Chuyện đi đẻ: #1 – Những giây phút đau tưởng như chết đi sống lại….

30/7/2013 – ngày mẹ sinh Bắp…

Lúc ấy mẹ đang bầu con ở tuần thứ 37. Mẹ nhớ hôm đó là thứ 4 – ngày bố có lịch đi đá bóng mỗi tuần. Bình thường thì khi bố vui cùng quả bóng trên sân, mẹ sẽ shopping lượn lờ cùng các cô ở cơ quan, đi xem phim, ăn tối,… để đợi bố uống bia xong qua đón hai mẹ con. Nhưng chả hiểu duyên phận với quả bóng của con lớn đến nhường nào mà hôm đó mẹ lại đòi… đi cổ vũ cho bố! Chắc tại bố hứa với mẹ rằng buổi đá bóng này là buổi chia tay anh em, bố sẽ nghỉ một thời gian để chăm mẹ con mình vài tháng, khi con ra đời…

Mẹ bắt đầu chuyển dạ khi bố bước vào hiệp hai của trận bóng. Từng cơn co thắt mười lăm phút lại xuất hiện, ban đầu khá nhẹ nhàng khiến mẹ nghĩ rằng chắc con gái cảm nhận được những giây phút căng thẳng, kịch tính của bố và các đồng đội trên sân nên đạp mạnh 1 chút, khiến mẹ hơi đau thôi. Trong đầu mẹ chưa hề có ý nghĩ đó là những cơn chuyển dạ. Mẹ thay đổi tư thế liên tục, hết đứng, lại ngồi, rồi đi lại, rồi vỗ tay cổ vũ mong bố ghi bàn. Bố con hôm ấy có vẻ hồi hộp, bình thường đá tốt lắm, điệu nghệ lắm mà được hôm mẹ đi cổ vũ thì đá chán không tưởng, làm mẹ đã đau rồi thì chớ, nhìn vào cũng thấy chán hết cả người.

Những giây phút chờ đợi hiệp 2 kết thúc lâu hơn mẹ nghĩ, khi những cơn đau càng ngày càng dày hơn. Mẹ đành lấy hết can đảm vào sân vẫy bố con ra với điệu bộ vô cùng nhăn nhó, giục bố đi về. Bố mặc dù cũng nuối tiếc lắm, nhưng thấy mẹ như vậy đành phải tạm biệt anh em, ra sân đưa mẹ về. Mẹ nói với bố hình như là mẹ đau đẻ rồi, bố vẫn cười bảo: “Gớm đau đẻ gì mà nhẹ nhàng thế, thế này chưa đẻ được đâu!”. (Nói cứ như có kinh nghiệm lắm trong “ngành đi đẻ” lắm ấy, đến giờ nghĩ lại mẹ vẫn còn tức). Mẹ thì kiên quyết đúng là đau đẻ, cơn co liên tục thế này cơ mà, còn đau lưng vô cùng nữa. Thấy mặt mẹ đanh lại, bố cũng phải nghe theo nhưng vẫn còn năn nỉ mẹ: “Vào ăn phở cái đã, ăn phở xong về rồi anh với em đi bệnh viện”. Mẹ đồng ý vì nhớ rằng kể từ lần cuối cùng ăn 1 quả bơ với 2 quả na lúc 5 giờ chiều, hai tiếng trôi qua vẫn chưa có gì vào bụng cả.

Vào quán phở yêu thích, bố gọi hai bát tái gàu. Lạ thật, bình thường mẹ ham ăn phở lắm, mẹ chấp bố con nửa bát, vậy mà hôm đó mãi mẹ không ăn được vì đau quá. Nhìn mặt mẹ nhăn nhó đến tội, bố cũng ăn thật nhanh rồi dắt xe đèo mẹ về. Đến nhà, bố gọi taxi, mẹ lúi húi xem lại các đồ dùng cần thiết, không kịp gọi điện thoại cho ông bà nội ngoại để thông báo. Cả nhà mình thẳng tiến luôn tới bệnh viện phụ sản. Những cơn co vẫn tiếp tục, mười phút một lần, nhưng vì đang trên đường đến bệnh viện nên mẹ cũng yên tâm, không nhăn nhó nữa. Bố trêu mẹ: “Chắc là con gái mình sau này làm cầu thủ bóng đá rồi, đòi ra đúng thời điểm thế cơ mà”.

Đến bệnh viện là 11 giờ đêm, cô y tá bác Hằng nhờ từ trước đã đứng chờ sẵn rồi dẫn bố mẹ vào làm thủ tục. 11 giờ 30 phút, mẹ được thay đồ và bước vào phòng. Vì bố mẹ đăng ký đẻ dịch vụ nên phòng đẻ tương đối sạch sẽ, chỉ ba sản phụ một phòng và được các cô theo dõi rất cẩn thận. Lúc đầu, bác sĩ bảo mẹ vào kiểm tra nhịp tim thôi nên mẹ không mang theo gì cả, điện thoại cũng không cầm theo, chỉ kịp dặn bố con đợi ở ngoài. Không ngờ lúc đó vào phòng cái là vào luôn, mẹ bị bắt nằm xuống giường, kiểm tra, sau đó bác sĩ cho truyền kích đẻ. Vậy là thôi, mặc kệ bố con ở ngoài chờ đợi, mẹ và con trong này “chiến đấu”. Đây mới là những phút giây kinh khủng nhất vì không bố ở đây để mẹ nắm tay, cấu véo, để được an ủi động viên…

Nằm cùng phòng với mẹ còn hai cô nữa, có cô đã truyền được 2/3 rồi, có cô thì cũng mới như mẹ. Cái cô đang truyền ấy, mẹ cảm tưởng cô ấy đau lắm vì cô rên la rất nhiều, cứ lúc lúc lại: “Bác sĩ ơi xem hộ em xem mở được mấy phân rồi, em đau quá, em không chịu được nữa, bác sĩ ơi cho em đi mổ đi em đau quá em kiệt sức mất!…”. Lúc đó mẹ mới bắt đầu truyền nên còn rất tự tin, nghĩ thầm trong bụng rằng lát nữa có đau đến mấy thì mẹ cũng không rên la và làm phiền bác sĩ như vậy đâu. Mẹ còn nhớ những lần đi học tiền sản, cô giáo hướng dẫn mẹ thở thế nào để thực hành lại. Mẹ còn tự hào thầm thì với con: “Con gái yên tâm nhé, mẹ sẽ thể hiện cho con xem!”.

Nhưng rồi, từng phút chậm rãi trôi qua, mọi thứ không như mẹ nghĩ. Trời ơi, sao lại đau thế này, mẹ chỉ được nằm thôi, không được ngồi dậy vì đang truyền. Nhưng dù nằm nghiêng hay xoay ngửa, nằm thẳng hay nằm ngang,… tư thế nào mẹ vẫn thấy đau không chịu nổi. Cơn đau cứ dồn dập, như có cái gì đó liên tục thúc vào bụng vậy. Mẹ không thể diễn tả được cái cảm giác đau lúc này, mẹ nhớ lại hồi trước mẹ bị ngã gãy mất cái răng cửa, nhưng cảm giác đau khi đó chỉ bằng một phần trăm bây giờ thôi. Mẹ cố gắng tập thở như những gì bác sĩ dặn, nhưng đau quá, mẹ quên hết rồi! Tại lúc đó “quẫn trí” quá, trong đầu mẹ chả còn nhớ gì hết và không thể kiềm chế nổi… Ôi, mẹ “đầu hàng” rồi, không nhịn nữa, mẹ bắt đầu kêu, rồi khóc ầm ĩ như cô bên cạnh. Thế là phòng đẻ trở nên “sống động” vô cùng…

Phút giây gặp con hạnh phúc đến tột cùng….

Đau quá, cơn đau càng ngày càng dồn dập. Mẹ được các cô dặn là không được gọi bác sĩ nhiều, không được la nhiều vì sẽ mất sức,… Nhưng mà lúc đó nếu không la, không khóc thì mẹ cũng chẳng biết làm gì khác, vì lý trí của mẹ không điều khiển được cảm xúc đau đớn nữa rồi. Trời ơi, sao lúc này mọi thứ trôi qua chậm quá vậy??? Cô ở giường bên cạnh đã sinh xong rồi, bé trai, nặng 3.1 kg. Em bé đã được lau sạch sẽ và cô ấy cười được rồi, mẹ mong đến lượt mình quá. Mẹ nghe tiếng cười của cô ấy hạnh phúc làm sao, mẹ ước bây giờ mẹ là cô ấy….

Cũng may nhờ có tiếng cười ấy an ủi, mẹ có thêm nghị lực để chờ mong đến lượt mẹ con mình gặp nhau… Mẹ đỡ đau hơn một chút, rồi lại đau, lại nghĩ về cô ấy, lại cố gắng,… Trải qua khoảng mười lần thăng trầm cảm xúc như vậy nữa thì bác sĩ đến khám cho mẹ, thông báo một tin mừng như mở hội: “Cô này mở hết rồi, cho lên bàn đẻ rặn thôi”. Rồi mẹ nghe loáng thoáng thấy có tiếng cô y tá gọi tên người nhà vào với mẹ. Ôi, gặp bố con rồi, vui quá, giờ có bố ở bên, mẹ không phải chiến đấu một mình nữa. Và quan trọng hơn là bố mẹ sắp được gặp con.

Chặng đường rặn đẻ không đơn giản như mẹ đã học ở lớp tiền sản. Các cô bảo mẹ rặn 1 đường, mẹ lại làm một nẻo. Các cô bảo mẹ phối hợp cả chân, cả tay, cả nhịp thở, rặn phát là được thôi, nhưng không hiểu sao tay chân mẹ lúc đó cứ như thương binh ấy, tay nghe lời mẹ rồi thì chân lại không thèm nghe, đến khi tay chân nghe lời rồi thì mẹ lại không kịp rặn. Các cô cáu với mẹ lắm ấy, vì có lần mọi thứ tưởng chừng như xong xuôi rồi, cô y tá còn bảo cố lên, đầu con đây rồi, vậy mà mẹ lại không rặn nữa khiến đầu con lại thụt vào trong. (Bố sau này cứ trêu mẹ mãi, vì lần rặn hụt nên con vẫn có 1 vết hằn ở đầu – chả biết con có kém thông minh so với các bạn không).

Sau giây phút rặn hụt ấy, mẹ khóc lóc kêu ca với bác sĩ: “Ôi em không chịu được nữa đâu, bác sĩ cho em đi mổ đi, em xin bác sĩ đấy”. Nghĩ lại thấy buồn cười, mẹ không ngờ sau khi phát ra câu nói “ngu ngốc nhất trong đời” ấy, bác sĩ đã mắng mẹ một trận tơi bời: “Mổ cái gì mà mổ, mổ giờ chết cả mẹ lẫn con à, rặn đi, cố lên!”. Thế rồi, sau giây phút ngớ ngẩn nhất đời đấy của mẹ, bác sĩ đã đi đến quyết định cuối cùng, một cô buộc bụng mẹ lại, một cô giữ ở trên, một cô đỡ ở dưới, và rồi chả hiểu bác sĩ ra hiệu gì với bố mà thấy bố nắm chặt tay mẹ, giọng điệu vô cùng dịu dàng: “Nào em, cố lên, cả nhà mình cùng rặn, nào, cố lên, ra nào, ra nào”. Giây phút hoành tráng lúc đó, mẹ không tả được hết bằng lời, nhưng chỉ biết là rồi cả bố, cả mẹ, cả hai cô hộ sinh đều “1,2,3, rặn!”.

Và thế rồi, mẹ thấy người như nhẹ bẫng, và giọng cô hộ sinh vang lên: “Em bé đây rồi, thôi đừng rặn nữa”. Ôi, nhẹ nhàng quá, hạnh phúc quá, mọi cơn đau biến mất rồi, giờ đây chỉ có niềm hạnh phúc vô bờ bến, có bố nắm chặt tay mẹ, nhìn mẹ đầy yêu thương, có cô y tá thông báo với mẹ: “Chúc mừng em, em làm rất tốt, con gái trộm vía xinh quá, nặng 3,1 kg nhé!”. Mẹ không còn thấy đau đớn gì nữa, mẹ nhìn bố cười âu yếm, bố cũng nhìn mẹ đầy yêu thương. Rồi cô hộ sinh trao con cho bố, bố đưa con lại với mẹ. Cả không gian tràn ngập tình yêu, mẹ thấy ai cũng đẹp, cả cô hộ sinh lúc nãy mắng mẹ, mẹ thấy xấu xí thế nhưng giờ sao cũng đẹp như tiên.

Chào mừng con đến với bố mẹ, cảm ơn con đã cho mẹ trải nghiệm những phút giây giàu cảm xúc tươi đẹp thế này. Lúc này, đồng hồ chỉ 4 giờ 10 phút, ngày 31/7/2013, thiên thần nhỏ của mẹ chào đời, đưa bố mẹ lên trọng trách mới, đầy vui sướng, tự hào và trách nhiệm. Bố mẹ đã trưởng thành hơn từ giây phút có con, con gái ạ.

Mẹ Bắp

Chắc hẳn mẹ nào cũng không bao giờ quên lần chuyển dạ sinh con của mình đúng không? Có rất nhiều điều đáng nhớ, đôi khi là những câu chuyện vui, buồn, những tình huống “khó đỡ”,… nhưng trên hết là kỷ niệm ngọt ngào ngày con yêu chào đời. Hãy chia sẻ câu chuyện đáng nhớ của mình cùng Chuyện đi đẻ trên ChaMeCuaCon.com , để lưu lại những kỷ niệm khó quên của mình các mẹ nhé!

 

Mẹ có thể gửi bài viết của mình tại đây. Những bài viết phù hợp sẽ được biên tập và chấm nhuận bút theo quy định của Tòa soạn!

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.