Dầu ăn dùng một lần trong khách sạn lọc lại bán ra thị trường

Dầu ăn đựng trong túi ni lông

Tại chợ tự phát Cầu Ông Lãnh, Quận 1, các can dầu 3 lít, 5 lít, 20 lít được bày bán rất nhiều tại các cửa hàng tạp hóa và không hề được gắn mác nhà sản xuất. Một số can có mác nhưng chỉ điền tên loại dầu và không có thêm bất kỳ thông tin gì.

Các can dầu đều không có thông tin nhà sản xuất.

Phía trong khu chợ, một số gian hàng được chuyển thành kho chứa dầu ăn. Mỗi kho có khoảng hơn 20 can dầu 20 lít được xếp chồng lên nhau. Tại đây, các chủ hàng sẽ chiết dầu từ những can lớn vào những vỏ can cũ của các hãng dầu ăn có tiếng và giao cho các mối hàng.

Dầu được chia nhỏ vào các can dầu cũ của những thương hiệu có tên tuổi.

Để người mua thấy được độ “sạch” của dầu, các chủ hàng còn đổ dầu vào những xô nhựa đặt trước cửa hàng để khách thẩm định chất lượng. Điều đáng nói là các xô dầu được trưng bày không hề có nắp đậy. Do vậy, bao quanh miệng xô lớp bụi bẩn bám vào tạo thành mảng có màu đen xì nhìn rất mất vệ sinh.

Dầu được đựng trong các túi ni lông.

Để đáp ứng nhu cầu mua lẻ của khách hàng, nhiều tiểu thương chia nhỏ dầu vào các túi ni lông với khối lượng dầu 0,5 đến 1 lít. Và, những bao ni lông này cũng không có thông tin về loại dầu chứa đựng trong đó.

Giá rẻ bất ngờ

Giá của loại dầu tại đây được bán từ 13 đến 15.000/0,5 lít, 25.000đ/1 lít và 100.000đ/can 5 lít. Nếu so sánh thì giá dầu tại đây bán rẻ hơn dầu trong siêu thị từ 5 đến 10 nghìn/1 lít. Giải thích lí do có sự chênh lệch giá cả, tiểu thương tên Minh cho rằng vì các loại dầu này không mất chi phí đóng can nên mới có giá ưu đãi như vậy.

Cầm túi dầu trên tay chúng tôi ngần ngại tỏ ý không muốn mua thì chủ hàng tên Minh nhanh nhảu trấn an: “Dầu sạch chứ có phải dầu bẩn đâu mà em lo. Dầu bên chị được rất nhiều quán ăn mua với số lượng lớn về dùng và chẳng thấy có vấn đề gì cả”. Chủ hàng này còn cho biết nếu lấy dầu về mở quán ăn thì sẽ giảm giá xuống 20.000đ/1 lít, xem như làm quen lần sau tới mua tiếp.

Quan sát dầu trong túi ni lông và các can thì thấy dầu vẫn có màu vàng nhưng đục hơn nhiều so với dầu ăn của các thương hiệu nổi tiếng. Màu vàng của dầu cũng không đồng đều, có loại màu vàng đậm, loại thì màu vàng nhạt hơn. Chị Minh giải thích: “Mỗi loại dầu được chiết từ các nguyên liệu khác nhau nên màu không thể giống nhau được. Dầu vẫn có màu vàng thì em cứ yên tâm sử dụng”. Tuy nhiên, chị Minh cũng không biết chính xác dầu chị đang bán được chiết từ nguyên liệu gì.

Khó để xác định nguồn gốc

Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc sản phẩm, các tiểu thương tại Chợ Cầu Ông Lãnh đều cho biết hàng được nhập từ những hãng dầu ăn nổi tiếng. Tuy nhiên, quan sát quy trình họ đóng dầu vào các bao ni lông thì dầu được đổ ra từ can nhựa của một công ty sản xuất dầu thực vật không hề có tên tuổi trên thị trường.

Dầu ăn không có nguồn gốc rõ ràng không chỉ có ở Chợ Cầu Ông Lãnh mà còn xuất hiện ở nhiều khu chợ tự phát khác trên địa bàn TP.HCM. Tại chợ tự phát trên đường Ngô Tất Tố, các can dầu không có nhãn mác cũng được các chủ tạp hóa bày bán công khai. Vào sáng sớm, các mối lái sẽ tới lấy hàng và lại phân phối đi nhiều nơi khác.

Các can dầu ăn không rõ nguồn gốc được phân phối tới nhiều quán ăn ven đường.

Theo chân một người đàn ông chuyên nhập dầu cho các quán ăn, chúng tôi thấy các can dầu không có nhãn mác được phân phối chủ yếu vào quán ăn nhỏ, và các hàng chiên rán ven đường.

Bà Năm bán bánh khoai tại đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh, cho biết, để không phải đi xa bà thường mua dầu ngay tại các tạp hóa trong chợ. Dầu ở đây rẻ, chiên bánh nhìn cũng rất đẹp mắt.

Theo thông tin từ anh Minh Tâm, đầu bếp tại khách sạn 3 sao tại Quận 1, thì dầu ăn trong khách sạn sau khi chiên rán một lần được thải bỏ, sau đó một số mối lái quen sẽ tới thu gom. Anh Tâm cũng cho biết nhiều mối lái nói mua dầu về nhập cho các công ty chế biến thức ăn gia súc, nhưng nhiều người cũng thừa nhận mua về lọc lại và bán ra thị trường dưới hình thức không nhãn mác.

Gần đây, một vụ bê bối liên quan đến dầu ăn đã được phát hiện tại Đài Loan. Tập đoàn Chang Guann đã thừa nhận mua 243 tấn dầu ăn được tái chế từ rác thải, vật liệu nhiễm độc của một nhà máy không phép để chế biến 780 tấn dầu ăn và bán cho hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Nhà chức trách Đài Loan xác định 14 sản phẩm làm từ dầu ăn bẩn đã được xuất sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

Hai sản phẩm được phía Đài Loan cảnh báo đang có mặt tại thị trường Việt Nam là dưa chuột trộn thịt lợn đóng hộp và sốt thịt cay đóng hộp. Hiện cơ quan chức năng Việt Nam vẫn chưa phát hiện sản phẩm trên thị trường và đang trong quá trình kiểm tra.

Tuy nhiên, bác sĩ dinh dưỡng Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng khuyến cáo loại dầu ăn tái chế rất có hại cho sức khỏe, gây nguy cơ ung thư cao. Vì vậy, người tiêu dùng nên mua những loại dầu ăn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và tại các đại lý, siêu thị uy tín.

Nguồn: Theo phununews

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.