Học ông bố trong bộ ảnh “Vợ đi nháy đẻ” chăm vợ con siêu giỏi

Học ông bố trong bộ ảnh “Vợ đi nháy đẻ” chăm vợ con siêu giỏi
Chỉ trong một thời gian ngắn, bộ ảnh “Vợ đi nháy đẻ” ghi lại khoảnh khắc người chồng vượt cạn cùng vợ đã nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng mạng. Một bộ ảnh để người xem cảm thông, chia sẻ và yêu thương hơn với những người mẹ, người vợ, và một bộ ảnh để người xem nhận thấy sự cần thiết biết bao của người đàn ông trong giây phút thiêng liêng của người vợ đang “vượt cạn”. Bởi thông điệp yêu thương đó mà bộ ảnh “Vợ đi nháy đẻ” đã có sức hút lạ kỳ trong lòng người xem.
Điều đặc biệt là, tác giả của bộ ảnh ấy – nhân vật ông bố xuất hiện trong những bức ảnh, anh Phạm Văn Khoa (SN 1986, nhiếp ảnh gia) – là một người cha hết sức tuyệt vời. Không ít người đã thầm ngưỡng mộ đặt cho anh biệt danh “Ông bố của năm”. Hãy cùng ChaMeCuaCon.com trò chuyện với ông bố này nhé!
Người chồng tận tâm…
Kết hôn sau 8 năm yêu nhau và sớm đón tin vui có con đầu lòng, tuy nhiên niềm hạnh phúc ấy chưa kịp vỡ òa thì bà xã anh (chị Duyên, sinh năm 1988) được bác sĩ chẩn đoán u xơ tử cung khi mang thai ở tuần thứ 8. Quãng thời gian bầu bí của vợ chồng anh thực sự gặp không ít vất vả. Và trong những ngày gian nan đó, một tay anh Khoa đã chăm sóc cho vợ từng ly từng tí…
Học ông bố trong bộ ảnh “Vợ đi nháy đẻ” chăm vợ con siêu giỏi
Khoảnh khắc anh Khoa chăm sóc vợ trong “Vợ đi nháy đẻ”.
– Chào “Ông bố của năm”, anh có thể chia sẻ đôi chút về niềm vui có con và những vất vả suốt quãng thời gian bà xã thai nghén không?
Vợ chồng mình đã có 8 năm dài yêu nhau rồi mới kết hôn, gần nửa năm sau đó thì nhận được tin vui. Và tất nhiên là vô cùng hạnh phúc vì sắp tới sẽ đón một thiên thần nhỏ ra đời. Tuy nhiên, đến tuần thứ 8 thì bác sĩ chẩn đoán cô ấy bị u xơ tử cung…
Thông báo của bác sĩ khiến 2 vợ chồng mình vô cùng lo lắng, mất ăn, mất ngủ. Bác sĩ cũng giải thích cặn kẽ nguyên nhân và hậu quả của việc bị u xơ tử cung khi mang thai nên chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của bà xã cũng khác so với các bà bầu khác – cẩn thận và kỹ lưỡng hơn nhiều.
Đến tuần thứ 14, vợ mình lại đau bụng vì u xơ nên phải đi bệnh viện mất 3 ngày. Sau khi được bác sĩ tiêm thuốc chống co cơ, cô ấy đã không thể đi lại được cả tuần sau đó. Mọi việc chăm sóc vợ đều do một tay mình làm. 
Thế nhưng, vất vả đến mấy thì mình vẫn nhớ nhất là hồi vợ mang bầu tuần thứ 32. Hôm đó, mình đang tiếp khách thì nghe thấy dưới bếp có tiếng gõ cửa nhẹ. Ban đầu mình tưởng con cún, nhưng lúc sau đi xuống mới thấy vợ đau quá nằm lăn ra, không nói được. Sợ quá, cả mình và khách vội đưa cô ấy đi bệnh viện. Khách hàng cũng hớt ha hớt hải chạy theo phụ cùng. Cả nhà được phen “hú vía”. 
– Là một nhiếp ảnh gia, vậy trong thời gian bà xã mang bầu, anh có ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất đó không?
Lúc bà xã mang bầu mình không ghi lại được tấm ảnh nào cả, vì vợ mình đi lại, ăn uống đều khó khăn, phải kiêng kem để giữ em bé nên mình cũng bỏ hết mọi thứ. Việc chợ búa, cơm nước mình đảm đương hết. Hồi ấy, đi chợ nấu cơm không thành vấn đề nhưng mệt mỏi, căng thẳng nhất là những khi mua đồ nấu cháo rất kì công mà lúc mang lên thì vợ không ăn vì ngán. Mình vừa bực vừa thương vợ rồi lại thương con mà chẳng biết làm gì.
Chủ nhân “Vợ đi nháy đẻ”, chăm sóc vợ bầu, thay tã cho con cực giỏi
Tận tình chăm sóc khi bà xã lâm bồn.
– Với bộ ảnh “vợ đi nháy đẻ”, anh có dự định từ trước không?
Lý do mình chụp bộ này thì như một sự ngẫu nhiên vậy thôi chứ không hề chuẩn bị trước. Chỉ là ngay lúc ấy mình muốn giữ lại khoảnh khắc lần đầu sinh của vợ để cùng chào đón em bé ra đời. 
Ngày vợ đi bệnh viện, mình đang đi chụp hình cho khách. Lúc nghe tin mới vội vã bỏ ngang về để đệ tử mình tự chụp. Khi cậu ấy mang máy vào bệnh viện, mình mới nảy ra ý định và ghi lại thôi. Với lại, lúc nhìn thấy vợ đau, mình mới cảm thấy thực sự người phụ nữ khổ quá, lấy chồng phải làm dâu, sinh con, làm việc nhà. Thế nên, mình quyết định ghi lại cảnh sinh đẻ thiêng liêng này. Mỗi khi nhìn lại mình cảm thấy thương mẹ mình hơn rất nhiều. 
… và người cha tuyệt vời
– Công việc chăm con nhỏ có khó khăn nhiều với anh không?
Thực ra nhà mình đông anh em nên khoản chăm sóc trẻ nhỏ cũng không bỡ ngỡ lắm. Có điều giây phút đầu bế con trong lòng thì mình cũng hồi hộp và lo lắng khá nhiều, nhưng rồi mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn khi mình làm khá thuần thục tất cả các khâu chăm con, Bản thân mình là người kĩ tính nên việc chăm sóc trẻ con khá cẩn thận, đặc biệt là bé gái. Thế nên, chuyện thay bỉm, cho con bú bình, ẵm, dỗ mình tự nhận thấy… làm khá tốt (cười).
Có thêm một thành viên mới là sẽ có nhiều chuyện phải làm, nhiều việc phải lo nhưng mà vui, hạnh phúc cũng thật nhiều. Mình cũng mong sao, khi mỗi ông chồng nhìn thấy bộ ảnh “Vợ đi nháy đẻ” đều hiểu người vợ, người mẹ chuẩn bị sinh đều mong muốn có chồng ở bên chia sẻ. 
– Gần Tết, rất nhiều người lại bắt đầu xôn xao với đề tài “Tết là nỗi khổ nhục của người phụ nữ và sự vô tâm của đàn ông”. Vậy anh nghĩ sao về vai trò của người đàn ông trong ngày Tết?
Ngày Tết là ngày có ý nghĩa rất quan trọng trong một năm. Vừa là kết thúc năm cũ cũng như khởi đầu một năm mới. Vậy nên mình luôn cố gắng để mọi thứ được suôn sẻ. Và việc giúp vợ ngày Tết là chuyện đương nhiên rồi. Quan điểm của mình, tất cả mọi việc trong gia đình là cùng chung tay xây dựng.
– Cám ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị trong những ngày cuối năm này. Chúc anh và gia đình năm mới thật hạnh phúc!
Cùng ngắm thêm những khoảnh khắc đẹp trong bộ ảnh “Vợ đi nháy đẻ” của ông bố Phạm Văn Khoa nhé!
Mẹ Bin
Nguồn ảnh: Gió Cao Nguyên, Gió Studio

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.