Chịu trận

Chiu tran

Chiu tran

Ảnh mang tính minh họa

“Ông ấy muốn gì?”

Vợ chồng chị Tạ Thị Lan (Q.9, TP.HCM) chung sống đã hơn ba mươi năm, đến cái tuổi ngỡ như không thể còn sóng gió nữa thì họ lại đưa nhau ra tòa ly hôn. Chị kể, trước đây anh lái xe tải, chị bán quán nước nhỏ, tuy không dư dả nhưng cũng đủ sống qua ngày.

Anh rất thương vợ con, làm được bao nhiêu tiền đều đưa hết cho vợ. Tích cóp gần hai chục năm, anh chị mua được căn nhà nhỏ. Cuộc sống đang yên ổn thì anh bị bệnh phải nghỉ việc, chuyển sang làm bảo vệ. Từ đó, anh được vợ “miễn” trách nhiệm đem tiền về nhà, mình chị bươn chải, lo toan.

Hai năm gần đây, anh bỗng dở chứng, thường xuyên say xỉn, chửi mắng vợ con. Ban đầu chỉ là chửi trong những cơn say, tỉnh rượu là xin lỗi vợ ngay, nhưng dần dần dù không bia rượu anh cũng chửi. Nhiều lần chị nhờ địa phương can thiệp, nhưng cũng chỉ ngưng đôi ba ngày là anh lại chứng nào tật ấy. Suốt một thời gian dài chị mất ăn mất ngủ, căng thẳng đến ngã bệnh. Sau hai tháng nằm viện, chị về nhà mẹ ruột sống, nhưng một mình con dâu của chị không lo nổi việc ở quán, chị phải sang giữ cháu, phụ con buôn bán và… tiếp tục nghe điệp khúc chửi của chồng.

Mệt mỏi, chị quyết định ly hôn, anh gật. Chị bảo bán nhà chia đôi tài sản, anh gật. Nhưng, ngày tòa gọi anh không đến, người mua tới xem nhà anh đuổi thẳng. Chị lại phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp mới chấm dứt được cuộc hôn nhân với anh, nhưng việc bán nhà thì đành chịu. “Lúc thì ông đồng ý bán, lúc lại đuổi khách.

Ông ấy thay đổi thất thường khiến tôi không còn biết đường đâu mà lần. Giờ tôi cũng không biết ông ấy muốn gì. Nói chuyện gì ông cũng chịu nhưng rồi lại… chửi. Nghe chửi riết đầu óc tôi như muốn nổ tung”. Miệng chửi ra rả suốt ngày nhưng lạ là anh không bao giờ đánh vợ. Chị ấm ức, giá chồng đánh mình một cái để mình đánh lại… cho đỡ tức.

Ghen tuông vì… bất lực

Trong suốt hai năm, chồng chị Lan thay đổi từ một người hiền lành sang thô lỗ, tục tằn, vợ chồng không được một lần đối thoại cho tử tế. Theo chị, hơn ba năm nay vợ chồng chị không còn gần gũi, nguyên nhân do anh mắc chứng “trên bảo dưới không nghe”, bản thân chị cũng không còn ham muốn.

Chị Lan xem đó là bình thường, vì cả hai đã ở cái tuổi gần sáu mươi, nên chị cũng không quan tâm đến việc giúp chồng chữa trị. Còn anh, thời trẻ vốn “sung mãn”, giờ bỗng nhiên mất hết khả năng đàn ông, nhiều đêm mướt mồ hôi mà không nên cơm cháo gì, nằm cạnh vợ mà cứ như hai “thằng đàn ông” nên vừa bức bối, vừa thấy “nhục”. Đã vậy, vợ lại không ngó ngàng gì đến nên anh nghi chị có nhân tình, ghen tuông, chửi bới triền miên.

Chị càng đòi ly hôn, anh càng cho rằng những gì mình “nghi ngờ” là đúng, mâu thuẫn vợ chồng thêm trầm trọng. Chị Lan bức xúc: “Tôi biết ly hôn thì cả hai chỉ có mất chứ chẳng được gì, chưa kể còn xấu mặt với họ hàng, sui gia, nhưng ông ấy cứ như vậy thì làm sao tôi chịu nổi?”. Dẫu biết ly hôn, thiệt thòi không chỉ là sự cô đơn trong tuổi già mà còn ảnh hưởng đến đời sống của chị và các con, vì tài sản chung duy nhất của anh chị là ngôi nhà, vừa là chỗ ở vừa là nơi tạo ra thu nhập cho cả đại gia đình.

TS Võ Văn Nam, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, phân tích: “Mãn dục nam tuy diễn ra mơ hồ hơn mãn kinh nữ nhưng dấu ấn của nó đối với đời sống tâm lý người đàn ông lại rất rõ rệt. Người đàn ông trong thời kỳ tiền mãn dục thường bất mãn mọi thứ đến mức vô lý; dễ cáu gắt, dễ phản ứng kiểu giận cá chém thớt. Họ mất khả năng đàn ông nhưng lại không muốn thừa nhận mình “bất lực”, nên hay ghen tuông, dù là ghen bóng gió, sau đó là dùng bạo lực để che đậy sự bất lực của mình”.

Lúc này, người vợ nên nhẫn nhịn, ân cần lắng nghe chồng với thái độ cảm thông và tôn trọng; đồng thời quan tâm chăm sóc chồng nhiều hơn, hướng chồng đến những niềm vui khác, những giá trị tinh thần… Người vợ nên xem chồng là một “nạn nhân”, một “người bệnh”, đáng thương hơn đáng trách. Dù vấn đề rất nhạy cảm nhưng lại là việc sống còn nên vợ chồng không việc gì phải e ngại khi đối thoại với nhau. Phải hiểu, đây là chuyện khoa học nghiêm túc để duy trì một mái ấm lâu bền.

Ông Lê Hoài Sơn (50 tuổi, thẩm phán)

Đàn ông xem sức khỏe chăn gối là sự thể hiện bản lĩnh của mình. Tôi không biết phụ nữ có suy nghĩ như vậy không? Nếu họ cũng nghĩ vậy thì đó không chỉ là bi kịch của người chồng mà còn là bi kịch của cả người vợ. Nhiều cặp vợ chồng khi ra tòa ly hôn, trình bày đủ lý do nhưng không hề đề cập đến vấn đề nhạy cảm này, cho đến khi thẩm phán gặp riêng từng người. Cũng có cặp vợ chồng không biết đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến đổ vỡ.

Ở góc độ người đàn ông, tôi nghĩ nếu anh không thỏa mãn được cho vợ về mặt này, thì vẫn có thể bù đắp bằng mặt khác, bởi hôn nhân không phải chỉ có tình dục, nhất là khi cả hai đã có tuổi. Cả hai có thể cùng tham gia một hoạt động giải trí lành mạnh nào đó để vợ chồng thêm gắn bó, tránh nhàn rỗi dễ sinh ra cảm xúc tiêu cực. Đặc biệt, vợ chồng nên thẳng thắn trao đổi với nhau, đừng nghi ngờ, đoán mò dẫn đến hiểu lầm, mâu thuẫn.

Nguồn: Theo Phụ Nữ Online

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.