Mỹ phẩm chứa chất gây ung thư vẫn bán tràn lan trên thị trường

mỹ phẩm gây ung thư

Ngày 17/6, Cục quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, bắt đầu từ ngày 1/7/2015, các sản phẩm dầu gội, nước rửa tay, sữa rửa mặt, sữa tắm, kem dưỡng da,… có sử dụng các chất paraben hoặc MCT+MIT (Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone) sẽ hạn chế lưu hành và ngừng hẳn vào ngày 30/4/2016. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV báo Người đưa tin, các loại mỹ phẩm này vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường.

Mỹ phẩm chứa chất gây ung thư vẫn bán tràn lan

Theo tìm hiểu của PV, trên các hộp kem dưỡng da hay kem chống nắng, son môi, sữa tắm,… thường có ghi thành phần của các chất bảo quản như: methylparaben, butylparaben, ethylbparaben, isobutylparaben, propylparaben,… Đây là năm loại Parabens thuộc vào các chất bảo quản hóa học được tạo ra bằng cách thực hiện phản ứng ester hóa acid phydroxybenzoic được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) hạn chế sử dụng trong các loại thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm trong thời gian tới.

mỹ phẩm gây ung thư
Hàng loạt mỹ phẩm chứa chất bảo quản Paraben vẫn bày bán tràn lan trên thị trường.

Theo đó, Paraben không phải là hoạt chất làm thuốc. Nó có tính chất kháng khuẩn và kháng nấm, nhưng chỉ được dùng làm chất bảo quản để ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn (do nấm hoặc vi khuẩn) và hạn chế sự phân hủy của các hoạt chất dẫn đến giảm hiệu quả của thuốc, mỹ phẩm.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, các chất bảo quản paraben có thể bắt chước hoạt động của hormone estrogen trong các tế bào của cơ thể. Các hoạt động của hormone ấy có liên quan nhất định đến ung thư vú. Vì thế, một số nhà khoa học đã đưa ra kết luận rằng, paraben có thể kích thích sự phát triển của các khối u gây ra ung thư vú ở nữ và vô sinh ở nam giới.

Nghiên cứu mới đây nhất cho thấy, paraben có thể được phát hiện trong nước tiểu của những người sử dụng mỹ phẩm, dược phẩm có paraben. Nếu paraben trong các loại kem bôi được xoa lên lưng của những thanh niên khỏe mạnh, các dấu vết của paraben cũng có thể được tìm thấy trong máu chỉ trong vài giờ sau khi sử dụng kem bôi. Điều đó chứng minh rằng, paraben thực chất có thể thẩm thấu vào da người từ các loại thuốc bôi ngoài hoặc mỹ phẩm.

Chính vì thế, cục Quản lý dược cho biết, thời gian tới, ngoài việc hạn chế lưu hành sản phẩm có chất Paraben, MCT+MIT từ 1/7/2015 và ngừng hẳn từ vào ngày 30/4/2016. Đối với các sản phẩm chứa paraben cũng chỉ được phép lưu hành đến ngày 31/7/2015.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện việc ngừng sử dụng thành phần Paraben trong sản phẩm, Cục quản lý dược còn yêu cầu các chất có hoạt tính tương tự trong mỹ phẩm phải thực hiện lộ trình như Cộng đồng Châu Âu và các nước ASEAN.

Theo đó, đối với sản phẩm có sử dụng hoạt chất Methylisothiazolinone chỉ được dùng với nồng độ tối đa 0,01% trong các sản phẩm mỹ phẩm, không bị cấm. Hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone theo tỷ lệ 3:1 được dùng trong các sản phẩm rửa sạch với nồng độ tối đa 0,0015% . Hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone theo tỷ lệ 3:1 không được phép dùng chung với Methylisothiazolinone trong cùng một sản phẩm.

Người dân vẫn không hay biết gì

Ngày 17/6, PV có cuộc khảo sát nhanh tại các siêu thị lớn, cũng như nhiều điểm bán lẻ mỹ phẩm trên địa bàn TP.HCM. Được biết, đa phần các sản phẩm dầu gội, sữa rửa mặt, sữa tắm,… đều có hỗn hợp Paraben và MCT + MIT nằm trong thành phần bán tràn lan trên thị trường.

Trong đó, ngoài những mặt hàng mới được người tiêu dùng biết đến thì ngay cả những mặt hàng đã có thương hiệu từ lâu đều ghi trên nhãn hàng có dùng Paraben, MCT + MIT. Như vậy, những sản phẩm này sẽ là những mặt hàng đầu tiên nằm trong danh sách áp dụng lộ trình hạn chế lưu hành.

mỹ phẩm gây ung thư
Chất gây ung thư xuất hiện trên thành phần của mỹ phẩm.

Tại một siêu thị lớn trên đường Cống Quỳnh (Q.1, TP.HCM) các mặt hàng dầu gội, sữa rửa mặt, sữa tắm,… thuộc các thương hiệu lớn vẫn được bày bán, thậm chí còn đang được nhập hàng vào.

Trao đổi với PV, một nhân viên siêu thị tại gian hàng mỹ phẩm cho biết: “Hiện tại, các mặt hàng này đang bán rất chạy, nên chúng tôi còn muốn nhập hàng về. Còn việc bị ngừng lưu hành do chứa chất bảo quản paraben đến nay, chúng tôi vẫn chưa hề có thông báo gì,…”.

Khi hỏi về danh sách các chất bảo quản có trong thành phần những sản phẩm này, không nhiều nhân viên nhớ được, nó có nằm trong danh mục chất bảo quản hay không. Do đó, cũng không khó để có thể hiểu được tâm lý của các bà nội trợ về việc lựa chọn các mặt hàng này để sử dụng.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh (Bình Chánh, TPHCM, khách mua hàng tại siêu thị) cho biết: “Vợ chồng tôi đều đi làm cả tháng, gia đình lại có rất nhiều việc phải lo, nên một tháng chỉ đi mua sắm đồ dùng cho gia đình vài lần. Vì thế, chúng tôi cứ mua những sản phẩm đã quen sử dụng chứ không quan tâm đến thành phần cũng như không nghe nói gì đến quy định này”.

Trong khi ngày thực hiện lộ trình hạn chế lưu hành các sản phẩm chứa chất bảo quản Paraben không còn dài, các sản phẩm này vẫn chưa được nhà phân phối hay các siêu thị, cửa hàng thông báo rộng rãi đến với người tiêu dùng. Bản thân các doanh nghiệp lại chưa có động thái rõ ràng đến với khách hàng của mình trong việc thay đổi chất bảo quản hay làm mới công thức của sản phẩm để phù hợp với qui định. Vì thế, người tiêu dùng cần bảo vệ chính mình theo tiêu chí phòng bệnh hơn chữa bệnh. Khi cân nhắc nguy cơ và lợi ích của các sản phẩm chứa chất bảo quản dạng này, người tiêu dùng nên chú ý thành phần sản phẩm khi mua sắm, nên chọn sản phẩm có thành phần thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe.

Ở nước ta, các sản phẩm chứa Paraben vẫn chưa nắm rõ

Trao đổi về vấn đề này, một đại diện bộ Y tế cho biết, có năm loại paraben bị ngừng lưu hành trong mỹ phẩm gồm: isopropylparaben,isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben. Thế giới có 22.000 sản phẩm mỹ phẩm, chất tẩy rửa có sử dụng paraben hoặc hỗn hợp MCT+MIT. Còn tại Việt Nam, có 100.000 mỹ phẩm các loại công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Tuy nhiên, bao nhiêu sản phẩm có chứa paraben, MCT + MIT thì vẫn chưa được nắm rõ.

Nên thay thế bằng chất bảo quản an toàn hơn

Một chuyên gia về hóa chất tại TP.HCM chia sẻ, hiện chưa có công bố cụ thể nào về tác hại của sản phẩm có chứa các thành phần Paraben. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng, Cộng đồng châu Âu và Hội đồng Mỹ phẩm ASEAN đã khuyến cáo người tiêu dùng, nên ngưng sử dụng các chất này và thay thế bằng các chất bảo quản an toàn hơn.

Đang làm việc với nhà sản xuất

Làm việc với PV về vấn đề này, đại diện ban quản lý siêu thị, thuộc hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op mark (TP.HCM) cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với một số ngành chức năng tại TP.HCM, để làm việc với các nhà sản xuất, về các sản phẩm có chứa chất cấm để kiểm nghiệm, đánh giá lại chất lượng các sản phẩm trên. Sau khi có kết quả này, chúng tôi sẽ tiếp tục có hướng xử lý đối với những sản phẩm tạm thu hồi”.

Mẹo trang điểm che giấu vết sẹo ở mặt
(Làm Đẹp) – (Phunutoday) – Vết sẹo trên mặt rất khó che giấu nếu chị em không trang điểm khéo.

Nguồn: Hoàng Tuấn – Dương Hạnh (Nguoiduatin)/Theo Khỏe & Đẹp

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.