Khi nỗi cô đơn bào mòn lòng yêu cuộc sống của con trẻ

 

“Cậu em họ tôi ở quê, học lớp 9 rồi, bị bố của cậu ấy đánh không biết bao nhiêu lần vì tội mê game, trốn học đi chơi. Thằng bé nói với tôi: ‘Không hiểu sao, chị ạ, em về nhà đã chán vì nhà chật chội, mọi người đi làm cả; em đến trường càng chán vì học chẳng vào đầu; em ra đồng thì bố mẹ em cấm, bắt em đi học thêm. Em thấy mỗi chơi game là vui'”.

Đôi lần, tôi có nghe đâu đó những lời kêu ca, trách móc về con trẻ. Rằng, bọn trẻ bây giờ lười nhác, ham chơi; chúng sống không còn lý tưởng. Tôi cũng là người trẻ. Phải thế không mà tôi cảm nhận thấy những nỗi buồn vô thức trong lòng bọn trẻ. Những nỗi buồn chán, cô độc mà nhìn vẻ bề ngoài, không dễ nhận được ra.

1. Những người trẻ cô đơn từ vô thức?

Bắt đầu từ sự lỏng lẻo trong mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình. Tôi nghĩ, đây là mối liên hệ giữa một cá nhân và một nền văn hóa. Nó lỏng lẻo, đứt gãy dần đi, những người trẻ không cảm nhận được nhiều những tích cực trong văn hóa, bởi lẽ họ đã được sẻ chia quá ít. Không riêng gì sự dữ dằn, kiểm soát và giáo huấn, mà ngay cả khi những người làm cha mẹ quá mức chiều chuộng, ôm đồm và bao bọc con mình, thì điểm chung của cả hai thái độ đối lập nhau ấy, vẫn là áp đặt mà không chia sẻ. Thế hệ đi trước coi những gì người trẻ cảm nhận được, là mờ nhạt quá, hoặc không an toàn, hoặc không hề giống số đông, cũng không giống với những quan niệm mà khi còn trẻ – ở vào thời thế khác hẳn bây giờ, cha mẹ quan niệm được. Đó là lý do đầu tiên mà người trẻ cô đơn.

Phần khác, tôi thấy nhiều người làm cha, làm mẹ hầu như chỉ có lòng tin gần như tuyệt đối vào chương trình giáo khoa. Họ không tin – ít nhất là chẳng muốn phải tin – những áp lực, những định hướng cứng nhắc bảo thủ thậm chí sai lầm, lại tồn tại từ phía chương trình học. Và mối liên kết thứ 2, là mối liên kết giữa người trẻ với tri thức, cũng vì thế bị rạn nứt, và lỏng lẻo. Những cuốn sách mà những người làm cha mẹ đang đặt vào tất cả lòng tin, nó u ám, cứng nhắc và rời rạc. Nó là một “đại từ điển” với đủ thứ thiên văn địa lý trên đời, nhưng quên mất tính vừa sức và rất kém trọng tâm. Nó mất cân bằng ngay trong nội dung và phương pháp; ngay trong mối tương quan giữa thầy và trò; giữa giáo dục tâm hồn và cung cấp thông tin… Thậm chí mọi thứ trong đó còn trở nên xung khắc, chống đối và phá hoại lẫn nhau.

Liên kết giữa cá nhân người trẻ với gia đình – với nền văn hóa mà họ sinh ra đã trở nên đứt đoạn. Họ tìm đến với mối liên hệ tri thức cũng gần như tuyệt vọng. Đôi khi, cả gia đình lẫn nhà trường đều chỉ đang làm một điều là bắt lỗi thật nhiều và thật ít sẻ chia. Những người trẻ thấy hoang mang vô cùng, thấy cô đơn tột độ. Họ biết họ sai khi đã trượt dài trong những niềm ham mê vô bổ nhưng không biết bắt đầu từ đâu để cố gắng nhiều hơn. Họ chỉ thấy mọi thứ đều mờ nhạt. Và trong vô thức, họ mệt mỏi, mà không biết là mình mệt mỏi.

>>> Xem thêm: Hãy để con có quyền phạm lỗi

2. Người ta chỉ vươn lên vì hạnh phúc:

Những người làm cha mẹ, thầy cô, có bao giờ nhìn sâu vào tâm can mình, để nhận ra rằng, người ta kêu ca về hiện thực và nói về ý muốn vươn lên nhiều nhất khi đau khổ; nhưng lại thực sự chỉ có thể vươn lên, vươn lên mạnh mẽ bằng hành động và thay đổi những điều chưa tốt trong cuộc sống, vào những lúc bình tâm? Có nghĩa là những nỗi mệt mỏi liên tục khi không được lắng nghe, những ước mơ tự chủ, lành mạnh bị trì hoãn và vùi dập, hoàn toàn không phải là lý do, càng khó để trở thành sức mạnh cho người trẻ! Có chăng, nó khiến người ta có tâm lý muốn thoát ra khỏi hiện thực và mang trong mình một nỗi tự ti. Hay ngược lại, một tinh thần ngạo nghễ.      

Tôi đã nói rằng họ mệt mỏi khi chính họ cũng không biết là mình mệt mỏi. Phải thế thì họ mới bị cuốn đi bởi những thú vui vô bổ. Người trẻ nghiện facebook, nghiện tìm kiếm từ khóa “sex” trong bí mật, nghiện game. Người trẻ mê công nghệ nhưng chỉ hưởng thụ chứ không mong muốn học hỏi và sáng tạo. Người trẻ bị cuốn đi, người trẻ khó làm chủ chính mình và không biết cách quản lý quỹ thời gian cho những điều có ích, bởi lẽ, từ trong sâu thẳm, người trẻ đã vô cùng cô đơn. Phải cô đơn lắm thì mới không còn nhận ra là mình cô đơn bởi cái nhu cầu được lắng nghe, được lên tiếng đã gần như gạt bỏ. Phải cô đơn lắm thì mới im lặng nhìn những gáy sách trôi qua mờ nhạt mà không buồn cất tiếng hỏi vì sao. Không biết như thế là bất ổn bởi nhiều lắm những người trẻ khác xung quanh đều thế. Cô đơn nhiều đến mức không biết là mình đang bị cuốn đi, không thể nào thấy được chính mình, không hiểu mình đúng hay sai khi không thể yêu nối điều này và ghét điều kia. Không thể nào có đủ lòng tin để làm bạn với mình, để nghe chính mình lên tiếng gọi mình, nên buộc phải hòa tan, hoặc chen chúc trong số đông giống mình.

Chẳng ai kéo được người trẻ ra khỏi nỗi cô đơn ấy, ngoài chính người trẻ cả. Nhưng khi những tiếng gọi đầu tiên trỗi lên, của sự thức dậy chính mình, người trẻ cần được lắng nghe, và cần ủng hộ. Để những mầm cây tự tin và tự giác lớn dần lên! Để những lòng yêu cuộc sống đầu tiên trở lại, sẽ không bị bào mòn.

Nguyên Ân

 

Những bài viết hay dành cho mẹ:
Thế giới, phải chạm vào mới đẹp
Bé chỉ hạnh phúc nếu biết thể hiện cảm xúc của mình
Hãy cứ để con vẽ một quả… cà chua thối!
Những người mẹ ở nơi nào cũng đẹp

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.