Phát triển kỹ năng của trẻ qua trò chơi giác quan

Với bất cứ ai, những sự kiện gắn liền với cảm xúc thường được nhớ đến rất lâu, ví như giai điệu bài hát tuổi thơ, mùi thơm nồng của hoa sữa góc phố hay chỉ đơn giản là vị tê lạnh của chiếc kem đầu tiên trong đời. Trên thực tế, cảm xúc ảnh hưởng tới hầu hết mọi hoạt động của chúng ta.

Khi lớn lên, lúc tình cờ bắt gặp những cảm giác thân quen (hương vị, mùi thơm…) thì ngay lập tức não bộ của bạn sẽ “tua”lại những sự kiện đặc biệt trong quá khứ có liên quan đến những cảm giác này. Chính vì thế, để nuôi dưỡng và phát triển kỹ năng toàn diện ở trẻ, hãy bắt đầu từ những trò chơi giác quan.

Phát triển giác quan sẽ giúp bé phát triển toàn diện não bộ và thể chất
(Nguồn: Learning for kids)

Vậy trò chơi giác quan (sensory play) là gì?

Nói một cách dễ hiểu đây là những hoạt động nhằm kích thích các giác quan ở trẻ như nghe, nhìn, sờ, nếm và ngửi. Thông qua những trò chơi, trẻ học hỏi, khám phá và tìm hiểu thế giới xung quanh. Ví dụ cho trẻ sờ vào đá lạnh, nước nóng để trẻ cảm nhận được nhiệt độ, chơi với gạo, đậu để kích thích xúc giác hay nghịch màu nước bằng tay để cảm nhận màu sắc.

Bằng cách tạo nên một không gian an toàn và tự do khám phá những nguyên vật liệu xung quanh sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về ngôn ngữ, cảm xúc, tinh thần và vận động.

Nhận thức

Một trong những phát triển kỹ năng nhận thức dễ nhận thấy nhờ các trò chơi giác quan chính là khả năng tự đưa ra quyết định và tự giải quyết vấn đề. Nếu bạn đưa cho trẻ một vài nguyên vật liệu kèm “rắc rối” cần giải quyết và quan sát trẻ, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy cách trẻ “làm việc”, cân nhắc và đưa ra quyết định. Ví dụ trong trò “Tấm nhặt thóc”, từ 1 bài toán bạn đưa là 1 chiếc bát với nhiều loại hạt trộn lẫn với nhau, trẻ cần tự phân biệt các loại hạt (cúc áo, đỗ đen, đỗ xanh) với các kích cỡ màu sắc khác nhau

Trò chơi với những cúc áo được nhiều phụ huynh chọn lựa cho con

Ngôn ngữ

Trò chơi giác quan khuyến khích khả năng mô tả và biểu lộ ý nghĩ, cũng như sự kết nối giữa từ ngữ và đồ vật. Giống như được học tập cùng giáo cụ trực quan, trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận cũng như hiểu rõ một ngữ nghĩa nào đó nếu như được trực tiếp cảm nhận. Ví dụ kem gắn liền với lạnh và ngọt, quả cà chua gắn liền với màu đỏ…Thông qua thực tế, trẻ sẽ tiếp thu nhanh và học nói cũng nhanh hơn so với việc được học 1 từ mang nghĩa “rỗng” (từ không gắn liền với 1 ngữ nghĩa nào đó mà trẻ từng biết)

Giao tiếp xã hội và xúc cảm

Khác với những đồ chơi có sẵn, với những trò chơi giác quan thường không giới hạn cách chơi nên trẻ hoàn toàn có thể thoải mái sáng tạo và tìm hiểu. Điều này giúp trẻ tự tin hơn về bản thân. Ví dụ với trò chơi với các loại hạt khô, đôi khi bạn chỉ cần chuẩn bị 1 bát gồm rất nhiều loại hạt khô và đưa cho trẻ khám phá. Trẻ có thể tự tìm hiểu sự khác nhau giữa các loại hạt thông qua nhìn, sờ (thậm chí là nếm) hoặc đơn giản trẻ tự học các múc hạt vào bát kim loại và thích thú lắng nghe tiếng lạo xạo của hạt khô phát ra khi chạm vào thành bát.

Gạo cũng có thể làm trò chơi cho con

Mặt khác, những trò chơi giác quan có thể chơi một mình đơn lẻ, cũng có thể chơi cùng nhiều bé khác nhau (mà không sợ trẻ tranh giành đồ chơi), điều này sẽ thúc đẩy khả năng tương tác, làm việc theo nhóm ở trẻ.

Sáng tạo

Đây là điều được coi là “hiển nhiên” bởi không bị gò ép, trẻ hoàn toàn ở thể tự chơi theo cách mà mình muốn. Trong trò chơi giác quan, quá trình được đánh giá cao hơn là kết quả, nói cách khác việc trẻ sử dụng các nguyên liệu như thế nào quan trọng hơn rất nhiều so với những gì trẻ làm được. Điều này bạn có thể thấy rất rõ thông qua các trò chơi với đất nặn hay màu vẽ.

Thể chất

Không chỉ phát triển não bộ, những trò chơi giác quan cũng cần ở trẻ sự khéo léo, sự phối hợp nhiều bộ phận và hoạt động “cơ bắp”, ví dụ như trò chơi với nước hay ghép hình hay xây lâu đài cát.

Một số nguyên vật liệu thường dùng trong các trò chơi giác quan

Nguyên liệu sử dụng trong các trò chơi giác quan rất đa dạng và gần như không có giới hạn. Theo đó, các trò chơi giác quan cũng rất sáng tạo, phong phú dễ thiết kế. Bạn có thể tự làm các dụng cụ và tự thiết kế trò chơi cho bé hoặc cũng có thể mua các bàn chơi giác quan (sensory table) có bán sẵn tại các cửa hàng đồ chơi.

Một mẫu bàn dùng trong các trò chơi giác quan

Các nguyên liệu có thể rất thân quen với cuộc sống gia đình như bột mì, cát, gạo, các loại đậu, mì ống (pasta chưa nấu), đá, sỏi, gỗ…tới các vật liệu ướt như nước, xà phòng, kem, nước đá, các nguyên liệu tạo hình như đất nặn, bột nặn hoặc các đồ được bán sẵn dành riêng cho các trò chơi giác quan như mô hình các con thú, đồ vật.

 

Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo trên chuyên mục Làm mẹ để nắm cụ thể và chi tiết hơn về một số trò chơi giác quan bạn có thể tự thiết kế và cùng chơi với bé.

Phong Anh