“Phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi”

Nên làm gì khi bị chê bai?

Bị nhận lời chê chẳng ai mong muốn cả. Thế nhưng nếu bạn không hoàn thành công việc, trễ deadline hoặc vi phạm vào quy chế của công ty thì những lời khiển trách sẽ không tránh khỏi. Hoặc có những khi, những lời chê bai dành cho bạn thực sự chẳng rõ vì lý do gì hay chỉ đơn thuần là một âm mưu “dìm hàng” nơi công sở. Những lúc như thế, bạn nên làm gì để đối diện những lời chê?

Nên làm gì khi bị chê bai?

Đừng vội phản kháng

Lắng nghe luôn là một kĩ năng tối quan trọng trong cuộc sống nói chung và môi trường công sở nói riêng. Việc bạn bị nhận những lời chỉ trích đương nhiên là chẳng dễ chịu chút nào, nhưng nếu họ đang chỉ trích bạn, mà cũng nhảy dựng lên để phản bác thì sự việc sẽ có nguy cơ “bùng nổ” cả giận mất khôn và sẽ có những diễn biến theo chiều hướng xấu.

Vậy bạn nên làm gì khi đột ngột bị chê bai? Hãy hít một hơi thật sâu, từ từ thở ra và nén lại sự tức giận của mình. Im lặng nghe đối phương nói hết. Việc im lặng và lắng nghe sự chê bai khi đó sẽ khiến bạn bình tĩnh hơn khi nhận định  động cơ của người đang lên tiếng chỉ trích bạn, cũng là cợ hội để bạn nhìn nhận lại những lỗi của bản thân mình.

Nhìn thẳng vào mắt người đang chỉ trích bạn

Đừng quay ngang quay ngửa, đừng cúi gằm mặt xuống như khẳng định tất cả. Hãy nhìn thẳng vào mắt người đang chỉ trích bạn, hành động đó sẽ khiến họ hiểu bạn đang tiếp thu những lời chỉ trích một cách rõ ràng. Nhìn nghiêm túc và cầu thị, không phải là thái độ xách mé, sẵn sàng đương đầu. Bạn hiểu sức mạnh của ngôn ngữ qua ánh mắt, đúng không nào?

Đừng vội bảo vệ cái Tôi của mình

Tất nhiên, việc này thực sự khiến bạn khó chịu. Vì bạn cũng biết đầy rẫy những lỗi lầm của người đang chê bai bạn, thế nhưng sẽ chẳng hay ho chút nào nếu như bạn vạch tội người ta và dìm hàng lại để bảo vệ cái Tôi của mình.

Câu chuyện khi ấy sẽ càng khiến bạn khó kiểm soát hơn vì bản thân người đang chỉ trích bạn cũng rất muốn dìm hàng bạn thảm hại hơn nữa.

Bình thản

Nếu bạn ý thức được giá trị năng lực của bản thân, biết được điểm mạnh điểm yếu của mình thì việc khen chê sẽ khiến bạn ít bị ảnh hưởng.

Có câu “phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là vĩnh cửu”. Dù hôm nay có thể bạn làm sai, nhưng điều đó không có nghĩa bạn là kẻ vô dụng. Vì thế, hãy tin vào giá trị bản thân mình và không bao giờ mất tinh thần trước những lời khiển trách, cho dù chúng khiến tâm trạng của bạn thực sự tồi tệ.

“Phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi”

Không tỏ thái độ khinh khi đối phương

Cho dù họ vừa đưa ra một quan điểm ngược chiều với bạn, thậm chí bạn biết đó là 1 tư tưởng “thiếu não” nhưng bạn hãy kìm chế thái độ của mình. Ai cũng có quan điểm riêng và họ xứng đáng được tôn trọng, bạn có quan điểm của riêng bạn và họ cũng thế. Đừng vì chuyện họ không cùng quan điểm với bạn mà tỏ ra bất mãn hay khinh khi, điều đó khiến bạn mất đi tính khách quan cần có cho chính bản thân mình khi nhìn nhận một vấn đề trong cuộc sống.

Hãy tìm ra phương pháp, đừng nên đổ thừa hoặc lấp liếm

Trước lời chê bai, nhận xét tiêu cực, ngoài thời gian tự vấn, bạn nên có động thái chủ động hơn trong việc giải quyết vấn đề đó thay vì bực bội và đổ thừa cho tác nhân ngoại cảnh. Ví dụ nếu họ hỏi bạn một phương án để giải quyết sự tồi tệ mà bạn vừa gây ra, bạn hãy cho họ một câu trả lời cụ thể trong ngày nào và hết mình sửa sai (nếu bạn thực sự làm sai).

Nếu lời chê bai về thái độ sống của bạn, hãy nghiêm túc nhìn nhận lại mình, nếu bạn thấy mình ổn, hãy nhã nhặn nói với đối phương  rằng bạn sẽ tiếp thu và sửa chữa dần dần cho phù hợp. Một câu nói tránh đi để kết thúc sự mâu thuẫn, dù bạn có thay đổi hay không lại là việc khác. Nhưng việc kết thúc chỉ trích bằng một hành động tiếp thu và hứa sẽ sửa chữa luôn khiến câu chuyện lắng xuống, tránh được nguy cơ phóng đại hóa mọi chuyện.

Phương Triệu

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.