Giả thiết mới về một hệ sao đôi kỳ lạ

Giả thiết mới về một hệ sao đôi kỳ lạ

Các nhà khoa học vừa quan sát một ngôi sao neutron trong hệ sao đôi được gọi là “Rapid Burster” và phát hiện rằng từ trường của nó có thể giải thích được bí ẩn về vụ nổ khó hiểu của chính nó vào 40 năm trước.

Được phát hiện vào những năm 1970, Rapid Burster là một hệ sao đôi bao gồm một ngôi sao nhỏ và một sao neutron – tàn dư sau sự sụp đổ của một ngôi sao lớn.

Các nhà khoa học nhận thấy rằng, từ trường của sao neutron kia tạo ra một khoảng trống bao bọc lấy nó và ngăn không cho vật chất từ ngôi sao đồng hành bị hút vào.

Trong một điều kiện nhất định, khí bụi của ngôi sao không thể thoát ra ngoài khoảng trống này và tích tụ ngược vào bên trong, dần dẫn đến một cơn bùng nổ và phóng tia X dữ dội vào không gian.

Giả thiết mới về một hệ sao đôi kỳ lạ
Rapid Burster là một hệ sao tiêu biểu để khảo sát nguồn phát ánh sáng loại II.

Lực hấp dẫn mạnh của sao neutron hút khí bụi của ngôi sao đồng hành tạo nên một đĩa bồi tụ xoắn ốc hướng về phía sao neutron. Quá trình này làm cho hầu hết các hệ sao đôi chứa sao neutron đều liên tục bắn tia X vào không gian.

Nhưng Rapid Burster là một nguồn phát đặc biệt: Tại độ sáng lớn nhất của nó, nó phát ra những ánh sáng loại I, là loại ánh sáng tạo ra từ phản ứng hạt nhân, chủ yếu là hidro.

Thi thoảng Rapid Burster lại phát ra ánh sáng loại II, loại ánh sáng năng lượng cao hiếm thấy trong vũ trụ.

“Rapid Burster là một hệ sao tiêu biểu để khảo sát nguồn phát ánh sáng loại II. Hiện nay, nó là nguồn duy nhất phát cả loại I và II đã được phát hiện”, tác giả của nghiên cứu, ông Jakob van den Eijnden hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu thiên văn Anton Pannekoek ở Amsterdam, Hà Lan, cho biết.

Mặc dù đã trải qua 40 năm tìm kiếm, nhưng chỉ có duy nhất một vụ nổ loại II được phát hiện ngoài Rapid Burster. Đó là hệ sao đôi Bursting Pulsar được phát hiện vào những năm 1990.

Do sự khan hiếm những hiện tượng như thế này trong thực tế, nên dù các cơ chế vật lý dẫn đến hiện tượng được các nhà khoa học không ngừng đặt ra, nhưng vẫn chưa có gì được khẳng định chắc chắn.

 

Theo khampha