MC Thanh Bạch giảm 10kg sau 1 tháng nhờ ăn gạo lứt

Học cách giảm 8kg sau sinh, thu hẹp bụng chẩy xệ nhờ Yoga
Biết gạo lứt từ… thời ông ngoại
Kể về “duyên hội ngộ” của mình với phương pháp ăn gạo lứt muối mè, MC Thanh Bạch tâm sự: “Trong một dịp tình cờ, Thanh Bạch gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Bá Hân tại nhà riêng. Khi đó thấy anh Bá Hân luôn cầm trên tay chai cốm màu nâu sậm, nhai nghe rôn rốt vui tai lắm, Thanh Bạch tò mò hỏi anh mới biết đó là gạo lứt. Anh Bá Hân cũng đưa cho tài liệu phương pháp ăn số 6, số 7 của giáo sư Ohsawa, đọc tới đâu mình nhập tâm hiểu tới đó, vì trước đây ông ngoại mình đã ăn theo phương pháp này hồi thập niên 70 rồi.”
Năm 1965, vợ chồng giáo sư Ohsawa – người đặt nền móng cho ngành Thực dưỡng – từ Nhật Bản đi thăm Việt Nam, tổ chức các buổi gặp gỡ nói chuyện về phương pháp dưỡng sinh cơ bản của người Nhật. Khi đó, ông ngoại của MC Thanh Bạch là một nhà giáo, có dịp được gặp vợ chồng giáo sư Ohsawa và áp dụng theo phương pháp thực dưỡng số 7 – gạo lứt muối mè – để chữa bệnh. “Thời ấy chưa có nồi cơm điện, nồi áp suất điện như bây giờ nên cơm lứt nấu ra rất cứng, chỉ có mình ông ngoại vẫn kiên trì ăn còn cả nhà không ai ăn theo cả. Sau một thời gian ngắn ông đã khỏi bệnh rồi mọi người cũng quên luôn. Nhưng ký ức từ bé đã sâu đậm vậy, nên bây giờ đọc tài liệu của anh Bá Hân đưa cho, Thanh Bạch có thể hiểu luôn và áp dụng ngay, đó cũng là điều may mắn vì mình được nhìn thấy kết quả trong chính gia đình mình trước đây rồi, khỏi mất công gặp ai để kiểm chứng”.
Trải nghiệm của bản thân: 1 tháng giảm 10kg
Trước khi đến với phương pháp “Gạo lứt – Muối mè” số 7, MC Thanh Bạch đang mắc bệnh dạ dày và virut siêu vi B (viêm gan B). Có thời điểm lượng siêu vi B cao quá, cần phải khẩn cấp hạ xuống nên theo chỉ thị của bác sĩ, MC Thanh Bạch được điều trị với thuốc đặc hiệu. Tuy nhiên, trong thuốc thành phần Gluco lại quá cao dẫn đến đường huyết trong cơ thể cao đột biến, lên đến mức 300 – bằng với chỉ số của người bệnh tiểu đường (lượng đường máu đo được từ 126 mg/dL trở lên được tính là tiểu đường). Sau 10 ngày ăn gạo lứt muối mè, MC đi khám lại mà đo được đường huyết đã trở lại mức 108 – chỉ số của người bình thường.
Vì cường độ làm việc cao cùng nhiều nguyên nhân từ thói quen ăn uống nên MC Thanh Bạch bị mắc chứng đau dạ dày nặng, mỗi ngày đều phải uống 2 viên thuốc đều đặn sáng-chiều mới có thể đứng vững trên sân khấu, chủ trì các chương trình mà anh tham dự. Từ khi anh ăn gạo lứt, thuốc dạ dày cũng không cần uống nữa, hệ tiêu hóa làm việc ngày một trơn tru hơn. Sau 1 tháng ăn gạo lứt, Thanh Bạch không chỉ khỏi bệnh dạ dày mà còn giảm được 10kg, đây là một tin vui đối với “người của công chúng” luôn phải chăm chút hình thức khi xuất hiện trước khán giả như anh.
MC Thanh Bạch chia sẻ: “Có khi ngồi cùng anh Bạch Long, hai anh em chúng tôi nhai cốm gạo lứt, nhìn đời thấy nhẹ nhàng làm sao. Anh Bạch Long của sân khấu kịch Idécaf cũng là người chữa khỏi viêm gan siêu vi C nhờ sáu tháng ròng chỉ ăn gạo lứt muối mè. Sau 1 tháng người cũng ‘mi-nhon’ trông thấy. Vậy mới biết, gạo lứt muối mè giúp con người mình khỏe đẹp từ trong ra”.

MC Thanh Bạch trước và sau khi giảm cân.

Ăn chậm, nhai nhuyễn
Ăn cơm gạo lứt cũng giống với nghệ thuật thiền quán hơi thở, chú tâm hoàn toàn vào miếng ăn và ăn một cách chậm rãi, thư thái. Mỗi miếng cơm tùy vào loại gạo (lứt trắng hay lứt đỏ) mà số lần nhai khác nhau. Thông thường gạo lứt đỏ sẽ nhai từ 100-180 lần trước khi nuốt, gạo lứt trắng và lứt nổi chỉ cần 80-90 lần là đủ. Quá trình nhai kỹ không chỉ tán nhuyễn thức ăn, giúp dạ dày “nhẹ gánh” hơn, mà còn khiến các enzym trong nước bọt tiết ra để kiềm hóa thức ăn, có lợi cho tiêu hóa. Với người có tạng dễ béo, thức ăn có tính chất kiềm rất quan trọng, nên được lưu ý để đưa vào khẩu phần ăn hàng ngày.
MC Thanh Bạch chia sẻ: “Những người trẻ không mắc bệnh chuyển hóa như mình khó ăn gạo lứt muối mè lắm, vì đã ăn thịt, cá quen rồi. Người nào thường ăn chay ngày rằm, mồng một khi bắt đầu sẽ dễ dàng hơn. Có anh bạn quay phim bị dạ dày được mình mách cho phương pháp này, ban đầu thích lắm, nhưng sau một tuần thì đầu hàng, không có thịt cá thì không chịu nổi. Nên ăn để chữa bệnh còn cần sự gan lì, kiên trì nữa”.

Gạo lứt dưới góc nhìn khoa học 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, gạo lứt có tác dụng tốt cho sức khoẻ. Do đó không riêng gì người bệnh mà người khỏe mạnh cũng nên ăn để phòng ngừa bệnh tật. “Tuy nhiên nếu là thanh niên đang tuổi lớn hay người bị bệnh thận thì hạn chế ăn với muối mè vì sẽ không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như khi ăn với cá thịt, rau củ. Riêng với những người mắc các bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu, béo phì… thì gạo lứt, muối mè thật sự là thực phẩm lý tưởng để cải thiện sức khoẻ”, bà Lâm nhấn mạnh.
Do cũng là ngũ cốc như gạo trắng nên cơm gạo lứt có thể ăn với các đồ ăn kèm khác mà không kiêng kị gì. Tuy nhiên nếu nhằm mục đích trị bệnh thì phải ăn với muối mè vì trong đó có lượng dầu thực vật cung cấp axít béo không no (tạo cảm giác no ảo) cần thiết cho người ăn. Nguyên tắc ăn là một chén cơm gạo lứt trộn đều với hai muỗng cà phê muối mè. Có thể ăn bất kỳ lúc nào, trừ trước lúc đi ngủ hai tiếng. Trong quá trình ăn, nên nói “không” với các loại thực phẩm khác. “Khi ăn phải nhai chậm và kỹ để nước miếng tiết ra thật nhiều quyện với cơm giúp cho việc tiêu hoá được tốt. Nhai nhuyễn cũng sẽ giúp người ăn có cảm giác cơm thơm, ngọt hơn”, bà Lâm cho biết.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trịnh Minh Thảo
(Theo congluan.vn)

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.