Hãy kiên nhẫn với trẻ

Hãy kiên nhẫn với trẻ
Hãy kiên nhẫn với trẻ

Hãy kiên nhẫn với trẻ

Một buổi chiều khi đang nấu cơm sau 8 tiếng ở cơ quan về thì bé con nhà bạn tè dầm. Bạn phải rửa tay, dừng mọi công việc đang làm để lau chùi, rửa ráy và thay đồ cho con. Vừa quay lại bếp, bạn lại nghe tiếng “choang”. Ba chân bốn cẳng chạy lên, bạn thấy con đang đứng cạnh chiếc lọ hoa đã vỡ tan thành từng mảnh nhỏ. Hẳn bạn muốn cho con vài cái tét vào mông. Nhưng tôi xin bạn hãy bình tĩnh.

Cho dù con bạn 1, 2 tuổi hay 9, 10 tuổi thì bạn vẫn luôn có những lí do để phát điên lên với những trò nghịch ngợm hay sự hậu đậu của con. Hãy hít một hơi thật sâu, kiên nhẫn lại, và thử những gợi ý dưới đây để ngăn chặn một cuộc chiến sắp xảy ra.

1. Hiểu rằng con chưa đủ lớn để có ý thức về mọi việc

Khi cậu bé nhà bạn còn đang tập đi, cậu ta sẽ va chạm hết thứ này đến thứ khác trong nhà. Cậu không thể biết được hậu quả những việc mình làm là như thế nào. Vì thế hãy dạy dỗ con thật kiên nhẫn. Rằng phải bê cốc bằng hai tay, phải tránh bậc cửa ở vị trí này. Và ngay cả chính bạn cũng phải tự mình thu dọn những đồ quý giá dễ vỡ trong tầm tay với của trẻ.

2. Cho bé cơ hội lựa chọn

Các bé thường thích làm trái ý mẹ, nhất là khi bị nói “Không”. Bé có thể không làm khi bạn đứng đấy, nhưng khi bạn vừa quay đi, bé sẽ ngay lập tức tìm cách làm những điều bạn cấm. Vì vậy thay vì bảo “Con mặc cái áo kia vào”, bạn hãy đưa ra 2 chiếc áo và bảo bé “Con thích mặc áo nào hơn?”. Như vậy bé vừa được chọn điều bé thích, bạn lại không phải bực tức vì cảm giác chống đối của con. Thậm chí, nếu bé không thích chiếc nào trong 2 chiếc bạn đưa, cũng hãy để bé được làm theo lựa chọn của mình, việc này sẽ giúp rèn tính tự lập của con.

3. Không phát điên vì những chuyện nhỏ nhặt

Một lời khuyên hết sức sáng suốt cho các bậc cha mẹ là đừng làm lãng phí thời gian vào những cơn giận dữ với những lỗi lầm nhỏ nhặt của con. Bạn không thể đòi hỏi mọi đứa trẻ 4 tuổi phải cư xử văn minh, lịch thiệp như một người lớn được. Nên nếu bé có vứt vỏ bánh xuống đất khi bóc ra, đổ chỗ sữa thừa ra bàn để nghịch thì cũng không có gì là quá ghê gớm. Hãy khen bé đã bóc chiếc bánh thật khéo rồi nhắc con lần tới nhớ mang vỏ bánh bỏ vào thùng rác. Đừng kì vọng sự hoàn hảo ở đứa trẻ của mình mọi lúc, mọi nơi, mọi tình huống.

4. Hãy kiểm tra lại chính mình

Bạn không ăn rau? Lười uống nước? Hay dán mắt vào màn hình máy tính hoặc tivi? Luôn gào thét hoặc đánh đòn mỗi khi tức giận con? Nếu bạn mặc phải những điều trên thì tại sao bạn lại mong muốn con mình cư xử ngược lại? Vì vậy, hãy tự thay đổi bản thân mình để làm gương cho con trước khi dạy bé biết cách cư xử theo đúng phép tắc và tuân thủ những thói quen có lợi.

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.