Những cách tiết kiệm chi phí cưới “độc đáo” ở Anh

Những cách tiết kiệm chi phí cưới

Một thống kê quốc gia về số tiền tổ chức đám cưới cho thấy trung bình các cặp vợ chồng trẻ nước Anh sẽ phải bỏ ra 24.000£ (khoảng 842 triệu VNĐ) cho ngày chung đôi của mình. Con số này thực sự là một thách thức đối với những người có thu nhập chỉ ở mức đủ sống. Vì vậy, mới đây ở Anh đã rộ lên một trào lưu đám cưới mới gọi là: khách mời tự trả tiền. Đúng như tên gọi, trong đám cưới kiểu này, bàn tiệc có những món gì với giá cả ra sao sẽ do khách mời quyết định – vì họ chính là chủ chi.

Nếu không thích chọn cách trên, để giải quyết bài toán chi phí, giờ đây nhiều cô dâu – chú rể nước Anh sẽ dùng “mẹo” để yêu cầu khách mời tặng tiền thay cho quà cưới. Số tiền này có thể dùng để bù vào chi phí tổ chức tiệc đã mất, hoặc để cặp vợ chồng mới cưới đi nghỉ tuần trăng mật. Dưới đây là một số “mẹo” gây tranh cãi mà cô dâu – chú rể nước Anh đã áp dụng để có thể tiết kiệm ngân sách đám cưới của mình.

1. Yêu cầu khách mời tự trả tiền ăn tiệc cưới

Nếu bạn lọt vào danh sách khách mời trong một đám cưới ở Anh, đừng bất ngờ khi nhận được tấm thiệp mời có ghi cả thông tin tài khoản ngân hàng của cô dâu/ chú rể bên trong. Điều đó có nghĩa là bạn đã được hai nhân vật chính của bữa tiệc yêu cầu tự trả tiền ăn, uống và giải trí của mình.

Charlotte – một người chuyên lên kế hoạch tổ chức tiệc cưới, hiện nay đang làm việc tại một trung tâm tiệc cưới ở London đã bình luận rằng: “Đó là hành vi trơ trẽn. Việc bắt khách mời phải nộp tiền vào ngân hàng sẽ khiến họ cảm thấy không được tôn trọng và làm mất đi niềm vui vốn có của sự kiện trọng đại này”.

Nhưng yêu cầu khách tự trả tiền ăn cho tiệc cưới vẫn chưa “độc đáo” bằng việc nhắc họ nên mang theo thức ăn riêng từ nhà đi. Một khách mời đám cưới cho biết: “Một cặp đôi là bạn tôi đã nhắc tất cả khách mời hãy mang theo thức ăn từ nhà đi khi đến tham dự tiệc cưới của họ. Vì có nhiều người chủ quan, chỉ mang theo vài cái bánh ngọt nên chẳng mấy chốc đã thấy đói bụng. Cuối cùng chúng tôi đã phải cắt ngang buổi tiệc để đặt bánh sandwich giao hàng tận nơi”.

Có lẽ vì thấy việc yêu cầu khách tự mang thức ăn vẫn chưa đủ để “tiết kiệm” chi phí cưới, một số cô dâu – chú rể thậm chí còn đề nghị khách mời ở lại sau tiệc cưới để giúp họ dọn dẹp.

2. Bán quà cưới lấy tiền

Những món quà cưới là đồ dùng trong nhà như bộ ly tách uống trà, bàn là, ti vi… đang dần trở nên “lạc hậu” ở Anh. Trên thực tế, nhiều cô dâu – chú rể, đặc biệt là những cặp đôi đã chung sống trước hôn nhân không thật sự vui sướng khi nhận được quà là dụng cụ làm bếp hay thiết bị điện tử trong nhà. Bởi vậy, nếu không thể “nhắc khéo” để khách mời tặng tiền mặt thay cho một món quà không có giá trị sử dụng, cặp vợ chồng trẻ sẽ bán quà lấy tiền – theo nghĩa đen.

Dịch vụ đổi quà cưới lấy tiền đang ngày một phát triển hơn ở Anh. Với dịch vụ này, bạn có thể bán những món đồ không hữu dụng với mình để đổi lấy tiền mặt hoặc một món đồ khác có giá trị tương đương.

“Hành động đó có thể làm người tặng quà bị tổn thương nghiêm trọng. Ai có thể không buồn khi biết món quà đã được mình dành nhiều thời gian và công sức mua tặng lại bị bán đi một cách dễ dàng như vậy?”, Charlotte nói.

3. Yêu cầu khách mời “quyên tiền” cho “quỹ tuần trăng mật”

Ngày càng có nhiều cặp vợ chồng trẻ ở Anh “thẳng thừng” yêu cầu khách mời hãy góp tiền vào “quỹ tuần trăng mật” của họ thay vì tặng những món quà không biết có cần thiết hay không.

Trên thực tế, cách này rất có lợi cho cô dâu – chú rể vì số tiền họ thu về từ khách mời thường nhiều hơn số tiền họ thực chi cho kỳ nghỉ tuần trăng mật của mình.

4. Gửi email thay cho thiệp mời

Sức mạnh của truyền thông điện tử và Internet đang thay đổi tập quán gửi lời mời đám cưới của người Anh. Ngày nay, bạn có thể sẽ nhận được một email thông báo tới dự đám cưới người quen chứ không phải chiếc thiệp giấy truyền thống nữa. Một khách mời đám cưới nói rằng: “Đúng là tôi vẫn nhận được một lời mời đúng nghĩa với đầy đủ thông tin về tiệc cưới, nhưng tôi lại thấy buồn và thiếu vắng điều gì đó”.

Không chỉ dùng email thay cho thiệp mời, nhiều cặp vợ chồng trẻ còn dùng luôn công cụ liên lạc nhanh này để gửi lời cảm ơn các vị khách đã tặng quà. Charlotte bình luận: “Lại là một hành vi thiếu lịch sự khác. Nếu ai đó đã đủ hào phóng để mua quà tặng bạn, lẽ ra bạn không nên tiếc công ngồi xuống mà cảm ơn họ bằng thư tay”.

5. Chỉ phục vụ rượu champagne cho bàn VIP

Một số cô dâu – chú rể ở Anh lại nghĩ ra những cách khó tin khác để tiết kiệm ngân sách cưới của mình như chỉ phục vụ rượu champagne cho bàn VIP. Điều này có nghĩa là chỉ bàn hai nhân vật chính, cùng với phù dâu, phù rể và người thân nhất của gia đình mới được phục vụ rượu champagne. Các bàn khác sẽ vẫn được phục vụ rượu nhưng sẽ là loại vang rẻ tiền hơn nhiều.

Tất nhiên, các nhân viên phục vụ bàn sẽ phải nắm rõ “bí mật” này và phải tuyệt đối lưu ý để không phục vụ nhầm rượu chất lượng bình dân cho bàn VIP và ngược lại.

Một người chuyên cung cấp sản phẩm cho tiệc cưới tại Somerset nói: “Cô dâu – chú rể nghĩ rằng khách mời của họ sẽ không nhận ra, nhưng sự thực không phải lúc nào cũng êm đẹp như vậy. Cá nhân tôi thấy đây là một việc làm đáng xấu hổ”.

Việc này cũng tương tự như làm một chiếc bánh cưới “giả mạo”. Bánh nhìn có vẻ khổng lồ, nhưng trên thực tế chỉ có mỗi phần đỉnh chóp là thật, còn lại là bánh kem ruột gỗ.

6. Xin tài trợ trang phục cưới

Nếu bạn là một minh tinh màn bạc hoặc ngôi sao sân khấu… bạn chỉ cần thông báo sắp làm đám cưới là sẽ có hàng loạt các thương hiệu thời trang liên hệ để làm nhà tài trợ cho trang phục cưới cho bạn. Còn nếu bạn không phải người nổi tiếng, cách tốt nhất là hãy chủ động xin tài trợ. Và đó điều các cô dâu nước Anh đang làm.

Đại diện một nhãn hàng về các sản phẩm làm đẹp và thời trang cho biết: “Chúng tôi ngày càng nhận được nhiều yêu cầu làm nhà tài trợ cho các cô dâu vô danh. Một số cô dâu có hứa hẹn là sẽ đăng tải hình ảnh thương hiệu chúng tôi lên blog cá nhân, nhưng một số người lại sỗ sàng tới mức đòi hỏi được cung cấp trang phục cưới nhưng lại không có bất cứ hành động đáp lễ nào cả”.

Sau khi nhận được email xin tài trợ rất ngắn gọn của một cô dâu như sau: “Vợ chồng tôi thích sản phẩm của hãng. Chúng tôi cần trang phục cho 50 khách mời đám cưới”, hãng này đã gửi đi 50 bộ quần áo thể thao để “đáp ứng” nguyện vọng cô dâu nọ.

7. Nhờ bạn bè làm hết các công việc chuẩn bị

Việc người thân, bạn bè giúp đỡ công việc chuẩn bị trước và trong ngày cưới là chuyện bình thường ở mọi quốc gia, tuy nhiên một số cô dâu nước Anh đang có những bước tiến xa hơn. Vì không muốn tốn quá nhiều chi phí thuê đội ngũ tổ chức cưới, cô dâu – chú rể sẽ “huy động” toàn bộ bạn bè thân thiết để làm tất cả mọi công việc liên quan tới lễ cưới, từ trang điểm cô dâu cho tới chụp ảnh cưới, thậm chí là nấu ăn cho bữa tiệc. Điều đáng nói ở đây là không phải vì sự đóng góp đó mà họ sẽ “thoát” được khỏi bổn phận tặng quà cưới cho cặp vợ chồng trẻ.

Một chuyên gia trang điểm và làm tóc ở London nói: “Nhiều cô dâu – chú rể chỉ quen biết xã giao nhưng đều yêu cầu tôi phải giảm giá, thậm chí trang điểm miễn phí cho họ trong lễ cưới. Đó thực sự là một thách thức lớn đối với công việc của tôi”.

8. Kinh doanh đám cưới

Một số cặp vợ chồng người Anh có đầu óc kinh doanh đã biến đám cưới của họ thành một cơ hội kiếm tiền đáng giá.

Những đồ dùng, dụng cụ trang trí nội thất tiệc cưới sẽ được họ bán lại trên trang eBay hậu đám cưới. Georgia Mathieu – một “cựu” cô dâu thậm chí còn lập ra hẳn một trang web tên là onceuponadetail.com chuyên cho thuê dụng cụ trang trí đám cưới. Trang web này kinh doanh đủ loại mặt hàng từ bát, đĩa, ly, tách đến lồng chim và giá đựng nến.

Cặp vợ chồng Rosie và Steve cũng có ý tưởng tương tự khi lập trang web avintagewedding.co.uk để cho thuê lại đồ dùng đám cưới họ từng sử dụng trong ngày trọng đại của chính mình cách đây ba năm.

Một sản phẩm đang được rao cho thuê trên trang avintagewedding.co.uk.

Khoản thu từ công việc kinh doanh này không chỉ đủ để bù đắp lại chi phí họ từng bỏ ra cho đám cưới mà còn dư để họ tiếp tục phát triển công việc làm ăn.

9. Tách nhóm khách mời

Phải làm gì khi bạn có quá nhiều bạn bè cần mời đến dự tiệc cưới nhưng không gian tổ chức tiệc lại quá nhỏ? Một số cô dâu Anh đã nghĩ ra một cách “độc đáo”: tách nhóm khách mời.

Tách nhóm khách mời có nghĩa là sẽ chỉ có một vài khách VIP được tham gia bữa tiệc từ đầu tới cuối, số khách còn lại sẽ được mời đến vào các giai đoạn khác nhau của bữa tiệc. Charlotte cho rằng cách làm này không mang lại điều gì tốt đẹp. Cô nói: “Tôi khó mà chấp nhận được ý tưởng rằng chỉ một số khách VIP mới được mời đến ăn tiệc, còn các khách khác sẽ đến khi bữa ăn đã tàn cuộc và chỉ được phục vụ nước uống”.

Trên thực tế, việc tách nhóm khách mời này quả thực có thể giúp cô dâu – chú rể tiết kiệm chi phí thuê địa điểm tổ chức tiệc và ăn uống, tiệc tùng.

Nguồn: Theo Dailymail.com.uk

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.