Mỹ phẩm Trung Quốc mác ngoại: Bát nháo từ chợ đến bán hàng online

mỹ phẩm giả

Cả người bán cũng không rõ xuất xứ

Trước đó, báo chí đã phản ánh, vụ việc công ty mỹ phẩm Huyền Trang (đường Trần Đình Xu, P. Cầu Kho, Q.1) mua mỹ phẩm rởm có xuất xứ từ Trung Quốc và đóng gói làm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng, cao cấp trên thế giới. Sau khoảng một tuần mở rộng điều tra, ngày 15/7, phòng CSĐT tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM cho biết, trinh sát đội 7 (PC46) khám xét một kho hàng khác của công ty này ở đường Phạm Văn Chí (P.7, Q.6).

mỹ phẩm giả
Hình ảnh số mỹ phẩm giả được phát hiện tại một kho hàng của công ty Huyền Trang.

Tại đây, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện và thu giữ thêm 5 tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Số mỹ phẩm này phần lớn đều mang các nhãn hiệu Sakaki, Hikato, Puroz,…

Theo khai nhận tại Cơ quan điều tra, đại diện công ty Huyền Trang cho biết, các nhãn hiệu này được công ty đăng ký, nhưng không sản xuất mà nhập hàng từ Trung Quốc về, dán nhãn mác đề xuất xứ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… rồi phân phối cho các cửa hàng, đại lý.

Ngày 17/7, PV báo có cuộc khảo sát một số cửa hàng bán mỹ phẩm tại khu vực TP.HCM. Theo ghi nhận của PV, tại TP.HCM, số lượng mỹ phẩm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng vẫn đang được bày bán khắp các cửa hàng, chợ truyền thống. Một số nơi bày bán “mỹ phẩm hàng chợ” (không rõ nguồn gốc, xuất xứ) có thể kể đến như: Khu vực chợ Tân Bình, chợ Kim Biên, chợ An Đông…

Thậm chí, một số cửa hàng thuốc tây cũng nhận bày bán các sản phẩm làm đẹp ngoại nhập, không rõ nguồn gốc như: Kem tẩy trắng da, thuốc ngực. Có mặt tại một cửa hàng đặt biển hiệu bắt mắt trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình), trong vai khách có nhu cầu làm đẹp da, PV được một người phụ nữ tên Linh (chủ cửa hàng) nhiệt tình giới thiệu.

Sau khi xem qua, PV phát hiện có vài sản phẩm in nhãn mác chữ Hoa, nên đặt nghi vấn: “Sao ngoài biển hiệu ghi bán mỹ phẩm Hàn Quốc mà bên trong có cả mỹ phẩm Trung Quốc vậy chị?”, Linh liền lên tiếng thanh minh: “Không phải mỹ phẩm Trung Quốc đâu em ơi”.

Tại một cửa hàng bán mỹ phẩm ở khu vực chợ Tân Bình, PV cũng phát hiện các sản phẩm có nhãn mác in chữ Trung Quốc. Trao đổi về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm này, PV được bà Phúc (nhân viên cửa hàng) chia sẻ: “Hàng này không rõ có phải của Trung Quốc hay không, nhưng thấy công ty phân phối có giấy tờ rõ ràng, nên mình nhận bán thôi”.

Qua quá trình tìm hiểu, PV được biết, phần lớn chủ các cửa hàng, đại lý và cả những khách hàng, khi nhận phân phối, nhận đặt mua đều dựa trên những lời giới thiệu, cam kết của công ty mà đặt lòng tin vào chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua, các công ty mỹ phẩm không chỉ là đơn vị nhập lậu, mà còn là nơi sản xuất ra một lượng lớn các loại mỹ phẩm giả, nhái.

Rước họa vào thân vì sính ngoại

Trao đổi với PV, chị T., nhân viên shop mỹ phẩm trên đường Phan Văn Trị (quận 5, TP.HCM) cho biết: “Hàng của shop đều là hàng xách tay, nên khách hàng ở đây rất yên tâm về chất lượng và giá cả. Thường thì mỹ phẩm xuất xứ từ Hàn Quốc, Thái Lan được khách hàng của shop chọn mua nhiều nhất, như Hikato, Sasaki, kem dưỡng trắng có chứa tinh chất dưỡng trắng da bằng nhân sâm, ngọc trai… là những mặt hàng lúc nào cũng bán chạy. Giá cả chúng tôi bán rất mềm nên được nhiều người tin tưởng”.

Bán mỹ phẩm online đang là nghề khá hot của nhiều người. Không cần có trong tay kinh nghiệm, bằng cấp hoặc giấy chứng nhận, chỉ cần khéo léo một chút là có thể thu nhập ổn từ công việc này.

Trong vai một khách hàng cần lấy nhiều số lượng mỹ phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài để bán lẻ, PV liên hệ với chị Ph., một chủ shop mỹ phẩm online tại TP.HCM. Qua trao đổi, chị Ph. cho biết, những sản phẩm của công ty chị nhập về luôn luôn đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, hàng luôn bảo đảm chính hãng, có bao bì nhãn mác đầy đủ. Và, chất lượng đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Đặc biệt, nếu khách hàng không hài lòng, có thể đổi trả sản phẩm. Tuy nhiên, chị Ph. cũng không thể khẳng định, những sản phẩm này có phải hàng chính hãng không. Theo chị, hàng chị nhập về chủ yếu là hàng xách tay, hoặc nhờ một số người quen gom hàng từ nước ngoài gửi về.

Bác sỹ Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng khám da liễu cơ sở 2, bệnh viện đại học Y dược TP.HCM cho biết, hiện nay do nhu cầu làm đẹp tăng nhiều nên người tiêu dùng sử dụng mỹ phẩm tăng lên. Đáng nói việc mua nhầm mỹ phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, hàng gian, hàng nhái khiến cho nhiều người tự rước họa vào thân. Tùy từng thành phần khác nhau trong mỗi loại mỹ phẩm mà người dùng gặp phải những tác hại khác nhau.

Có thể có loại mỹ phẩm sẽ giúp cho người dùng nhanh chóng có làn da đẹp, mịn màng, nhưng sau đó lại khiến người dùng bị dị ứng, do lúc này các chất độc có trong mỹ phẩm đã phát huy tác dụng khiến cho người dùng có thể bị teo da, giãn mao mạch, dị ứng da, nám da… vô cùng nguy hiểm.

Nói chung, tùy từng thành phần các chất trong từng loại mỹ phẩm sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng khác nhau. Do đó, để tránh những hậu quả nghiêm trọng hơn, người tiêu dùng cần phải kiểm tra kỹ về những thông tin trên sản phẩm như cơ sở sản xuất, hạn dùng…

Nếu có biểu hiện bất thường như dị ứng, ngứa… phải đến khám chữa tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu uy tín. Một số mỹ phẩm để quá hạn vẫn bị người bán thay nhãn mác, nếu người dùng mua phải cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Những hóa chất trong mỹ phẩm sẽ phát triển thành chất độc hại, khi đã quá thời hạn sử dụng quy định.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Hiện nay, tình trạng mỹ phẩm giả, có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng vẫn tồn tại trên thị trường. Tuy nhiên, tại địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chúng tôi chưa phát hiện và xử lý trường hợp nào.

Qua kiểm tra những cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, chúng tôi đều nhận thấy những chủ kinh doanh đều thực hiện kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, hàng hóa đều có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Việc một số hàng giả hàng nhái là hàng trôi nổi trên thị trường, chúng tôi chưa nghe người tiêu dùng trình báo. Nếu phát hiện, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định. Người tiêu dùng nên phản ảnh cho cơ quan chức năng biết nếu mình sử dụng hàng giả, hàng nhái”.

Sẽ siết chặt quản lý thị trường

Tối 16/7, đại diện đội Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: “Thời gian qua, nhờ đề cao cảnh giác, kiên trì điều tra chúng tôi phát hiện được công ty Huyền Trang thực hiện việc mua bán, chế biến mỹ phẩm giả, nhái với quy mô rất lớn. Chính vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục lên kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, thực hiện việc tăng cường theo dõi để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các việc làm tương tự trên địa bàn”.

Hiểm họa khôn lường đến từ mỹ phẩm
Hiểm họa khôn lường đến từ mỹ phẩm “hàng hiệu” giá rẻ
(Làm Đẹp) – (Phunutoday) – Ở Việt Nam những thương hiệu nổi tiếng mỹ phẩm được bày bán tràn lan và dễ dàng mua được chỉ với vài chục nghìn đồng.

Nguồn: Hải Đăng – Lành Nguyễn (nguoiduatin)/Theo Khỏe & Đẹp

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.