“Ngã ngửa” với 8 sự thật về răng sữa của bé

'Ngã ngửa' với 8 sự thật về răng sữa của bé

Nụ cười móm mém của các thiên thần, nhìn chỉ thấy “hợp tác xã toàn lợi” vậy mà vẫn đáng yêu biết bao. Kể cả khi nhú một hai chiếc răng sữa xinh xinh thì nụ cười ấy cũng khiến bao trái tim bà mẹ “tan chảy”. Bé sẽ mọc đủ 20 chiếc răng sữa khi tròn 2-3 tuổi, và những chiếc răng sữa này chỉ theo bé đến khoảng 6 tuổi mà thôi. Sau 6 tuổi, những chiếc răng sữa sẽ bị thay thế bởi răng vĩnh viễn. Có lẽ chính vì lý do này mà rất nhiều bà mẹ có tâm lý chủ quan, coi thường tầm quan trọng cũng như việc vệ sinh răng sữa. “Răng sữa rồi sẽ mất đi, không tồn tại mãi mãi, vì vậy răng sữa có bị sâu cũng chẳng sao” – là suy nghĩ chung của rất nhiều bà mẹ hiện nay. Mẹ cần biết 8 sự thật rất quan trọng về răng sữa để thay đổi quan niệm lỗi thời này nhé.

'Ngã ngửa' với 8 sự thật về răng sữa của bé

1. Số lượng răng sữa

Bé sẽ mọc đủ răng sữa với số lượng 20 cái. Chiếc răng sữa đầu tiên có thể mọc bất cứ thời điểm nào từ 6 tháng đến 1 tuổi. Chúng tiếp tục mọc và hoàn thiện hoàn toàn đến khi trẻ được 3-4 tuổi.

2. Thời điểm răng sữa rụng

Răng sữa rụng khi răng trưởng thành (răng vĩnh viễn) dưới răng sữa sẵn sàng nhú lên. Răng sữa rụng đi để nhường chỗ cho răng trưởng thành mọc. Khi trẻ được 6 tuổi, chỉ có hai răng cửa ở hàm dưới rụng. Các năm tiếp theo, răng sữa sẽ dần dần rụng với số lượng 2-4 cái. Và đến khi trẻ 10-13 tuổi, răng sữa mới rụng hoàn toàn.

3. Cho bé đi khám răng

Đưa trẻ dưới 1 tuổi đến phòng khám nha khoa có lẽ không phải là thói quen thường xuyên của nhiều bà mẹ Việt. Trên thực tế, trẻ cần được khám răng ngay sau khi nhú chiếc răng sữa đầu tiên hoặc muộn nhất vào sinh nhật một tuổi của bé. Đưa bé đi khám đồng nghĩa với việc bác sỹ nha khoa biết được tình hình răng miệng của bé, từ đó đưa ra những lời khuyên phù hợp cho mẹ trong việc cho bé ăn và vệ sinh răng hàng ngày. Đây được coi là bước phòng tránh đơn giản, lâu dài và hữu hiệu nhất trước các bệnh răng miệng cho bé.

4. Khi bé mọc răng

Khi mọc răng, bé thường có các biểu hiện như lợi sưng, chảy dãi nhiều, kém ăn, ngủ không ngon giấc. Bé cũng trở nên khó tính, cáu kỉnh hơn thường lệ và muốn vơ bất cứ thứ gì để gặm nhấm cho thỏa “cái sự nhức” khi mọc răng. Giai đoạn này, mẹ cần chú ý hơn tới bé, vì bé gặm đồ vật bẩn sẽ có nguy cơ cao bị tiêu chảy. Trên thị trường bán một số loại gặm nướu chuyên dụng cho thời kỳ mọc răng, mẹ có thể nghiên cứu và cân nhắc mua cho bé.

5. Thời điểm bắt đầu đánh răng cho bé

Bé được đánh răng càng sớm thì khả năng bé bị sâu răng hoặc mắc các bệnh về răng miệng càng giảm. Từ giai đoạn sơ sinh đến khi bé mọc chiếc răng sữa đầu tiên, mẹ có thể đánh nướu, lợi cho bé bằng gạc vô trùng nhúng trong dung dịch nước muối 0,09%. Khi bé đã có răng, mẹ hoàn toàn có thể dùng bàn chải đánh răng và kem đánh răng cho bé.

6. Lựa chọn kem đánh răng cho bé

Kem đánh răng có hàm lượng fluoride khoảng 500 ppm phù hợp với trẻ dưới 2 tuổi hoặc đối với những trẻ chưa biết súc miệng và nhổ kem đánh răng ra. Loại kem đánh răng này nếu bé có lỡ nuốt thì cũng không ảnh hưởng nhiều. Khi bé đã biết cách súc miệng, mẹ nên chọn loại kem đánh răng có fluoride với hàm lượng 1000 ppm. 

Như đã nói, tập cho bé biết đánh răng càng sớm thì càng có lợi cho bé sau này. Ở lần đầu tiên giới thiệu kem đánh răng và bàn chải đánh răng với bé, mẹ nên lựa thời điểm bé đang thoải mái, vui vẻ. Tập dần dần, từng chút một, không ép buộc bé, nếu bé cảm thấy khó chịu thì phải ngừng ngay. Trước khi tập cho bé đánh răng, mẹ cũng có thể cho bé nhìn cảnh bố mẹ đánh răng rất vui vẻ trước gương. Nói cho bé hiểu kem đánh răng tạo bọt như thế nào, bàn chải đánh răng giúp lấy đi con vi khuẩn như thế nào. Dần dần, não bé sẽ tiếp nhận và bé sẽ làm quen với việc đánh răng dễ dàng hơn. Hoặc mẹ cũng có thể cho bé làm quen với bàn chải đánh răng trước, tự cho bé cầm và đứng trước gương. Mỗi lần tập không nên quá dài, chỉ khoảng 3-5 phút. Khi bé tìm được niềm vui trong việc đánh răng thì bé sẽ không coi đánh răng là nhiệm vụ bắt buộc nữa. Mẹ tuyệt đối không dọa bé, nếu không đánh răng thì không được đi chơi, không được bố mẹ yêu… Bé sẽ hình thành tâm lý ghét việc đánh răng đấy.

7. Sâu răng

Những bé ăn sữa đêm, bú đêm có nguy cơ mắc sâu răng cao hơn những bé khác. Khi bé vừa ăn sữa vừa ngủ, một lượng sữa chưa được bé nuốt hết vẫn còn vương ở các kẽ răng. Răng cửa và răng hàm là hai răng dễ bị sâu nhất, vì vậy đánh răng thường xuyên hai lần một ngày cho bé là cách duy nhất ngừa sâu răng hiệu quả.

8. Khám răng định kỳ

Khám răng định kỳ 2 lần/ năm được khuyến nghị đối với mọi trẻ em. Khám răng sẽ tầm soát được nguy cơ mắc các bệnh về răng, từ đó bố mẹ sẽ có những điều chỉnh phù hợp để bảo vệ sức khỏe răng miệng cho con em mình.

Việt HàDịch từ HS

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.