Mối liên hệ giữa lựa chọn nghề nghiệp và hôn nhân

Mối liên hệ giữa lựa chọn nghề nghiệp và hôn nhân

Một nghiên cứu của Đại học Radford được công bố trên tạp chí Police and Criminal Psychology(Cảnh sát và Tâm lý học Tội phạm) đã đưa ra một phát hiện thú vị về tỷ lệ ly hôn trong những ngành nghề nhất định. Theo đó, tỷ lệ ly hôn cao nhất rơi vào những nhóm đối tượng sau đây: bartender (nhân viên pha chế), chuyên viên massage trị liệu, ca sĩ/vũ công hộp đêm, biên đạo múa, phục vụ bàn, y tá, trợ lý sức khỏe tại nhà và điện thoại viên. Trong khi đó, các kỹ sư và bác sĩ nhãn khoa tỏ ra là người biết gìn giữ hôn nhân của mình khi là thành viên của hai nhóm ngành có tỷ lệ ly hôn thấp nhất. Nhóm nghiên cứu sau đó đã tìm hiểu xem sự chênh lệch tỷ lệ này là từ đâu mà có và thu được những kết quả sau:

1. Nền tảng giáo dục tốt là yếu tố căn bản của một cuộc hôn nhân bền vững

Tiến sĩ – Giáo sư Michael G. Aamodt – trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Radford cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi đã phát hiện ra rằng, những người được hưởng nền giáo dục chất lượng thì cũng thường có tỷ lệ ly hôn thấp hơn”. Theo Giáo sư Aamodt thì kết quả nghiên cứu trên cho thấy, cái tác động đến tuổi thọ cuộc hôn nhân không phải bản thân công việc mà là đặc tính của các nhân viên làm công việc đó. Rõ ràng là nhân lực của những ngành như kỹ sư hay bác sĩ không thể không có nền tảng học vấn tốt được.

Mối liên hệ giữa lựa chọn nghề nghiệp và hôn nhân

Ngoài ra, Giáo sư cũng cho biết: “Nghe có vẻ thực dụng, nhưng nghiên cứu của chúng tôi xác nhận rằng tiền bạc có thể tác động rõ rệt lên hôn nhân. Số liệu thực tế cho thấy những người có thu nhập cao thường có hôn nhân lâu bền hơn người có thu nhập thấp. Một cái két sắt gia đình chứa đầy tiền quả thực có thể giúp hôn nhân bền vững hơn”.

Vì vậy, nếu muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc lâu dài, bạn không thể “ngồi chờ sung rụng” mà hãy chủ động trau dồi thêm kiến thức và chăm chỉ làm việc để nâng cao thu nhập của mình.

2. Nghề nghiệp càng căng thẳng thì tỷ lệ ly hôn càng cao

Mối liên hệ giữa lựa chọn nghề nghiệp và hôn nhân

Dù bạn làm nghề gì thì công việc chắc chắn vẫn có những tác động nhất định đến tình yêu và hôn nhân, nhưng trong số ấy, những nghề có áp lực lớn là tác động rõ rệt hơn cả. Bà Stacey Dillon –  người sáng lập tổ chức Public Safety Authority Medias (Cơ quan Truyền thông An toàn Công cộng) cho biết: “Nhóm ngành thực thi pháp luật luôn nằm trong top những ngành có tỷ lệ ly hôn cao nhất, điển hình là nghề cảnh sát. Các hội nghị quốc gia mà tôi từng tham dự đều khẳng định rằng tỷ lệ ly hôn của người làm nghề cảnh sát có thể lên tới khoảng 80%”. Đây có lẽ không phải một kết quả bất ngờ, vì người làm nghề thực thi pháp luật thường phải dành gần như toàn bộ thời gian của mình cho công việc. Đó là chưa kể đến tính chất nguy hiểm của dạng nghề nghiệp này khi thường xuyên phải đối mặt với tội phạm.

3. Những người làm công việc giúp đỡ con người thường có mối quan hệ ổn định và bình yên

Tiến sĩ Lynda Veto – một chuyên gia về truyền thông đồng thời là nhà trị liệu nổi tiếng tại Princeton (Mỹ) nói: “Hôn nhân sẽ dễ dàng rạn nứt khi một trong hai hoặc cả hai thành viên đều làm những công việc liên quan đến thực thi quyền lực, chẳng hạn như cảnh sát, quân nhân, chính trị gia…” Theo Lynda, những nhóm đối tượng vừa nêu đã quen với việc ra lệnh và được biết sự thật mà không cần phải hỏi nhiều. Không may là “bệnh nghề nghiệp” này của họ lại rất có hại cho hạnh phúc hôn nhân. “Tất nhiên là bạn không thể coi vợ/chồng mình như cấp dưới và buộc họ phải tuân lệnh được”, Lynda nói.

Ngược lại, người làm trong những nhóm ngành có tính chất hỗ trợ cộng đồng, giúp đỡ con người như giáo dục, lao động xã hội, trị liệu, nhân viên y tế và nhân viên của tổ chức từ thiện thường có hôn nhân êm đềm, ít sóng gió và tất nhiên là cũng lâu bền hơn. Theo chuyên gia Lynda thì ngay từ việc lựa chọn những công việc này cũng đã cho thấy tinh thần hòa hiếu, thích an bình của người trong cuộc. Không khó hiểu khi họ có thể giữ cho hôn nhân của mình tránh xa sóng gió.

4. Công việc tác động đến cách bạn chọn người yêu

Jeska Dzwigalski – Giám đốc marketing tại công ty Coffee & Power tại San Francisco nói: “Nhiều năm làm công việc liên quan đến công nghệ giúp tôi nhận ra rằng các chuyên viên công nghệ trẻ tuổi có xu hướng dành hết thời gian cho công việc tại văn phòng. Đó là lý do họ thường yêu và kết hôn với đồng nghiệp hoặc ít nhất là người làm cùng nhóm ngành với mình”.

Thực tế là khi chọn một công việc, bạn đồng thời đã chọn luôn nhóm đối tượng dễ nảy sinh tình cảm và thậm chí là kết hôn nhất. Không chỉ các chuyên viên công nghệ mới có xu hướng lấy người cùng ngành, số liệu thống kê của Cục điều tra dân số Mỹ cho thấy rất nhiều luật sư của nước này đã kết hôn với đồng nghiệp của mình.

5. Con đường sự nghiệp mà bạn lựa chọn thể hiện giá trị cá nhân của bạn

Debbie Mandel  – Chuyên gia quản lý căng thẳng và là tác giả cuốn sách  Addicted to Stress (Nghiện Stress) nói: “Giá trị cốt lõi của bạn là một tiêu chí để dự đoán mức độ hạnh phúc trong mối quan hệ tình cảm. Lựa chọn nghề nghiệp sẽ cho thấy phần nào giá trị đó”.

Theo Mandel, công việc bạn làm trong thời gian dài sẽ dần trở thành bản sắc của bạn. Các nghệ sĩ thì thường dành nhiều thời gian cho thế giới tưởng tượng và sáng tạo nên có lúc sẽ hơi xa rời thực tế. Các kỹ sư thì thích trật tự rõ ràng, logic và chính xác. Các bác sĩ sẽ có xu hướng đưa ra lời khuyên và muốn chăm sóc người khác hàng ngày. Các giáo viên sẽ có tâm lý giảng dạy và thường lặp lại chính mình. “Người làm ở những ngành nghề khác nhau thường thu hút nhau vì nhu cầu bù đắp khuyết thiếu của con người. Tuy nhiên khác biệt nghề nghiệp đòi hỏi hai người phải có những cam kết mạnh mẽ hơn và tôn trọng giá trị riêng của của vợ/chồng mình nhiều hơn”, Mandel nói.

Tiến sĩ Terri Orbuch – Chuyên gia về các mối quan hệ và trị liệu tâm lý đưa ra một cảnh báo rằng: “Nếu bạn kết hôn với một người có giá trị cá nhân khác biệt, thậm chí là đối lập với mình mà cả hai lại không chịu nỗ lực hiểu cho nhau thì xung đột, cãi vã, rạn nứt tình cảm chắc chắn sẽ đến theo thời gian”.  

6. Không có nghề nào là không thể có hôn nhân hạnh phúc

Tiến sĩ Veto cho rằng, tuy có những nghề sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong hôn nhân nhiều hơn nghề khác, nhưng điều đó không có nghĩa là một khi đã chọn làm cảnh sát hay bartender thì bạn không nên kết hôn nữa.

“Vấn đề chỉ là cân đối thời gian và quan trọng nhất dành sự quan tâm. Dù bạn làm nghề gì đi nữa, nếu hàng ngày điều duy nhất bạn chú tâm là làm sao leo lên được nấc thang quyền lực cao hơn trong công ty hay kiếm ra được thật nhiều tiền thì hôn nhân vẫn sẽ nằm bên miệng vực. Không có nghề nghiệp nào mà khi chọn nó thì bạn bắt buộc phải từ bỏ hôn nhân cả. Nếu biết cân bằng giữa cuộc sống riêng và công việc, bạn sẽ có cả hai và sẽ là người thành công nhất”, Tiến sĩ Veto kết luận.