Những dấu hiệu loét đường tiêu hóa

Những dấu hiệu loét đường tiêu hóa

Loét đường tiêu hóa là vết loét trên niêm mạc đường tiêu hóa, gồm thực quản, dạ dày, tá tràng và ruột. Vết loét có thể gây chảy máu, thủng dạ dày, gây hẹp môn vị làm cho thức ăn từ dạ dày không xuống được ruột và ung thư hóa.

  • 1

    Loét tiêu hóa chủ yếu do nhiễm khuẩn

    Trước đây, người ta thường cho rằng loét tiêu hóa gây ra bởi stress hoặc do thức ăn có quá nhiều chất chua. Nhưng hiện nay, khoa học đã chứng minh, hầu hết các vết loét tiêu hóa đều do nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn có tên Helicobacter pylori (H.pylori). Dịch tiết của dạ dày gồm acid và các dịch tiết khác có thể góp phần hình thành loét bằng cách gây bỏng ở niêm mạc đường tiêu hóa. Loét theo cách này xảy ra khi dạ dày người bệnh sản sinh ra quá nhiều acid hoặc khi niêm mạc đường tiêu hóa đã sẵn bị tổn thương do một nguyên nhân khác.

    Sự căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần không nhất thiết là nguyên nhân gây ra loét, nhưng có thể làm nặng hơn một vết loét có sẵn. Loét còn do các thuốc kháng viêm nếu sử dụng chúng lâu dài sẽ thương tổn ở niêm mạc dạ dày dẫn đến loét. Các thuốc kháng viêm hay gặp gây loét là: aspirin, ibuprofen, naproxen, ketoprofen và một số loại thuốc khác thường dùng để điều trị viêm khớp. 

     

    Những dấu hiệu loét đường tiêu hóa 

    Loét niêm mạc dạ dày.

  • 2

    Một số triệu chứng điển hình

    Bệnh nhân bị loét tiêu hóa có thể thấy một hay nhiều hơn các triệu chứng sau đây. Đang bị đau nhưng cảm thấy khá hơn sau khi ăn uống, rồi lại đau hơn vào 1 – 2 giờ sau đó thường do loét tá tràng. Nếu bạn bị loét dạ dày thì cảm thấy đau và khó chịu hơn sau khi ăn uống. Đau thượng vị thường làm bạn thức giấc vào ban đêm; cảm giác ăn mau no; cảm giác nặng, đầy hơi, nóng hay đau âm ỉ vùng thượng vị; ói mửa; giảm cân…

    Hầu hết bệnh nhân loét tiêu hóa chỉ có biểu hiện đau vùng thượng vị. Tuy nhiên, có những bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng nào. Mặc dù vậy, vết loét có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như: các vết loét có thể chảy máu; nếu vết loét trở nên quá sâu, chúng có thể gây thủng dạ dày; vết loét co kéo có thể gây tắc nghẽn khiến thức ăn không đi qua được dạ dày như trường hợp bị hẹp môn vị, sẽ gây ra buồn nôn, ói mửa và giảm cân. Các dấu hiệu nặng của loét tiêu hóa là: nôn ra máu; nôn ra thức ăn từ những ngày trước; cảm thấy lạnh run; cảm thấy yếu bất thường hoặc chóng mặt; có máu trong phân, máu có thể làm cho phân có màu đen giống hắc ín; buồn nôn liên tục hoặc nôn mửa hay tái diễn; đau dữ dội, đột ngột ở thượng vị; giảm cân liên tiếp; mặc dù đã uống thuốc chống loét nhưng vẫn không hết đau; đau lói ra sau lưng.

  • 3

    Điều trị loét tiêu hóa

    Để điều trị loét tiêu hóa phải tiệt trừ vi khuẩn H.pylori. Điều trị còn nhằm mục đích giảm lượng acid dạ dày, trung hòa acid và bảo vệ vùng tổn thương giúp nó có cơ hội tự lành. Đối với bệnh nhân hút thuốc lá và uống rượu, điều quan trọng là phải ngưng hút thuốc và uống rượu vì chúng gây tổn thương cho niêm mạc đường tiêu hóa.

    Những dấu hiệu loét đường tiêu hóa 

    Vi khuẩn Helicobacter pylori gây loét đường tiêu hóa. 

    Điều trị bộ ba là dùng bộ ba trị liệu để loại bỏ vi khuẩn H.pylori. Đó là sự kết hợp của 2 kháng sinh với Subsalicylate bismuth hoặc một số kết hợp khác cũng có hiệu quả. Liệu pháp này thường kết hợp với các thuốc làm giảm lượng acid do dạ dày tiết ra.

    Thuốc được sử dụng để giúp điều trị các vết loét là hai loại thuốc: thuốc chẹn thụ thể H2 và thuốc ức chế bơm proton, làm giảm lượng acid do dạ dày tiết ra. Thuốc kháng acid trung hòa lượng acid do dạ dày sản xuất ra. Sucralfate là một loại thuốc bao phủ và che chở, bảo vệ ổ loét khỏi chất acid chờ thời gian lành vết loét. Thời gian bệnh nhân cần dùng thuốc: điều trị loại bỏ vi khuẩn H.pylori thường mất khoảng 2 – 3 tuần. Sau đó là dùng thuốc giảm acid dạ dày trong 8 tuần. Kết quả là hầu hết các vết loét đều lành trong khoảng thời gian này. Trường hợp các triệu chứng trở lại sau khi ngừng uống thuốc, bác sĩ có thể phải thay một loại thuốc khác hoặc dùng một liều thuốc thấp để duy trì mỗi ngày, ngay cả khi không đau, để ngăn ngừa loét tái phát.

  • 4

    Những điều nên kiêng khi bị loét tiêu hóa

    Không hút thuốc lá, thuốc lào; không dùng các loại thuốc kháng viêm như aspirin, ibuprofen…; không uống cafe và rượu bia; không ăn các thức ăn nhiều gia vị cay nóng như tiêu, ớt, tỏi, gừng; không ăn các thức ăn có vị chua như canh chua, dưa, cà muối chua, các loại rau quả chua như chanh, sấu, khế, tầm duột, me, cam, quýt, bưởi, lá giang, quả bứa… Nên ăn thành nhiều bữa trong một ngày, ăn thường xuyên hơn khi đang bị đau do loét tiêu hóa; không uống các loại nước có ga; không ăn các thức ăn cứng, khó tiêu như vỏ tôm, vỏ tép, hạt ổi, hạt cà chua; không ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh; không làm việc nặng trước và ngay sau bữa ăn; không thức khuya; tránh mọi căng thẳng về thể chất và tinh thần…