Chế độ ăn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kì

Chế độ ăn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kì

Chế độ ăn cho bà bầu cuối thai kì

Từ tháng thứ 7 trở đi, bé cưng tập trung vào phát triển cân nặng và hoàn thiện hệ xương, do đó mẹ bầu cần ăn uống sao cho cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, nhất là canxi để bé khỏe mạnh và phát triển cân đối. Ngoài ra, giai đoạn này cơ thể mẹ cũng cần dự trữ một phần dinh dưỡng để có đủ sức lực cho cuộc sinh nở đầy khó khăn và hành trình chăm con ngay sau đó. Vì vậy, việc đảm bảo dinh dưỡng là vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, chế độ ăn cho bà bầu sao cho vừa đủ, không dư thừa là điều cần được lưu ý hơn để tránh nguy cơ mẹ và em bé tăng cân quá mức hoặc mẹ phải đối mặt với nguy cơ tiểu đường thai kì,… tất cả những vấn đề đó đều gây bất lợi không nhỏ cho việc sinh nở. 
Chế độ ăn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kì
Cuối thai kì là giai đoạn thai nhi phát triển hệ xương và bộ não một cách “bùng nổ” nên mẹ cần trung dinh dưỡng hợp lý. (Ảnh minh họa)

Các dưỡng chất cần thiết trong chế độ ăn của bà bầu

Thai nhi đang phát triển rất nhanh chóng, nhất là hệ xương và cân nặng ở cuối thai kì. Do đó, chế độ ăn cho bà bầu cần đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng sau:
1. Canxi
Ở giai đoạn này, mỗi ngày mẹ bầu cần cung cấp khoảng 1200mg canxi để thai nhi hoàn thiện sự phát triển hệ xương của mình. Điều này cực kì quan trọng bởi nếu không bổ sung đủ lượng canxi, cơ thể mẹ sẽ tự chuyển canxi sang cho bé và khiến mẹ đối mặt với rất nhiều vấn đề như nhức mỏi, đau cơ, co giật, huyết áp không ổn định, dễ sinh non và mắc bệnh loãng xương,…
Canxi chứa nhiều trong sữa và các chế phẩm từ sữa, rau lá xanh (cần tây, bông cải xanh, rau bina,…), đậu nành, nước cam,… Mẹ hãy bổ sung chúng vào chế độ ăn hàng ngày nhé!
2. Protein
Không chỉ canxi, protein cũng là dưỡng chất quan trọng hàng đầu trong thai kì cuối để hỗ trợ sự phát triển của bé yêu và nguồn sữa mẹ. Protein có nhiều trong các loại đậu, sữa, thịt nạc cá và hải sản.
3. Chất béo
Có tác dụng hỗ trợ sự phát triển của não và hệ thần kinh thai nhi, đồng thời giúp cơ thể hấp thu lượng vitamin cần thiết, do đó chất béo không thể thiếu trong chế độ ăn cho bà bầu. Mẹ hãy bổ sung thêm các loại hạt như đậu phộng, hướng dương, dầu oliu, bơ,… Tuy nhiên nên hạn chế chất béo bão hòa có trong kem, thực phẩm quá nhiều dầu mỡ, pho-mát nhiều béo, khoai tây chiên,…
Chế độ ăn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kì
Đừng bỏ qua cá và các loại hải sản vì chúng chứa những dưỡng chất rất có lợi cho thai nhi. (Ảnh minh họa)
4. Sắt
Đến cuối thai kì, bà bầu cần bổ sung khoảng 30mg sắt mỗi ngày trong chế độ ăn của mình để duy trì lượng máu tăng lên gấp đôi so với bình thường, giúp thai nhi được nuôi dưỡng tốt nhất. Do đó, mẹ hãy ăn nhiều thịt nạc và thịt gia cầm, trứng, đậu nành và có thể uống thêm viên sắt nếu bác sĩ yêu cầu. Mẹ cũng nên dùng thực phẩm nhiều sắt chung với thực phẩm giàu vitamin C để hấp thụ tốt hơn, tuy nhiên cần tránh bổ sung sắt với canxi cùng lúc vì canxi cản trở sự hấp thụ sắt.
5. Chất xơ
Tình trạng táo bón, trĩ ngày càng trở nên trầm trọng hơn vào thai kì cuối, do đó mẹ bầu cần bổ sung nhiều chất xơ trong ngũ cốc, khoai lang, trái cây, rau xanh,… và uống nhiều nước để cải thiện tình hình nhé!

4 nhóm thực phẩm cần bổ sung vào chế độ ăn của bà bầu

Để đảm bảo chế độ ăn hợp lý và đầy đủ, mẹ cần cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm chính trong bữa ăn mỗi ngày, gồm: chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất, chất xơ. Giai đoạn này, tử cung to lên và chèn ép dạ dày cũng như các cơ quan khác, do đó để tránh ợ nóng, đầy bụng và khó chịu, mẹ nên chia nhỏ bữa ăn và ăn thành nhiều bữa mỗi ngày. Mẹ cũng lưu ý là giai đoạn này cần bổ sung nhiều dinh dưỡng chứ không phải năng lượng, vì cơ thể vẫn chỉ cần thêm khoảng 300mg calo mỗi ngày so với khi chưa mang thai mà thôi. Do đó mẹ không nên “ăn càng nhiều càng tốt” để giữ mức tăng trung bình từ 6 – 7kg/3 tháng cuối là hợp lý.

Chế độ ăn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kì
Thịt nạc và thịt gia cầm cung cấp nhiều protein và các chất dinh dưỡng quan trọng khác. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, các axit béo omega-3 và choline cũng cần được tăng cường cho bộ não và hệ thần kinh của bé trong giai đoạn phát triển “bùng nổ” này.

Lưu ý quan trọng trong chế độ ăn cuối thai kì

Không chỉ đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý; chế độ ăn cho bà bầu cũng cần đảm bảo an toàn với sức khỏe, tránh các nguy cơ gây hại cho cả mẹ và bé. Do đó, mẹ cần lưu ý:

– Không ăn nhiều các thực phẩm kích thích co bóp tử cung như: đu đủ xanh, ngải cứu, rau chùm ngây, dứa, lô hội (nha đam), nhãn, khoai mì (củ sắn), măng, gừng dập, quế và các gia vị cay nóng khác,…

– Hạn chế đồ ngọt và nếu đang thừa cân hay có nguy cơ tiểu đường thai kì, mẹ cần ăn ít tinh bột hơn.

– Một chế độ ăn nhiều muối hoàn toàn không tốt cho sức khỏe lại khiến tình trạng phù nề thêm trầm trọng, do đó nếu có thói quen ăn mặn, mẹ hãy thay đổi càng sớm càng tốt. Ngoài ra, bột ngọt và hạt nêm cũng cần hạn chế tối đa vì chúng hoàn toàn không có lợi, thậm chí gây ra những tác hại nhất định đến sức khỏe của thai phụ.

Chế độ ăn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kì
Ngoài chế độ ăn hàng ngày, mẹ bầu cần uống thêm viên sắt, canxi,… nếu cơ thể còn thiếu khi bác sĩ yêu cầu. (Ảnh minh họa)

– Đồ hộp, thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn,… cũng chứa quá nhiều dầu mỡ, chất phụ gia, chất bảo quản lại không đảm bảo vệ sinh; do đó nếu có thể, mẹ hãy tự tay lựa chọn thực phẩm và nấu cho mình những bữa ăn lành mạnh.

– Ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không ăn đồ tái sống, thức ăn chưa chín kĩ.

– Cuối cùng, mẹ nhớ bổ sung thêm nước đầy đủ để cơ thể khỏe mạnh nhé!

Giai đoạn cuối thai kì là thời gian “nước rút” để bé yêu hoàn thiện cơ thể trước khi chào đời. Do đó chế độ ăn cho bà bầu cần được đặc biệt lưu tâm để bé cưng lớn lên khỏe mạnh toàn diện mà mẹ cũng tích lũy được năng lượng cũng như dưỡng chất cần thiết phục vụ cho tiến trình sinh nở, nuôi con sau đó.

Nguyệt Nga

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.