa sau đó.

Tuy nhiên, bữa sáng không thực sự quan trọng như vậy, theo một nghiên cứu mới trên tạp chí American Journal of Clinical Nutrition.

Cách đây không lâu, một nhóm nhà khoa học khác tại Trường Đại học Alabama cũng đưa ra báo cáo rằng sau khi những người thừa cân và béo phì tình nguyện tham gia nghiên cứu được chia thành 3 nhóm: bỏ bữa sáng, luôn ăn sáng đều đặn và nhóm thứ 3 thì tiếp tục thói quen thông thường của mình, thì sau 4 tháng, cả ba nhóm đều không giảm cân đáng kể.

Và bây giờ, theo nghiên cứu mới được tiến hành tại Trường Đại học Bath, Anh Quốc, thì những người ăn sáng điều độ cũng không được lợi gì hơn so với những người bỏ bữa sáng, ít nhất là về mặt trao đổi chất.

Nghiên cứu mới bác bỏ quan điểm lâu nay cho rằng bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày (Ảnh: BbcuoreMatto)

Nghiên cứu được tiến hành trên 33 người có cân nặng bình thường, chia thành hai nhóm: Có ăn sáng (ít nhất là 700 calo) trước 11h trưa, và nhóm bỏ bữa sáng. Các chỉ số về trao đổi chất như tỷ lệ trao đổi chất, lượng cholesterol và glucose trong máu được theo dõi trong 6 tuần.

Kết quả là không có khác biệt gì nhiều giữa hai nhóm. Khác biệt thấy rõ duy nhất là những người bỏ bữa sáng ăn ít calo hơn trong suốt cả ngày, trái ngược với suy đoán họ sẽ ăn bù vào các bữa sau đó. Tuy nhiên, họ “đốt cháy” ít calo hơn. Trong khi đó, những người có ăn sáng thường năng động hơn vào buổi sáng, chủ yếu là do phần calo mà họ “nạp” được trong bữa sáng.

Từ khía cạnh trao đổi chất, hai nhóm này không có khác biệt lớn. Nhóm có ăn sáng có mức đường trong máu ổn định hơn một chút trong suốt cả ngày so với nhóm không ăn sáng, đặc biệt là vào thời điểm kết thúc 6 tuần khảo sát.

James Betts, tác giả của nghiên cứu cho biết, “Tôi hầu như không ăn sáng bao giờ. Đó là một phần lý do thúc đẩy tôi tiến hành nghiên cứu này, bởi mọi người lúc nào cũng nhắc nhở tôi về bữa sáng”. Ông cũng cho biết chưa có ý định thay đổi thói quen này.

Trong khi đó, các nghiên cứu khác lại cho rằng việc bỏ bữa sáng sẽ gây hại cho tim. Đơn cử, một nghiên cứu trên quy mô lớn công bố năm ngoái, được tiến hành trên gần 27.000 người đàn ông trong suốt 16 năm, cho thấy những người bỏ bữa sáng có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao hơn 27%. Các tác giả cho biết đó có thể do mối liên hệ giữa việc nhịn ăn nhiều giờ với sự “chịu đựng” của insulin, cholesterol và huyết áp.

Chúng ta cũng nên chú ý rằng nghiên cứu mới của Đại học Bath có quy mô rất nhỏ và ngắn hạn. Có thể những tác động của việc bỏ ăn sáng sẽ tích lũy dần theo thời gian, và sau vài năm mới có kết quả rõ ràng.

Điều quan trọng nhất là bạn nên “lắng nghe” cơ thể mình. Nếu bạn thức dậy với cái bụng đói meo và phải ăn ngay trong vòng một tiếng, nếu không sẽ bị chóng mặt, thì tốt nhất là bạn nên ăn sáng. Nhưng nếu bạn không muốn ăn bất cứ thứ gì cho đến tận trưa, thì có thể bỏ bữa sáng đó cũng không sao. Nhu cầu dinh dưỡng và trao đổi chất ở từng cá nhân rất khác nhau, vì thế cuộc tranh cãi về bữa sáng cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều và vẫn chưa đi đến hồi kết…

Minh Nguyệt
Tổng hợp từ Forbes, Dailymail
logo smaill

Một số khuyến cáo về sức khỏe khác mà bạn nên tham khảo:

Phụ nữ mang thai nên tuyệt đối tránh cá ngừ!

Có nên ăn thức ăn đã bị ruồi đậu?

Coi chừng rối loạn ăn uống vì ăn kiêng!

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.