Phát hiện ‘túi khí’ rộng 60 năm ánh sáng

Sự hình thành tinh thể trong sao chổi

Giới khoa học vừa phát hiện một bong bóng vũ trụ sinh ra từ việc giải phóng chất khí từ một ngôi sao đang chết, có chiều rộng lên đến 60 năm ánh sáng và tuổi xấp xỉ 70.000 năm.

Bức ảnh này được chụp bởi nhà thiên văn học tiến sĩ Don Goldman. Ông đã chụp bức ảnh này từ xa thông qua một đài thiên văn đặt tại phía nam Australia trong khi đang ngồi làm việc tại California, Mỹ.

Tiến sĩ Goldman cho biết: “Vật thể được đặt tên S308 này là một “bong bóng vũ trụ” thể hiện hiện tượng giải phóng chất khí vào phút chót của một ngôi sao đang chết, làm hình thành nên siêu gió dưới dạng một bong bóng.” 

Hình ảnh về túi khí có tên S308.

Đây không phải là một bong bóng tròn hoàn hảo vì nó lan rộng ra trong môi trường liên sao vốn không đồng nhất, do đó nó có thể có những hình dáng khác thường. Đến cuối cùng ngôi sao ở trung tâm sẽ nổ tung thành một siêu tân tinh và phát tán ra vũ trụ những nguyên tố hạt nhân tương tự như những gì đã làm ra chúng ta

Tiến sĩ Robert J. Nemiroff, nhà vật lý thiên văn ở ĐH Kỹ thuật Michigan và Trung tâm NASA Goddard cho biết thêm: “Bong bóng vũ trụ này có kích cỡ vô cùng đồ sộ. Nó nằm trong chòm sao Canis Major và cách chúng ta khoảng 5.200 năm ánh sáng. Ở khoảng cách đó thì đường kính của nó được ước tính vào khoảng 60 năm ánh sáng”. Ông cho biết bong bóng này có tuổi thọ khoảng 70.000 năm.

Nemifoff cho biết thêm, ngôi sao ở trung tâm thuộc nhóm sao Wolf-Rayet là một ngôi sao màu xanh nước biển sáng nằm gần trung tâm của tinh vân “bong bóng” kể trên. Các sao Wolf-Rayet đều có khối lượng gấp 20 lần Mặt Trời và được cho là đang ở một giai đoạn tiền siêu tân tinh ngắn trong vòng đời tiến hóa của sao.

 

Theo Báo Đất Việt (Mail Online)