Con sai, dại gì mà giận!

Nếu là sếp ở 1 công ty, khi cảm thấy nghi vấn rằng nhân viên đang nói dối, bạn hoàn toàn có thể cố gắng tìm ra lý lẽ, rồi vạch rõ sự dối trá của nhân viên dưới quyền. Nhưng là một người mẹ, hiển nhiên, bạn không thể đối xử với con mình như sếp với nhân viên được. Gia đình cũng không phải là doanh trại quân đội. Bởi vậy, đa số các trường hợp, sẽ thật sai lầm khi cảm thấy con nói dối mà cha mẹ lại cố gắng chứng minh, bắt ép con phải nói ra sự thật, như thể muốn dằn mặt con “không lừa được mẹ đâu”, hay “mẹ thắng con rồi!”. Làm thế, chỉ khiến cho trẻ “bẽ mặt” và lần sau, có thể chúng sẽ cẩn thận hơn để xóa dấu vết khi dối trá. Nói cách khác, trẻ sẽ xếp cha mẹ mình vào hàng “quân địch” và bí mật đến cùng, thay vì mở lòng và sẻ chia…
 


Đừng cố gắng vạch rõ những sai lầm của con…(Ảnh minh họa theo brilliant)

Đừng quá nôn nóng để ép con phải nói ra sự thật

Nhưng cũng không phải là ta để con nói dối hết lần này đến lần khác. Hãy bày tỏ thái độ mong muốn lắng nghe con, khuyến khích con thành thật; thậm chí dù sự việc chua chát đến đâu thì cũng vẫn mong con thể hiện ra điều đó.

Một chị bạn của tôi đã kể rằng, chị từng sốc nặng khi thấy một que thử thai đỏ lên 2 vạch trong ngăn bàn của con gái. Cuống quýt truy tìm đến quyển nhật ký con nhét sâu trong ngăn bàn, chị bàng hoàng nhận ra sự việc. Lúc ấy, chị muốn lao vào đánh con, lôi xềnh xệch con đi khám để rõ trắng đen, nhưng thật may là chồng đã làm chị “tỉnh lại”. Bởi lẽ, con bé ngang bướng nhà chị dám bỏ nhà đi lắm, nếu nó bị dồn đến đường cùng. Và rồi chị đã bình tĩnh đợi con về, đã chăm sóc con, đã thản nhiên như chưa biết chuyện gì… Chỉ những khi mẹ con bên cạnh nhau, chị nói rằng: “Có lẽ mẹ không phải là người mẹ tốt, khi con gái mình đã không đủ can đảm nói ra sự thật…”. Vài ngày sau, con bé đã thú nhận nó đã có thai và hoảng loạn vô cùng.

Gạt bỏ thành kiến trong phán xét

Thật ra, việc cần làm là lặng lẽ tìm hiểu, để đánh giá đúng về hành động của con. Con có nói dối không? Nói  dối ở mức nào? Và quan trọng nhất: vì sao con nói dối?

Khi tìm hiểu lý do vì sao con nói dối, cha mẹ cần gạt bỏ thói quen quy chụp chung chung nhưng rất nặng nề, kiểu: con láo, con hư, con ăn chơi trác táng… Nghĩ theo cách đó chỉ khiến cho bố mẹ dễ nóng giận hơn và không muốn chọn cách giải quyết nào hơn là mắng mỏ, nổi giận với con. Đương nhiên, hậu quả sẽ càng trở nên tệ hại.

Hãy tập cho mình thói quen suy nghĩ thẳng thắn, trực tiếp và tạm thời gạt bỏ cảm xúc và sự phán xét qua 1 bên. Như chị bạn tôi đã nói ở trên, khi tất cả đã qua chị mới bình tâm kể lại với tôi rằng, vào giây phút ấy, chị đã buộc chọn lựa giữa việc mắng chửi, chì chiết con, hay bình tĩnh cùng con xử lý. Và may mắn là chị đủ bình tĩnh để không dồn con bé vào đường cùng – khiến nó có thể mắc những sai lầm lớn hơn, hoặc tệ nhất là trở thành đứa hư hỏng, bất cần… Chị bảo, là cha mẹ, đừng chỉ gửi đến con mình thông điệp: con đừng mắc sai lầm. Mà quan trọng nhất là không được che giấu bố mẹ, bởi lẽ bố mẹ yêu con đủ để tỉnh táo cùng con đối diện mọi điều. Nhưng để làm được điều đó, chính cha mẹ cũng phải xứng đáng với lòng tin của con, đừng khiến cho con cái có ấn tượng rằng cha mẹ của chúng sẵn sàng sỉ nhục hay bỏ rơi con cái nếu con cái đánh mất đi “sĩ diện” của gia đình.
 


… hãy giải quyết mọi chuyện bằng tình yêu thương của cha mẹ là cách lựa chọn sáng suốt hơn cả. (Ảnh minh họa theo brilliant)

Nói đến đây, nhiều người lại phản đối rằng, tại sao họ phải đồng cảm với cái sai của con? Bị điểm kém thì nên khen ngợi hay sao? Làm mất đồ thì nên ủng hộ à? Hay con có thai ở tuổi vị thành niên thì khen con giỏi? Họ phải mắng, phải giận, phải trách “cho nó chừa đi” chứ!

>>> Xem thêm: Tôi nuôi con theo cách của tôi

Cân nhắc lợi, hại trong việc thể hiện thái độ với con

Không có đứa con nào khôn ngoan hoàn toàn. Bản chất của trẻ con là thường xuyên mắc lỗi dù chúng không hề muốn thế. Và khi phải nói dối, bản thân chúng đã khổ sở vô cùng. Vậy thì nên lắng nghe con trẻ nhiều hơn, hay “dằn mặt” chúng nhiều hơn?

Trên thực tế, có những đứa trẻ bị xâm hại, lạm dụng tình dục,… nhưng không dám nói với cha mẹ, bởi vì con luôn cảm thấy rằng trong mọi chuyện xảy ra, dù là những nguyên nhân khách quan, nằm ngoài tầm kiểm soát, hay trong cả những chuyện con là nạn nhân thì cha mẹ vẫn luôn mắng mỏ, thậm chí đánh đập con. Tất nhiên, bố mẹ đừng bào chữa rằng: “Tôi mắng con là vì thương con, và vì dù có mắng nhưng vẫn luôn đứng về phía con khi việc nghiêm trọng xảy ra,…”. Sự thật là trẻ không hề cảm nhận được điều đó, hoàn toàn không hiểu được! Và cũng không thể yêu cầu trẻ hiểu được, khi mà cha mẹ luôn mắng mỏ, nhiếc móc và không tạo cho con điều kiện để nói thật về những gì đang xảy ra với mình. Trẻ quá ngây ngô để có thể tin là cha mẹ yêu mình dù luôn tỏ ra nóng nảy. Vậy là cha mẹ vô tình đẩy con cái ra xa, và người lớn để mặc cho bọn trẻ chọn cách im lặng, hoặc khi bị phát hiện ra thì nói dối.

Vậy nên tôi nghĩ, chúng ta nên cân nhắc kỹ lợi, hại trước khi mắng mỏ con vì điểm kém, mắng mỏ con vì làm mất món đồ nhỏ nhặt… Bởi lẽ chính chúng ta cũng hình thành thói quen mắng trẻ con dù bất cứ chuyện gì, sơ suất hay cố ý. Và trẻ sẽ hình thành thói quen che giấu, tự xoay sở và khiến cho sự việc tệ hơn nhiều. Không ít các cô gái trẻ nạo phá thai ở các cơ sở tư nhân lén lút và xảy ra biến chứng. Họ làm thế là bởi họ sợ sự chì chiết, nhiếc móc của mẹ mình, sợ nhiều hơn cả việc suy nghĩ về tương lai. Giá như các bà mẹ cân nhắc kỹ càng hơn trước khi mắng mỏ và nhiếc móc con. Giá như các bà mẹ tạm gác lại những lời phán xét và biết nghe con nói, có lẽ con đã tránh được việc có thai ngoài ý muốn; hay ít nhất là giảm thiểu những rắc rối khi nạo phá thai.

Điều quan trọng nhất không phải là việc làm sao để con trẻ nghĩ rằng: nếu làm sai thì sẽ bị mẹ mắng. Mà quan trọng hơn là phải khiến con thấy được mẹ yêu con nhiều như thế, bao dung với con nhiều như thế, sẵn sàng cùng con vượt qua khó khăn như thế, thì lẽ nào con lại làm sai để mẹ đau lòng hay sao?

Nguyên Ân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.