Khéo chọn bàn tặng bé nhân dịp đón năm học mới

Khi bé đã đến tuổi cắp sách đến trường, món quà vô cùng ý nghĩa mà các bậc cha mẹ có thể dành cho con yêu của mình đó chính là tạo nên một góc học tập xinh xắn và tiện ích, giúp bé thêm hứng thú khám phá tri thức mỗi ngày. Một góc học tập được đánh giá là đẹp khi chúng không chỉ bắt mắt ở vẻ bề ngoài, mà chúng còn được bài trí một cách hợp lý trong không gian riêng tư của bé. Và chắc chắn để tạo nên góc học tập đẹp, việc lựa chọn một chiếc bàn với kiểu dáng và màu sắc phù hợp với túi tiền và không gian cũng là “chìa khóa” giúp bé mở ra thế giới tri thức vô vàn điều hay và ý nghĩa.
​​
Chọn bàn học cho bé, các bậc phụ huynh thường nghĩ đến một vài vấn đề, đó là làm sao chọn được một chiếc bàn mà bé “nhìn là yêu”, một chiếc bàn có chất liệu và màu sắc phù hợp với căn phòng, nhưng lại có giá cả phù hợp với khả năng chi trả của gia đình. Ngoài ra, khi lựa chọn bàn học, mọi người sẽ khó bỏ qua những yếu tố thiết kế của bàn để tạo được sự thoải mái cũng như độ an toàn cho sức khỏe của con khi sử dụng.
Nếu bạn đang có ý định dẫn bé đi mua một chiếc bàn để tạo góc học tập cho con chuẩn bị bước vào năm học mới, hãy thêm một lần nữa nhìn lại căn phòng của con, để lựa chọn cho căn phòng một chiếc bàn hợp lý, vừa không chiếm quá nhiều không gian, vừa thêm được nhiều chức năng hữu ích như lưu trữ, giúp không gian của bé luôn gọn gàng, ngăn nắp.

Bàn học với chân bằng thanh chống

Dạng bàn học của IKEA với mặt bàn kính có ngăn kéo và chân bằng thanh chống là một trong những mẫu bàn được khá nhiều các gia đình có các bạn nhỏ học tiểu học lựa chọn. Bàn được thiết kế khá giống chiếc kệ nhỏ, giúp thuận tiện khi đặt ở bất kỳ góc nhỏ nào, và cũng không chiếm quá nhiều diện tích sử dụng giúp không gian luôn thông thoáng dù có sự hiện diện của nó.

Bàn học với chân thiết kế giỏ tầng để đồ

Thiết kế chân bàn dưới dạng giỏ để đồ có nhiều ngăn, là cách tuyệt vời để bé thỏa sức sắp xếp sách vở cũng như công cụ học tập giúp không gian nhỏ luôn ngăn nắp. Những loại bàn học này cũng là lựa chọn số một của rất nhiều những không gian nhỏ, chúng không chỉ giúp căn phòng của bé được hoàn thiện và tiện nghi, mà còn giúp không gian đẹp thanh thoát và tinh tế hơn nhờ kiểu dáng thiết kế vô cùng khéo léo và thông minh.

Bàn học với thiết kế kèm kệ thấp

Kệ thấp với nhiều ngăn được lắp ghép, kết nối với chân bàn giúp tận dụng tối đa khoảng không gian phía dưới gầm bàn. Với dạng bàn thiết kế linh hoạt này sẽ giải quyết được vô số những đồ đạc cá nhân hay đồ dùng học tập của bé giúp không gian luôn gọn thoáng và ngăn nắp. Để tạo điểm nhấn cho không gian, bạn có thể lựa chọn cho bé những chiếc bàn với gam màu sáng như trắng, vàng, xanh lá cây, xanh da trời… Đây cũng là những gam màu giúp bé yêu thêm hứng thú và yêu thích hơn khi bắt đầu ngồi vào bàn học bài.

Bàn học kết nối với ghế băng đặt gần cửa sổ

Với những bé ở độ tuổi khoảng 10 – 15, những chiếc bàn dạng dài kết nối với ghế băng đặt cạnh cửa sổ sẽ là sản phẩm tuyệt vời cho việc học tập và sinh hoạt của bé. Bàn học với thiết kế đơn giản giúp bé có thêm khoảng không gian riêng tư, tràn ngập ánh sáng để việc học tập được đảm bảo tốt nhất. Bên cạnh đó, việc tích hợp thêm ghế băng có tác dụng làm mềm không gian, mang đến cảm giác thích thú giúp bé yêu vừa có thêm nơi lưu trữ đồ gọn xinh phía dưới ghế, vừa có thêm góc thư giãn đầy ấn tượng cho việc đọc sách hay ngắm cảnh mỗi ngày của bé.

Bàn học không chân

Bàn học được gắn cố định ở một góc của bức tường, không chỉ là cách giúp tiết kiệm được diện tích sử dụng mà còn tạo vẻ đẹp xinh xắn, thanh mảnh cho không gian của bé. Bàn học không chân có thể được đặt ở bất kỳ vị trí nào nhằm tạo độ thông thoáng cho căn phòng.
Nếu bé yêu có nhiều đồ dùng học tập, bạn có thể sử dụng loại bàn không chân có nhiều ngăn kéo, giúp khoảng diện tích học tập luôn ngăn nắp.

Bàn góc với thiết kế chân nhiều ngăn kéo

Với những không gian phòng dành cho hai bé, việc sử dụng bàn cũng có sự khác biệt so với phòng dành cho một bé. Để căn phòng luôn rộng rãi, các bé lại đảm bảo được sự riêng tư khi học tập, đọc sách, rất nhiều gia đình đã khá thông minh khi sử dụng bàn góc, hay còn gọi là bàn chữ L. Bàn học thường được đặt ở góc gần cửa sổ nhất, với một mặt bàn đối diện cửa sổ, một mặt bàn vuông góc với cửa sổ. Ngoài sự tiện lợi khi chọn loại bàn hai trong một này, bạn còn có thể giúp bé sắp xếp dụng cụ hay tài liệu học tập gọn xinh vào các ngăn kéo phía dưới. 

Bàn học kết hợp với kệ tường

Dù căn phòng của bé có diện tích rộng rãi hay nhỏ hẹp thì việc tạo nên góc học tập cho bé không cần quá nhiều không gian. Chỉ cần chú trọng nhiều đến màu sắc, chức năng cũng như sự tiện nghi để giúp bé thêm yêu thích góc học tập của mình, giúp bé yêu tập trung hơn để việc học hành đạt hiệu quả cao hơn.
Bàn học với kiểu dáng đơn giản cùng khoảng trống nhỏ phía trên tường để bé yêu có thêm không gian dán thời khóa biểu, thời gian biểu hay những công thức, ghi chú cần thiết phục vụ cho việc học tập. Ngoài ra, kệ để đồ được tích hợp với bàn, được gắn khéo léo sát tường, tuy không chiếm nhiều diện tích không gian phòng nhưng lại giúp bé cất trữ được nhiều sách vở, đồ chơi cho căn phòng luôn rộng rãi, thoáng sáng.

Bàn học tích hợp với giường ngủ

Nếu nhà bạn có ít phòng hoặc hai bé sống chung trong phòng với độ tuổi khác nhau, việc lựa chọn bàn học và bài trí một góc học tập đầy đủ, riêng biệt rất khó thực hiện. Bởi vậy, để bé yêu vừa thích thú với việc học tập vừa tạo khoảng diện tích thông thoáng cho gian phòng hẹp, bạn có thể tích hợp bàn học với giường ngủ. Khi học bài, bé có thể kéo bàn được lắp ghép với giường để tiện lợi cho việc học. Khi sử dụng xong, bé có thể đẩy bàn vào phía trong giường để đảm bảo sự thoáng sáng cho không gian chung.

Khéo chọn bàn tặng bé nhân dịp đón năm học mới
Bàn học còn có thể đặt phía dưới giường tầng, để bé yêu tiện lợi và thoải mái hơn khi học bài cũng như ngủ nghỉ. Phương án này cũng khá hợp lý khi chỉ với khoảng diện tích khá nhỏ nhưng hai chức năng cần thiết vẫn đầy đủ và thoải mái.
Lục Bảo
Nguồn ảnh: Tổng hợp
Xem thêm:
Cách chăm sóc, trang trí nhà có trẻ con
Trồng cây cảnh và rau sạch quanh nhà
Muôn vẻ lãng mạn và thơ mộng của lối vào nhà
Những phong cách nội thất trên thế giới
Thêm những chức năng tiện ích cho cửa cũ

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.