Chưa ly hôn, chồng đã ‘rước’ vợ mới về nhà

 - Ảnh 1

Đứng trước nguy cơ mất trắng khối tài sản hơn chục năm gây dựng cùng với chồng, H đã cầu cứu luật sư.

Vợ vừa đi khỏi, chồng đã dắt vợ mới về nhà

Chị Hoàng Thị Mai H. (37 tuổi, quê Việt Yên, Bắc Giang) trong hơn chục năm làm dâu đã phải chịu đựng và nín nhịn rất nhiều. Chị không dám nói với chồng về chuyện thường xuyên bị anh rể quấy rối tình dục, nhìn trộm khi tắm. Mọi chuyện vỡ lở vào một hôm khi chị đang tắm thì đứa cháu gọi chồng chị bằng cậu nằm bò trên nền nhà nhìn trộm mợ tắm qua khe cửa. Bị chồng H. bắt quả tang nhưng anh ta lại lẳng lặng cho qua.

Tuy nhiên, H. không biết chồng đã nói gì với chị gái mà ngày nào chị gái chồng cũng sang nhà chửi bới H. cái tội lẳng lơ. Chị ta không những chỉ chửi em dâu mà còn lôi cả bố mẹ chị H. ra để nhục mạ. Thậm chí, mùng 1 Tết năm 2013, chị ta cũng không tha. Thấy chị dâu làm quá, chị H. gọi chồng đang đi chúc tết bên nhà hàng xóm về để giải quyết nhưng anh đã không về mà mặc kệ chị H., cho chị gái anh buông lời xúc phạm.

Bản thân chồng chị H. suốt mấy năm qua không hề quan tâm đến 3 mẹ con chị. Con ốm, chị H. một nách đưa 2 con đi viện, anh cũng chẳng có một câu hỏi han. Lao lực vì chồng vì con, chị H. bị ốm liệt giường phải nhờ người đưa đi truyền nước suốt một tuần. Cay đắng hơn, người mà chị gọi là chồng khi bị nhà ngoại “bắt” lên thăm vợ chỉ nói vỏn vẹn một câu “sắp chết chưa”.

Đã rất nhiều lần, trước mặt bạn bè, anh nói rằng lấy chị là một sai lầm “tôi lấy cô không hợp tuổi làm ăn, tôi phải lấy người sinh năm 1989 mới hợp tuổi làm ăn”.

Những lúc như thế, chị H. cảm thấy bị xúc phạm phạm ghê gớm. Chồng đã không tốt, chị chồng lại cay nghiệt ngày nào cũng sang chửi bới vô lối. Bản thân chị tự nhận mình là người biết “đối nhân xử thế” nhà chồng ai cũng quý. Nhiều lần tâm sự với chồng, chị H. thắc mắc rằng: “Em đã làm sai chuyện gì mà ngày nào chị gái anh cũng sang mắng chửi? Nhà mình buôn bán mà chị ấy cứ làm thế thì khách nào dám vào mua đồ?”. Tuy nhiên, chưa lần nào chị nhận được một lời giải thích thỏa đáng từ chồng.

“Giọt nước tràn ly”, cuối tháng 7/2013, chị H. đã dắt con bỏ nhà ra đi vì không thể chịu đựng được sự vô tâm của chồng và những lời lẽ ngang ngược của chị chồng. Mẹ con chị ra đi chưa đầy 3 tháng, thủ tục ly hôn vẫn chưa ai đả động đến thì chồng chị đã lấy vợ mới. Tháng 9/2014 khi về thăm nhà, H. thấy vợ mới của chồng vừa sinh một đứa con trai. Cả ba đang sinh sống trong ngôi nhà đã từng là tổ ấm của gia đình chị. Thấy “chướng tai gai mắt”, chị nói với chồng không được dắt người phụ nữ khác về sống trong căn nhà mà chị đã từng bỏ công bỏ sức ra xây dựng trong khi trên cơ sở pháp luật, H. và chồng vẫn là vợ chồng.

Sau ngày hôm đó, chị H. trở về nhà mẹ đẻ chăm 2 con nhưng cảm giác bị người khác cướp công cướp sức một cách trắng trợn khiến chị không cam tâm. Chị xin phép bố mẹ được quay lại căn nhà cũ để ở nhưng chồng nhất quyết không cho vào. Anh ta còn sỉ nhục, lăng mạ chị một cách thậm tệ.

Chị H. bày tỏ, khi kết hôn, chị được mẹ đẻ cho một suất ruộng, sau này chị đã bán đi, lấy vốn để cùng chồng gây dựng sự nghiệp; đồng thời được mẹ chồng cho một mảnh đất 70m2. 10 năm chung lưng đấu cật, họ đã xây dựng được một ngôi nhà 4 tầng, một cửa hàng kinh doanh đồ điện tử điện lạnh và có mua một mảnh đất 200m2 tại địa phương. Những tưởng cuộc sống sẽ mãi ấm yên, nào ngờ một ngày chị H. phát hiện chồng ngoại tình và ngang nhiên dẫn người đàn bà đó về nhà chung sống như vợ chồng. Uất ức, chị đã viết đơn ly hôn, nhưng điều khiến chị H. lăn tăn nhất, là khối tài sản chung của hai vợ chồng sẽ phân chia ra sao.

Người chồng có thể bị phạt tiền hoặc đi tù

Về trường hợp của chị Hoàng Thị Mai H., luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty luật Thiên Minh cho biết: Thứ nhất, về vấn đề vi phạm pháp luật của chồng chị H., theo điểm C Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, chồng chị H. đã vi phạm quy định về Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình khi chưa ly hôn với vợ nhưng đã chung sống và có con với người phụ nữ khác.Với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng của chồng chị H. có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

     - Ảnh 1
Luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty luật Thiên Minh.

Nếu hành vi của chồng chị H. gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã xử lý vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự Việt Nam về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng:

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Thứ hai, về quyền của chị H. với tài sản: Đối với mảnh đất 70m2, vì thông tin chị cung cấp chưa đầy đủ nên chúng tôi xin được tư vấn như sau: Nếu mẹ chồng chị cho vợ chồng chị trong quá trình hôn nhân thì mảnh đất đó là tài sản chung của hai vợ chồng, nếu mảnh đất đó mẹ chồng chị cho riêng chồng chị có giấy tờ tặng cho thì mảnh đất đó thuộc sở hữu của chồng chị và chị không có quyền gì đối với mảnh đất đó, trong trường hợp nếu mảnh đất đó không có căn cứ chứng minh là tài sản được tặng cho riêng chồng chị thì mảnh đất đó cũng được tính là tài sản chung của vợ chồng (Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về Tài sản chung của vợ chồng).

Đối với căn nhà 4 tầng và cửa hàng kinh doanh đồ điện tử và mảnh đất 200m2 là tài sản do vợ chồng chị tạo ra trong thời kỳ hôn nhân nên đó là tài sản chung của vợ chồng. Nếu vợ chồng chị ly hôn thì tài sản chung sẽ được chia theo thỏa thuận của hai bên, nếu hai bên không thỏa thuận được thì sẽ chia theo pháp luật, cụ thể theo Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn. “Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

Theo thông tin chị cung cấp thì công sức đóng góp của vợ chồng chị là bằng nhau, vì vậy đối với tài sản chung của vợ chồng chị sau khi ly hôn sẽ được chia đôi, hai người có quyền bằng nhau đối với tài sản đó.

Về căn nhà 4 tầng sau khi ly hôn, nếu không thỏa thuận được chia bằng hiện vật thì nếu bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán bằng tiền cho bên kia phần chênh lệch.

Nguồn: Theo nguoiduatin

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.