“Giải oan” cho phóng viên chụp ảnh mà không cứu người bị nạn

“Giải oan” cho phóng viên chụp ảnh mà không cứu người bị nạn

Khi tờ New York Post công bố hình ảnh ghi lại cảnh một người đàn ông sắp bị tàu điện ngầm đâm phải, rất nhiều độc giả đã bày tỏ thái độ phản đối kịch liệt người thực hiện bộ ảnh đó, tại sao anh ta không kéo nạn nhân khỏi đường ray mà lại cầm máy ảnh ghi lại thời khắc định mệnh ấy.

Giải thích cho hành động của mình, phóng viên ảnh tự do R. Umar Abbasi phát biểu trên tờ Post rằng anh ta chỉ đơn giản là làm theo bản năng của mình và thực tế không có đủ thời gian để giải cứu người đàn ông: “Tôi không biết làm gì ngoài việc nháy đèn flash trên chiếc máy ảnh, hy vọng rằng người lái tàu có thể nhìn thấy và dừng lại. Tôi thậm chí còn không ý thức rằng mình đang chụp ảnh. Tôi chỉ biết nhìn đoàn tàu lao tới. Tất cả diễn ra quá nhanh, từ khi tôi nghe thấy tiếng quát tháo cho đến khi đoàn tàu đâm vào người đàn ông này chỉ chớp nhoáng trong khoảng 22 giây”.

Trong khi số đông độc giả không đồng tình với câu trả lời này thì các chuyên gia sinh học thần kinh và tâm lý học lại có vẻ thông cảm cho Abbasi. Họ nói rằng hành động của Abbasi hoàn toàn có thể giải thích bằng khoa học, liên quan đến cái gọi là “good Samaritan” (người Samaritan nhân hậu).

Nói đến chuyện vô cảm trước nỗi đau của người khác, không thể không nhớ đến câu chuyện người “Samaritan nhân hậu”. Cụm từ này bắt nguồn từ Phúc Âm Luca, trong đó chữ “Samaritan” trở thành biểu tượng của sự từ ái nói chung. Từ thế kỷ 17, nó xuất hiện trong kho từ vựng tiếng Anh, với nghĩa là người có thiện tâm, biết đồng cảm với nỗi đau của người khác và không ngại cứu giúp người khác. Trong thuật ngữ luật pháp, “Good Samaritan” có nghĩa là “một người nào đó sẵn sàng cứu giúp một kẻ khác đang bị thương hoặc có nguy cơ bị thương chỉ vì thiện chí và không hề tính toán đến chuyện được đền đáp hay bất cứ một phần thưởng nào khác”.

“Giải oan” cho phóng viên chụp ảnh mà không cứu người bị nạn
Bức tranh mô tả câu chuyện “người Samaritan nhân
hậu” trong Phúc Âm Luca. (Ảnh: Public domain)

Trên thực tế, trong những tình huống tương tự trường hợp của phóng viên ảnh Abbasi, khả năng các “Samaritan nhân hậu” có thể cứu được một người nào đó là khá hiếm, Darcia Narvaez, Giáo sư tâm lý học trường đại học Notre Dame, bang Indiana (Mỹ) cho biết. “Một hành động “Samaritan nhân hậu” có thể thất bại bất cứ lúc nào. Nhiều người chỉ đơn giản là không thực sự chú ý đến những gì đang xảy ra xung quanh họ”.

Cách đây hai năm, tại khu vực tàu điện ngầm ở Washington, D.C cũng xảy ra vụ tai nạn tương tự khi một người đàn ông ngã xuống đường ray lúc đang lên cơn co giật. Ngay lập tức, một quân nhân lính thuỷ đánh bộ đã về hưu đã dùng hiệu lệnh điều khiển con tàu chuyển hướng và nhảy tới giúp người đàn ông ra khỏi nơi nguy hiểm.

“Đó là sự khác biệt khi bạn có kinh nghiệm qua thực tế”, Narvaez nói. “Ông ấy đã phản ứng theo bản năng – những hành động được hình thành trong môi trường quân đội. Cũng theo cách này, phản ứng tự nhiên của một nhiếp ảnh gia sẽ là nháy đèn flash ở máy ảnh của mình”.

Cùng quan điểm này, trong một cuốn sách xuất bản năm 1970 mang tên “The Unresponsive Bystander: Why Doesn’t He Help?”, hai nhà tâm lý học Bibb Latane và John Darley đã làm rõ khái niệm “Hiệu ứng người ngoài cuộc” (Bystander Effect). Dựa trên một loạt các thí nghiệm, họ phát hiện ra rằng số người ngoài cuộc cùng chứng kiến một tình trạng khẩn cấp càng nhiều thì khả năng một trong số những người đó giúp đỡ nạn nhân càng ít bởi hai lý do chính:

– Thứ nhất, bởi vì chúng ta luôn có xu hướng nhận tín hiệu và quan sát hành động của những người xung quanh như một nguồn gợi ý để quyết định hành động của bản thân, đặc biệt là trong trường hợp không biết rõ điều gì đang xảy ra, cho nên nếu không thấy người khác phản ứng, chúng ta cũng sẽ làm theo cho phù hợp với số đông.

– Thứ hai, càng nhiều người chứng kiến vụ việc thì tinh thần trách nhiệm cá nhân của họ càng giảm. Nếu bạn là người duy nhất chứng kiến sự việc, trách nhiệm rõ ràng hoàn toàn nằm ở bạn. Nhưng nếu có một đám đông 10 người, bạn có thể cảm thấy trách nhiệm của mình giảm xuống chỉ còn 10%.

Như vậy, nếu bạn đang là nạn nhân trong một tai nạn xe hơi, hãy tìm một người cụ thể, nhìn vào mắt họ và nói: “Tôi cần sự giúp đỡ của bạn”, Narvaez nói.

Trong trường hợp này, không chỉ có các chuyên gia mà cả giới nhiếp ảnh cũng tỏ ý thông cảm với hành động của Abbasi.

 

Theo Báo Đất Việt