Duyên tiền định

Duyên tiền định

Khi được phỏng vấn: “Quyết định thông minh nhất của ông là tạo ra các phần mềm hay các công việc từ thiện?”, câu trả lời của Bill Gates – người đàn ông giàu nhất thế giới, người sáng lập tập đoàn Microsoft là: “Đều không phải! Quyết định thông minh nhất đó là tìm người phụ nữ phù hợp để kết hôn”. Tại sao?

Ông giải thích: “Người phụ nữ quyết định hạnh phúc của thế hệ trước, vui vẻ của thế hệ này và tương lai của thế hệ sau. Nếu bố bạn lấy nhầm vợ, tuổi thơ của bạn sẽ là chuỗi ngày đau khổ. Nếu bạn lấy nhầm vợ, cả cuộc đời bạn sẽ sống trong đau khổ. Nếu con trai bạn lấy nhầm vợ, tuổi già của bạn sẽ sống trong đau khổ. Do vậy, việc chọn vợ rất quan trọng. Lấy được người phụ nữ tốt là thịnh vượng ba đời, lấy nhầm người phụ nữ không tốt, lụn bại đến sáu đời”.

Lý giải trên hoàn toàn hợp lý. Tất cả đàn ông có mặt trên trái đất này, từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi tự ý thức phải… có vợ, hẳn cũng nghĩ như thế. Ai lại không từng ước mơ có được người bạn đời biết gắn bó, chia sẻ, đồng hành một đời bên cạnh mình như tri âm, tri kỷ? Ai lại không biết, phía sau thành công của người đàn ông không thể thiếu bóng dáng của người phụ nữ?

Một mái ấm hoàn thiện không chỉ cần vai trò của người chồng mà còn phải có sự chung tay tích cực của người vợ. Đã hiểu như thế, chắc chắn các đấng mày râu thừa thông minh để chọn vợ, nhưng thật đáng buồn bởi biết là một chuyện, số phận có mỉm cười với mình hay không lại là chuyện khác.Duyên tiền định

Theo triết lý nhà Phật, mọi sự trong vũ trụ này có thể tóm gọn trong một chữ “duyên”. Không phải ngẫu nhiên mà ta vẫn nghe nói đến duyên phận, duyên số, nhân duyên, duyên kiếp… Các mối nhân duyên tác động và chi phối lẫn nhau trùng trùng điệp điệp, vô cùng vô tận. Trong hôn nhân, việc người này đến với người kia được gọi là “duyên kim cải”.

Truyện Kiều có câu: “Cũng là phận cải duyên kim/Cũng là máu chảy ruột mềm chứ sao?”. Ta có thể hình dung: duyên phận gặp gỡ của hai người ví như từ cõi trời Phạm Thiên ném một hạt cải xuống ghim đúng trên đầu một mũi kim ở hạ giới. Chuyện khó khăn biết chừng nào nhưng vẫn xảy ra, ấy là do có “duyên”.

Vì thế, nếu chỉ nhìn nhận vấn đề bằng lý trí, bằng những lập luận logic, chắc chắn sẽ không thể lý giải được những chuyện như: “Tay tiến sĩ kia ăn học đàng hoàng, kiến thức một bụng, sao lại lấy một cô vợ nhan sắc… “cùi bắp” như vậy?”, hay như chuyện: “Cô đó khùng rồi, du học ở nước ngoài nhiều năm sao lại về “nâng khăn sửa túi” cho một tay công nhân trình độ trung cấp như thế?”… Rất nhiều những trường hợp tương tự mà người ngoài không thể hiểu nổi; còn người trong cuộc thì cũng chẳng việc gì phải nặng lòng tìm giải thích, chỉ đơn giản là: “Con tim có lý lẽ riêng của nó!”

Lý lẽ kiểu gì kỳ cục đến vậy? Ngẫm chuyện xưa, bà Lê Thị Điền sắc nước hương trời, đẹp người đẹp nết, bao người săn đón nhưng bà chỉ yêu thầy giáo mù Nguyễn Đình Chiểu. Họ chung sống cực kỳ hạnh phúc, sinh được nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Tiến sĩ Đặng Huy Trứ vào Quốc Tử Giám tu nghiệp năm 1844, hằng ngày phải đi qua chợ Lưu Bảo, thường gặp cô lái đò nghèo Nguyễn Thị Bảo.

Tài cao, học rộng, giàu sang, phú quý nhưng ông lại yêu và âm thầm cưới cô lái đò, bất chấp gia đình đã mối mai sẵn cho ông một nơi “môn đăng hộ đối”. Biết chuyện, gia đình buộc ông phải chia tay với cô lái đò nhưng ông vẫn cương quyết không nghe. Về sau, ai cũng “chịu” cái sự “cứng đầu” ấy của ông Trứ là một lựa chọn đúng đắn, chỉ có điều người ngoài không thể hiểu tại sao lúc đó ông lại chọn người tréo ngoe như vậy? Tóm lại một cách ngắn gọn, những sự kết hợp ấy là do cái duyên đã định sẵn họ phải đến với nhau – “duyên tiền định”. Phải duyên, phải kiếp thì theo,/ Thân em có quản khó nghèo làm chi/Chữ nhân duyên thiên tải nhất thì/Giàu ăn, khó chịu, lo gì mà lo.

Duyên thường đi chung với nợ. Chữ “nợ” ấy an ủi con người ta rất nhiều. Sau khi đến với nhau, nếu chung sống hạnh phúc đến độ “Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn” (Nguyên Sa) thì quá tốt. Còn nếu “cơm không lành canh không ngọt”, phải “chia uyên rẽ thúy”, họ lại tự an ủi là duyên nợ đã hết: “Vàng cầm trên tay rớt xuống không phiền/Chỉ phiền một nỗi nợ với duyên không tròn”. Đã không còn duyên nợ thì thôi, níu kéo chi nữa.

Ai cũng thừa nhận quan điểm của Bill Gates về việc chọn vợ là đúng nhưng chuyện đời không đơn giản như người ta đã nghĩ. Nó có những bất ngờ khiến người ngoài không thể hiểu nổi sự lựa chọn người trong cuộc. Hôn nhân là việc của nhân duyên, không thể “cân, đong, đo, đếm” một cách rõ ràng, cụ thể được, dù ai chuẩn bị bước vào cuộc nhân duyên ấy cũng đều nghĩ suy, đắn đo thận trọng.

Nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê, một người am tường Kinh dịch, đã viết trong hồi ký của ông: “Phương Đông ta có chuyện ông Tơ bà Nguyệt, chuyện duyên nợ ba sinh, không biết các dân tộc khác có không, nhưng tôi tin chắc không dân tộc nào không tin rằng hôn nhân là chuyện may rủi, bất ngờ như có tiền định. Lần đó, đối với tôi là rủi; bây giờ ngẫm lại thì cơ hồ lại là may; dù may dù rủi thì theo các nhà lý số cũng là tiền định rồi, rất hợp với số tử vi của tôi”.

“Quyết định thông minh nhất đó là tìm người phụ nữ phù hợp để kết hôn” – quan điểm của Bill Gates đúng là hợp lý nhưng e rằng khó khả thi, bạn có nghĩ như thế không?