Phát hiện “vùng chết” ở Đại Tây Dương

Nhóm chuyên gia Đức và Canada lần đầu tiên phát hiện “vùng chết” ở Đại Tây Dương, nơi sự sống không thể tồn tại vì không có oxy hòa tan trong nước.

“Vùng chết” ở Đại Tây Dương

Nhóm chuyên gia sinh vật học chỉ ra rằng những vùng có tỷ lệ oxy bão hòa thấp tồn tại ở Đại Tây Dương, một số có diện tích khoảng 260 km2. Chúng di chuyển liên tục và theo mùa.

Ví dụ một xoáy nước ở đại dương được nhìn từ không gian. (Ảnh: NASA Earth Observatory)

Tại đây, chất dinh dưỡng là thức ăn để tảo phát triển và chúng lần lượt bị vi sinh vật nuốt chửng. Hoạt động này tạo ra chất thải, nhưng sau đó cũng bị vi khuẩn khác ăn. Quá trình trên tiêu tốn rất nhiều oxy và dần hình thành những vùng không có oxy. Động vật biển hoặc cá sẽ chỉ còn hai lựa chọn, di chuyển để sống sót, hoặc ở lại và chết.

Theo RT, vùng chết thường xuất hiện ở nơi nước nông và không có nhiều xáo trộn. Trong khi đó, đặc điểm ở Đại Tây Dương hoàn toàn khác, cần giải thích của các nhà khoa học.

Vùng chết “ngụy trang” bằng các xoáy nước, có thể xoáy liên tục trong nhiều tháng. Những cấu trúc này hình thành một bức tường ngăn quanh vùng lõi, nơi diễn ra quá trình làm cạn kiệt oxy. Nhóm chuyên gia lo ngại sự tồn tại của vùng chết ở Đại Tây Dương có thể ảnh hưởng đến đời sống của con người trên cạn, đặc biệt là ở Cộng hòa Cabo Verde.

“Tốc độ quay nhanh của xoáy nước khiến việc trao đổi oxy qua ranh giới giữa dòng nước quay và đại dương ở xung quanh khó khăn hơn. Hơn nữa, quá trình này tạo ra một tầng rất nông ở phía trên vùng nước xoáy có ích cho sự phát triển của thực vật”, tác giả Johannes Karstensen của Đại học Bremen, Đức, nói.

Những khu vực cạn kiệt oxy có tồn tại trong tự nhiên và từng được phát hiện dọc theo vùng ven biển đông dân cư, ngoài khơi bờ biển phía đông và phía nam của Mỹ, biển Baltic. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên vùng chết được quan sát dưới đại dương.

 

Theo VnExpress