Máy bơm nước đạp chân

Hạn hán đã làm hàng nghìn ha lúa hoa màu ở các tỉnh miền Trung khô héo. Các loại gàu, guồng, máy bơm trở nên bất lực. Đúng lúc này, Nguyễn Tất Hải, một nông dân tại Quỳ Hợp, Nghệ An, tung ra thị trường chiếc máy bơm nước đạp chân hiệu suất lớn. Ngay lập tức, máy bán chạy như tôm tươi.

Năm 1996, ông Hải từ giã binh nghiệp về quê (xã Đồng Hợp, Quỳ Hợp, Nghệ An). Xứ miền trung cát trắng, gió Lào cộng với cái nắng gay gắt như đổ lửa vào mùa nóng, người khát, ruộng nương, trâu bò cũng thiếu nước. Vợ con ông Hải canh tác có 6 sào ruộng dọc khe suối nhưng cũng “mướt” mồ hôi còng lưng tát nước. “Những loại máy bơm hiện đại nông dân chúng tôi không có tiền mua, quê tôi còn hẻo lánh, điện lưới quốc gia chưa đến được. Các loại máy bơm của Trung Quốc giá rẻ hơn nhưng tốn xăng. Bởi vậy, bao đời nay, nông dân quen với cái gầu sòng...” – ông Hải cho biết.

Thiếu nước tưới nên mấy sào lúa của nhà ông cũng như bao hộ trong xã Đồng Hợp còi cọc. Năm nào được mùa, nhà ông chỉ thu được 2,7 tạ lúa. Nếu mất mùa thì không tránh khỏi cái đói. Thương vợ con, ông nghĩ đến chuyện chế tạo ra một cái máy bơm nước không cần đến điện, cũng chẳng tốn xăng.

Ông nhớ đến cuốn Thuật phát minh sáng chế Angôrit của Asule (Liên Xô cũ) và cuốn Khoa học lao động của Taylor ông mua được từ ngày còn trong quân ngũ. Ông hì hục đọc sách, rồi nghiên cứu các bài toán về năng suất cấp nước, lực, kết cấu máy, vật liệu, tiện nghi, trọng lượng máy… để có thể chế tạo được một cái máy bơm nước hoàn thiện.

Ông cho biết: “Tôi đã tham khảo chiếc máy bơm nước đạp chân Bangladesh do Viện lúa quốc tế IRRI giới thiệu vào Việt Nam. Tuy nhiên chiếc máy này hao tốn sức lực. Nhũng người to khỏe mới thao tác được máy bơm, còn những người nhỏ bé như tôi chỉ có thể đứng nhìn. Năng suất bơm của chiếc máy này cũng chỉ giới hạn ở mức 6m3/giờ, chưa đáp ứng đủ yêu cầu cấp nước sản xuất ở vùng miền núi“.

Phân tích, so sánh, cải tạo, cuối năm 2000, chiếc máy bơm nước đạp chân của ông Hải ra đời với năng suất cấp nước lý tưởng 15 m3/giờ. Tuy nhiên, nó cồng kềnh, nặng nề, chỉ phù hợp với địa hình của ruộng nhà ông. Mong muốn có một cái máy bơm phù hợp với tất cả các loại địa hình, mọi người đều có thể sử dụng được, dễ vận chuyển, tiện lợi, ông nghiên cứu tiếp.

Đầu tiên, ông nghĩ tới việc cải tạo lại hệ thống đòn bẩy. Hì hục làm, cuối cùng ông phát hiện ra cách đưa hai hệ thống đòn bẩy kép vào cấu trúc bơm làm giảm lực tác động lên máy. “Chỉ cần một lực tác động hơn 8 kg là máy có thể hoạt động được. Một đứa trẻ học cấp 1 cũng có thể giúp bố mẹ tát nước” – ông giải thích.

Giảm được công lao động, ông lại nghĩ đến việc thiết kế chỗ ngồi để một học sinh có thể vừa học bài, vừa bơm nước. Ông tiết lộ: “Trên đỉnh cọc treo ròng rọc, tôi gắn một giá gỗ làm nơi vịn tay cho người ngồi bơm nước đồng thời làm chỗ đặt sách cho học sinh ôn bài khi vận hành máy“.

Sửa chữa, cải tạo, mất gần bốn năm, máy bơm nước đạp chân do ông Hải thiết kế cũng hoàn thiện. Phương tiện để sản xuất ra máy bơm chỉ gói gọn trong một túi xách (8,5 kg), có thể vận chuyển đến bất cứ địa hình nào, năng suất bằng 8 người tát gầu sòng và gấp đôi máy bơm công suất 370 kW của Trung Quốc, mà giá thành chỉ có 300.000 đồng/máy.

Không cần quảng cáo rùm beng, ngay lập tức, chiếc máy bơm nước của ông được người dân Đồng Hợp biết đến. Họ là những khách hàng đầu tiên đến đặt mua máy bơm nước của ông. Vậy là ông đặt luôn cho máy bơm nước của mình cái tên “máy bơm nước Đồng Hợp“.

Ông khẳng định chắc nịch: “Máy bơm nước Đồng Hợp có thể phổ biến rộng rãi cho người trồng lúa ở những vùng có điều kiện địa lý đồi núi chia cắt như ở quê tôi. Tôi đang cố gắng để chiếc máy bơm này thế chỗ những máy bơm nước do Bangladesh sản xuất“.

 

Theo VnExpress