Những lưu ý quan trọng khi cho bé bú mẹ

Tư thế cho con bú

Bú là phản xạ bản năng của trẻ, khi sinh ra, bé đã biết tự lần tìm vú mẹ để bú. Thế nhưng, chất lượng bữa bú liệu có phải lúc nào cũng tốt không? Câu trả lời là nếu mẹ không biết cho con bú đúng cách thì… hoàn toàn không! Trẻ có thể bú rất lâu nhưng lượng sữa có được lại rất ít. Và thường là do lỗi tư thế của các mẹ khiến trẻ ngậm bắt vú không tốt. Vậy cho trẻ bú thế nào là đúng cách? Và làm thế nào để biết trẻ đã no chưa?

Tư thế cho bú

Mẹ có thể nằm, ngồi ở tư thế thoải mái nhất, dễ chịu nhất vì bữa bú có thể kéo dài dẫn đến tình trạng mỏi lưng, mỏi tay cho mẹ. Khi cho trẻ bú ngồi, mẹ cần ngồi thẳng lưng, bế trẻ sao cho mặt con đối diện với vú mẹ. Còn khi cho trẻ bú nằm mẹ đặt trẻ nằm song song, miệng ngang tầm vú mẹ. Dù bú kiểu gì thì mẹ cần chú ý đầu và thân trẻ phải thẳng hàng để có hiệu quả tốt nhất. Khi chuẩn bị cho trẻ bú, mẹ dùng tay nâng bầu ngực sao cho đầu ti chạm vào miệng trẻ để kích thích phản xạ tìm vú của bé. Lúc này khi trẻ há to miệng thì mẹ đưa đầu ti vào sao cho miệng bé ngậm cả quầng thâm quanh vú, lưỡi trẻ nằm dưới đầu ti. Mẹ nên bế bé sát mẹ, cằm con phải chạm vào vú mẹ, bụng trẻ nằm sát thân mẹ.

Tư thế cho con bú

Các mẹ nên chú ý luôn giữ đầu và thân trẻ thằng hàng để thuận lợi cho việc bú và nuốt. Việc trẻ chỉ ngậm đầu ti mà không ngậm cả quầng vú cản trở rất nhiều đến quá trình tiết sữa, khiến con thì không no, mẹ thì lại đau. Nếu không điều chỉnh sớm có thể làm trẻ chán và cáu gắt khi bú mẹ. Khi cho trẻ bú các mẹ nên để trẻ bú hết một bên rồi mới chuyển bên kia, điều này giúp trẻ bú hết được dòng sữa cuối nhiều dinh dưỡng và kích thích tiết sữa mới.

Làm thế nào để nhận biết bữa bú có làm bé thoải mái và đủ no không?

Các mẹ đừng lo lắng khi không biết lúc nào trẻ đói bởi nó cũng là một bản năng có sẵn, trẻ sẽ thông báo cho mẹ khi trẻ muốn bú bằng nhiều cách: khóc, dụi vào cơ thể mẹ…

Bằng cách đơn giản dưới đây, mẹ chỉ cần quan sát là có thể biết chất lượng bữa bú:

– Trẻ bú đều, thoải mái và không quấy khóc khi bú.

– Miệng ngậm trùm hết quầng vú mẹ, môi không bị mút vào.

– Má không hóp vào khi bú.

– Mẹ không thấy đau đớn khi trẻ mút sữa.

– Phần hàm của trẻ di chuyển đều đặn.

– Do dạ dày của trẻ nằm đứng nên khi ăn no trẻ thường ợ một tiếng và trớ 1 chút sữa.

Tư thế cho con bú
>> 9 điều tuyệt vời mà một ông bố tốt nên làm để giúp vợ cho con bú

Lưu ý:

Ngoài việc cho trẻ bú đúng tư thế, mẹ nên chuẩn bị thêm một vài vật dụng: khăn xô mỏng sạch để lau sữa khi trẻ bú bên này nhưng vú bên kia cũng căng sữa quá. Không nên để sữa chảy dính vào quần áo gây mất vệ sinh. Mẹ không nên “thả rông” ngực mà nên dùng loại áo lót không gọng, không đệm dành riêng cho người đang cho con bú. Quần áo phải thay hàng ngày, phơi khô dưới ánh nắng. Nhiều mẹ có thói quen lau sạch vú thường xuyên, thậm chí dùng nước muối để lau rửa do sợ sẽ nhiễm bẩn cho con. Thế nhưng các mẹ hãy yên tâm, chính phần quầng thâm, có các hạt montgomery tiết ra chất nhầy làm đầu vú mềm ra và còn giúp bảo vệ vú mẹ không bị vi khuẩn xâm nhập. Vì vậy các mẹ không cần phải lau quá nhiều. Sự mất chất nhầy đó cũng khiến ngực mất đi yếu tố bảo vệ, thành ra có thể chính sự sạch sẽ quá mức của mẹ còn mang thêm vi khuẩn lạ cho con.

Thiên chức làm mẹ thật thiêng liêng phải không các mẹ? Và dù không được trang bị nhiều kiến thức nhưng bản năng làm mẹ luôn tồn tại trong mỗi người phụ nữ. Hãy trở thành một bà mẹ tuyệt vời của các em bé, mẹ nhé!

Mèo Hoa

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.