Những lời khuyên tiết kiệm hợp lý cho dân văn phòng

Những lời khuyên tiết kiệm hợp lý cho dân văn phòng

1. Đừng mua hàng tiêu dùng với số lượng lớn:
Lâu nay người ta vẫn khuyên, với những mặt hàng thiết yếu như nước mắm, xà phòng,… vì đằng nào cũng phải dùng, nên hãy mua nhiều, mua cả dây, cả lố, cả bịch về cho rẻ. Thực ra lời khuyên này áp dụng với đối tượng dân văn phòng, tôi thấy không hợp lý chút nào.
Thứ nhất, dân văn phòng là nhóm có thu nhập đều đặn. Có thể ít – có thể nhiều nhưng nhấn mạnh là đều đặn. Vậy nên với mỗi tháng nhận lương, thì việc đầu tiên là phải cân nhắc chi tiêu, dự phòng cho tất cả các khoản chi thiết yếu trước, xa xỉ phù phiếm sau. Nếu hàng tiêu dùng cứ mua tham, ôm đồm nhiều thì số tiền cho mỗi khoản sẽ bị nhân lên đôi ba lần, thậm chí hang chục lần. Vậy là hao hụt vào khoản khác. Chưa kể, tâm lý mua “tham” còn gây ra những khó khăn khác về sinh hoạt như bố trí chỗ để, bố trí thời gian để đi mua ở đại lý lớn và vận chuyển… Nhà cửa tự nhiên trở nên lôi thôi, xộc xệch bởi những bịch hàng hóa dùng không biết đến bao giờ mới hết! Mà chuyện lớn tiếp theo, là nó thực sự không hề tiết kiệm nhiều. Bởi mức độ chênh lệch trong hàng tiêu dùng, giữa giá sĩ và giá lẻ thường không quá 5%. Mua 100 nghìn chỉ bớt được 5 nghìn thôi! Nghĩ đến đã thấy không hề hiệu quả rồi!
2. Cẩn thận với hàng giảm giá:
Văn phòng luôn là nơi cập nhật nhanh nhất những xu hướng thời trang, mà lại lắm thị phi. Bởi vậy, có những mặt hàng tuy sale off tận cùng nhưng khi đã hết mốt, lỗi mùa thì bạn đừng cố mua về, vì sẽ trở thành thảm họa thời trang, làm trò cười cho các đồng nghiệp nhiều chuyện tham gia bàn tán. Thêm nữa, cái thời gian ngồi canh me, dè chừng thông tin sale off ấy, bạn làm được khối điều hay ho. Tốt nhất là hãy thật tỉnh với thông tin sale off! Và tiết kiệm thời gian của mình!

Những lời khuyên tiết kiệm hợp lý cho dân văn phòng

3. Đừng quy đổi những thứ nhỏ nhặt thành món lớn:
Một ví dụ cụ thể về việc uống café đắt hơn mua laptop mà người ta vẫn truyền tai nhau, đó là việc nhân giá tiền của một ly cafe với số ngày/tháng, số tháng/năm. Ví dụ, với mỗi ngày 30k, mỗi tháng 26 ngày, mỗi năm, số tiền café của bạn có thể suýt soát 10 triệu đồng! Trong khi đó với chiếc laptop 20 triệu, bạn có thể dung 3 năm, nghĩa là chưa đến 7 triệu tiền laoptop/năm. Nếu bạn gọi café ngoài hàng quán thì số tiền còn ghê gớm hơn nhiều! Nhưng vấn đề ở chỗ, bạn không thể làm việc một cách tập trung nếu không có café. Nếu để “cơn nghiện” nổi lên, bạn sẽ mất rất nhiều hiệu quả trong những công việc khác. Vậy thì vấn đề cần lưu ý chỉ là tránh những loại café bị nghi ngờ chứa quá nhiều hóa chất. Tránh đồ ăn vặt gây lãng phí. Tránh việc không chủ động để pha café tại phòng, để phải mua sắm hàng quán quá nhiều. Chứ đừng cực đoan đến mức xuýt xoa “uống café đắt hơn laptop”.
4. Hãy cứ mua hàng trả góp nếu cần:
Nhấn mạnh yếu tố đều đặn của thu nhập với dân văn phòng, nếu thực sự cần, hãy cứ mạnh dạn mua hàng trả góp. Đồng ý là số tiền cuối cùng bạn thanh toán sẽ bị cộng thêm một (vài) triệu do lãi phát sinh, tùy vào chương trình vay, thời gian vay. Nhưng không gì tốt hơn là việc một tháng được phép bỏ ra một khoản nhỏ , trong tầm tay cho món đồ công nghệ mà mình rất cần phải có cho công việc. Tất nhiên, vay mượn người thân, bạn bè… sẽ không mất lãi, nhưng nói công bằng, bạn khó mà có thể để dành ra một khoản dứt khoản để trả nợ, mà những người thân thì luôn muốn cho vay một lần, nhận về “một cục” thay vì trả dần như khi trả góp.
Tuy nhiên, lưu ý là món đồ công nghệ này phải là thứ để dành cho công việc: laptop, máy ảnh… Smartphone không được coi là hữu ích cho dân văn phòng. Bởi lý do ngay sau đây!
5. Đừng mua smartphone đắt tiền:
Ngày mà tôi chạm tay vào siêu phẩm smartphone (đắt ngang ngửa chiếc laptop đang dùng cho công việc), tôi đã hình dung ra mình thật nhanh nhạy, năng động. Hình dung ra mình sẽ thành công ra sao, giải quyết công việc nhanh gọn thế nào. Nhưng suốt một năm nay, nó làm tôi phát chán. Đáng lẽ số tiền dành cho nó, tôi đã có một khoản để dành gọn gàng hoặc them tiền để mua máy ảnh. Lý do tôi ngán phè smartphone là bởi:
– Smartphone quá dễ gây ra sự mất tập trung. Rõ ràng bạn đang cần tập trung cho việc sếp giao, thì nó liên tục báo email, thông báo từ facebook… Việc dừng công việc lại cho facebook, cho các trang web khiến công việc bị đình trệ vô thời hạn và não bị “treo” vô thời hạn theo.
– Smartphone quá “đỏng đảnh”. Dù chất lượng của nó tốt đến đâu, hàng cao cấp mức nào cũng cần tuyệt đối gượng nhẹ. Đừng nghĩ có thể tha lôi đi khắp nơi và vứt xoành xoạch như “cục gạch” đời đầu. Nó vô cùng mỏng manh dễ vỡ lại thường xuyên trong tình trạng hết pin! Thực tình, nếu bạn quá rảnh rỗi thì hãy dùng nó để lãng phí thời gian. Còn nếu bạn thực sự bận rộn và năng động, thì quên khẩn trương cái thứ “nửa nạc nửa mỡ”, “dở ông dở thằng” ấy đi.
– Nâng cấp lên đời nó thật mệt! Bạn biết đấy, không dùng thì thôi, dùng thì lẽ nào xài đến 3 năm một đời điện thoại! Nghĩ đến số tiền “chạy đua”, tôi đầu hàng rồi đấy! Dừng cuộc đua smartphone ở đây!

Nguyên Ân 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.