Nguy cơ vô sinh vì mua mỹ phẩm theo… thói quen

mỹ phẩm
mỹ phẩm
Giữa một “rừng” mỹ phẩm, người tiêu dùng cần tỉnh táo lựa chọn. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Mua hàng dễ dãi…

Tiến hành khảo sát ở một loạt các siêu thị và cửa hàng tiện ích, chúng tôi giật mình khi hầu hết những người được tham gia hỏi đều tỏ ra… ngu ngơ với thông tin việc Cục Quản lý Dược, Bộ y tế, cấm lưu hành đối với các sản phẩm mỹ phẩm có chứa 5 loại paraben. Đa phần các khách hàng đều khẳng định, họ mua các sản phẩm theo thói quen, loại nào dùng thấy hợp là dùng, chưa bao giờ để ý đến các thành phần có trong từng sản phẩm cụ thể. 

Chị Thúy Hà, chuyên viên của Hội Rối loạn đông máu Việt Nam còn cho biết, chỉ khi mua sữa bột cho con chị mới để ý đến các thành phần của từng loại để so sánh, còn các loại sản phẩm như dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt, dưỡng da… chị đều mua theo thương hiệu uy tín, thấy dùng ổn là cứ tiếp tục dùng, không bao giờ để ý xem thành phần cấu tạo của sản phẩm bao gồm những chất gì. 

Đây có lẽ không phải là điều bất ngờ bởi hầu hết người Việt đều mua hàng theo thói quen. Hầu hết chúng ta đều chưa có thói quen xem kỹ thành phần cấu tạo mỗi khi mua một sản phẩm nào đấy. Tất cả những thông tin trên sản phẩm đều bị bỏ qua, “nếu có đọc, đôi khi chỉ xem hạn sử dụng và hướng dẫn sử dụng” – chị Quỳnh Hoa, cán bộ Ngân hàng Vietinbank cho hay. 

Thậm chí, nhiều nhân viên ở các cửa hàng thuốc, những người cũng đã khá quen thuộc với các thành phần hóa chất, sinh học trong các sản phẩm cũng cho biết, họ chưa có thói quen “soi” các thành phần ở các sản phẩm tiêu dùng, vẫn mua hàng với thói quen, sự quen thuộc của các thương hiệu đối với các gia đình Việt. 

Những người thường xuyên tiếp xúc với các chất, các thành phần hóa học có trong thuốc còn thờ ơ với những thành phần cấu tạo sản phẩm tiêu dùng thì cũng dễ hiểu đối với thói quen mua bán của đại đa số người Việt hiện nay. 

Tác hại khôn lường

Paraben là một hóa chất dùng trong bảo quản có thể tìm thấy trong các loại kem dưỡng, dầu gội đầu, sản phẩm chăm sóc da… Theo các nghiên cứu tại châu Âu, chất parabens vẫn thường được sử dụng làm chất bảo quản trong 80% mỹ phẩm, nhiều loại thực phẩm và dược phẩm để chống nấm mốc phát triển và vi sinh vật có hại cho con người. Một thống kê cho thấy, hiện nay, hơn 22.000 loại mỹ phẩm trên thị trường đang sử dụng các chất bị cấm này. 

Có thể thấy đang có một nguy cơ rất lớn đối với người tiêu dùng trên toàn thế giới nói chung và người tiêu dùng Việt Nam nói riêng. Cụ thể, nhiều loại mỹ phẩm bôi da có chứa parabens  cản trở sự bài tiết của da, làm bít lỗ chân lông, gây mụn. Nguy hiểm hơn, chất này được khuyến cáo có khả năng gây ung thư và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Vậy làm cách nào để phổ biến nhanh chóng các loại chất cấm này đến người tiêu dùng, để tạo cho họ một thói quen mua hàng thông minh và đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình?

Đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, Cục đã có văn bản khẩn gửi các Sở Y tế thông báo về việc ngưng sử dụng 5 loại dẫn chất paraben trong hóa mỹ phẩm, đồng thời quy định nồng độ hỗn hợp methylisothiazolinone (MCT+MIT) cho phép theo lộ trình của Cộng đồng châu Âu và ASEAN. 

Theo đó, 5 loại dẫn chất của paraben (isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben) chỉ được phép có mặt trong mỹ phẩm lưu hành trên thị trường Việt Nam đến ngày 30/7. Còn đối với sản phẩm sử dụng chất bảo quản methylisothiazolinone sản xuất trong nước, nhập khẩu được phép lưu thông trên thị trường đến hết ngày 30/4/2016.

Ngoài ra, Cục cũng cho biết, Cục mới áp dụng việc công bố lưu hành sản phẩm qua mạng Internet, từ đó có thể kiểm soát thành phần sản phẩm được công bố hiệu quả hơn cách thức cũ. Sau khi sản phẩm lưu hành, nếu doanh nghiệp cố tình sử dụng paraben và các chất bị cấm trong sản phẩm thì ngoài phạt tiền còn có hình phạt bổ sung là rút chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, thu hồi, ngừng lưu hành sản phẩm…

Đại diện Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các cơ quan thông tin truyền thông liên tục đưa tin về các hoạt chất nguy hiểm này để người tiêu dùng có thể… quen mặt với những chủng loại hóa chất rất khó nhớ này, đồng thời cũng mong muốn “Bằng cách nào đó, chúng ta cần tạo thói quen xem kỹ thành phần trước khi chọn mua hàng cho người tiêu dùng”.

Mỹ phẩm
Mỹ phẩm “rởm” – hệ lụy khôn lường và cách phòng tránh
(Làm Đẹp) – Nên học cách phân biệt mỹ phẩm kém chất lượng để bảo vệ sức khỏe.

Nguồn: Nguyên Anh (baophapluat)/Theo Khỏe & Đẹp

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.