Giữ phong độ sau tết

Ảnh: internet

Sau lưng trò vui là sức khỏe dần bị rút tỉa, chỉ đến khi quay lại với công việc mới thấy mình đã… đuối.

Vui chơi… rất mệt!

Các anh, ngày tết là dịp để “chén chú, chén anh”. Vì vậy, sau tết, lá gan đã ngập trong công việc thải độc bia rượu cả nửa tháng, khiến cho cơ thể mỏi mệt, tính tình hung hăng nên dễ dàng gây gổ, khó phân biệt phải trái, dễ vi phạm luật giao thông…

Các chị ngoài căng thẳng với công việc còn tính toán cân đối chi tiêu sao cho đầy đủ trong ngoài. Những người vợ có chồng là đệ tử lưu linh và bài bạc còn phải đương đầu với những cơn say, những khoản nợ sau đó.

Sự căng thẳng dài ngày khiến cho sức khỏe kiệt quệ, khi quay lại với công việc sau kỳ nghỉ tết thì sức sáng tạo cũng đã hao mòn, thân thể rã rời, đầu óc mỏi mệt. Cảm giác kiệt sức là điều mà hầu hết ai cũng cảm thấy sau những ngày vui xuân.

Mệt còn do ăn nhiều. Tiền chủ hậu khách, càng tiếp nhiều khách, chủ càng phải “múa đũa” nhiệt tình thì khách mới nhập cuộc vui. Ăn xong đã thấy mệt vì quá no, vì hệ tiêu hóa buộc phải tăng tốc. Sau tết, leo lên cân thấy cây kim chạy như bay qua bên phải mà… buồn.

Người cao tuổi trong gia đình được chiều chuộng, thử nhiều món ngon do con cái hiếu thảo biếu tặng. Các bệnh mãn tính vì thế có nhiều cơ hội gây “sóng gió”.

Sốc lại tinh thần

Nên khởi đầu đi bộ buổi tối sau khi dùng cơm từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng đồng hồ. Đi bộ giúp cơ thể nhanh chóng trở về với nhịp sinh học vì khi vận động, nội tiết tố endorphin tiết ra sẽ khiến cơ thể sảng khoái, tạm gác lại mệt mỏi và âu lo, giấc ngủ đến dễ dàng và ngủ ngon, ngủ đủ giấc giúp tinh thần minh mẫn vào sáng hôm sau.

Đi bộ là cách vận động đơn giản, không tốn kém, vì vậy cần khuyến khích cả gia đình cùng đi bộ, nhất là các bé ngày càng ít được chạy chơi, vận động. Tuy nhiên, ở những gia đình tết đi du lịch, trèo non, lặn biển đến mức cơ thể mệt mỏi rã rời cần nghỉ ngơi sớm. Sau khi nghỉ ngơi, axít lactic tồn đọng khi vận động quá tải sẽ được cơ thể “thanh toán” hết, sức khỏe sẽ trở lại.

Buổi sáng, trước khi các chị đi làm cần tranh thủ tập các động tác thể dục (yoga, dưỡng sinh hiện đại…). Nếu không đủ thời gian chỉ cần hít – thở sâu bằng cách thở bụng và “tắm” nắng sớm. Dưỡng khí và sinh tố D tổng hợp từ ánh nắng mặt trời sẽ giúp cơ thể phấn chấn vui tươi. Cần lên kế hoạch để thực hiện công việc từ trước tết vì khi có kế hoạch cụ thể, sự trở lại sau tết đã có định hướng sẽ hăng hái, công việc vì thế cũng hiệu quả hơn.

Ngày tết mọi người thường ăn nhiều hơn ngày thường. Hệ tiêu hóa rơi vào trạng thái làm việc quá tải cần được nghỉ ngơi, thanh lọc. Bác sĩ Lương Lễ Hoàng – Phòng khám Eurovie TP.HCM khuyên: “Uống nhiều nước, giảm đạm, tăng rau xanh trong khẩu phần”. Các món làm cơ thể sẵn sàng làm việc gồm có bắp luộc, sữa bắp, ngũ cốc, khoai… vừa dễ tiêu hóa, vừa giúp tinh thần minh mẫn. Các món ăn chế biến từ bưởi, xoài, thơm, cóc… chứa nhiều sinh tố A, C giúp tinh thần sảng khoái. Về nước uống, ngoài nước đun sôi để nguội nên dùng thêm sữa chua và các loại nước ép trái cây từ cà rốt, cà chua, bí đao…

Với cơn mệt do quá chén cùng bạn bè, Lương y Đinh Công Bảy – Hội Dược liệu TP.HCM hướng dẫn cách “điều trị”: “Cách hay nhất là tô màu bữa ăn bằng các loại rau củ: đỏ, xanh, vàng, tím, trắng. Cụ thể: cà rốt, cà chua, bí đỏ rau cải xanh, bông cải xanh, cà tím, bắp cải tím, khoai tím, ớt chuông vàng, đu đủ, củ cải trắng, bắp cải…

Đây là những thực phẩm chống ôxy hóa khi vào cơ thể sẽ đẩy nhanh chất độc thanh lọc cơ thể. Song song là cho các ông dùng các loại trà: khổ qua, trà xanh, atisô, hoa cúc, nhân trần, chó đẻ, bồ công anh… Các loại trà này có tác dụng giúp gan tiêu độc.

Ở tuổi thanh niên và trung niên sau khi vui chơi quá độ, chỉ cần nghỉ ngơi một-hai ngày, ăn uống thanh đạm là sức khỏe hồi phục, nhưng người cao tuổi điều đó không dễ. Với người lớn tuổi có nguy cơ bệnh lý, cần phòng bệnh từ xa vì mỗi lần bệnh trở nặng là sức khỏe suy sụp.

Nguồn: Theo Phụ Nữ Online

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.