Ô nhiễm trên bầu trời Ulan Bator

Bầu trời Ulan Bator nhiều khi khói phủ đặc tới vài giờ đồng hồ

Mông cổ nổi danh là miền đất của Bầu Trời Xanh. Thế nhưng, trong những tháng mùa đông, thủ đô Ulan Bator thường bao phủ với bầu trời dày đặc khói.

Thành phố nằm trong một thung lũng lọt giữa những đỉnh núi. Do vậy, những đám mây khói đen đặc thường bị kẹt phía trên thành phố trong hàng giờ đồng hồ. Ở một số nơi, khói phủ khiến người ta không còn nhìn thấy các toà nhà. Các hãng hàng không hoạt động ở Ulan Bator thường đổ lỗi cho tầm nhìn kém khi huỷ hay hoãn các chuyến bay quốc tế. Khói khiến người ta khó thở và làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân Ulan Bator.

Giám đốc trung tâm nghiên cứu sức khoẻ môi trường tại Ulan Bator, tiến sỹ N Saijaa nói: “Tỷ lệ tử vong đang tăng lên, sức khoẻ người dân kém đi, các bệnh dịch về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi và ung thư phổi thì tăng lên.”

Làn sóng di dân từ vùng nông thôn

Mông Cổ là một trong những quốc gia có dân cư thưa thớt nhất trên thế giới, với chừng 2,6 triệu dân. Tuy nhiên, quốc gia này đang ngày càng trở nên đô thị hoá. Theo Quỹ Dân Số Liên Hợp Quốc, 60% người dân sống tại các vùng thành thị, trong đó có chừng một phần ba tụ về thủ đô Ulan Bator.

Nhiều khu trong Ulan Bator nay biến thành các quận ger

Sarantuya Myagmarjav, một quan chức từ Bộ Thiên nhiên và Môi Trường nói rằng việc dân đổ dồn về thủ đô hồi năm 1991 là do các vấn đề về kinh tế xã hội tại các vùng nông thôn. Đó là thời điểm nước này chuyển sang nền kinh tế thị trường.

Kể từ đó, khuynh hướng đô thị hoá tiếp tục diễn ra, người dân chuyển về Ulan Bator tìm việc làm, lo học hành và hy vọng có một tương lai sáng sủa hơn.

Các con số mới nhất từ Sở Thống kê thuộc Văn phòng thị trưởng thành phố cho thấy có hơn 220 ngàn người đổ về Ulan Bator trong thời gian từ 2000 tới 2006.

Các căn hộ không có nhiều, mà giá lại tương đối đắt. Cho nên nhiều người dựng lều truyền thống, mà trong tiếng Mông Cổ gọi là Ger, tại các khu định cư được gọi chung là các quận ger.

Ở các quận ger, nguồn nước của thành phố không được dẫn tới. Người dân vẫn phải tiếp tục đốt than, đốt củi và bất kỳ thứ gì kiếm được để sưởi ấm. Các quận ger chiếm vai trò lớn trong việc gây ô nhiễm không khí. Thế nhưng các trạm nhiệt điện chạy bằng than và cả số lượng xe hơi ngày càng nhiều cũng góp phần vào làn khói bụi mùa đông.

Tồn tại

Tuvshinjargal cùng chồng và năm con nhỏ chuyển tới sống tại một trong các quận ger của Ulan Bator hồi năm 2001. Gia đình chị từng sống ở một làng quê nhỏ cách đó 95km, nơi họ từng phụ giúp người chị gái chăn nuôi bầy gia súc.

Gia đình Tuvshinjargal hy vọng con cái sẽ được học hành tử tế hơn khi tới Ulan Bator

Khi hầu như cả đàn gia súc chết mất vì thời tiết khắc nghiệt, chị gái chị không nuôi nổi gia đình nữa. Tuvshinjargal nói: “Nếu không có đàn gia súc thì không cách gì sống nổi ở thôn quê. Thêm nữa, chẳng có công việc gì để làm, cho nên không trang trải nổi cuộc sống.”

“Chúng tôi muốn cải thiện cuộc sống và hy vọng dễ tìm được việc ở Ulan Bator hơn.” Tuvshinjargal nói, còn một yếu tố nữa. Đó là việc học hành của bọn trẻ. “Chúng tôi nghĩ có lẽ để con cái đi học ở Ulan Bator thì tốt hơn, vì ở quê khó được tới trường lắm.”

Lực đẩy mới

Cả gia đình đốt than để sưởi ấm gian lều. Họ có điện, nhưng cũng như nhiều gia đình khác sống ở các quận ger, họ không trang trải được tiền điện sưởi ấm. Tuvshinjargal giải thích: “Với chúng tôi, đó là chuyện lớn. Bởi khả năng tài chính không tốt nên chúng tôi chỉ dùng than chứ không dùng sưởi điện được.”

Sở Quản Lý Chất Lượng Không Khí thuộc Nha Khí Tượng Môi Trường thường đo tỷ lệ khí nitrogen dioxide và sulphur dioxide tại bốn điểm quanh thành phố. Trong tháng Giêng, hầu như ngày nào mức độ của cả hai loại khí này cũng đều cao hơn tiêu chuẩn chung của Mông Cổ. Mặc dù ô nhiễm không phải là điều gì mới mẻ, nhưng năm nay, dường như người ta có nhiều lý do hơn để phải hành động.

Trong tháng Mười Hai, biên tập viên của một số tờ nhật báo đã soạn lá thư chung, kêu gọi cộng đồng tài trợ quốc tế hãy giúp làm giảm ô nhiễm không khí cho Mông Cổ.

 

Theo BBC