Làm sao để từ chối nhận con khi vợ sinh con với người khác?

Làm sao để từ chối nhận con khi vợ sinh con với người khác? - Ảnh 1

Hỏi: Sau khi cưới 6 tháng 5 ngày vợ tôi đã sinh đôi đủ tháng (35 tuần – theo kết quả siêu âm của bệnh viện), mặc dù trong thời gian tìm hiểu chúng tôi tuyệt đối không quan hệ tình dục. Tôi đem cuống rốn của cháu bé đi xét nghiệm ADN thì không phải là con tôi. Tôi muốn từ chối nhận con và ly hôn thì cần những thủ tục gì? Ngoài ra, tôi cũng đang băn khoăn, trường hợp đứa trẻ này không phải là con tôi, trong khi vợ chồng tôi kết hôn theo đúng quy định của pháp luật thì vợ tôi có phạm tội gì không?

Trân trọng cảm ơn!

THANH SƠN

Làm sao để từ chối nhận con khi vợ sinh con với người khác? - Ảnh 1
Làm gì để từ chối nhận con khi vợ sinh con với người khác? – Ảnh minh họa

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Từ chối nhận con

Tại Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về việc xác định cha, mẹ như sau:

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

Theo quy định vừa trích dẫn ở trên, mọi đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân đều được pháp luật công nhận là con chung của cả hai vợ chồng. Trong trường hợp chồng không thừa nhận con thì người chồng phải làm đơn gửi đến Tòa án nhân dân cấp quận nơi người chồng đang thường trú. Kèm theo đơn người chồng phải cung cấp các chứng cứ cho Tòa án để Tòa án xem xét việc từ chối nhận con là có cơ sở.

Theo khoản 2 Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định: “Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình”.

Nếu không muốn nhận đứa trẻ là con, bạn cần có chứng cứ để chứng minh. Sau đó bạn có thể yêu cầu tòa án xác định đứa trẻ không phải là con của bạn. Nếu trước khi đăng ký khai sinh cho đứa trẻ mà bạn đã có Bản án/ Quyết định của Ttòa án về việc bạn không phải là cha đứa trẻ và Bản án/ Quyết định đó đã có hiệu lực thì vợ bạn không được lấy tên bạn là cha đứa trẻ khi chưa được sự đồng ý của bạn.

Trong trường hợp vợ bạn đã lấy tên bạn với tư cách là cha đứa trẻ để đi đăng ký khai sinh cho đứa trẻ và bản chính Giấy khai sinh của đứa trẻ đã ghi tên bạn, nhưng sau đó, tòa án đã ra Bản án/ Quyết định về việc bạn không phải là cha đứa trẻ và Bản án/Quyết định đó đã có hiệu lực, bạn có thể làm thủ tục thay đổi hộ tịch theo quy định tại khoản 1, Điều 41, Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005.

Theo đó, bạn xuất trình bản chính Giấy khai sinh của đứa trẻ, Bản án/Quyết định của ttòa án về việc bạn không phải là cha đứa trẻ và nộp Tờ khai theo mẫu quy định tới Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho đứa trẻ trước đây để giải quyết việc thay đổi hộ tịch trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh của đứa trẻ theo quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về quản lý và đăng ký hộ tịch, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 06/2012/NĐ-CP ngày 2/2/2012.

Tóm lại, với trường hợp của bạn hiện nay, vợ bạn vẫn có quyền lấy tên bạn với tư cách là cha đứa trẻ để đi đăng ký khai sinh cho con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng bạn, trừ trường hợp bạn có căn cứ chứng minh đứa trẻ không phải con của mình và đã được tòa án nhân dân có thẩm quyền ra Bản án/ Quyết định về việc đứa trẻ không phải con bạn theo quy định của pháp luật.

Đối với vấn đề yêu cầu xin ly hôn

Theo quy định tại Điều 51 (Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014) về “Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn” thì: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn; Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ; Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Như vậy, bạn không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Còn việc anh hỏi, vợ anh sinh con nhưng không phải con của anh với vợ anh thì vợ anh có phạm tội không? Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có quy định về trường hợp xử lý vi phạm của vợ hoặc chồng đối với vấn đề này.

Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.

Nguồn: Theo Doisongphapluat

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.