Liên tiếp 3 bệnh nhi bị chó nhà nổi điên cắn nát mặt

Điều tra bệnh sử ghi nhận, các bé đều gặp nạn trong hoàn cảnh đang chơi đùa tại nhà thì bất ngờ bị con chó lao vào cắn xé. Trường hợp nặng nhất là bé L.T.H (ngụ tại TPHCM) bị chó cắn mất một vùng da, cơ lớn trên má trái. Trước khi bị chó tấn công, bé đang chơi trong nhà, món đồ đang chơi rơi gần vị trí con chó nằm. Cháu chạy tới nhặt đồ thì bất ngờ bị con chó chồm lên quật xuống nền nhà cắn xé.


Khuôn mặt của bệnh nhi bị chó cắn nát, mất nhiều vùng cơ, da

Theo BS Nguyễn Minh Hằng, khoa Răng Hàm Mặt, những trường hợp bị chó cắn rách nham nhở vùng mặt, mất da, cơ chẳng những sẽ gây đau đớn về thể xác mà còn khiến trẻ bị chấn động đến tâm lý. Bên cạnh đó, răng chó rất dơ, chứa nhiều vi khuẩn dễ gây nhiễm trùng, để lại sẹo, rất khó phục hồi về mặt thẩm mỹ.

Theo BS Hằng, thời điểm trẻ bị chó tấn công thường rơi vào ngày nghỉ sau giờ học ở trường về nhà, nhưng do người lớn bận việc không để ý khiến bé gặp nạn khi chơi một mình. Bác sĩ khuyến cáo những gia đình có trẻ nhỏ không nên nuôi chó mèo vì ngoài nguy cơ bị chúng tấn công, trẻ cũng có thể bị nhiễm giun sán từ những loài súc vật này. Những gia đình có chó mèo cần phải chích ngừa bệnh dại cho chúng, xích, nhốt cẩn thận, không để trẻ lại gần khu vực nuôi nhốt.

Trường hợp bị chó cắn, ngoài việc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được chích vắc xin phòng bệnh dại, vắc xin ngừa uốn ván, người nhà nên theo dõi con vật, nếu phát hiện chúng bị ốm, phát cơn dại hoặc chết cần báo ngay với bác sĩ đang chăm sóc, theo dõi nạn nhân bị cắn để có phương án điều trị phù hợp, tránh hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

Nguồn: Theo Dantri

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.