Ngôi sao hình cầu hoàn hảo cách Trái Đất 5.000 năm ánh sáng

Ngôi sao hình cầu hoàn hảo cách Trái Đất 5.000 năm ánh sáng

Các nhà thiên văn học Đức phát hiện một ngôi sao khổng lồ có dạng hình cầu gần như hoàn hảo ở cách Trái Đất 5.000 năm ánh sáng.

Ngôi sao được mệnh danh là vật thể tròn nhất trong tự nhiên mang tên Kepler 11145123, lớn gấp đôi và quay chậm hơn ba lần so với Mặt Trời, theo nghiên cứu công bố hôm 16/11 trên tạp chí Science Magazine. Các nhà thiên văn phân tích vòng quay của Kepler 11145123 rất bất ngờ khi phát hiện khác biệt trong đường kính giữa xích đạo và vùng cực của ngôi sao vô cùng nhỏ.

“Điều này khiến Kepler 11145123 trở thành vật thể tự nhiên tròn nhất từng được đo đạc. Ngôi sao thậm chí còn tròn hơn cả Mặt Trời”, Phys.org dẫn lời Laurent Gizon ở Viện nghiên cứu hệ Mặt Trời Max Planck và Đại học Göttingen.

Ngôi sao hình cầu hoàn hảo cách Trái Đất 5.000 năm ánh sáng
Kepler 11145123 (màu xanh trắng) được cho là vật thể tròn nhất trong tự nhiên mà các nhà nghiên cứu từng đo. (Ảnh: Mark A. Garlick).

Những ngôi sao không phải hình cầu hoàn hảo. Khi xoay tròn, chúng trở nên dẹt do lực ly tâm. Phát hiện mới đánh dấu lần đầu tiên các nhà thiên văn học đo thành công độ dẹt của một ngôi sao quay chậm với độ chính xác lớn nhất từ trước tới nay.

Nhóm nghiên cứu xác định độ dẹt của ngôi sao bằng công nghệ dao động sao. Họ áp dụng công nghệ này cho ngôi sao ở cách Trái Đất 5.000 năm ánh sáng và nhận thấy khác biệt giữa bán kính xích đạo và vùng cực của ngôi sao chỉ ở mức ba kilomet. Đây là con số vô cùng nhỏ khi so với bán kính 1,5 triệu km của ngôi sao. Phép đo chỉ ra quả cầu khí Kepler 11145123 thực sự rất tròn.

Gizon và đồng nghiệp chọn nghiên cứu Kepler 11145123 vì ngôi sao có dao động hình sin. Sự mở rộng và co lại theo chu kỳ của ngôi sao có thể được phát hiện qua biến động trong độ sáng của ngôi sao đó. Tàu vũ trụ Kepler của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) quan sát dao động của ngôi sao liên tục trong hơn 4 năm. Mô hình dao động thay đổi tương ứng với vĩ tuyến của ngôi sao. Nhóm nghiên cứu so sánh tần số dao động ở những vùng vĩ tuyến thấp với tần số ở vĩ tuyến cao.

Các nhà nghiên cứu kết luận sự tồn tại của từ trường ở vĩ tuyến thấp có thể khiến ngôi sao tròn hơn. “Chúng tôi dự định áp dụng phương pháp này với những ngôi sao khác mà tàu Kepler quan sát. Chúng tôi đặc biệt thích thú khi theo dõi tốc độ quay nhanh và từ trường mạnh hơn có thể thay đổi hình dáng một ngôi sao như thế nào”, Gizon chia sẻ.

 

Theo VnExpress