Đàn bà …vạ miệng

Đàn bà ...vạ miệng
Chị em mình từ lúc lọt lòng ra đã được gán ngay cái câu “đàn bà sinh ra là đã khổ”. Rồi cái chữ “khổ” nó cứ vận vào người để mỗi lúc cùng cực, tuyệt vọng, chị em lại vin vào đó mà than. Cũng phải thôi, ở cái xã hội này, đàn bà có năm, bảy loại, nhưng thông minh, cao quý đến đâu vẫn có ít nhiều điều chịu thiệt. Dù bình đẳng đã là tuyên ngôn, “slogan” chắc như đinh đóng cột rồi nhưng trăm đường chữ khổ, vậy bất hạnh của đàn bà là ở đâu?
1. “Xấu ma muốn trốn, quỷ cũng muốn chê”
Đừng nói đến phụ nữ với đàn ông, ngay đàn bà với nhau cũng đã âm thầm chia thành nhiều “chiến tuyến”. Bất bình đẳng đến từ người cùng giới, cũng chỉ vì xấu – đẹp mà ra! Phụ nữ đẹp có không làm gì cũng được khen thưởng, tuyên dương; phụ nữ xấu làm trời, làm đất, hiển hách bao nhiêu cũng bị đưa ra phanh phui mà… chửi. Thế mới nói đời đời kiếp kiếp, ngoại hình vẫn là cái thứ đầu tiên để đánh giá một con người, buồn thay!
Ông cha dạy “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng thời buổi sống vội, quý đến từng giây như bây giờ, có ai đủ thời gian nán lại xem gỗ mọt hay tốt? Cái đập vào mắt trước tiên vẫn là cái ấn tượng lâu nhất. Mà rõ ràng thì, phụ nữ đẹp ăn đứt cái khoản này với những phụ nữ… không xinh.
Xấu đã là một cái tội, đàn bà xấu còn đáng tội biết bao. Đến đàn ông cũng chỉ thiết tha khám phá tâm hồn của phụ nữ đẹp như một sự ưu tiên. Nên đàn bà, đừng bao giờ quên soi gương và bỏ bê nhan sắc. “Cái nết đánh chết cái đẹp”, đồng ý! Nhưng có lẽ phải đánh rất lâu, đánh dai đánh dẳng, “trường kỳ kháng chiến” cái nết mới thắng. Còn xấu và đẹp, hiển nhiên, cái đẹp lại chả đánh cho cái xấu te tua!
Đàn bà ...vạ miệng

Ở cái xã hội này, đàn bà có năm, bảy loại, nhưng thông minh, cao quý đến đâu vẫn có ít nhiều điều chịu thiệt.

2. Bất hạnh/ họa từ miệng mà ra
“Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Đàn bà vạ miệng bấy lâu nay là chuyện không ai còn lạ. Nhưng giữa cái xã hội chật ních những cái tôi, ai cũng mong có chút gì đó để đời thì lại một lần nữa, vô tình đàn bà quên mất phải “uốn lưỡi bảy lần” trước khi phát ngôn.
Hãy nhớ, xã hội này khó chấp nhận một người khác biệt, chứ đừng nói đến cao cả và phi thường hơn những người xung quanh. Đàn ông lộng ngôn dễ được bênh vực còn đàn bà dị biệt lại dễ bị… tẩy chay! Trước nay, việc nước, việc dân vẫn là phần của đàn ông. Đàn bà chỉ cần lui cui lau cho sạch nhà, cơm cho ngon bụng. Đàn bà là kiếp “hái hoa” không qua ngọn cỏ, thì nói gì đến chuyện tuyên ngôn, phát biểu của mình được người khác nể nang?
Chuyện nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay. Dù dăm ba bữa thi thoảng lại có một người “phát minh” ra chân lý sống và “giãy đành đạch” khi bị cộng đồng thật cũng như cư dân mạng góp đá… “sửa lưng”. Nói dài, nói dai lại thành nói dại. Chẳng cần biết nói đúng hay sai, cố tình muốn nổi hay chưa ngóc đã vội bị dìm, thì cứ nhìn xem, đàn bà lắm chữ nhiều lời xưa nay mấy ai được sướng? Đàn bà lu loa trước nay mấy ai được thích? Khổ cũng là vì không biết “nhịn miệng” đấy thôi.
Mà cũng phải đổ thừa cho xã hội này một câu. Sướng khổ âu cũng là do mình, nhưng nhiều khi chẳng ai cưỡng được cái vòng “kim cô” của muôn vàn hình nhân trong thiên hạ. Khi mà định kiến vẫn còn, hủ tục vẫn ngang nhiên tồn tại; người hiểu chuyện vốn ít, kẻ không biết điều lại sống rất thảnh thơi… Chẳng lẽ đổ tại số trời, muốn đàn bà vĩnh hằng ôm về chữ khổ?
Nên chị em ạ, nghĩ ít lại, và hãy sống cho mình! Đừng quên chăm chút lấy ngoại hình, và yêu hết những gì đang có. Không ngồi một xó, cam chịu cuộc sống nhàn nhạt trôi qua. Nhưng cũng chớ… rảnh quá hóa hoạt ngôn, để rồi mang tiếng “ếch ngồi đáy giếng”. Nhắm mắt trước thứ không đáng xem, bịt tai trước điều không muốn phiền lòng. Cứ thế đã, xem có bớt khổ tí nào hay không!
Lạc Hi
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.