Đừng đẩy con xuống “địa ngục” sau ly hôn

Những gia đình không yên ấm

Tiếng cãi vã, chửi bới; tiếng đồ vật bị ném vỡ tan tành kêu loảng xoảng; tiếng khóc uất nghẹn, tiếng gằn hắt qua kẽ răng,… đó là nỗi ám ảnh đối với bất cứ đứa trẻ nào đang sống trong một gia đình có dấu hiệu rạn nứt như thế. Và, cái không khí ngột ngạt, căng thẳng như chực chờ vỡ tung ấy khiến cho những người trong cuộc đều muốn được giải thoát càng nhanh càng tốt. Ly hôn là cái kết cục tất yếu xảy ra, và nên xảy ra nếu như mọi cố gắng hàn gắn đều không có kết quả.

Thế nhưng, ở rất nhiều gia đình, câu chuyện không đơn giản là sự kết thúc. Phần lớn cha mẹ thường có suy nghĩ “cố sống với nhau vì con”. Họ sợ sau khi chia tay, con cái sẽ bơ vơ, sẽ thiếu đi sự chăm sóc đủ đầy, sẽ xấu hổ với bạn bè vì có 1 gia đình tan vỡ… Để rồi sự “cắn răng chịu đựng” nhau “vì con” trói buộc nhiều cặp vợ chồng bằng sự ngột ngạt, bức bí; những mâu thuẫn ngày càng nhiều lên để đôi khi, bố mẹ “công khai” đay nghiến nhau ngay trước mắt con trẻ. Thật nghịch lý, họ chấp nhận ở lại vì con, nhưng kết quả lại càng khiến những đứa trẻ tổn thương trầm trọng. Giai đoạn “tiền ly hôn” ấy có khi kéo dài rất dài, và nỗi đau sâu lại càng sâu… Có đứa trẻ đã trở nên lỳ lợm khó ưa, có bé thu mình vào một góc tối riêng của nó, có bé cứ nghe tiếng động mạnh là sợ hãi co ro, ngửi thấy mùi rượu nồng nặc là hoảng hốt,…

Có ai muốn vợ chồng, con cái mỗi người một nơi; có ai muốn dắt nhau đứng trước tòa để nhìn nhau như thù địch. Nhưng, trong trường hợp nói trên, chuyện ly hôn không hẳn là điều nên tránh. Và không ai khác, chính con cái là người cần được “giải thoát” nhất. Bởi chẳng bao giờ con tìm được hạnh phúc trong một gia đình như vậy, ngay cả khi bố mẹ cố gắng che giấu. Thứ hạnh phúc giả dối ấy sẽ không tồn tại suốt cuộc đời con được, và càng về sau, con sẽ càng tổn thương nhiều hơn. Ly hôn, đôi khi thậm chí còn đem lại cuộc sống tốt hơn rất nhiều cho trẻ. Trừ khi…

Những người mẹ dồn con vào chân tường

Có người mẹ, vì quá thương con nên luôn cảm thấy có lỗi khi quyết định ly hôn. Nỗi đau, sự buồn chán cứ đè nặng khiến mẹ chẳng còn muốn làm gì, nghĩ gì; rồi cứ tự hành hạ bản thân (và cả con) khi luôn mang tâm trạng dằn vặt, chán chường. Có nhiều trường hợp, trẻ sau khi vừa thoát khỏi nỗi khổ vì bố mẹ “chiến tranh”, tưởng sẽ có cuộc sống yên ổn hơn thì lại rơi ngay vào bóng tối hậu ly hôn do chính người giành quyền nuôi mình gây ra. Cái “bóng tối” ấy là những ngày dài ủ ê, mẹ chỉ khóc lóc, trách than và quên rằng phải chăm sóc cho con. Một không khí nhẹ nhàng vui tươi, một bữa cơm đàng hoàng bỗng trở nên “xa xỉ” với trẻ hơn bao giờ hết. Thậm chí có mẹ không biết trút nỗi lòng vào ai nên cứ nhè con ra mà đay nghiến, chửi rủa. Có mẹ thì tìm đến rượu, thuốc lá và chỉ kịp mua cho con vài thứ đồ ăn nhanh chán ngắt mỗi ngày, hậu quả là sau một thời gian, cả mẹ cả con đều… béo phì vì stress. 

Thực tế, giai đoạn hậu ly hôn là một quá trình cực kì khó khăn phải trải qua, nhất là phụ nữ bởi họ thường yếu đuối, “cả nghĩ” nhiều hơn. Chuyện biến cuộc sống của con trở thành “địa ngục” là điều không mong muốn và đôi khi bắt nguồn sâu xa từ chính tình yêu thương của mẹ. Nhưng hậu quả thì ra sao? Chẳng phải những người mẹ ấy đang cướp nốt phần hạnh phúc ít ỏi còn lại của con?

Các mẹ, đánh rơi hạnh phúc nhưng đừng đánh mất con

Ly hôn không phải chuyện tốt đẹp gì và cũng chẳng ai mong đợi, nhưng thực tế, có những em bé ở độ tuổi “chưa biết gì” đã rụt rè đề nghị bố mẹ… bỏ nhau. Có bé vừa học xong bài “tập viết đơn, thư” đã thực hành ngay 1 tờ đơn ly dị mang về cho bố mẹ. Thật đau lòng, nhưng điều đó cũng có nghĩa rằng, chính con cái chúng ta cũng cần được giải thoát chứ không chỉ bố mẹ. Chuyện “cố sống vì con” đôi khi lại chính là một điều phù phiếm, mơ hồ và chẳng đem lại kết quả tích cực.

Vì thế, khi cuộc sống gia đình đã không thể “cứu vãn”, bố mẹ hãy thẳng thắn nhìn nhận, có thể chia sẻ với con về cuộc chia tay này và nếu thương con, hãy đảm bảo với bé và cả chính mình rằng sẽ dành cho con cuộc sống tốt nhất, ngay cả khi không còn sống cùng nhau. Bọn trẻ sẽ không tổn thương nhiều như bố mẹ nghĩ, trừ khi mẹ có những hành động, suy nghĩ nông nổi, thiếu tích cực; trừ khi người mẹ không biết cách chế ngự cảm xúc và cứ giày vò, dằn vặt bản thân mình và con cái.

Cuộc sống của con, tương lai của con phụ thuộc rất nhiều vào cách cư xử của bố mẹ. Bé sẽ ít tổn thương, sẽ không cảm thấy thiếu thốn, mất mát nhiều khi thấy bố mẹ vẫn sống tích cực, vẫn vui vẻ và quan tâm nhiều đến bé. Ngược lại, nếu bố mẹ rơi vào trạng thái “trôi” – tức là vứt bỏ mọi thứ và chìm vào đau khổ, dằn vặt sau ly hôn, đó sẽ thực sự trở thành địa ngục với con. Câu chuyện có thể kéo dài lê thê với cái kết đau lòng, đó là những tổn thương nặng nề về tinh thần có thể khiến bé trở thành đứa trẻ sống khép mình, cộc cằn, hung hăng,…

Vì thế, hơn ai hết, bố mẹ nếu không thể tiếp tục một cuộc sống hạnh phúc thì hãy vẫn tỉnh táo và hành động, suy nghĩ thật tích cực, đó mới là vì con.

Hà Anh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.