Các vị thuốc trị cảm phong hàn

Ảnh: internet

Thuốc phát tán phong hàn dùng để chữa:

– Cảm mạo do lạnh: sợ lạnh; sốt ít; đau đầu, mình; ngạt mũi, chảy nước mũi; khản tiếng; rêu lưỡi trắng; mạch phù.

– Ho hen do lạnh.

– Đau các cơ, đau thần kinh do lạnh.

– Một số bệnh dị ứng do lạnh: viêm mũi dị ứng, ban chẩn, viêm cầu thận cấp do lạnh.

Bệnh cảm mạo do lạnh có 2 loại: biểu thực không có mồ hôi, mạch phù khẩn dùng các vị thuốc như: ma hoàng, tế tân. Biểu hư có mồ hôi, mạch phù nhược dùng các loại thuốc như: quế chi, gừng.

Vị thuốc ma hoàng tác dụng gây ra mồ hôi mạnh cần chú ý đến sự cấm kỵ đối với người âm hư, thiếu máu.

Quế chi

Quế chi là cành nhỏ của nhiều loại quế: quế Trung Quốc, quế Thanh, quế Srilanka. Thuộc họ Long não (Lauraceae).

Vị cay, ngọt, tính ấm vào kinh tâm, phế, bàng quang. Tác dụng phát hãn giải cơ, ôn kinh, thông dương.

Ứng dụng:

– Chữa cảm mạo phong hàn nhưng có mồ hôi (biểu hư), vì vệ khí hư, phần dinh khí vẫn mạnh, da thịt sơ tiết nên ra mồ hôi. Quế chi tính chất cay ấm nên phát tán phong hàn. Vì phát tán phong hàn qua phần cơ biểu nên gọi quế chi có tác dụng sơ phong giải cơ. Bài thuốc: Quế chi thang.

– Ôn kinh chỉ thống và ôn thông kinh mạch: quế chi do tính vị cay ấm nên trừ phong thấp và hàn thấp, dùng để chữa chứng thống kinh, bế kinh do hàn thấp quá mạnh gây ra, chứng đau bụng do lạnh (cơn đau dạ dày, cơn co thắt đại tràng do lạnh) do tác dụng ôn trung trừ hàn.

– Chữa đau khớp, đau các dây thần kinh, co cứng các cơ do lạnh (khu hàn ôn lý): do hàn, thấp gây trở ngại kinh lạc thành chứng tý. Quế chi là vị thuốc thăng phù dẫn lên vai, tay, vị cay phát tán, tính ôn gây thông nên quế chi có tác dụng trừ phong thấp, thông kinh lạc.

– Chữa ho và long đờm.

– Hóa khí lợi tiểu: theo YHCT muốn đi tiểu được cần có khí của thận dương khí hóa ở bàng quang, khi bị ngoại cảm phong hàn làm ảnh hưởng đến sự khí hóa ở bàng quang gây chứng ứ nước  làm bí tiểu. Quế chi thông dương khí, tăng cường sự khí hóa ở thận được phối hợp với các thuốc thông tỳ dương như bạch truật để chữa.

Gừng sống

Gừng sống (sinh khương) là thân rễ tươi của cây gừng (Zingiber officinale), thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).

Tính vị quy kinh: cay, hơi ấm vào kinh phế, vị, tỳ. Tác dụng: giải biểu phát hãn, chữa nôn do lạnh, chữa ho, giải độc.

– Chữa cảm mạo do lạnh: vị gừng sống làm nhiệm vụ tá dược trong các bài thuốc giải biểu: Quế chi thang, Cát căn, Tiểu sài hồ …

– Chữa nôn mửa do lạnh thường phối hợp với bán hạ. Tuy là vị thuốc ấm, nhưng dù nôn mửa do nhiệt hay hàn, dùng nước gừng đều làm tăng tác dụng của các vị thuốc khác: như Trúc nhự chữa nôn do vị nhiệt, bán hạ chữa nôn do vị hàn.

– Do tác dụng ôn vị hòa trung của gừng nên trong các phương tễ kiện tỳ hòa vị đều có gừng (bài Bổ trung ích khí).

– Chữa ho do lạnh: dùng độc vị hoặc phối hợp với các thuốc ôn phế khác như tô tử, hạnh nhân…

– Kích thích tiêu hóa chống đầy hơi, ợ hơi…

– Giải độc và hạn chế độc tính của các vị thuốc bán hạ, nam tinh, phụ tử.

Tử tô

Dùng toàn cây trên mặt đất phơi khô của cây tía tô (Perilla cymoides) họ Hoa môi (Labiatae).

Ngoài ra còn dùng: tô tử là quả chín phơi khô (dân gian gọi là hạt tía tô). Tô diệp là lá tía tô. Tô ngạnh là cành tía tô.

Vị cay tính ấm vào kinh phế, tỳ.Tác dụng: phát tán phong hàn, lý khí.

Ứng dụng:

– Chữa cảm mạo do lạnh (tán hàn giải biểu), dùng lá tía tô ăn với cháo nóng.

– Chữa ho và long đờm.

– Giải uất, chữa tức ngực khó thở.

– Do thất tình khí uất gây ngực bụng đầy trướng, khó thở.

– Tim hồi hộp do thiếu vitamin B1.

– Chữa nôn mửa.

– An thai do thai khí không điều hòa, ngực  bụng đầy trướng, bụng ngực lưng sườn đều đau. Dùng bài Tử tô ẩm (tử tô, Xuyên quy, xuyên khung, bạch thược, sâm, trần bì, đại phúc bì, cam thảo).

Giải độc: chữa viêm tuyến vú, ngộ độc thức ăn do cua cá (dùng nước lá tía tô vắt uống).

Quả tía tô (fructus perillar) dân gian gọi là hạt, tên thuốc Tô tử có tác dụng chữa ho, long đờm, hen.

Cành tía tô (Caulis perillae): tô ngạnh là cành non, cành già phơi khô có tác dụng kích thích tiêu hóa, đau bụng, lý khí.

Lá tía tô (Follium perillae) có tác dụng như toàn cây.

Kinh giới

Kinh giới là thân và lá cây kinh giới (Elsholtzia crista) họ Hoa môi (Labiatae).

Vị cay tính ấm vào kinh phế can.Tác dụng: phát tán hong hàn, tán ứ chỉ huyết.

Ứng dụng: chữa cảm mạo do lạnh: các chứng đau dây thần kinh do lạnh, làm mọc các nốt ban chẩn, giải độc, giải dị ứng chữa ngứa, cầm máu: tiểu ra máu, chảy máu cam (hay dùng hoa kinh giới sao đen).

Các dạng thuốc: kinh giới, kinh giới thán (sao đen), kinh giới tuệ (hoa kinh giới). Giới tuệ sao, giới tuệ sao đen.

Củ hành

Tính vị quy kinh: cay, đắng, ấm vào kinh phế ,vị.

Tác dụng: phát tán phong hàn, lý khí.

Ứng dụng: chữa cảm mạo do lạnh, thống kinh do gặp lạnh, đau bụng do gặp lạnh, chữa mụn nhọt khi mới bị viêm.

Bạch chỉ

Bạch chỉ là rễ phơi khô của cây bạch chỉ (Angelica dahurica) hay cây xuyên bạch chỉ, họ Hoa tán (Umbellierae). Không phải cây nam bạch chỉ (Robinia amera) họ Đậu cánh bướm.

Vị cay tính ấm vào kinh phế, vị. Tác dụng phát tán phong hàn, cắt cơn đau, tiêu viêm.

Ứng dụng: chữa cảm mạo do lạnh, chữa các chứng đau đầu, trán, răng, chảy nước mắt do phong hàn (sơ phong an thượng) hay phối hợp với phòng phong, khương hoạt; chữa viêm mũi dị ứng, ngạt mũi hay dùng với ké đầu ngựa, tân di, phòng phong; tiêu viêm, làm bớt mủ trong viêm tuyến vú, áp-xe vú hay phối hợp với thanh bì, bối mẫu, qua lâu, bồ công anh, trong các bài thuốc ngoại khoa đa số có vị bạch chỉ, chữa vết loét do rắn, rết cắn.

Ma hoàng

Ma hoàng là bộ phận trên mặt đất phơi khô của nhiều loại ma hoàng: thảo ma hoàng (Ephedra sinica), mộc tặc ma hoàng (Ephedra equisetina), trung ma hoàng (Ephedra intermedia) đều thuộc họ Ma hoàng (Ephedraceae).

Vị cay tính ấm vào kinh phế, bàng quang. Tác dụng: ra mồ hôi, bình suyễn, lợi niệu.

Ứng dụng:

– Chữa cảm mạo do lạnh: ma hoàng có tác dụng tuyên phế, làm ra mồ hôi, có tác dụng phát tán phong hàn chữa chứng cảm do lạnh nhưng biểu thực.

– Chữa hen suyễn: cảm mạo do lạnh gây ho hen: cảm mạo gây ho kèm viêm mũi dị ứng, viêm phổi nhất và viêm phổi sau sởi dùng bài Ma hạnh thạch cam thang.

– Chữa phù thũng, hoàng đản do tác dụng lợi niệu: ma hoàng dùng chữa viêm cầu thận cấp dị ứng do lạnh: phù ở mặt, nửa người trên; mạch phù sợ gió; hơi suyễn; đái ít; dùng bài Việt tỳ thang (ma hoàng, sinh khương, cam thảo, thạch cao, đại táo), chữa hoàng đản do viêm gan siêu vi phối hợp với nhân trần, cát căn, thạch cao, gừng.

Tế tân

Tế tân là rễ cây tế tân (Asarum heterotropoides) thuộc họ Mộc thông (Aristolochiaceae).

Vị cay, tính ấm vào kinh tâm, phế, thận.Tác dụng: phát tán phong hàn, thông kinh hoạt lạc, chữa ho long đàm.

Ứng dụng:

–  Chữa cảm mạo phong hàn gây ra các chứng đau người, nhức đầu phối hợp với các thuốc trừ phong khác: cảo bản, phòng phong.

– Chữa ho đờm nhiều.

– Chữa đau khớp và đau dây thần kinh do lạnh.

Cảo bản

Cảo bản là rễ và thân cây cảo bản (Ligusticum sinense hay Ligusticum jeholence) thuộc họ Hoa tán (Umbelliferae).

Vị cay tính ấm vào kinh bàng quang.Tác dụng: phát tán phong hàn, chữa nhức đầu do lạnh.

Ứng dụng:

– Chữa cảm mạo do lạnh.

– Chữa đau đầu, đau răng lợi, đau vùng gáy (kinh thái dương), dau bụng do lạnh.

– Chữa đau khớp xương do phong, hàn thấp.

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.