Phụ nữ mang thai vẫn nên tiêm phòng cúm

Phụ nữ mang thai thường dễ bị mắc bệnh cúm hơn bình thường
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 5% – 10% tỉ lệ người trưởng thành và 20% – 30% trẻ em (tương đương 500.000 – 1,5 tỉ người) mắc bệnh cúm, trong đó 3-5 triệu người bị nặng, có dấu hiệu biến chứng và khoảng 250.000 – 500.000 trường hợp tử vong trên toàn thế giới (số liệu cập nhật tháng 3/2014).
Cúm là bệnh phổ biến và thường gặp nhưng khi biến chứng có thể gây tử vong
(Ảnh minh họa)
Ở Việt Nam, từ tháng 9 trở đi, bệnh cúm thường xuất hiện nhiều nhất trong năm và phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 2 tuổi, người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh mãn tính về đường hô hấp là những đối tượng dễ bị mắc bệnh nhất. 
Đối với phụ nữ đang mang thai, hệ miễn dịch thường bị suy giảm nên dễ lây bệnh truyền nhiễm do vi rút và nếu đã mắc bệnh thì thường sẽ nặng hơn những người bình thường. Nghiêm trọng hơn, phụ nữ mắc cúm khi mang thai có thể gây ra ảnh hưởng xấu tới thai nhi, đặc biệt ở những tháng đầu của thai kỳ như sảy thai, thai lưu, sinh non hoặc gây ra các dị tật thai nhi.
Mang thai không được tiêm phòng cúm là quan niệm sai lầm
Để ngăn ngừa bệnh cúm, cách phòng tránh tốt nhất là tiêm phòng. Tuy nhiên hiện nay rất nhiều phụ nữ khi mang thai thường rất e ngại việc tiêm phòng cúm và cho rằng việc tiêm phòng sẽ làm ảnh hưởng tới thai nhi. Thậm chí, tại một số cơ sở tiêm phòng cũng đã đưa ra lời khuyến cáo tương tự tuy nhiên đây là một khuyến cáo không chính xác. 
Tiêm phòng là biện pháp ngăn ngừa cúm hiệu quả nhất
(Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, Giám đốc y khoa, phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare: “Việc chích ngừa cúm ở phụ nữ đang mang thai không những an toàn mà còn có lợi về nhiều mặt. Nó giúp ngừa cúm và các biến chứng nặng của cúm ở bà mẹ mang thai và cũng giúp ngừa được cúm ở bé nhũ nhi, đặc biệt là trong 6 tháng đầu đời của bé, trước khi bé được tiêm mũi cúm đầu tiên lúc 6 tháng tuổi. Bởi vì kháng thể bà mẹ tạo ra sau khi chích cúm sẽ được truyền cho bé qua nhau thai. Một số nghiên cứu cho thấy đứa bé sanh ra từ bà mẹ có chích ngừa cúm trong thai kỳ sẽ giảm nguy cơ bị cúm và nhập viện do cúm trong mùa cúm đầu tiên”
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến nghị người dân nên tiêm phòng cúm hàng năm đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ mắc cúm cao, bao gồm:
Phụ nữ mang thai  (có thể tiêm phòng ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ)
Trẻ em từ 6 tháng – 5 tuổi
Người già trên 65 tuổi
Người mắc bệnh mãn tính, có sức đề kháng kém
Nhân viên y tế
Nếu bị cúm, chữa bằng cách nào?
Tiêm phòng là cách hữu hiệu để phòng tránh cúm, tuy nhiên điều đó không có nghĩa người đã tiêm phòng có thể tránh hoàn toàn được bệnh. Bởi sau khi tiêm phòng, cơ thể cần một thời gian nhất định (ít nhất 1 – 2 tuần) để sản sinh kháng thể do đó nếu các mẹ bầu tiếp xúc với nguồn lây nhiễm trước khi tiêm phòng hoặc trong thời gian mới tiêm phòng thì nguy cơ phát bệnh vẫn rất cao.
Trong trường hợp bị mắc cúm trong thời gian mang thai, các mẹ cần thực hiện một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, theo dõi sát sao diễn biến của bệnh. Đối với các loại cúm thông thường, người mắc bệnh có thể tự khỏi sau 1 tuần nếu được chăm sóc, dinh dưỡng và nghỉ ngơi. Do đó, người bệnh không cần phải dùng thuốc. Trong trường hợp này, các mẹ bầu cũng có thể áp dụng các bài thuốc dân gian an toàn (như dùng nước gừng mật ong, tỏi, cháo trứng tía tô…) kết hợp sử dụng nước muối sinh lý súc miệng và vệ sinh mũi.
Đối với phụ nữ mang thai, việc sử dụng thuốc cần hết sức thận trọng và trong trường hợp bệnh nặng, có dấu hiệu biến chứng, người bệnh bắt buộc phải thăm khám và tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc.
Phong Anh
logo smaill

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.