Hậu quả của những bà mẹ nuôi con kiểu “mì gói”

Hậu quả của những bà mẹ nuôi con kiểu 'mì gói'

Một vài lần, vì sự lười nhác hoặc vội vàng, tôi đành để con gái ăn tạm mì gói. Quả thực, nó đã khiến con bé con trở nên “nghiện ngập”, thèm thuồng. Có lẽ không gì trên đời này tiện lợi, có thể tác động đến vị giác mạnh như những tô mì ấy. Một vị ngon trực tiếp, dễ dàng và rất no nê. Nhưng hậu họa của mì gói – ai cũng biết – thực sự rất khôn lường nếu ăn quá nhiều. Ăn mì gói – chỉ đơn giản là đưa cho cơ thể một nguồn năng lượng cục bộ để hoạt động ngay tức thì. Những loại dinh dưỡng khác gần như không có. Lạm dụng mì ăn liền, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng không có gì ngoài năng lượng, sẽ không đủ dưỡng chất và trở nên suy kiệt trong chính khối năng lượng dư thừa của bệnh béo phì!

Nhưng tôi không chỉ định bàn đến chuyện ăn uống hay dinh dưỡng. Tôi đang nghĩ đến rất nhiều những thứ “ăn liền” khác, không riêng mì gói – mà rất có thể đang ảnh hưởng đến “nguồn dinh dưỡng tinh thần” của bé con nhà mình, cũng như đứa trẻ của nhiều gia đình khác…

Tôi sợ những chương trình truyền hình dạy cho lũ trẻ ước mơ về sự nổi tiếng quá sớm – ngay cả khi tài năng chưa kịp chín muồi. Giọng hát, vũ đạo hay bất cứ điều gì vừa bắt đầu nổi bật ở mỗi một đứa trẻ đều có thể bị khai thác và “vắt kiệt” từ rất sớm. Tạo một sân chơi cho bọn trẻ thể hiện bản thân là việc nên làm, nhưng chính những người làm cha mẹ cũng rất khó để xác định, để vạch ra ranh giới của sự thể hiện bản thân, phát triển tài năng cho con, với việc khai thác tài năng của con mình thái quá. Sớm nở tối tàn, sự nổi tiếng đến trước khi bản lĩnh kịp hình thành sẽ đẩy đứa trẻ vào vòng xoáy hưởng thụ – dựa dẫm và luôn đòi hỏi. Thói quen được tung hô đến trước khi tri thức được bồi đắp sẽ khiến bọn trẻ ấy lười học hỏi và thui chột đi tài năng của mình. Sự nổi tiếng ấy, sự may mắn và yêu chiều quá mức ấy, biết đâu cũng là những gói “mì ăn liền” mang đến rất nhiều những tác hại sau này.

Hậu quả của những bà mẹ nuôi con kiểu 'mì gói'

Riêng mình, thành thực mà nói, nếu cảm thấy con mình có chút tài năng, tôi sẽ chỉ coi nó là một niềm vui nho nhỏ, và tiếp tục hướng con mình đến sự học hành, theo đuổi một nghề nghiệp bình thường. Bởi lẽ, chỉ khi đối diện với những áp lực của cuộc sống, với những điều bất toại trong đời, con mới đủ quyết tâm để nuôi dưỡng niềm đam mê của mình.

Tôi cũng muốn nói về tiêu chí của sự thành công đang được đo đếm bằng tiền. Rất nhiều những người trẻ thành công nhờ vào tài năng. Họ giỏi, họ thông minh, xuất sắc và nỗ lực. Nhưng vì sao trên truyền thông, trên báo đài, những lời khen có cánh dành cho họ luôn đi kèm với hiệu quả về tiền? Tiền có thực sự quan trọng đến mức phải nhất nhất trở thành tiêu chí để ca ngợi? Tiền có nhất nhất cần phải được kiểm kê trước khi chứng minh ai đó là một người thành công? Tôi không phủ nhận rằng người kiếm được tiền (có thể) là người giỏi. Tôi chỉ nói về chuyện người ta nhắc quá nhiều đến tiền, đôi khi người ta đặt tiền lên làm tiêu chí hàng đầu. Người ta tranh luận về tiền khi nói về nghề nghiệp. Người ta bận tâm quá nhiều đến việc dùng đồng lương để chứng tỏ khả năng của mình. Hỏi han, dự đoán quá nhiều về chuyện mình sẽ kiếm được bao nhiêu, dùng từng nào với việc này/việc kia… Người ta tung hô tỷ phú trên mọi phương diện. “Hóng” theo cả những lời khuyên khó nghe nhất của những ông tỷ phú. Không hẳn vì tất cả đều có lý, mà vì đó là từ một người đã kiếm rất nhiều tiền, suy ra ông ta nghĩ gì cũng đều đúng đắn và phù hợp. Sự tung hô luôn đi kèm theo tiền ấy, rất nóng, rất vang. Rất hấp dẫn như một tô mì gói! Nhưng không đủ căn cứ để thấy, nó tốt cho sự phát triển lâu dài của thế hệ sau.

Tôi lo lắng cả khi con gái mình xem những tiết mục nghệ thuật lấy phần nhìn bù đắp phần nghe. Khi những người biểu diễn ưa chưng diện hơn là việc chứng minh về giọng hát. Tôi mệt mỏi khi con luôn phải nghe những lời thúc giục, phấn đấu vì thành tích, coi thành tích là niềm vui sống, coi việc phải vượt lên các bạn là tiêu chuẩn sống còn…

Một người mẹ “mì gói” sẽ dễ dàng đẩy con mình vào cảnh chạy theo những điều đang đình đám ngoài kia. Một người mẹ bình an sẽ giúp con nhận ra đâu là hương thơm mì gói, để nếu có thưởng thức cũng cần phải biết cân bằng. Nhưng trước khi làm tất cả, ta cần phải tự bảo ban được mình, đừng để ta cũng bị mắc bẫy vào “mì gói”.

Xem thêm

Làm đẹp sau sinh

Giam can sau sinh

Nguyên Ân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.