Mẹo chữa cháy nắng cấp tốc sau kỳ nghỉ lễ

Tự làm kem chống nắng tại nhà cực rẻ trong 30 phút

Sau kỳ nghỉ lễ, chắc hẳn không ít chị em “kêu khóc thảm thiết” bởi làn da bị cháy nắng đen sạm. Nếu không biết cách dưỡng và chăm sóc đúng cách, làn da của bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để hồi phục lại, khiến các nàng tự ti về ngoại hình. Vậy làm thế nào để da trở lại trạng thái ban đầu nhanh chóng, ChaMeCuaCon.com sẽ giúp bạn hiểu thật đúng và rõ về hiện tượng cháy nắng và những biện pháp khắc phục.

Cháy nắng là gì

Cháy nắng là hiện tượng da bị tổn thương do tiếp xúc ánh nắng mặt trời quá lâu, thường là từ 2-6 tiếng. Khi cháy nắng, da có hiện tượng đỏ, nóng rát khó chịu và với những trường hợp cháy nắng nặng, da có thể sưng rộp. Sau 2-3 ngày, vùng da cháy nắng sẽ sạm hẳn đi so với những khu vực khác trên cơ thể và bắt đầu bong tróc.

Nguyên nhân da bị cháy nắng

Da bị cháy nắng do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian tia cực tím nhiều nhất là trong khoảng từ 10 giờ đến 15 giờ. Khi đó, do không sản xuất đủ lượng melanin để bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím nên da bị tổn thương, chuyển dần sang màu đỏ, và có hiện tượng nóng rát khó chịu.

Nếu với những người da sáng màu, chỉ cần ở ngoài nắng 15-30 phút da đã có thể bị cháy thì những người da tối màu, do có nhiều hắc sắc tố hơn nên phải mất vài tiếng họ mới bị cháy nắng.

Các loại cháy nắng

Có hai kiểu cháy nắng là cháy nắng tạm thời và cháy nắng tích lũy.

Cháy nắng tạm thời là do da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian ngắn, không được sử dụng các sản phẩm bảo vệ thích hợp dẫn đến tình trạng đỏ rát và da bong tróc sau đó vài ngày. Cảm giác đau rát thường kéo dài 1-3 ngày, tùy từng người. Một số người khác nếu bị nặng có thể bị ốm và sốt.

Cháy nắng tích lũy là hiện tượng da sạm đen, lão hóa nhanh sau một thời gian dài da chịu tác động dần dần từ ánh nắng mặt trời. Hậu quả của cháy nắng tích lũy không thể nhìn thấy ngay lập tức nhưng khi xuất hiện thì nhan sắc sẽ xuống cấp trầm trọng trong thời gian dài, một số trường hợp còn không thể phục hồi được. Biểu hiện của cháy nắng tích lũy thường là da sạm đen, da sần, dầy bì, nhiều tế bào chết, xuất hiện nhiều nám và tàn nhang.

Phương pháp khắc phục

Khi bị cháy nắng, bạn nên thực hiện một số biện pháp tự chữa trị ngay lúc đó, rồi tùy vào tình trạng nặng nhẹ mà có biện pháp phù hợp sau. Nếu bị cháy nắng nặng, bạn nên đến khám bác sĩ da liễu ngay lập tức, còn đối với trường hợp nhẹ, chị em có thể thực hiện theo phương pháp dưới đây.

Lưu ý, các phương pháp này chỉ áp dụng cho da bị cháy nắng tạm thời, còn nếu bị cháy nắng tích lũy, bạn nên đi khám để tìm được biện pháp phù hợp nhất với làn da của mình.

Cách 1:

Chuẩn bị:

– 1 chiếc bình

– 1 chiếc khăn mềm

– Nước lọc

– 3 túi trà đen

Bước 1: Đổ 500 ml nước nóng vào trong chiếc bình, nhúng 3 túi trà đen vào, chờ 10 phút rồi lấy túi trà ra.

Bước 2: Chờ cho bình trà nguội hẳn rồi ngâm chiếc khăn mềm vào nước trà trong 1 phút rồi lấy ra, phủ lên vùng da bị cháy nắng.

Ngâm khăn mềm vào trong nước trà đen 1 phút.

Bước 3: Chờ cho tới khi khăn khô nước thì lặp lại bước 2 cho đến khi dùng hết nước trà đen. Lưu ý là tuyệt đối không dùng khăn cọ vào da, chỉ đắp khăn thấm nước trà lên vùng da bị cháy nắng. Sau khi hoàn thành, vết cháy nắng gần như bị đánh bay hoàn toàn. Nếu vùng da cháy nắng vẫn chưa được phục hồi hẳn, bạn thực hiện lần thứ hai vào ngày hôm sau.

Vùng da bị cháy nắng được hồi phục nhờ áp dụng công thức trà đen.

Lưu ý: Sau khi bị cháy nắng, thực hiện phương pháp này càng sớm thì hiệu quả càng cao, da sẽ sớm được phục hồi.

Cách 2: Ép vỏ dưa hấu lấy nước rồi trộn cùng mật ong, sau đó thoa hỗn hợp này lên vùng da bị cháy, hiện tượng bỏng rát sẽ được xoa dịu hiệu quả.

Cách 3: Ngâm mình trong bồn tắm có bột yến mạch hòa với nước mát và thêm chút mật ong, sữa tươi. Thực hiện hàng ngày, vùng da cháy nắng sẽ sáng lên rõ rệt.

Những lưu ý sau khi bị cháy nắng

– Sau khi bị cháy nắng, bạn có thể ngay lập tức thoa nước đá lên vùng da bị cháy, tránh chà xát bằng đá viên vì chúng có thể khiến vùng da tổn thương bị nặng hơn. Hoặc, chị em có thể thoa nước chanh lên da.

– Trong thời gian chữa cháy nắng, bạn cần nhớ thoa kem chống nắng mỗi ngày, mặc quần áo kín, không để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

– Ăn nhiều rau xanh, hoa quả để cung cấp vitamin, khoáng chất, giúp da hồi phục nhanh hơn.

Cách phòng chống cháy nắng

– Thoa kem chống nắng mỗi khi ra ngoài, chọn loại kem có độ SPF từ 35 đến 50. Nên dùng riêng kem chống nắng cho mặt và cho cơ thể.

– Thoa lại kem chống nắng mỗi 2 giờ một lần.

– Tránh ra ngoài nắng trong khoảng thời gian từ 10 giờ tới 15 giờ.

– Khi đi tắm biển, nên đội mũ rộng vành. Sau khi tắm biển xong, bạn nên ngồi ở chỗ râm mát và đeo kính râm.

Hằng Moon

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.