Phòng ngủ đẹp xinh trên tầng áp mái

Thông thường, ở tầng áp mái, người Việt sử dụng như một gác xép để lưu trữ đồ đạc, ít ai nghĩ đến việc sẽ sử dụng không gian đặc biệt này làm nơi nghỉ ngơi cho gia đình. Tuy nhiên, nếu khéo léo trang trí, sắp xếp cũng như tạo dấu ấn phong cách cho không gian, bạn sẽ vô cùng bất ngờ và thích thú khi được nghỉ ngơi ở căn phòng áp mái.
​​

Đặc trưng của tầng áp mái

Tầng áp mái là tầng cao nhất của mỗi ngôi nhà, nhưng lại có chiều cao khá hạn chế với mái dốc, gồ ghề. Bên cạnh đó, tầng áp mái so với các tầng khác thường có nhiệt độ cao hơn về mùa hè và thấp hơn vào mùa đông. Tầng áp mái có thể khá tối tăm hoặc khá sáng do thiết kế không cửa hoặc nhiều cửa sổ trên mái. Đây cũng là không gian không có sự cân đối ở mọi góc cạnh, khiến bạn khá đau đầu trong việc tạo thêm chức năng hữu ích, sử dụng không gian hợp lý.
Với những đặc trưng được xem như hạn chế cơ bản của tầng áp mái, bạn vẫn có thể tìm được những giải pháp khắc phục giúp mọi người có được khoảng không gian nghỉ ngơi riêng tư, yên tĩnh, lãng mạn trong căn phòng này.

Khắc phục hạn chế cho tầng áp mái

Ốp trần: Để “hạ” nhiệt cho tầng áp mái, tăng thêm không khí mát mẻ, trong lành, bớt sự ngột ngạt, khó chịu cho căn phòng, bạn có thể sử dụng phương án ốp trần. Trần được ốp theo dáng dốc của áp mái với nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, thạch cao, giấy dán tường…  
Sơn màu sáng: Căn phòng áp mái dù mặt bằng sàn khá rộng rãi nhưng hạn chế về chiều cao khiến khi bạn nhìn tổng thể không gian, không tránh khỏi sự tù túng, chật hẹp. Bởi vậy, hãy ưu tiên trang trí tường, trần với sơn hoặc giấy dán tường màu sáng. Những gam màu pastel nhẹ nhàng hay những gam màu bắt sáng như be, xám nhạt, trắng… sẽ giúp bạn mở rộng tối đa không gian về mặt thị giác.
Thêm rèm cửa giảm nhiệt: Để giảm bớt nhiệt độ nắng nóng vào mùa hè, bớt đi những luồng gió lạnh giá vào mùa đông cũng như chủ động trong việc điều chỉnh ánh sáng, bạn có thể nghĩ đến việc sử dụng rèm chắn sáng cho cửa sổ. Với những khung cửa sổ có kích thước lớn, bạn hãy sử dụng rèm vải với chất liệu dày dặn, ít hoa văn nổi tránh bám bụi. Với khung cửa sổ nhỏ, bạn chỉ nên sử dụng loại rèm kéo, rèm lật hay mành mây, tre đơn giản, vừa tạo không gian thoáng mát vừa giúp căn phòng bớt đi sự rườm rà không cần thiết.
Lát sàn bằng các vật liệu mát: Thông thường, sàn nhà của phòng ngủ trên tầng áp mái được thiết kế với thảm trải sàn, tránh cho việc đi lại gây tiếng ồn cho các không gian phía dưới. Tuy nhiên, với những căn phòng không sử dụng điều hòa, việc lắp đặt thảm trải sàn không còn là phương án hợp lý. Hãy chú ý đến các chất liệu tạo không gian mát mẻ, dễ chịu cho người sử dụng như sàn gỗ, sàn gạch, sàn đá…

Tạo vẻ đẹp tiện nghi cho phòng ngủ

Phòng ngủ trên tầng áp mái cần được “xem xét” để tạo nên không gian tiện nghi, hiện đại, là nơi mọi người muốn nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc, căng thẳng. Để làm được điều đó, phòng ngủ cần được bố trí cẩn thận, thêm một chút tỉ mẩn, cầu kỳ để không gian luôn đẹp mắt và thoải mái khi sử dụng.
Cách trang trí đơn giản nhất cho phòng ngủ đó là thêm tranh treo tường. Để không bị “loãng” cho không gian áp mái, bạn chỉ nên lựa chọn tranh cỡ bé, vừa vặn khi treo gần giường ngủ hoặc gần lối vào phòng với màu sắc nhẹ nhàng, chủ đề đời thường, quen thuộc.
Bên cạnh việc treo tranh, bạn có thể tô điểm cho không gian bằng họa tiết, màu sắc bắt mắt của rèm cửa hoặc thảm trải sàn. Nên chọn loại rèm và thảm có họa tiết ấn tượng, có sự đồng bộ về màu sắc, tăng tính thẩm mỹ cùng vẻ đẹp đáng yêu, xinh xắn cho không gian nghỉ ngơi trên tầng áp mái.
Ngoài ra, với những không gian có trần cao, bạn nên nghĩ đến phương án lắp đặt đèn chùm với kiểu dáng đơn giản. Đèn chùm đóng vai trò là trang sức cho căn phòng, giúp không gian thêm điểm nhấn sang trọng, tinh tế. Nếu trần áp mái thấp, bạn có thể nghĩ đến phương án sử dụng đèn bàn với màu sắc tương tự với màu nhấn của căn phòng. Đèn bàn đặt bên cạnh giường ngủ cũng sẽ giúp cho nơi nghỉ ngơi thêm đáng yêu hơn.

Phòng ngủ áp mái dành cho hai hoặc nhiều người

Vì nhiều lý do khác nhau, để bạn đưa ra quyết định cuối cùng, đó là thiết kế phòng ngủ dành cho hai hoặc nhiều người trên tầng áp mái. Dù phòng áp mái rộng rãi hay chật chội, thì bạn vẫn nên chọn lựa vị trí tường sát mái để đặt giường ngủ. Thông thường, bạn có thể đặt hai giường ở hai bên sát mái tạo vẻ đẹp đối xứng, gọn gàng cho không gian. Bên cạnh đó, kiểu giường thấp và đơn giản về mặt thiết kế sẽ phù hợp với không gian áp mái.
Giường ngủ trong phòng áp mái nên lựa chọn loại giường đa năng, có thêm chức năng cất trữ đồ, giúp vô số những đồ đạc lặt vặt, không tên được cất trữ gọn gàng, ngăn nắp, giúp không gian bớt đi sự lộn xộn, góp phần giảm bớt nhiệt cho căn phòng.
Với phòng ngủ áp mái cho nhiều người, cần chú trọng nhiều hơn đến khoảng diện tích đi lại trong không gian. Bên cạnh đó, cần tạo sự tách biệt rõ ràng cho hai hoặc nhiều giường, giúp mọi người có được sự riêng tư cần thiết ngay khi sử dụng cùng chức năng trong cùng một căn phòng.

Phòng ngủ áp mái cho một người

Phòng áp mái có thể tạo thành khoảng không gian riêng tư cho một người khi họ cần một khoảng diện tích tách biệt, tương đối thoải mái cho những hoạt động cá nhân hàng ngày. Với phòng ngủ dành cho một người, bạn lại nên đặt giường ở vị trí gần cửa sổ hoặc ở vị trí có ưu thế về chiều cao nhất phòng. Các góc nhỏ, thấp trong phòng được nhường cho việc sắp xếp những nội thất, phụ kiện cần thiết khác.
Dù thiết kế cho một hoặc nhiều người ở, với khả năng sinh nhiệt và tỏa nhiệt nhanh của tầng áp mái, bạn cũng nên tiết chế việc thêm quá nhiều nội thất, phụ kiện, đồ dùng không cần thiết. Sự lộn xộn cùng số lượng nội thất nhiều như các căn phòng thông thường sẽ góp phần khiến nhiệt độ tăng cao, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như chất lượng giấc ngủ của người sử dụng phòng.

Phòng ngủ áp mái dành cho bé

Phòng ngủ cho bé có một chút khác biệt so với phòng của người lớn, đó chính là ngoài việc bố trí giường ngủ, bạn cần sắp xếp thêm nơi cất trữ đồ chơi, quần áo, nơi vui chơi và nơi học tập. 
Hãy chọn một góc khuất nhất trong phòng để lắp đặt giường ngủ. Ưu tiên vị trí thoáng sáng cho nơi vui chơi và học tập của bé. Nếu không gian thiếu sáng, bạn có thể nhờ sự hỗ trợ của những gam màu sáng và yếu tố chiếu sáng nhân tạo để đảm bảo hoạt động hằng ngày cho bé.
Lục Bảo
Ảnh: Tổng hợp

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.